Haèng thuaän chuùng sanh
Tuyø hyû coâng ñöùc

tinhdo.edu.vn

KINH TỨ THẬP HOA NGHIÊM PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN, CHƯƠNG CÁT TƯỜNG VÂN TỲ KHEO GIẢNG GIẢI - TẬP HAI

KINH TỨ THẬP HOA NGHIÊM

PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN,

CHƯƠNG CÁT TƯỜNG VÂN TỲ KHEO

GIẢNG GIẢI

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP HAI
 

Xin mở quyển Kinh, trang thứ hai, dòng thứ sáu.

Xin đọc Kinh Văn: Lúc bấy giờ, Thiện Tài Đồng Tử theo thứ tự đi dần về phương Nam, tới nước Thắng Lạc, lên núi Diệu Phong. Ở trên núi, tìm tòi trọn khắp Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phương bàng, trên, dưới trải qua bảy ngày, vẫn chẳng thể thấy Tỳ Kheo Cát Tường Vân.

Do vì siêng cầu thiện tri thức, lìa bỏ thân mạng nên không có ý tưởng đói khát, chánh niệm quán sát, tâm yên ổn, không lui sụt. Đây là một tiểu đoạn. Nhĩ thời chỉ cho lúc Thiện Tài Đồng Tử mới đến Đạo tràng của Tỳ Kheo Cát Tường Vân.

Trong lời Chú Giải, Đại Sư Thanh Lương dạy chúng ta đoạn thứ nhất là: Vâng theo lời dạy, đi tới nơi ấy, tìm cầu. Thông thường trong tình huống này, Kinh Văn thường có đoạn ghi Thiện Tài Đồng Tử nghĩ đến lời chỉ dạy, dạy bảo của vị thiện tri thức trước, rồi mới đến đoạn này. Đến nơi đó, tìm cầu vị thiện hữu kế tiếp.

Ở chỗ này, Kinh Văn thiếu một tiểu đoạn, chỉ có thú cầu hậu hữu, không có đoạn sau đây: Nghĩ đến lời dạy của vị thiện hữu trước. Không có phần văn tự này.

Ý Đại Sư cho rằng: Nay lược đi vì không có nghĩa trước, hoặc vị thiện tri thức trong phần trước chưa chứng nhập địa vị nên không nói tới.

Cách giải thích này cũng rất có lý. Giống như đi học, người ấy chẳng hề có học vị. Giống như hiện thời chúng ta đi học, ở trung học không có học vị, đến đại học mới có học vị. Trong Pháp Hội của Văn Thù Bồ Tát, trong hội Thập tín ấy không có học vị.

Đến Trụ địa những địa vị thuộc Thập Trụ mới có địa vị, mới có học vị. Vì thế không nói tới pháp của vị thiện tri thức trong phần trước. Từ đây trở đi, nói chung Kinh Văn đều có ý nghĩa này. Thế nhưng chúng ta thấy Kinh Văn đều luôn nói Thiện Tài Đồng Tử tiệm thứ nam hành, phải hiểu rõ ý nghĩa này.

Nói tiệm thứ nam hành là Kinh Văn đã nêu chung, qua bản Chú Giải này, quý vị có thể thấy: Đều nhằm chỉ rõ Gia Hạnh phương Nam tượng trưng cho quang minh, trong phần trước tôi đã thưa với các vị rồi. Vâng theo lời Văn Thù Bồ Tát chỉ dạy, Thiện Tài đi tới nước Thắng Lạc.

Nước Thắng Lạc này cũng chẳng phải là thật sự có một nơi như vậy, hoàn toàn nhằm biểu thị pháp. Trong Kinh Hoa Nghiêm, ý nghĩa biểu thị pháp hết sức nhiều, rất sâu, rất rộng. Nhất định phải chú tâm thấu hiểu điều này.

