Haèng thuaän chuùng sanh
Tuyø hyû coâng ñöùc

tinhdo.edu.vn

KINH TỨ THẬP HOA NGHIÊM PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN, CHƯƠNG CÁT TƯỜNG VÂN TỲ KHEO GIẢNG GIẢI - TẬP CHÍN

KINH TỨ THẬP HOA NGHIÊM

PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN,

CHƯƠNG CÁT TƯỜNG VÂN TỲ KHEO

GIẢNG GIẢI

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP CHÍN
 

Xin mở quyển Kinh, trang thứ hai mươi lăm, dòng thứ bốn, đọc từ chính giữa.

Hai môn thứ ba và thứ bốn chính là niệm Đức Phật trong bản tánh, gọi là trí thân, vì Phật lấy trí huệ làm bản tánh. Đây chính là lời giải thích cho câu thứ ba và thứ bốn của Kinh Văn trong phần trước, chúng ta hãy đọc câu kế tiếp cho dễ giảng hơn một chút.

Môn trước là thập lực trí, môn sau là vô ngại trí. Đối với trí thì gọi hiểu rõ là thấy. Chúng tôi đã giảng đến chỗ này. Tiền là câu thứ ba, hậu là câu thứ bốn, chúng ta không cần đọc lại đoạn Kinh Văn trong đoạn trước.

Theo danh từ triết học hiện thời, bản tánh được gọi là bản thể, tức bản thể của vũ trụ vạn hữu. Triết học gia tuy lập ra danh từ, thuật ngữ này, nhưng dựa theo thực tại chân tướng sự thật để nói thì họ vẫn chỉ sờ soạng, nói chung là họ tưởng tượng vũ trụ do đâu mà có, nói chung, họ suy luận vũ trụ phải có căn nguyên, rồi gọi căn nguyên ấy là bản thể.

Nhưng trong Phật Pháp đại thừa, đối với chuyện này, Chư Phật Như Lai thật sự hiểu rõ, thật sự thấy rõ ràng. Trong Bộ Kinh này, cảnh giới ấy được gọi đại bất khả tư nghị giải thoát cảnh giới cảnh giới giải thoát to lớn chẳng thể nghĩ bàn. Gọi là đại bất tư nghị nhằm đối ứng với những gì được nói trong Kinh Duy Ma.

Cảnh giới trong Kinh Duy Ma được gọi là tiểu bất tư nghị bởi cảnh giới được nói trong Kinh ấy mang tánh chất cục bộ, còn cảnh giới được giảng trong Kinh này là viên mãn. Bản tánh mới thật sự là chính mình, mới là con người gốc, ý nghĩa này rất khó hiểu.

Thiền Tông đạt đến cảnh giới tối hậu, thường gọi là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh chính là thấy được Bản Tánh Phật. Cái thân thấy được do kiến tánh chính là thân trí huệ, trong phần trên chúng tôi đã nói thân trí huệ thuộc về Báo Thân.

Trí huệ chẳng phải do từ bên ngoài có mà là sẵn có trong tự tánh, vấn đề này trước hết vẫn phải từ nơi bản tánh mà nói, rất khó nói, đương nhiên nghe cũng không dễ hiểu. Trong Kinh thường dùng tỷ dụ để chúng ta thấu hiểu được điều này. Ví như nằm mộng, tôi nghĩ mỗi vị đồng tu đều có kinh nghiệm nằm mộng.

Nếu như khi quý vị tỉnh giấc mộng, quý vị bèn suy nghĩ: Những cảnh giới trong mộng do đâu mà có?

Có nghĩ tới chuyện này hay chăng?

Người học Phật phải thường lãnh hội từ chỗ này thì quý vị sẽ dễ khai ngộ hơn. Trong phần trên, tôi đã thưa với quý vị, Bồ Tát sau khi kiến tánh liền chứng được pháp thân.

Pháp thân là gì?

Pháp thân là nói theo phương tiện sở chứng, năng chứng chủ thể để chứng là trí huệ, sở chứng cái được chứng là pháp thân thanh tịnh. Pháp là vũ trụ vạn pháp, chẳng những là hết thảy pháp trong mười pháp giới mà còn bao quát hết thảy pháp trong nhất chân pháp giới.

Y báo, chánh báo trang nghiêm nơi Thế giới Hoa Tạng của Tỳ Lô Giá Na Phật trong Kinh Hoa Nghiêm, Thế Giới Tây Phương Cực Lạc của A Di Đà Phật do đâu mà có?

Đều do tự tánh biến hiện. Giống như một người nằm mộng, cảnh giới trong mộng đều do tự tánh của chúng ta biến hiện.

Nếu quý vị thật sự giác ngộ, vậy thì phải hỏi quý vị, thứ gì trong mộng là cái thân của quý vị?

Cũng có thể nói bất cứ thứ gì trong mộng cũng đều là chính quý vị hay chăng?

Cảnh giới nào trong mộng chẳng phải là chính quý vị?

Nếu quý vị hiểu rõ cảnh trong mộng toàn là do tự tánh biến hiện, bản thân ta trong giấc mộng là chính mình, mà kẻ khác trong giấc mộng vẫn là chính mình, núi, sông, đại địa, hư không, Thế giới trong giấc mộng cũng là chính mình, đấy gọi là toàn chân tức là vọng, toàn vọng tức là chân.

Do Chư Phật, Bồ Tát biết chân tướng sự thật này, tận hư không, trọn pháp giới là chính ta, ngoài chính ta ra, tìm không được một món thứ hai nào cả. Do vậy, tâm từ bi của họ tự nhiên dấy lên, lòng từ bi ấy gọi là vô duyên đại từ, vô duyên nghĩa là không có điều kiện.

Nay chúng ta gọi từ bi là yêu thương, che chở chúng sanh, quan tâm tới chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh không điều kiện.

Vì sao không điều kiện?

Ta và người chẳng hai. Giúp người khác tức là giúp chính mình, chẳng những ta người không hai, thưa với quý vị, còn là sanh Phật bất nhị. Sanh là chúng sanh, chúng ta nay đang là chúng sanh, Phật là A Di Đà Phật, là Tỳ Lô Giá Na Như Lai, hết thảy Chư Phật Như Lai, chúng ta và các Ngài cũng không hai.

Không hai như thế nào?

Thân ta đây do tự tánh biến hiện, thân Chư Phật cũng do tự tánh ấy biến hiện. Năng biến chủ thể để biến là một, sở biến cái được biến hiện ngàn vạn sai khác.

Vì sao có nhiều sai biệt như thế?

Cội nguồn của hiện tượng sai biệt là do phân biệt, vọng tưởng, chấp trước. Trong Kinh này, Đức Phật nói rất hay. Tất cả tướng của hết thảy cảnh giới chỉ do tâm hiện, chỉ do thức biến. Tâm có thể hiện ra cảnh giới, giống như cảnh giới trong mộng là do tâm hiện. Những cảnh giới được dấy lên trong mộng ấy biến hóa rất nhiều, đấy là tác dụng của thức.

Thức là tác dụng của vọng tưởng, phân biệt, tách lìa vọng tưởng, phân biệt thì hết thảy những tướng biến hóa ấy sẽ không còn nữa.

Không có biến hóa thì là có tướng hay không có?

Có tướng, có thể, có tác dụng, ấy mới là thật sự viên mãn. Do vậy học Phật thì chuyện đầu tiên là phải mở rộng tâm lượng.

Quý vị thấy Phật, Bồ Tát khởi tâm động niệm đều là vì hết thảy chúng sanh trong tận hư không, trọn pháp giới, ý niệm của các Ngài nằm ở chỗ này, chứ chẳng vì một cá nhân ta, cũng chẳng vì gia đình ta, vì một đoàn thể nhỏ của ta, chẳng vì những thứ ấy.

Khởi tâm động niệm đều là hư không pháp giới, chẳng bỏ sót chúng sanh nào. Trí huệ như vậy mới là viên mãn. Không phải là chúng ta không có trí huệ.

Trí huệ của chúng ta viên mãn giống như trí huệ của Chư Phật, vì sao nay lại biến thành ngu si như thế, trí huệ đi về đâu rồi?

Phật dạy chúng ta: Trí huệ của chúng ta trọn chẳng hoàn toàn biến mất, chỉ là vì có những chướng ngại nẩy sanh trong ấy khiến cho trí huệ của chúng ta chẳng thể khởi tác dụng được, chẳng tỏ lộ được.

Chướng ngại là gì?

Chúng ta nhất định phải hiểu điều này. Đức Phật đã quy nạp vô lượng vô biên chướng ngại thành hai loại lớn, một loại là phiền não chướng, loại kia là sở tri chướng.

Do đâu có phiền não?