Thắng là thù thắng, lạc là sung sướng, ngụ ý: Địa vị Sơ trụ so với hàng Thập tín Bồ Tát vui sướng thù thắng hơn rất nhiều. Do vậy, gọi là nước Thắng Lạc, ý nghĩa là như vậy đó.

Đăng Diệu Phong sơn Lên núi Diệu Phong: Núi này cũng nhằm biểu thị pháp, chứ không nhất định là thật sự có quả núi ấy.

Núi có hai ý nghĩa:

Ý nghĩa thứ nhất, biểu hiện tịch tĩnh, bất động, ngụ ý: Người tu học khế nhập cảnh giới này, sáu căn tiếp xúc sáu trần bên ngoài có thể như như bất động. Tâm vị ấy định như núi, giống như một quả núi, dùng ý nghĩa này.

Ý nghĩa thứ hai là núi cao. Ở trên đỉnh núi là lên cao, nhìn ra xa, chỗ rất xa quý vị đều thấy được. Điều này biểu thị chứng đắc địa vị Sơ trụ, trí huệ mở mang. Phần trên có nói mở mang trí huệ trong tự tánh. Do vậy, đối với vạn sự, vạn vật, nhất định người ấy tức người chứng địa vị Sơ trụ quán sát thù thắng hơn Thập tín Bồ Tát rất nhiều.

Do vậy, dùng núi để tỷ dụ, đều là tỷ dụ công đức định huệ của Sơ trụ Bồ Tát vượt trỗi hàng Thập tín Bồ Tát. Thập tín không có địa vị, nguyên nhân là trong tín vị thường có thoái chuyển, tiến tiến, lùi lùi. Nhập Sơ trụ sẽ không lùi nữa. Trong Tịnh Tông chúng ta nói tới ba thứ bất thoái tam bất thoái.

Nói thật ra, các vị Sơ trụ Bồ Tát trong Viên giáo đều chứng đắc ba thứ bất thoái này, chứ không chỉ là vị bất thoái.

Trong phần trước chúng tôi đã giải thích rồi, vị bất thoái là tỷ dụ. Chứ trên thực tế, các vị ấy là hạnh bất thoái và niệm bất thoái. Niệm ấy là niệm niệm lưu nhập biển Tát Bà Nhã. Tuy chứng được ba thứ bất thoái, nhưng chưa hoàn toàn viên mãn. Quý vị nhất định phải hiểu ý nghĩa này.

Trong bốn mươi mốt địa vị pháp thân Đại Sĩ, ai chứng được viên mãn ba thứ bất thoái?

Theo cách nói thông thường là Pháp Vân địa Bồ Tát, tức Thập địa, tức Bồ Tát thuộc về địa vị thứ mười trong Thập địa, tu trọn ba đại A tăng kỳ kiếp, mới gọi là Viên. Từ Cửu địa đến Thập địa còn chưa Viên, còn thiếu một phần. Do vậy, viên chứng tam bất thoái là Tịnh Độ.

Vãng sanh Tịnh Độ, dẫu cho là hạ hạ phẩm vãng sanh trong Phàm Thánh đồng cư độ, hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, đều là viên chứng ba thứ bất thoái.

Vì thế, quý vị mới biết bốn mươi mốt địa vị pháp thân Đại Sĩ trong Kinh Hoa Nghiêm chẳng thể bằng người vãng sanh Tịnh Độ. Nhất định phải biết điều này thì mới thấy rõ được Tịnh Độ thù thắng khôn sánh.

Nếu hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này, nói thật ra, điều gì quý vị cũng buông xuống được, suốt ngày từ sáng đến tối một câu A Di Đà Phật là đủ rồi, đâu cần phải lăng xăng nơi Bộ Kinh Hoa Nghiêm lớn như thế này nữa.

Tịnh Độ thật sự thù thắng khôn sánh. Quý vị không đọc Hoa Nghiêm không biết niệm Phật thù thắng, đọc Hoa Nghiêm xong mới biết niệm Phật là thù thắng.

Như vậy là Thiện Tài đến núi này, đến núi Diệu Phong, đến nơi đi tìm thiện hữu, tức là đi tìm Tỳ Kheo Cát Tường Vân. Ngài tìm suốt bảy ngày, tìm không ra. Tuy bảy ngày không gặp được, Ngài trọn chẳng ngã lòng.

Vị cần cầu thiện tri thức cố, quyên xả thân mạng, vô cơ khát tưởng do vì siêng cầu thiện tri thức, lìa bỏ thân mạng nên không có ý tưởng đói khát. Ba câu này dạy chúng ta thái độ cầu học, phải nên có thái độ tới cầu học như vậy.

Chánh niệm quán sát, tâm an vô thoái chánh niệm quán sát, tâm yên ổn, không lui sụt. Chúng ta xem lời giải thích của Đại Sư Thanh Lương từ trang thứ ba trở đi.

Mọi người hãy giở qua, từ trang thứ ba, ta đọc thấy: Thấy tâm, đạt đến địa vị, nên gọi là lên núi nghĩa biểu thị thật sự của đăng sơn không phải là bảo quý vị trèo núi. Kiến tâm là minh tâm kiến tánh như trong nhà Thiền hay nói. Thiền Tông nói minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, kiến tánh là thành Phật rồi.

Ở chỗ này chính là Sơ trụ Bồ Tát, tức Sơ trụ Bồ Tát đã thành Phật. Đây là chân Phật, không phải là giả Phật, kiến tánh sẽ thành Phật. Trong Phẩm Phổ Môn có nói Bồ Tát muốn sang Thế Giới ở phương khác để giáo hóa chúng sanh, hễ nên dùng thân Phật để độ được, Ngài liền hiện thân Phật để thuyết pháp.

Sơ trụ Bồ Tát có năng lực hiện thân Phật. Quý vị niệm Vô Lượng Thọ Kinh rất thuần thục, trong phẩm thứ hai của Vô Lượng Thọ Kinh đoạn nói về Bồ Tát hoằng nguyện độ sanh, trong các thứ thị hiện đã nêu ra một thí dụ, tức tám tướng thành đạo.

Tám tướng thành đạo là hạng người nào?

Bậc Sơ trụ Bồ Tát trong Viên giáo đã có năng lực này, có tư cách thị hiện tám tướng thành đạo. Gặp được kẻ có duyên phận, đáng nên dùng thân Phật để độ được bèn thị hiện tám tướng thành đạo. Đấy chính là kiến tâm, trắc vị thấy được tâm, đạt đến địa vị, dùng chuyện lên núi để tỷ dụ.

Trí soi thấu địa vị và hạnh, đấy là quán sát trọn khắp. Ngài ở trên núi, Ngài muốn tìm kiếm thiện tri thức, quán sát bốn phía. Ý nghĩa của chữ quán sát chính là vận dụng trí huệ của Ngài, trí huệ có khả năng chiếu soi.

Chữ kiến ở đây có nghĩa là chiếu, tức chiếu kiến soi thấy. Năm mươi mốt địa vị của Bồ Tát từ sơ phát tâm đến khi viên mãn thành Phật, Ngài đều thấy rõ ràng, rành mạch. Đấy chính là ý nghĩa của chữ biến quán sát.

Lòng mong lãnh hội tông chỉ thì gọi là tầm cầu. Ý nghĩa của việc Ngài tìm cầu thiện tri thức là ở chỗ này. Chỉ là tông chỉ. Tông chỉ là tánh đức, trong tánh đức sẵn có đức năng, trí huệ.

Do đây biết rằng: Phật Pháp xưng là nội học, nội là hướng đến tự tánh để tìm cầu, chứ không bảo quý vị cầu pháp ngoài tâm.

Trong Kinh đại thừa, Phật gọi cầu pháp ngoài tâm là ngoại đạo. Vì thế, chữ ngoại đạo không phải là khinh thường người ta, cũng không phải là chửi người ta. Ngoại đạo là cầu pháp ở ngoài tâm thì gọi là ngoại đạo, mang ý nghĩa phân biệt với nội học.