Do chúng ta chấp nhặt, có quan niệm sai lầm, tưởng cái thân chính là ta nên phiền não nẩy sanh. Sở tri chướng do pháp chấp mà có, ngỡ hết thảy Vạn Pháp là thật có, đấy là sai lầm.

Kinh Kim Cang đã giảng rất minh bạch: Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh. Như lộ, diệc như điển. Ưng tác như thị quán hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt bóng, như sương, cũng như chớp. Hãy nên quán như thế. Bài kệ này của Kinh Kim Cang đã được các khoa học gia hiện thời chứng thực.

Hiện thời người ta nghiên cứu vật lý học không gian, nghiên cứu lượng tử lực học, thấy thực tế hết sức gần giống như những điều đã được nói trong bài kệ này của Kinh Kim Cang. Ba ngàn năm sau Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, khoa học gia mới phát hiện điều này. Từ ba ngàn năm trước, Đức Thế Tôn đã nói với chúng ta chân tướng sự thật này, chúng ta chẳng thể không bội phục.

Vì vậy, Đức Phật dạy chúng ta: Chỉ cần trừ khử chướng ngại thì trí huệ sẵn có của chúng ta liền hiện tiền. Làm thế nào để trừ khử chướng ngại, đây là một nan đề lớn. Bởi lẽ, có thể nói là hết thảy phàm phu chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay đã dưỡng thành một thói quen rất xấu, một tập quán tệ hại, tập quán ấy chính là thấy sắc nghe tiếng liền khởi tâm động niệm, rắc rối ở chỗ này.

Bản lãnh của Chư Phật, Bồ Tát là ở chỗ nào?

Các Ngài thấy sắc nghe tiếng, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, sai biệt ở chỗ này. Chúng ta phải mặc áo, ăn cơm, Chư Phật, Bồ Tát cũng phải mặc áo, ăn cơm. Chúng ta mỗi ngày làm việc, Phật, Bồ Tát cũng làm việc.

Nói cách khác, chẳng khác gì nhau cả. Chỗ bất đồng là dụng tâm khác nhau. Các Ngài dùng chân tâm, chúng ta dùng vọng tâm, vọng tâm có chướng ngại, chân tâm không có chướng ngại.

chân tâm là gì?

Vọng tâm là gì?

Kinh đại thừa đã giảng rất nhiều, đặc biệt giảng tường tận là Kinh Lăng Nghiêm.

Cổ nhân nói: Lăng Nghiêm khai trí huệ. Câu nói này chẳng phải là không có đạo lý.

Kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta bỏ thức dùng căn, nhằm bảo cụ thể với chúng ta: Chư Phật, Bồ Tát dùng chân tâm, chân tâm là gì?

Căn tánh trong lục căn chính là chân tâm, nhưng chúng ta sử dụng gì?

Chúng ta dùng sáu thức, thức là gì?

Thức là chân tâm bị ô nhiễm, nên gọi là thức.

Bị ô nhiễm bởi gì?

Bị ô nhiễm bởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, biến thành thức. Thức là vọng tâm. Phương pháp tu hành trong đại thừa rất nhiệm mầu mà cũng hết sức cao minh.

 Trong bản Chú Giải Kinh Lăng Nghiêm, Đại Sư Giao Quang, bản Chú Giải của Ngài có tên là Lăng Nghiêm Kinh Chánh Mạch, đặc biệt đề xướng bỏ thức dùng căn. Ngài giảng rất minh bạch, rất rõ ràng, rất đơn giản, rất trọng yếu. Điều hết sức đáng tiếc là chúng ta tập khí quá nặng, chúng ta hiểu những đạo lý ấy, cũng hiểu được phương pháp, nhưng không dụng công được.

Vì sao vậy?

Mắt thấy sắc liền phân biệt, vẫn là chấp trước, nên không có cách nào cả. Trong các buổi giảng, tôi thường khuyên lơn, khích lệ các đồng tu, tôi nói rất đơn giản, rất dễ hiểu.

Tôi khuyên mọi người mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, đừng khởi tâm, đừng động niệm, đừng phân biệt, đừng chấp trước, nói như vậy càng đơn giản, càng dễ hiểu hơn.

Nếu quý vị làm được bốn câu này, đấy chính là bỏ thức dùng căn như Đại Sư Giao Quang đã nói, khi ấy, quý vị thấy Sắc chẳng phải là thấy bằng nhãn thức mà là thấy tánh, thấy tánh là thấy gì?

Thấy tánh là thấy sắc tánh, chẳng phải là sắc trần. Hiện thời chúng ta dùng nhãn thức, nhãn thức thấy sắc trần, nhãn thức là vọng tâm, sắc trần là ô nhiễm.

Tánh nghe văn tánh nghe nơi thanh tánh, chẳng phải là nghe nơi thanh trần. Thiền Tông gọi đấy là minh tâm kiến tánh. Mắt thấy sắc tánh, tai nghe thanh tánh, lưỡi nếm vị tánh, chẳng gọi là lục trần, mà gọi là lục tánh.

Tông Môn nói tới minh tâm kiến tánh thì minh tâm kiến tánh là chuyện gì vậy?

Đấy chính là lục căn có thể thật sự đối trước cảnh giới sáu trần mà không phân biệt, không vọng tưởng, không chấp trước thì thành công rồi.

Tuy chúng ta chưa làm được, nhưng quý vị hiểu được nguyên lý này, hiểu được phương pháp này, hiểu được chân tướng sự thật, xem nhẹ các duyên trong cõi đời, điểm này rất quan trọng. Nếu quý vị vọng tưởng, chấp trước mỗi năm một nhạt dần, công phu của quý vị sẽ đắc lực, trí huệ của quý vị nhất định mở mang.

Vì sao?

Phiền não, vọng niệm bớt một phần, trí huệ nơi tự tánh của quý vị sẽ bộc lộ ra ngoài một phần. Vọng tưởng, chấp trước giảm được hai phần, trí huệ sẽ bộc lộ hai phần. Chẳng phải là nói ta phải đoạn sạch vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì trí huệ mới tỏ lộ, chẳng phải vậy.

Những thứ ấy có tác dụng ngược nhau, trí huệ tăng trưởng thì phiền não nhẹ bớt, phiền não tăng trưởng thì trí huệ cũng giảm ít, chuyện ấy là như vậy đó.

Trong thực tại, nếu không đổ công sức vào đây được thì Tổ sư đại đức đã dạy chúng ta thật thà niệm Phật, cách này cũng tuyệt diệu. Quý vị phải hiểu mấu chốt của niệm Phật là hai chữ thật thà.

Thế nào mới gọi là thật thà?

Thật sự buông xuống hết thảy những sự việc, những chuyện phiền phức trong tâm, mà cũng là nói có những chuyện quý vị chẳng thể không làm.

Hết thảy Chư Phật, Bồ Tát đều làm lụng, đều làm việc, chứ không phải là nói quý vị buông bỏ công việc, buông bỏ công chuyện, chẳng phải vậy. Mà là nói quý vị hãy buông những thứ lo rầu, vương vấn trong tâm xuống, đừng suy tưởng những chuyện ấy nữa.

Cũng có những kẻ nói chúng tôi làm những công việc này nọ muốn không suy tưởng thì làm sao thực hiện công việc ấy cho tốt đẹp được?

Thật ra, đấy là quan niệm sai lầm.

Quý vị suy nghĩ, dò xét, tức là sử dụng vọng tâm, tâm ý thức, tránh sao khỏi làm gì cũng đều chẳng viên mãn?

Nếu quý vị không dùng tâm tư để suy xét, khi làm thì quý vị nghiêm túc làm, khi không làm thì trong tâm sạch sẽ, một vọng niệm cũng chẳng có, tốt nhất là thật thà niệm Phật, đấy là tốt nhất.

Khi công việc đang hiện hữu, quý vị sẽ sanh trí huệ, trí huệ hiện tiền, há lẽ nào có chuyện gì lại làm không tốt ư?

So ra, trí huệ cao minh hơn suy lường nhiều lắm. Nếu quý vị không tin tưởng, trong số quý vị rất nhiều đồng tu đã theo tôi bao nhiêu năm, quý vị thấy những vị đồng tu học giảng Kinh.

Gần đây nhất có những vị xuất gia trẻ tuổi học giảng Kinh, quý vị thấy họ dùng trí suy nghĩ, dùng suy lường vào đó: Ban đêm viết bút ký đến ba bốn giờ đêm không ngủ nghỉ, dụng công như thế, nhưng khi lên giảng đài thì sao?

Khi lên giảng đài, tôi lắng nghe, họ đều không thể trình bày được ý tưởng, còn tôi thì sao?

Tôi không đọc. Về căn bản là tôi không đọc bản Kinh, tôi cũng không chuẩn bị. Đến giờ thì Pháp Sư còn có hai phút nhanh chóng mặc áo, đi tới nơi.