Từ Sơ trụ trở đi đều là tìm cầu trong tâm tánh, tuyệt đối chẳng phải là tìm cầu nơi cảnh giới, không thể được.

Tiếp xúc cảnh giới thì sẽ từ nơi cảnh giới mà quay đầu, cầu nơi tự tánh. Giống như trong hội Lăng Nghiêm, Quán Thế Âm Bồ Tát đã dạy chúng ta, Ngài bảo phương pháp tu hành của Ngài là phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo xoay cái nghe trở lại nghe nơi tự tánh, tánh trở thành vô thượng đạo.

Bồ Tát mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, sáu căn đều đụng chạm cảnh giới bên ngoài, nhưng Ngài dụng tâm, Ngài trông thấy bên ngoài bèn có thể hồi quang phản chiếu, Ngài có thể quay về nơi tự tánh. Đấy là công phu tuyệt vời của Ngài.

Ngài chẳng nắm níu cảnh bên ngoài, Ngài hướng vào bên trong để Quán Chiếu. Quán Thế Âm Bồ Tát tu hành thành tựu là do dùng phương pháp này, phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo. Tầm cầu có nghĩa là lòng mong lãnh hội được tông chỉ.

Thất giác trợ đạo gọi là qua bảy ngày. Trải qua bảy ngày, Ngài không thấy được vị thiện tri thức. Con số bảy ấy biểu thị thất giác chi trong ba mươi bảy đạo phẩm. Nói chung, ba mươi bảy đạo phẩm được chia thành bảy khoa, tức là bảy loại lớn.

Ở đây là loại thứ sáu, tức là thất bồ đề phần. Loại thứ tám là Bát Thánh Đạo. Ở đây, bảy ngày tượng trưng cho thất giác chi. thất giác chi trợ đạo nên nói là bảy ngày. Không có pháp nào để đắc, là trọn chẳng thấy.

Thấy được hay không?

Quyết định không thấy được. Nếu thấy được thì đâu phải là tâm tánh. Tâm tánh không có dấu vết, hình tượng. Không thấy chính là chân chánh thấy được. Nếu quý vị thật sự có thấy thì quý vị đã sai rồi. Không có pháp nào để được thì gọi là chẳng thấy.

Cần phải bỏ những điều ôm giữ là dứt tuyệt các điều suy tưởng. Từ đây trở đi Kinh Văn đều dạy chúng ta về phương pháp dụng công.

Bởi vậy, đọc Hoa Nghiêm hết sức khó khăn, nếu chẳng hiểu được những nghĩa bao hàm trong ấy, tức là như người ta thường nói nghe được âm thanh nằm ngoài dây đàn, quý vị đọc Kinh Hoa Nghiêm như đọc tiểu thuyết hoặc đọc chuyện cổ tích, tưởng là Thiện Tài Đồng Tử thật sự trèo lên núi tìm kiếm thiện tri thức.

Đâu biết rằng trong từng câu từng chữ đều chứa đựng nhiều ý nghĩa trong ấy, làm sao quý vị hiểu được?

Bởi vậy, Kinh Hoa Nghiêm khó khăn là ở chỗ này. Nếu không có ai giảng Phật Pháp, dẫu có trí vẫn chẳng thể hiểu được. Quý vị đã hiểu lầm ý nghĩa, thuận theo vọng tưởng của chính mình để suy tưởng Kinh Văn, hoàn toàn lầm mất rồi.

Vắng lặng nhưng chẳng mất công năng quán chiếu, đấy là quán sát đúng đắn. Điều này rất quan trọng, chúng ta đang là phàm phu không làm được. Chúng ta có tịch liền không có chiếu, hễ chiếu bèn chẳng tịch, rất ít người thực hiện được tịch chiếu đồng thời.

Tịch là gì?

Tịch là tâm thanh tịnh. Chiếu là hiểu rõ ràng, rành rẽ hết thảy mọi cảnh giới. Tịch chiếu phải đồng thời, tịch mà thường chiếu, chiếu nhưng thường tịch.

Cảnh giới của bậc Bồ Tát trong Viên giáo từ Sơ trụ trở lên là lục căn của họ tiếp xúc cảnh giới sáu trần nhưng tịch chiếu đồng thời. Họ thấy rõ ràng rành mạch, nhưng trong tâm như như bất động, như như bất động là tịch, rõ ràng rành mạch là chiếu.

Đấy gọi là tịch chiếu đẳng trì giữ cân bằng tịch và chiếu. Tịch là định, chiếu là huệ, định huệ đồng thời, đấy mới là dụng tâm của Chư Phật, Bồ Tát. Rời bỏ hết thảy những mong mỏi, xem nhẹ như sợi lông, tâm sẽ an ổn, bất động.

Ở đây, khinh mao là nói tỷ dụ. Ly là lìa hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì tâm quý vị mới an, quý vị mới bất động. Bất động thì tịch chiếu mới có thể hiện tiền.

Khinh mao Sợi lông nhẹ tênh là tỷ dụ hết thảy pháp thế gian lẫn xuất thế gian chẳng đáng để vướng mắc, chẳng đáng để lưu luyến, chẳng đáng để chấp trước, hãy buông xuống hết thảy.

Buông xuống thì tâm quý vị mới an, quý vị mới có thể chứng được cảnh giới tâm an, bất động. Khi ấy, chân tâm sẽ hiện tiền. Đại Sư Thanh Lương giảng rõ cho chúng ta biết ý nghĩa ẩn chứa trong đoạn Kinh Văn này. Ấy chính là ý nằm ngoài lời, đây là chỗ khó khăn trong Phật Pháp, đặc biệt là Kinh đại thừa. Nếu hiểu ý nghĩa theo lời văn là hỏng rồi.

Cổ Nhân thường nói: Y văn giải nghĩa, Tam Thế Phật oan, ba đời Chư Phật đều kêu oan uổng, ý Phật không phải là như vậy, quý vị hoàn toàn hiểu lầm mất rồi.

Trong đoạn Kinh Văn tiếp theo đó, Đại Sư đặc biệt nói rõ cho chúng ta biết nguyên tắc giải thích Kinh Điển: Nhưng Cổ Đức giải thích Kinh Điển, thường theo bốn lối tiên đức là bậc tiền bối. Cổ nhân giải thích Kinh Điển thông thường có bốn phương cách, cũng tức là có bốn nguyên tắc.

Một là dựa theo văn tự để giải thích ý nghĩa, hai là dùng giáo để phân biệt, chọn lựa, ba là dung hội giữa bổn và tích, bốn là quán tâm, chẳng có lòng mong cầu. Mỗi một chữ, mỗi một nghĩa, không gì chẳng đều như vậy.

Nhất văn là một chữ, mỗi một chữ, mỗi một câu đều dùng bốn phương pháp này để giải thích. Bọn phàm phu chúng ta thường chỉ có một loại đầu là tùy tướng tiêu văn, những loại sau đều không có. Tùy tướng tiêu văn là dựa theo văn tự để hiểu nghĩa.

Cách này dễ nói, rất nông cạn, nói như thế mọi người đều rất dễ hiểu, không có vấn đề gì.

Bốn nguyên tắc giải thích Kinh Văn này được vận dụng rất sống động, trọn chẳng phải là chấp chặt, hẹp hòi. Phải thấy được nghĩa thú của Kinh Văn, có những phần Kinh Văn rất sâu, có phần trọn chẳng có ý nghĩa sâu xa gì, chứ không phải là câu nào cũng đều có ý nghĩa sâu xa.

Do vậy, trong văn tự ấy có khách, có chủ. Phần ý nghĩa được chứa đựng trong phần chủ rất sâu, phần khách là kèm thêm, nông cạn hơn. Vì thế vận dụng những nguyên tắc này phải biết lấy và bỏ.