Tôi giảng chỗ nào cũng hợp đạo, do nguyên nhân gì vậy?

Khi chẳng giảng Kinh, trong đầu rỗng rang, vật gì cũng chẳng có. Khi mở cuốn Kinh ra thì vô lượng nghĩa, nói dài, nói ngắn, nói sâu, nói cạn, rất đại tự tại.

Đấy chẳng phải là một chứng minh rất tốt ư?

Vì sao lại muốn suy nghĩ loạn xạ?

Chuẩn bị bài giảng là suy nghĩ loạn xạ. Thế nhưng cũng rất đáng thương, khi không chuẩn bị thì khi lên giảng đài, một câu người ấy cũng không thốt ra được, họ gặp khó khăn ở chỗ này.

Nguyên nhân là do đâu?

Do tập khí phiền não quá nặng, nếu người ấy không nghĩ đến Kinh thì sẽ nghĩ ngợi đủ thứ loạn xị, chẳng thể nào không nghĩ ngợi.

Tu hành có công phu là gì?

Người có công phu tu hành không có vọng tưởng, không có ý niệm.

Quý vị phải hiểu: Không có ý niệm thì tâm thanh tịnh. Quý vị thấy Vô Lượng Thọ Kinh là thanh tịnh, bình đẳng, giác, không có ý niệm là thanh tịnh, bình đẳng, giác. Kinh Bát Nhã dạy bát nhã vô tri, đấy là chân trí huệ, vô tri là chân trí huệ, là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh khởi lên tác dụng là vô lượng trí huệ, không gì chẳng biết.

Đạo lý này rất sâu, rất rộng. Thuở trước, đại khái là khoảng mười mấy năm trước kia, tôi có một người bạn cũ, địa vị cũng rất cao, đương nhiên công việc rất bận rộn. Có một lần gặp mặt nhau, ăn cơm với nhau, ông ta nói mình đã già quá rồi khi ấy, ông ta ước chừng sáu mươi mấy tuổi, mệt mỏi quá, thể lực lẫn tinh thần đều kém trước kia.

Tôi dạy ông ta một phương pháp, tôi nói ông vào mỗi sáng sớm, hãy tịnh tọa mười phút, chẳng cần phải ngồi xếp bằng, không cần.

Ông ngồi trên sofa cũng được, ngồi thoải mái trên sofa để cho thân thể được thả lỏng, đừng có chút căng thẳng nào, trong đầu chẳng nghĩ đến thứ gì. Nếu ông ngồi mỗi sáng mười phút, tinh thần lẫn thể lực của ông rất dễ khôi phục.

Vì thân thể mệt mỏi chẳng do lao lực mà là lao tâm, vọng niệm quá nhiều, vướng mắc, lo nghĩ quá nhiều, dễ tổn thương con người nhất. Người thật sự tu hành công phu đắc lực suốt một ngày từ sáng đến tối không có vọng tưởng, đấy gọi là công phu đắc lực.

Quý vị có thể tự khám nghiệm công phu của chính mình, vọng tưởng năm nay của quý vị so với năm ngoái như thế nào?

Nếu như ít hơn năm ngoái thì quý vị có tiến bộ.

Nói thật ra, quý vị tiến bộ thì chúng tôi đều có thể thấy được, thấy từ chỗ nào?

Dung mạo quý vị nhất định mỗi năm một tươi trẻ hơn, thân thể nhất định mỗi năm mạnh khỏe hơn, công phu đắc lực đấy. Nếu quý vị học Phật nhiều năm như thế mà thân thể ngày càng yếu ớt, tướng mạo ngày càng khó coi, hỏng rồi.

Quý vị tu uổng công rồi. Quý vị tu hoàn toàn sai rồi. Đấy là những trường hợp chúng tôi thường trông thấy, thường gặp gỡ, chính mình nhất định phải biết. Tu hành không có chi khác, chính là tu cái tâm thanh tịnh, thanh tịnh, bình đẳng, giác mà.

Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta, nếu quý vị đạt được thanh tịnh, bình đẳng, giác thì sau đấy là quả báo, là vô lượng thọ, trang nghiêm.

Tôi vừa mới nói với quý vị, vô lượng thọ là thân thể mạnh khỏe, trang nghiêm là dung mạo rạng rỡ, đấy là do thanh tịnh, bình đẳng mà đạt được. Vì thế, người học Phật tu hành tối kỵ nhất là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, những thứ ấy phiền toái lắm. Do vậy, đây là trí thân.

Câu thứ ba nói tới thập lực trí là nói tới quả địa Như Lai có mười thứ năng lực đặc biệt thù thắng, chẳng những phàm phu chúng ta không thể sánh bằng, Bồ Tát cũng chẳng thể sánh bằng.

Ở đây không cần phải giảng mười lực, trước kia tôi đã nói rất nhiều rồi, nếu giảng thì hai tiếng đồng hồ cũng chưa giảng xong, cho nên lược đi. Cần phải giảng là chữ trí ở phần sau.

Thông thường chúng ta gọi là thập lực, sao ở đây gọi là trí?

Quý vị phải biết rằng: Không có trí huệ chân thật thì mười thứ năng lực sẽ chẳng thể viên mãn rốt ráo. Tất cả hết thảy những thứ đại viên mãn đều là trí huệ. Do vậy, Phật Pháp từ đầu đến cuối là cầu đạt trí huệ. Cách nói thông thường đơn giản nhất, mấu chốt nhất là tam học, giới, định, huệ tam học.

Nhân giới đắc định, nhân định khai huệ. Phật Pháp lấy trí huệ làm mục đích. Giới là phương tiện của phương tiện, mục đích nhằm khai trí huệ, định cũng là phương tiện, trí huệ hiện tiền thì mới đạt viên mãn rốt ráo. Do vậy, sau chữ thập lực có chữ trí.

Môn thứ bốn: Vô ngại trí, trí tắc minh liễu vi kiến. Cái vô ngại ấy đặc biệt là như Kinh Hoa Nghiêm nói lý sự vô ngại, sự sự vô ngại đạt đến mức viên mãn.

Ý nghĩa này, chúng tôi chưa lần nào giảng giải cặn kẽ, vì sao vậy?

Đối với hội chánh của Bộ Kinh này, lần này chúng tôi chưa giảng hội chánh ấy, vừa mở đầu liền giảng ngay hội cuối, tức là giảng năm mươi ba lần tham học. Giảng bắt đầu từ chương Thập Tín của Văn Thù Bồ Tát, phần đầu của hội này chúng tôi đã lược đi, nhưng trong tương lai chúng tôi còn có thể giảng bù, nhất định sẽ giảng viên mãn Kinh này.

Vì sao bỏ hội chánh để giảng hội cuối cùng?

Cũng là nhằm thích hợp với căn cơ của mọi người, trong hội cuối, năm mươi ba lần tham học náo nhiệt, rất thú vị, chúng ta học xong liền áp dụng được, đúng là học rồi dùng liền, thật sự có thể áp dụng vào cuộc sống để đạt được lợi ích thù thắng trong Phật Pháp.

Trí huệ là thông đạt, hiểu rõ không chướng ngại, vì thế dùng chữ kiến này, thập chủng kiến Phật mười loại thấy Phật. Cho thấy sự Thấy này trọn chẳng phải là thấy bằng mắt, mà là trí kiến thấy bằng trí, trí thông đạt, trí hiểu rõ.

Hai câu thứ năm và thứ sáu là nói tới: pháp giới Phật, gọi là pháp thân.

Trong câu Kinh Văn thứ năm và thứ sáu nơi phần trước, quý vị không giở lại phần trước cũng không sao. Chúng tôi đọc một lượt, quý vị nghe là được rồi.

Biến chiếu thập phương vô sai biệt tạng niệm Phật Môn, phổ kiến nhất thiết chư Thế giới trung đẳng vô sai biệt Chư Phật hải cố môn niệm Phật chiếu khắp các tạng không sai biệt trong mười phương, do thấy trọn khắp biển Chư Phật bình đẳng vô sai biệt trong hết thảy các Thế giới.

Đây là câu thứ năm, do vậy, môn thứ năm là: Trong hết thảy giới không có sai biệt.

Môn sau đó chính là câu thứ sáu: Nhập bất khả kiến cực vi tế xứ niệm Phật Môn, triệt kiến nhất Thiết Vi tế cảnh trung Như Lai thần biến tự tại sự cố môn niệm Phật vào trong những chỗ nhỏ nhiệm chẳng thể thấy được, do thấy thấu suốt những sự thần biến tự tại của Như Lai trong hết thảy cảnh nhỏ nhiệm.