Nay đều áp dụng cả bốn cách ấy, tùy tiện lấy hay bỏ, đối với phần Kinh Văn giải nói rộng rãi thì áp dụng nghĩa thứ nhất. Chữ khoan ở đây là đối với phần văn tự nhằm giải thích thì sử dụng ý nghĩa thứ nhất tức là giải thích rộng rãi ý nghĩa. 

Với những phần Kinh Văn chứa đựng nhiều ý nghĩa thì dùng cách thứ hai. Trong phần này chứa đựng nhiều ý nghĩa rất sâu, vậy thì phải dùng giáo để phân biệt, chọn lựa. Trong giáo có lý, hạnh, quả.

Giáo tướng của Phật có bốn loại: Giáo, lý, hạnh, quả. Giáo là ngôn ngữ, văn tự. Trong ngôn ngữ, văn tự có nói đến đạo lý, có lý luận, trừ lý luận ra, còn có phương pháp tu hành.

Chiếu theo phương pháp ấy để tu hành sẽ có thể nâng cao cảnh giới của chính mình, sẽ bèn chứng quả. Do vậy, dùng phương pháp ấy để nói rõ những ý nghĩa được chứa đựng trong đoạn Kinh Văn ấy.

Ý nghĩa mênh mông quá thì dùng cách thứ ba. Chữ lạm ở đây là nói nhiều. Nếu Kinh Văn lắm ý nghĩa quá, rộng quá, thì dùng cách thứ ba, tức là dùng cách dung hội bổn và tích. Giống như Kinh Pháp Hoa có nhiều đoạn giống như vậy nhất, mỗi một chữ, mỗi một câu không chỉ có một ý nghĩa mà còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, vậy thì phải áp dụng nguyên tắc thứ ba.

Ý nghĩa thứ bốn là: Dường như có ý kiến vượt trỗi hơn thầy. Đây là ý nghĩa thứ bốn. Chúng ta không thể học theo nguyên tắc thứ bốn được.

Vì sao vậy?

Nếu chúng ta học theo sẽ đổ bệnh, nhất định sẽ giảng sai Kinh. Nói thật ra, ngày nay chúng ta giảng Kinh chỉ có thể dùng được hai cách đầu thì đã coi như là khá lắm rồi, quý vị đã là một kẻ giỏi giang rồi đấy.

Đối với hai điều sau, nếu chính mình chưa chứng nhập cảnh giới, chắc chắn sẽ không thể làm được. Đặc biệt là điều cuối cùng, điều cuối cùng giống như cách phát huy nghị luận mà hiện thời chúng ta thường nói.

Phát huy nghị luận là gì?

Là ý kiến của chính mình, kiến giải độc đáo của chính mình.

Kiến giải ấy của quý vị có phải là kiến giải của Phật hay chăng, hay vẫn là ý kiến của chính quý vị đấy?

Nếu đúng ý Phật thì không sao. Quý vị giảng Kinh sẽ không giảng trật. Nếu là ý kiến của chính quý vị thì quý vị đã giảng Kinh trật mất rồi, phải gánh chịu trách nhiệm nhân quả đấy nhé.

Tự lạm sư tâm là tâm có những kiến giải, suy nghĩ vượt ra ngoài những điều đã được nói rõ trong pháp của thầy, điều này chỉ có bậc Đại Bồ Tát mới có thể làm được.

Chẳng hạn như trong bộ Đại Trí Độ Luận của Long Thọ Bồ Tát, Ngài phát huy rất nhiều điều, những điều được Ngài phát huy quả thật là ý Phật, không sai chạy.

Trong bộ Du Già Sư Địa Luận của Di Lặc Bồ Tát cũng có rất nhiều điều được phát huy. Di Lặc là Đẳng giác Bồ Tát, những điều Ngài nói ra quả thật là ý Phật, cho nên Chú Giải của Ngài được gọi là Luận.

Nếu chẳng phải là địa vị như vậy, phát huy nghị luận phải hết sức chú tâm cẩn thận, chỉ sợ trái nghịch ý nghĩa Kinh Điển, trái nghịch ý Phật, phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả quá to.  Đạt được một môn này, sẽ không đếm vật báu của người khác.

Nếu quý vị đạt được ý nghĩa thứ bốn này, quý vị đã minh tâm kiến tánh rồi. Do vậy, kiến giải của quý vị rất gần với kiến giải của Phật, rất tương tự, những gì quý vị nói sẽ là tự tánh Hoa Nghiêm, những gì quý vị giảng sẽ là tự tánh Hoa Nghiêm, giống như Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Hoa Nghiêm không hai, không khác, do vậy sẽ không đếm vật báu của người khác nữa.

Thế nhưng, điều này nhất định là phải kiến tánh rồi mới có thể làm được. Long Thọ là Sơ địa Bồ Tát, trong Kinh Đức Phật đã từng thọ ký cho Ngài.

Di Lặc Bồ Tát là Đẳng giác Bồ Tát, đương nhiên không có vấn đề gì. Chúng ta phải đặc biệt lưu ý điều này. Nếu chưa chứng được địa vị ấy thì tâm chúng ta vẫn còn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nếu muốn học theo cách hành trì ấy của hàng Bồ Tát sẽ không thể nào chẳng tạo nghiệp được.

Đoạn tiếp theo viết: Nhờ vào sự để làm rõ pháp, có rất nhiều đoạn Kinh Văn như vậy. Coi thường một môn này thì sự giải thoát sẽ càng xa.

Câu này nhằm bảo với chúng ta: Đối với Bộ Kinh này, điều cần phải lưu ý là hết thảy những sự được nói tới trong Bộ Kinh này đều nhằm giảng Phật Pháp, đều nhằm hiển thị Vô Thượng Diệu Pháp.

Trong Kinh Văn quả thật có rất nhiều chỗ như vậy, chúng ta phải chú ý. Nếu không chú ý, chúng ta sẽ chẳng đạt được lợi ích, công đức, quý vị sẽ càng ngày càng cách xa đạo giải thoát. Nếu quý vị thấu hiểu được, khế nhập được, chắc chắn Kinh này sẽ ban cho quý vị pháp hỷ sung mãn.

Vì thế trong phần tiếp theo, khi giải thích những pháp như y báo, chánh báo của các vị thiện hữu, phần nhiều áp dụng môn này. Nếu noi theo sự tướng thì tướng nhiều sẽ dễ hiểu.

Do vậy Đại Sư Thanh Lương Chú Giải Bộ Kinh này đặc biệt chú trọng khía cạnh này. Nếu như trong Kinh Văn có những sự tướng, mọi người vừa đọc liền hiểu rõ thì chẳng cần phải giải thích nữa.

Chúng ta xem đoạn Kinh Văn tiếp theo: Sau bảy ngày, thấy vị Tỳ Kheo ấy ở trên ngọn núi khác, đi Kinh hành thong thả. Qua bảy ngày rồi mới thấy được, Thiện Tài Đồng Tử thấy được thiện tri thức. Thấy thiện tri thức không ở trên núi này mà ở trên đỉnh núi khác, thấy vị ấy đi kinh hành thong thả ở nơi đó. Từ bộ là tản bộ, đi chầm chậm, giống như khi chúng ta niệm Phật, nhiễu Phật.

Nhiễu Phật chính là từ Bộ Kinh hành. Nói thật ra, Ngài thật sự đang niệm Phật. Xem ra Kinh Văn rất dễ hiểu, chúng ta đọc lời Chú Giải của Đại Sư Thanh Lương càng khó hiểu, càng xem càng thấy khó. Lời Chú Giải ấy mới thật sự có ý vị. Xin hãy đọc đoạn Chú Giải thứ nhất.