Đây chính là: Vào trong những chỗ nhỏ nhiệm khó biết không thể thấy và tướng pháp thân, là phổ chí kiến. Phổ là phổ biến, chí là đạt tới chỗ nhỏ nhiệm nhất. Quý vị đều thấy được pháp giới là tướng phần của bản tánh. Trong Phật Pháp, đặc biệt là Kinh Hoa Nghiêm, tựa đề Kinh Hoa Nghiêm được bắt đầu bằng Đại Phương Quảng, ba chữ này nói lên thể, tướng, dụng tác dụng.

Đại là khen ngợi thể không có cách nào hình dung được, chỉ có thể dùng chữ đại để tán thán. Phương là khen ngợi hiện tướng, thể nhất định hiện tướng, đã có hiện tướng thì nhất định khởi tác dụng. Tác dụng quá rộng, quá sức rộng quảng, cho nên ba chữ Đại Phương Quảng là nói lên thể, tướng, dụng.

Trong đoạn Kinh Văn này, câu thứ nhất: Bản tánh là thể, pháp thân là tướng, những điều được nói sau đó đều thuộc về tác dụng dụng, ý nghĩa rộng rãi. Bởi lẽ, pháp giới là tướng phần của tự tánh, do tự tánh biến hiện ra.

Chúng ta thường thấy trong Kinh nói tận hư không, biến pháp giới tận hư không, trọn khắp pháp giới, nói thật ra, nghe câu ấy, đọc câu ấy, đối với ý nghĩa của câu ấy, đại đa số đều hàm hồ, mờ mịt, trọn chẳng hiểu rõ rệt.

Tận hư không, trọn khắp pháp giới, rốt cuộc hư không pháp giới ấy to tới cỡ nào?

Trong Kinh, Đức Phật đã dạy chúng ta là bất khả thuyết, bất khả thuyết, bất khả tư nghị chẳng thể nói, chẳng thể diễn tả, chẳng thể nghĩ bàn.

Hiện thời khoa học kỹ thuật phát triển, chúng ta dùng vô tuyến điện viễn vọng kính, thiên văn viễn vọng kính để thăm dò những tinh cầu ở rất xa chúng ta. Khoảng cách trong không gian được tính bằng quang niên năm ánh sáng, tức là lấy tốc độ ánh sáng đạt tới trong một năm làm đơn vị.

Khoa Học kỹ thuật hiện thời có thể thăm dò, gần như là thăm dò được ánh sáng từ mấy ức năm trước chiếu tới chỗ chúng ta, như thế là đã rất phi thường rồi.

Chúng ta thăm dò hệ ngân hà, ngoài hệ ngân hà, ngày nay chúng ta thật sự gọi đó là ngoại thái không không gian bên ngoài, nhưng trong Kinh Đức Phật đã giảng với chúng ta về một đại thiên Thế giới này, chúng ta áp dụng những kỹ thuật khoa học cận đại mà vẫn gần như chưa đạt đến một đại thiên Thế giới, làm sao hiểu được đây?

Chúng ta dựa theo cách tính toán si ngốc nhất, chứ thật ra, những con số trong Phật Pháp đều là khái lược, chẳng phải là những con số nhất định đích xác, quý vị phải biết điều này.

Trong ấy, luôn có thể tùy thời tùy chỗ mà tăng, giảm, nhân lên, chia ra, vì nguyên nhân nào?

Cảnh chuyển theo tâm, y báo chuyển theo chánh báo, nghiệp lực của chúng sanh khác nhau.

Vì thế, hoàn cảnh thường xuyên đổi dời, đâu có thể nói nhất định được?

Do vậy, những con số do Đức Phật nói đều là khái lược. Ví như Ngài nói một đơn vị Thế giới, trước kia chúng tôi cho rằng một đơn vị Thế giới là một thái dương hệ trước kia, chúng tôi luôn tưởng là như vậy, một thái dương hệ thôi.

Thế nhưng quý vị đọc phần sau bản Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có phụ thêm mấy bài viết. Cụ là một nhà khoa học, Cụ dạy môn vô tuyến điện và điện cơ máy điện tại Đại Học Bắc Dương.

Cụ nhận định, một đơn vị Thế giới được nói trong Kinh Phật chính là cái chúng ta thường gọi hiện thời là một hệ ngân hà, thật là phi thường.

Nếu một hệ ngân hà là một đơn vị Thế giới thì Kinh dạy một ngàn đơn vị Thế giới là một tiểu thiên Thế giới thì một tiểu thiên Thế giới là một ngàn hệ ngân hà, lấy đó làm đơn vị.

Sau đấy, lại gộp một ngàn tiểu thiên Thế giới thành một trung thiên Thế giới, lại lấy trung thiên Thế giới làm đơn vị, tập hợp một ngàn trung thiên Thế giới gọi là một đại thiên Thế giới. Khu vực giáo hóa của một Đức Phật gọi là tam thiên đại thiên Thế giới, bởi vì trong ấy có tiểu thiên, trung thiên, đại thiên chứ trọn chẳng phải là nói một đại thiên Thế giới chỉ có ba ngàn cõi.

Nếu hiểu tam thiên đại thiên là ba ngàn cõi đại thiên thì như vậy là quý vị lại lầm rồi. Tam thiên đại thiên Thế giới là một đại thiên Thế giới, một ngàn nhân một ngàn, lại nhân cho một ngàn nữa, tức một trăm ức hệ ngân hà.

Khoa học kỹ thuật hiện thời của chúng ta vẫn chưa có cách nào thăm dò được một trăm ức hệ ngân hà, vẫn chưa đạt tới. Đại khái là với khoa học kỹ thuật hiện thời có thể thăm dò được một tiểu thiên Thế giới.

Đức Phật dạy chúng ta: Trong hư không chẳng biết là có bao nhiêu Thế giới Phật như vậy, không cách nào tính được, vô lượng vô biên mà.

Đấy gọi là gì?

Pháp giới. Phật lấy pháp làm thân, không chỉ mình Phật, ở đây Đức Phật còn dạy chúng ta: Bậc Sơ trụ Bồ Tát lấy pháp giới làm thân. Sơ trụ Bồ Tát phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, do vậy, dùng cái tâm giống với Chư Phật Như Lai, dùng chân tâm, không còn dùng tâm ý thức nữa.

Chúng ta thường nói tới năm mươi mốt tâm sở của tám thức, trong Viên giáo, từ bậc Sơ trụ trở lên không còn dùng những tâm này nữa. Phàm những ai sử dụng năm mươi mốt tâm sở trong tám thức đều thuộc trong mười pháp giới. Mười pháp giới là chẳng thể đột phá giới hạn, chẳng dùng tâm ý thức thì sẽ đột phá được, hễ đột phá được rồi thì sẽ gọi là nhất chân pháp giới.

Bậc Sơ trụ Bồ Tát trong Viên giáo khế nhập nhất chân pháp giới, nhất chân pháp giới là pháp môn bất nhị. Trong ấy không có năng, sở, chẳng phải là không có những chuyện thuộc vào năng sở, mà là không có ý niệm năng sở. Bậc Sơ địa Bồ Tát trong Biệt giáo nhập cảnh giới này.

Vì thế trong Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa, cư sĩ Giang Vị Nông đã bảo rõ với chúng ta, Chư Phật Như Lai được nói trong Kinh Kim Cang chính là các bậc pháp thân Đại Sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị như trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói, những vị Phật ấy gồm bốn mươi mốt địa vị.

Vì sao vậy?

Họ kiến tánh rồi, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, thấy được một phần cũng là chân Phật, không phải là giả Phật. Bất quá, những vị Phật ấy chưa phải là Phật viên mãn. Vì thế, Tông Thiên Thai gọi họ là Phần Chứng Phật, họ mới chứng được mấy phần, chưa được viên mãn, đấy gọi là pháp thân Đại Sĩ.

Như vậy là chứng được pháp thân thì cần phải có trí huệ, phải là trí huệ chân thật, trí huệ chân thật là vô phân biệt trí, hễ có phân biệt thì không có cách gì đạt được trí huệ cả, chắc chắn quý vị không thể nhập vào cảnh giới này.

Để nhập cảnh giới ấy thì hết thảy đều vô phân biệt, quý vị mới có thể nhập được. Có mảy may phân biệt, chấp trước thì quý vị hãy còn ở trong phạm vi của tám thức, nói cách khác, quý vị ở trong lục đạo, trong mười pháp giới, quý vị chẳng thể vượt thoát được. Muốn vượt thoát được thì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều phải buông xuống hết.

Do vậy, trong hết thảy giới không có sai biệt. Lời Chú Giải này của Đại Sư Thanh Lương so ra đơn giản hơn Kinh Văn rất nhiều, Ngài chỉ dùng mấy chữ để giải quyết vấn đề.

Chúng ta muốn học, đối với Kinh Văn thì cảm thấy khó khăn, còn theo Lão Nhân gia khai thị thì thấy dễ dàng, học cách nào đây?

Trong hết thảy pháp không có sai biệt, quý vị chỉ cần dụng công tại đó là được rồi. Từ sai biệt rất lớn, sai khác hết mức, hãy dụng công nơi đó, gạt bỏ hết những phân biệt, vọng tưởng.

Tôi cũng thường dạy các vị đồng tu, cái quan niệm sâu đậm nhất, khó đột phá nhất của mọi người chúng ta là ân oán: Kẻ kia là thân nhân hay oan gia đối đầu của ta, sự sai biệt ấy lớn lắm. Khi nào quý vị có thể coi oán thân không hai, oán thân bình đẳng thì quý vị nhập vào cảnh giới này, đấy là cảnh giới không sai biệt, đấy là tu pháp bình đẳng, tu tâm thanh tịnh.

Thực hiện từ chỗ nào?

Tôi cũng dạy người khác áp dụng một pháp phương tiện. Quý vị thấy mình mỗi ngày lạy Phật, hiện thời đối với ta, Phật thân thiết nhất, đáng tôn kính nhất, quý vị hãy đem bài vị của kẻ oan gia đối đầu thờ bên cạnh Phật.

Mỗi ngày lễ Phật cũng lạy luôn người đó, tưởng Phật thì cũng tưởng luôn người đó giống như Phật không khác gì nhau, dùng phương pháp ấy để tu pháp bình đẳng.

Thế nhưng cũng có đồng tu đến nói với tôi: Sư phụ ơi! Con đã lạy suốt ba năm vẫn không xong. Vẫn cứ nổi nóng, công phu vẫn không đắc lực.

Người ấy hỏi tôi làm cách nào?

Cứ tiếp tục lạy đi, chẳng cần phải thay đổi. Tuy chưa đắc lực, nhưng nói chung có một chút công phu, quý vị cứ tiếp tục lạy, không ngừng tăng cường, nói chung sẽ có ngày ta coi kẻ ấy bình đẳng như ta, quý vị sẽ cảm thấy oán thân bình đẳng, khi ấy, quý vị đã đạt được thanh tịnh, bình đẳng, quý vị mới nhập được pháp giới.

Quý vị vẫn thấy người này thì vui vẻ, thấy người khác không thuận mắt, hỏng rồi. Đấy là tạo lục đạo luân hồi, miệng niệm A Di Đà Phật nhưng vẫn phải luân hồi trong lục đạo, chẳng thể giải quyết vấn đề được đâu.

Do vậy, đây là một thứ khảo nghiệm, trong hết thảy giới không có phân biệt, phải dùng công phu ấy. Chúng ta niệm Phật cũng phải dùng công phu ấy. Hễ công phu ấy được đắc lực một chút thì chúng ta sẽ vãng sanh không bị chướng ngại.

Nếu công phu ấy không hữu dụng, hoàn toàn bất lực thì khi Vãng Sanh, oán gia trái chủ đều kéo tới, đấy là lúc mấu chốt, quý vị làm thế nào đây?

Nhất định phải công phu đắc lực, tự mình làm chủ được. Công phu thật sự đắc lực thì không có gì khác cả, chỉ buông xuống mà thôi.

Vì sao quý vị thấy oán thân bất bình đẳng?

Do quý vị không buông yêu ghét xuống được.

Người thân, tham ái buông xuống, oan gia đối đầu, sân hận cũng buông xuống thì không phải là bình đẳng rồi sao?

Mấu chốt là ở chỗ quý vị không buông xuống được.

Kế tiếp là môn thứ sáu: Nhập bất khả kiến vi tế nan tri vào trong những chỗ nhỏ nhiệm khó thể thấy, khó biết. Nói thật ra, đối với những nhà vật lý học trong hiện thời, bọn họ phân tích vật chất, phân tích nguyên tử, điện tử, lạp tử cơ bản elementary particles, đều là nhập vi tế nan tri, nhập trong cảnh giới ấy.

Do vậy, vật lý không gian hiện thời đi theo hai phương hướng: Một là nghiên cứu không gian, hai là đào sâu vào những lạp tử cơ bản nhỏ nhất. Đi theo hai cực đoan là hiện tượng trong nghiên cứu không gian hiện thời. Hai cực đoan ấy đều có liên quan mật thiết với Phật Pháp.

Những nhà khoa học ấy không đọc Kinh Hoa Nghiêm, nếu họ đọc Kinh Hoa Nghiêm, nhất định sẽ tìm được rất nhiều khải thị, hết sức đáng tiếc, bọn họ không có duyên phận này.

Lớn như hư không pháp giới, nhỏ như vi trần, nhỏ nhất trong những thứ cực nhỏ, đều được Phật Học gọi bằng danh từ pháp giới, đấy đều là pháp thân tướng. Tận hư không, trọn pháp giới là tướng lớn lao của pháp thân, nhỏ nhất trong những gì cực nhỏ là tướng nhỏ của pháp thân.

Nếu quý vị hiểu lớn và nhỏ không hai thì quý vị mới thật sự chứng nhập được. Kinh Hoa Nghiêm nói tới sự sự vô ngại, giới tử nạp Tu Di trong hạt cải chứa đựng Tu Di, đấy là Phật đã nêu một tỷ dụ cho chúng ta.

Giới tử là hạt cải, đại khái hạt cải to chừng bằng hạt mè, đem núi Tu Di nhét vào hạt cải, hạt cải không phình to, núi Tu Di không rút nhỏ, vẫn nhét vào được, cho thấy lớn và nhỏ không hai, vì sao có thể buông xuống được?

Là vì to như núi Tu Di, phàm tất cả những gì có hình tướng đều là hư vọng, nhỏ như hạt cải thì cũng phàm tất cả những gì có hình tướng đều là hư vọng, giống như zéro đem hợp với zéro, làm sao không đi vào nhau cho được?

Nay chúng ta vì sao không đi vào được?

Chấp trước đấy mà.

To như vậy làm sao lọt cho được?

Nghĩ như vậy cho nên không lọt.

Do vậy, vọng tưởng, chấp trước liền khởi tác dụng, quý vị không lọt qua được, vì sao quý vị không lọt qua được?

Ở đây có tường, tôi không đi qua được liền không đi qua được. Nếu quý vị không chấp trước có tường thì quý vị sẽ đi qua được.

Người kia có thần thông, thần thông là gì?

Trong tâm người ấy không khởi tâm, không động niệm, khởi tâm động niệm bèn có chướng ngại, đạo lý là như vậy đó.

Giống như một câu chuyện do Pháp Sư Viên Anh đã kể trong lời tựa cho bộ Viên Giác Kinh Giảng Nghĩa, lời tựa ấy rất dài. Đấy là chuyện của chính Ngài, đại khái câu chuyện ấy được ghi trong lời tựa của bộ Viên Giác Kinh Giảng Nghĩa.

Ngài kể có một hôm Ngài tịnh tọa trong Phương Trượng thất, tâm rất thanh tịnh, đột nhiên có một chuyện, Ngài nghĩ đến chuyện ấy liền lập tức đi làm, lúc đứng dậy liền đi ra khỏi phòng.

Đi ra xong, Sư mới nghĩ vừa rồi ta đứng dậy chưa mở cửa, làm sao đi ra được?

Quay trở lại coi, cửa vẫn còn gài chốt, làm sao đi ra được?

Tức là khi Sư đi ra, không hề nghĩ đến cái cửa này. Sư vẫn từ cửa đi ra, nhưng không nghĩ đến cửa đã khóa chẳng thể đi ra được, không khởi lên ý niệm ấy, Ngài liền đi xuyên qua cửa, trở vào không được vì đã khóa bên trong rồi.

Do vậy, Lão nhân gia kể ra câu chuyện này cho thấy tất cả chướng ngại đều là do ta khởi phân biệt, chấp trước. Khi tách lìa hết thảy phân biệt, chấp trước thì không có chướng ngại nữa.

Ở đây nói tới tướng lớn và tướng nhỏ của pháp thân, không phải là nói tới núi Tu Di, núi Tu Di làm sao so sánh với tướng của pháp giới cho được?

Ở đây nói tới pháp giới to đùng, vi trần bé tí, nhưng là một, không phải hai. Vì thế, chúng có thể chứa đựng, biến hiện lẫn nhau không bị chướng ngại.

Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Từ trong một vi trần có thể thấy tận hư không, trọn pháp giới. Do vậy, trong Kinh nói Chư Phật Như Lai chuyển đại pháp luân trên mao đoan, mao đoan là đầu của sợi lông trên thân, cũng là nói tới vật rất nhỏ. Mở Pháp Hội lớn giảng Kinh, thuyết pháp trên đầu một sợi lông, đầu sợi lông không phóng lớn, Pháp Hội của Ngài cũng không rút nhỏ.

Những chuyện như vậy được Kinh Hoa Nghiêm nói tới rất nhiều, đấy thật sự là đạt được đại tự tại. Chúng ta đọc Hoa Nghiêm hết sức thán phục, hâm mộ cảnh giới ấy. Đức Phật đã nói đấy là điều chính chúng ta vốn sẵn có, chẳng phải từ bên ngoài mà có, hiện thời cũng chẳng mất đi, chỉ tạm thời bị chướng ngại mà thôi.

Trừ khử được chướng ngại thì năng lực, cảnh giới, thọ dụng đều hiện tiền. Đạo lý, phương pháp được nói rất nhiều, đáng tiếc là chúng ta phiền não, tập khí quá nặng, chúng ta vẫn chẳng thể chiếu theo lý luận, phương pháp ấy để dụng công được.

Điều này cho thấy rõ: Vì lòng đại từ đại bi, Đức Phật dạy chúng ta pháp môn niệm Phật, chỉ cần quý vị thật thà niệm, hạ hạ phẩm vãng sanh, sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, cảnh giới trong Kinh Hoa Nghiêm sẽ hiện tiền, thật sự chẳng thể nghĩ bàn.

Cảnh giới ấy hiện tiền chẳng phải là do chúng ta có năng lực đặc biệt gì cả. Nói thật ra, bổn nguyện oai thần của A Di Đà Phật gia trì, đấy là duyên.

Trí huệ, đức năng sẵn có trong tự tánh là nhân. Nhân duyên tụ hội thì thọ dụng liền hiện tiền. Niệm Phật có đạo lý rất sâu, chẳng phải là nói tùy tiện. Vì thế, cùng với tướng của pháp thân thành hai môn, môn trước là một môn lớn trong hết thảy giới không có sai biệt.

Phần sau nói: Vào trong vi tế khó biết, đều là tướng trạng của pháp thân, đấy thật sự là minh tâm kiến tánh.

Lại xem tiếp phần dưới: Môn bảy và tám là trụ trì Phật, gọi là lực trì thân. Môn trước là môn thứ bảy, môn sau là môn thứ tám. Môn trước là nhiều kiếp, môn sau là nhiều thời, đều được gìn giữ bằng tự lực khiến cho chúng sanh thường được thấy, ấy là tùy thuận kiến.

Kiến là thấy Phật. Đối với hai câu tùy thuận kiến Phật tùy thuận thấy Phật và trụ trì Phật, chúng ta hãy đọc Kinh Văn: Trụ chủng chủng kiếp niệm Phật Môn, tác dụng của nó là ư nhất thiết kiếp thường kiến Chư Phật thí tác Phật Sự, hàm thân cận cố trong hết thảy kiếp thường thấy Chư Phật thực hiện Phật Sự, đều thân cận. Chủng chủng kiếp các thứ kiếp thường được Kinh đại thừa nói tới, Kiếp kalpa là một đơn vị thời gian.

Trong một đại kiếp có bốn trung kiếp, thành, trụ, hoại, không, bốn trung kiếp ấy khác nhau, thành, trụ, hoại, không chẳng giống nhau. Vì thế gọi là chủng chủng kiếp. Trụ chủng chủng kiếp niệm Phật Môn, tức là trong hết thảy kiếp thường thấy có Chư Phật làm Phật sự.

Những Phật sự do Chư Phật thực hiện là gì?

Chúng ta nhất định phải hiểu thật rõ ràng, thật minh bạch câu này. Chữ Phật này là do từ tiếng Phạn dịch ra, có nghĩa là giác ngộ. Vì thế Phật sự là giác ngộ chúng sanh. Nếu nói theo cách thông thường thì những chuyện giúp đỡ cho hết thảy chúng sanh giác ngộ đều gọi là Phật sự.

Giảng Kinh là Phật Sự, giúp đỡ chúng sanh giác ngộ, sống cũng là Phật Sự, làm việc cũng là Phật Sự. Nói cách khác, từ sáng đến tối từng ly từng tí đều là Phật Sự. Chúng sanh nếu là kẻ thông minh lanh lợi trông thấy những việc các Ngài làm đều giác ngộ.

Nguyên tắc chánh yếu nơi đây là các Ngài làm nhưng không làm, không làm mà làm. Quý vị quán sát từ đạo lý này, quý vị sẽ giác ngộ. Không phải là các Ngài không làm, các Ngài rất tích cực thật sự làm, làm việc rất có trách nhiệm, chẳng trụ vào không. Thế nhưng trong tâm không vướng mắc chuyện ấy, trong tâm không có việc gì, không vương vấn mảy may nào, chẳng trụ vào có.

Cả hai bên không và có đều chẳng trụ, đó gọi là trung đạo. Do vậy, Bồ Tát, Chư Phật thị hiện, các Ngài sanh sống là trung đạo, làm việc là trung đạo, xử sự, đãi người, tiếp vật, từng ly từng tí không gì chẳng phải là trung đạo. Chẳng giống như phàm phu trong lục đạo chấp vào có, lầm rồi. Chấp có sẽ luân hồi trong lục đạo.

Thanh Văn, Duyên Giác chấp không, chấp không thì sao?

Chẳng khởi tác dụng, chuyện gì cũng đều chẳng làm, chẳng khởi tác dụng, có thể nhưng không có công dụng, phàm phu có dụng nhưng không có thể. Chư Phật Bồ Tát có thể có dụng, đấy mới gọi là viên mãn.

Do vậy, thường thấy Chư Phật thí tác Phật sự trong ấy, thí là bố thí, mà cũng là như trong Kinh đã nói: Vị nhân diễn thuyết vì người khác diễn nói. Diễn là biểu diễn, làm cho người khác xem. Thuyết là người ta có nghi vấn gì nêu lên liền giải đáp cho họ, đấy là thuyết. Do vậy, nói hay không nói đều là Phật sự. Những vị Bồ Tát ấy hàm thân cận cố đều cùng thân cận.

Thân cận có nghĩa là gì?

Trông thấy, nghe tới, tiếp xúc, trong tâm có lãnh ngộ, đấy chính là thân cận, chứ không phải là nói suốt ngày từ sáng đến tôi lẩn quẩn dưới chân Phật không rời đi, làm như vậy cũng vô ích.

Quý vị không lãnh hội được thì sẽ không thể khai ngộ, vì thế phải hiểu được dụng ý của Đức Phật nơi lời nói, tạo tác, không gì chẳng nhằm làm cho hết thảy chúng sanh khai ngộ mà thôi. Đấy gọi là thí tác Phật Sự.

Câu thứ tám: Trụ nhất thiết thời trụ trong hết thảy thời. Phần trước là kiếp, phần này là thời. Trụ nhất thiết thời niệm Phật Môn, ư nhất thiết thời thường đắc kiến Phật, dữ Phật đồng trụ bất tương ly cố môn niệm Phật trụ trong hết thảy thời, trong hết thảy thường được thấy Phật cùng ở chung với Phật chẳng tách lìa. Phạm vi của hết thảy thời nhỏ hơn so với kiếp. Kiếp có thành, trụ, hoại, không.

Nếu luận đến thời thì như trên địa cầu của chúng ta hiện thời, có Xuân, Hạ, Thu, Đông, có ngày ba thời, đêm ba thời, hiện nay chúng ta gọi là hai mươi bốn tiếng đồng hồ trong một ngày đêm.

Trong hết thảy thời thường được thấy Phật, Phật là gì?

Trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, quý vị có thấy A Di Đà Phật hay không?

Không thấy được.

A Di Đà Phật đang ở đâu?

Từ trước đến nay, A Di Đà Phật chưa hề lìa khỏi mắt quý vị, suốt ngày từ sáng đến tôi chưa hề tách rời, từ trước đến nay chưa hề tách rời tai quý vị, ở ngay bên thân quý vị, đáng tiếc là quý vị nhìn không thấy.

Vì sao vậy?

Trong Vô Lượng Thọ Kinh đã nói rất hay.

Đức Thế Tôn hỏi A Nan có muốn thấy thanh tịnh, bình đẳng, giác hay không?

Thanh tịnh, bình đẳng, giác là A Di Đà Phật.

Quý vị có thể thấy sắc nghe tiếng, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước thì tâm quý vị chẳng thanh tịnh ư?

Tất cả hết thảy cảnh giới đều là A Di Đà Phật, thấy được Phật trong hết thảy sự, quý vị từ trước đến nay chưa hề tách rời Phật, sao có thể nói là Phật chẳng hiện tiền được ư?

Nhất định phải chú tâm thấu hiểu điều này.

Do đây biết rằng: pháp môn niệm Phật này quả thật sâu rộng vô hạn, Đức Phật này gọi là trụ Trì Phật, trụ là trụ trong thời này, kiếp này, trì là giữ gìn không để mất.

Trong Tông Môn có một câu nói: Khai ngộ thành Phật. Thành Phật rồi, Ngài trông thấy chúng sanh trong đại địa đều thành Phật đạo. Câu nói có ý nghĩa gì, chúng tôi vừa mới nói đấy thôi.

Sáu căn của quý vị tiếp xúc cảnh giới sáu trần đều là thanh tịnh, bình đẳng, giác, chẳng phải là tình lẫn vô tình đều cùng viên thành chủng trí ư?

Chẳng phải là hết thảy chúng sanh cùng thành Phật đạo ư?

Chính là khi quý vị thành Phật đấy. Bởi vậy, quý vị muốn biết khi nào quý vị thành Phật thì khi quý vị thấy tất cả hết thảy cảnh giới đều thanh tịnh bình đẳng, quý vị đã thành Phật rồi.

Thưa quý vị, đối với sự thành Phật ấy, trong Kinh Hoa Nghiêm, bậc Sơ trụ Bồ Tát trong Viên giáo đã nhập cảnh giới ấy. Vì vậy, vị Phật ấy là phần chứng Phật, chứ chưa phải là vị cứu cánh viên mãn Phật vị Phật rốt ráo viên mãn, mà là phần chứng Phật, Ngài đã nhập Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác rồi.

Nếu quý vị hiểu rõ ràng chân tướng sự thật này thì mới hiểu rành rẽ Kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Hoa Nghiêm lớn lao như thế, nói nhiều như thế, quý vị đọc Vô Lượng Thọ Kinh đơn giản hơn rất nhiều, trọng yếu hơn rất nhiều, những điều được giảng trong ấy toàn là những thứ được diễn tả, trình bày trong Hoa Nghiêm.

Vì thế, Cổ Nhân gọi Vô Lượng Thọ Kinh là Trung Bản Hoa Nghiêm, tức là bản tiết yếu trích lược những chỗ trọng yếu của Kinh Hoa Nghiêm, hay tinh hoa của Kinh Hoa Nghiêm.

Phần tinh yếu tợ hồ quá đơn giản nên chúng ta thấy không ra. Đọc toàn Bộ Kinh Hoa Nghiêm giống như đọc Chú Giải của phần tinh yếu, nói rất nhiều, dễ hiểu. Nếu thật sự thấu hiểu thì sẽ thọ trì Vô Lượng Thọ Kinh đắc lực, công phu đắc lực.

Do đây biết rằng: Chúng tôi giảng toàn Bộ Kinh Hoa Nghiêm nhằm giúp cho quý vị tu Vô Lượng Thọ Kinh, dụng ý của chúng tôi là đây. Do vậy, hai câu này tiền môn đa kiếp, hậu môn đa thời, tịnh tự lực trì, thường linh vật kiến môn trước là nhiều kiếp, môn sau là nhiều thời, đều được gìn giữ bằng tự lực khiến cho chúng sanh thường được thấy.

Tự lực là lực nào?

Phần trên có nói tới nguyện lực. Đấy chính là khi Chư Phật, Bồ Tát còn đang tu nhân, đã từng phát ra đại nguyện muốn độ chúng sanh rộng khắp.

Nay chúng ta cũng phát nguyện chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, tuy nguyện ấy chẳng do chân tâm phát ra, mà là thuận theo miệng người khác mà thốt ra. Thế nhưng sau khi thành Phật, dù chỉ nói theo thì cũng phải thực hiện, chẳng thể nói rồi không màng tới, như vậy là không được, cũng phải thực hiện.

Nguyện lực Trụ Trì thường linh vật kiến thường khiến cho chúng sanh được thấy, ở chỗ này không dùng chữ người mà dùng chữ vật. Nếu nói thường linh nhân kiến thì chỉ có nhân pháp giới trong mười pháp giới, chín pháp giới kia không có phần. Nói vật thì mười pháp giới đều được bao gồm trong ấy.

Vì thế, Chư Phật, Bồ Tát thị hiện không những cho loài người chúng ta được thấy mà quỷ thần cũng trông thấy, súc sanh cũng trông thấy, phàm những ai trông thấy đều được khai ngộ. Sự trông thấy đều tùy thuận đó được gọi là tùy thuận kiến.

Hai môn chín và mười chính là tùy nhạo Phật, gọi là ý sanh thân, do thuận theo lòng ưa thích của chúng sanh để khiến chúng sanh được vừa ý. Đây là lời giải thích đơn giản cho ý nghĩa tùy nhạo ý sanh.

Môn thứ chín là: Trọn khắp hết thảy cõi, sanh nhiều thân rõ ràng.

Kế đó là môn thứ mười: Trọn hết thảy xứ, thích ứng thuận theo lòng ưa thích đều tùy tâm mà thấy, môn này gọi là phổ thọ kiến. Hai câu chín và mười trong Kinh Văn, câu thứ chín là trụ nhất thiết sát niệm Phật môn, nhất thiết sát độ hàm kiến Phật thân siêu quá thế gian vô đẳng tỷ cố môn niệm Phật trụ trong hết thảy cõi, trong hết thảy cõi nước đều thấy thân Phật vượt trỗi thế gian không thể sánh bằng.

Ở đây giảng về môn trước, tức môn thứ chín. Câu này mang cùng một ý nghĩa với chuyện Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện trong phẩm Phổ Môn của Kinh Pháp Hoa. Các vị pháp thân Đại Sĩ, Chư Phật, Bồ Tát không cõi nào chẳng hiện thân, chúng sanh có cảm, các Ngài liền ứng, cảm ứng đạo giao.

Trong chúng ta có ai cảm hay không?

Tôi không có cảm, cũng rất nhiều người quanh tôi có cảm, họ có cảm, tôi cũng được hưởng lây. Do vậy, quý vị mới hiểu được rằng trong mỗi ngóc ngách của thế gian này đều có Phật, Bồ Tát hiện thân, tùy loại hóa thân.

Nên dùng thân nào để đắc độ thì bèn hiện thân ấy, nên dùng pháp nào để độ được bèn nói pháp ấy. Bởi thế, Chư Phật, Bồ Tát không có thân tướng nhất định, Chư Phật, Bồ Tát cũng không có pháp nhất định nào để nói.

Chúng sanh ưa thích điều gì, Chư Phật, Bồ Tát bèn thuận theo ý, thuận theo ý niệm của chúng sanh, chính là như Kinh Lăng Nghiêm đã dạy: Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng tùy thuận tâm chúng sanh, thuyết pháp hoặc hiện thân phù hợp với khả năng nhận biết của họ. Tâm chúng sanh là cảm, ứng sở tri lượng là ứng, cảm ứng đạo giao chẳng thể nghĩ bàn. Ý nghĩa của Kinh Văn rất sâu đậm, chúng ta phải chú tâm lãnh hội.

Cuối cùng là câu thứ mười, giải thích ý nghĩa thuận theo lòng ưa thích của chúng sanh. Trụ nhất thiết thế niệm Phật Môn, tùy ư tự tâm sở hữu lạc dục, phổ kiến tam thế Chư Như Lai cố môn niệm Phật trong hết thảy đời, tùy theo tất cả những sự vui thích trong tự tâm thấy trọn khắp Chư Như Lai trong ba đời.

Kinh Đại Thừa thường nói tới chín đời, hoặc nói thập thế cổ kim mười đời xưa nay, thông thường chúng ta nói tam thế, tức quá khứ, hiện tại, vị lai.

Chín đời là gì?

Quá khứ có quá khứ quá khứ, quá khứ hiện tại, quá khứ vị lai, trong một đời biến thành ba đời. Hiện tại cũng có quá khứ hiện tại, hiện tại hiện tại, vị lai hiện tại. Vị lai cũng có quá khứ vị lai, hiện tại vị lai, vị lai vị lai, đấy là chín đời. Thêm vào một đời căn bản nữa là đời hiện tại liền thành mười đời.

Ý nghĩa này nhằm nói rõ như trong phần trước đã nói tới hết thảy cõi, nói theo cách chúng ta bây giờ thì là hết thảy xứ sở. Ở đây gọi là nhất thiết thế, tức là hết thảy thời gian, hết thảy thời, hết thảy chỗ.

Quý vị thấy Phật, Bồ Tát đại từ đại bi, trong hết thảy thời, hết thảy xứ, không đâu chẳng hiện thân, nếu chúng ta nói là không thấy được Phật, thật đáng kêu oan uổng vậy.

Chướng ngại là ở nơi chính mình, chứ không phải do nơi Phật. Nơi Phật không có chướng ngại, chính mình có nghiệp chướng, chính mình chẳng thể thấu hiểu được. Nghiệp chướng lớn nhất là khởi tâm động niệm, Ngã, đấy là nghiệp chướng căn bản.

Do vậy, trong đại thừa, đúng là Đức Phật lớn tiếng hô hào, bảo chúng ta: Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng. Khi nào chúng ta thật sự hiểu được thân này chẳng phải là ngã thì quý vị được tự tại rồi.

Tự tại như thế nào?

Tôi lại bảo quý vị, quý vị chẳng cần phải đi khám bệnh, chẳng cần phải đi bác sĩ, vì sao vậy?

Thân không phải là ngã, có ngã thì mới sanh bệnh.

Không có ngã thì sanh bệnh gì, ai sanh bệnh?

Do lẽ này quý vị được tự tại. Phải uốn nắn cho đúng quan niệm sai lầm này. Vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả, đấy là chân tướng sự thật. Nghiệp chướng của quý vị bị tiêu trừ. Tiêu trừ rồi thì hết thảy thời, hết thảy chỗ, quý vị đều thấy Phật.

Đoạn Kinh này cho quý vị biết: Niệm Phật, niệm Phật thấy Phật, niệm mười loại Phật sẽ thấy được mười loại Phật. Phật từ bi như thế mà phàm phu chúng ta chẳng nhận biết được.

Có nhập cảnh giới ấy thì mới thật sự thấu hiểu, mới biết trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, không đâu Phật chẳng hiện thân, không lúc nào chẳng hiện thân, thuận theo lòng yêu chuộng của chúng sanh, thật sự đạt đến sự sự vô ngại. Năm mươi ba lần tham học chỉ là hé lộ đôi chút tin tức về cảnh giới ấy cho chúng ta biết mà thôi.

Nếu nói cặn kẽ thì ai có thể nói trọn hết cho được?

Năm mươi ba lần tham học hé lộ đôi chút tin tức, những người vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nặng nề đối với một tí xíu tin tức cũng nhìn không ra, người phiền não nhẹ có thể nhận hiểu được. Lại đọc đoạn Kinh Văn tiếp theo.

Môn mười một, mười hai chính là Niết Bàn Phật, gọi là hóa thân. Môn trước là môn thứ mười một, là hóa thân, môn thứ mười hai là Niết Bàn. Hễ có hóa thì liền có diệt, cho nên nói Niết Bàn. Nên biết rằng tánh tịch là thâm nhập kiến.

Câu thứ mười một trong Kinh Văn là trụ nhất thiết cảnh niệm Phật Môn. Cảnh là cảnh giới, phổ kiến nhất thiết chư cảnh giới trung Chư Phật tương tục hàm xuất hưng cố thấy trọn khắp trong hết thảy các cảnh giới, Chư Phật đều liên tục xuất hiện. Đây là thấy được hóa thân của Phật, tùy loại hóa thân.

Quý vị phải biết điểm này, hóa thân của Phật không nhất định là hóa thành ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo, đừng cho rằng ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo mới là Phật. Trong tâm quý vị chấp trước một vị Phật nào đó thì vọng tưởng, chấp trước trong tâm quý vị sẽ biến hiện ra vị Phật như vậy.

Thật ra, bất luận hiện thân như thế nào, trong loài người, nam, nữ, già, trẻ, các ngành, các nghề, đủ mọi thứ thân phận khác nhau đều là Phật. Trong năm mươi ba lần tham học ở đây, năm mươi ba vị thiện tri thức đều là Phật.

Thân phận của các Ngài khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, nhưng đều là Phật. Không chỉ hiện thân tướng hữu tình mà còn hiện thân tướng vô tình, càng rộng lớn hơn nữa.

Nay chúng ta gọi vô tình là thực vật, khoáng vật. Trước kia, có những người tham Thiền học Giáo nghe tiếng gió thổi, mưa rơi, nghe tiếng nước chảy trong thiên nhiên bèn khai ngộ.

Sao lúc bình thường người ấy cũng nghe mà chẳng khai ngộ, lại riêng trong một ngày nghe tiếng liền khai ngộ?

Phật hóa thân trong ấy, hóa ra những thân tướng khiến cho người ấy trong một sát na có cảm xúc thù thắng, bèn khai ngộ thì tất cả đều là Phật hiện thân.

Nếu chẳng phải là Phật hiện thân thì làm sao người ấy khai ngộ cho được?

Vì thế, chúng sanh cơ duyên chín muồi, Phật liền dùng vô lượng vô biên phương thức chẳng thể nghĩ bàn để giúp cho quý vị Khai Ngộ.

Quý vị ngộ nhập cảnh giới ấy rồi mới cảm ơn, biết Phật, Bồ Tát hiện thân. Phật, Bồ Tát đến giúp đỡ quý vị, làm tăng thượng duyên cho quý vị, giúp cho quý vị khế nhập cảnh giới ấy. Quý vị thật sự thấy được trong hết thảy cảnh giới Chư Phật liên tục xuất sanh. Đấy là hóa thân, nói thật ra, hóa thân là chuyện trong khoảng sát na.

Tôi lại kể một câu chuyện, nói thật ra, đấy cũng là Bồ Tát hóa thân. Tôi ở nước Mỹ, cư sĩ Thái Văn Hùng kể cho tôi nghe một chuyện về xin visa tại đại sứ quán Hoa Kỳ.

Ông ta có một người bạn đến xin visa, đang xếp hàng nơi đó, thì từ cửa sổ bên cạnh, một cô Mỹ hướng về phía ông ta vẫy tay, cười hì hì hướng về phía ông ta vẫy tay, vẫy gọi ông ta bước sang nơi đó, cấp ngay cho ông ta visa với thời hạn năm năm. Ông ta vốn đến xin visa rất nhiều lần, đều không được chấp thuận, đều bị cự tuyệt.

Cô gái ấy trông thấy ông ta rất hoan hỷ, ngay lập tức cấp cho ông ta visa với thời hạn năm năm, ông ta cảm thấy rất hay, đỡ quá, rất khó có.

Tựa hồ như đã quen biết rất thân. Ông ta xin visa đợt ấy là vì người nhà ông bị bệnh, bệnh rất nặng, muốn sang Mỹ thăm người thân, bèn ở trong nhà niệm Quán Âm Bồ Tát, cầu Phật, Bồ Tát che chở, liền được sự cảm ứng ấy, ngay lập tức được cấp visa. Ông ta rất cảm kích người ngoại quốc ấy. Hôm sau cũng có mấy người bạn đi xin visa, ông ta cũng đi theo.

Lúc đến nơi, khi cô gái ấy nói chuyện với ông ta dường như đột nhiên chẳng hề quen biết, rất lạ lùng. Ông ta cảm thấy kỳ lạ không thể diễn tả được.

Trong sát na ấy tỏ vẻ thân thiết như thế, ngay lập tức cấp giấy, rồi chớp mắt không quen biết nữa. Phật, Bồ Tát tùy loại hóa thân đấy. Lúc đó, viên chức xét duyệt di trú giúp ông ta xin được visa chẳng phải là do chính ý tưởng của người ấy, chính người ấy cũng không biết, cứ hồ đồ cấp giấy.

Quả thật Phật, Bồ Tát giúp đỡ chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, sau khi đọc Kinh này, quý vị hãy chú tâm suy nghĩ, sẽ thấy trong cuộc sống thường nhật có rất nhiều điều thú vị, mới biết mỗi một câu đã nói trong Kinh đều là lời thật.

Câu thứ mười hai trụ nhất thiết tánh tịch diệt niệm Phật môn, ư niệm niệm trung kiến nhất thiết sát nhất thiết Chư Phật thị Niết Bàn cố môn niệm Phật trụ trong hết thảy tánh tịch diệt, trong mỗi niệm thấy Chư Phật thị hiện Niết Bàn trong hết thảy cõi. Niết Bàn ấy gọi là sanh diệt, có sanh nhất định có diệt.

Quý vị phải hiểu rằng: Báo thân không có sanh diệt, pháp thân không có sanh diệt, hóa thân có sanh diệt, ứng thân có sanh diệt, thời gian sanh diệt của ứng thân dài hơn. Giống như Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật viên tịch năm tám mươi tuổi, đấy là ứng thân.

Giống như chúng tôi vừa kể câu chuyện xin visa, trong một sát na, chỉ có mấy phút đồng hồ, đấy là hóa thân sanh diệt. Do vậy, niệm danh hiệu Phật, niệm danh hiệu Bồ Tát rất hữu dụng. Hễ quý vị chân thành niệm thì lo liệu công chuyện quả thật được Phật, Bồ Tát che chở, gia trì.

Do đây, biết rằng quý vị đi xin giấy phép, người ta cự tuyệt quý vị tức là công phu niệm Phật của quý vị chưa đắc lực, còn khởi vọng tưởng, đấy đều là sự thật. Khi trở về, hãy mau mau đến trước Phật, Bồ Tát sám hối. Lễ Phật nhiều hơn, niệm Phật nhiều hơn, thật sự có cảm ứng, thật sự chẳng thể nghĩ bàn.

A! Hôm nay chúng tôi giảng đến đây thôi.

A Di Đà Phật!

***