Đây là đoạn thứ hai trong sáu đoạn lớn, đoạn thứ hai là: Trông thấy, lễ kính, xin thưa hỏi. Trong đoạn thứ hai có ba chuyện. Từ chữ qua bảy ngày trở đi, đoạn Kinh Văn này là kiến kính tứ vấn. Ở nơi đây lại chia thành ba đoạn nhỏ. Thoạt đầu là thấy, kế tiếp là kính. Đoạn thứ hai là kính, đoạn thứ ba là Ngài tức Thiện Tài Đồng Tử muốn nêu ra câu hỏi.  Những phần sau đa số theo lệ này.

Từ đây trở đi, đa số những phần Kinh Văn nói về thiện hữu đều được chia đoạn theo cách này, nay giảng đoạn thứ nhất: Sau bảy ngày.  Lìa tướng trạng của thất giác chi.

Ở đây chúng tôi giảng đơn giản về thất giác. Những vị đồng tu lâu năm ắt sẽ đều rất quen thuộc khái niệm này, nó chính là thất giác chi trong ba mươi bảy đạo phẩm.

Thứ nhất là trạch pháp, trạch là chọn lựa. Trạch pháp là chọn lựa pháp môn, phải chọn lựa pháp thích hợp với căn tánh của chính mình, thích hợp với trình độ của chính mình, thích hợp với hoàn cảnh sống của chính mình. Quý vị chọn lựa pháp môn như thế để tu học sẽ cảm thấy rất dễ dàng.

Nếu chọn lựa pháp môn không hợp với trình độ của chính mình, gây trở ngại cho cuộc sống của chính mình, thì quý vị tu học rất khó khăn, không dễ dàng. Do vậy, điều thứ nhất là trạch pháp.

Điều thứ hai là phải tinh tấn. Sau khi chọn lựa, quý vị thâm nhập một môn. Tinh là tinh thuần không tạp, tấn là tiến lên không lùi.

Điều thứ ba là hỷ giác chi, tức là pháp hỷ sung mãn. Quý vị tu học vui sướng, chẳng cảm thấy ta học Phật khổ quá chừng. Học khổ quá tức là quý vị học sai mất rồi. Người học Phật nhất định học rất sung sướng, như vậy là đúng pháp, công phu đắc lực.

Điều thứ bốn là Khinh An.

Khinh An nhìn từ chỗ nào?

Nhìn từ tinh thần và thể lực của quý vị, nhất định quý vị cảm thấy được điều tốt đẹp này. Điều này giống như điều được con người hiện nay gọi là cải biến thể chất.

Nếu học Phật công phu đắc lực, dung mạo sẽ biến đổi, thể chất cũng biến đổi. Những kẻ coi tướng, tiên đoán số mạng đều hiểu chuyện tướng chuyển theo tâm. Tâm người ấy thanh tịnh, mỗi ngày càng thanh tịnh hơn, phiền não nhẹ dần, phiền não ít đi.

Phiền não nhiều, người ấy tỏ ra nặng nề, vụng về, chuyện gì cũng đều thấy rất nặng nề, vụng về, trong tâm dường như chịu áp lực nặng nề, cảm thấy rất nặng gánh, thân thể cũng như thế, hành động đều rất vụng về, nặng nề.

Nếu như công phu đắc lực, trong tâm ít phiền não. Phiền não ít thì lo sầu ít, vọng niệm ít, tâm người ấy cũng thanh tịnh. Khi đó, tâm thanh tịnh, thân cũng nhẹ nhàng, đi đứng nhẹ nhàng, nhanh nhẹn khác hẳn, quả thật là khác biệt.

Vì vậy, khinh an nói theo cách hiện thời là cải biến thể chất, thay đổi dung mạo. Dung mạo là tướng chuyển theo tâm, càng ngày càng thanh tịnh, càng ngày càng từ bi.

Điều thứ năm và điều thứ sáu là vấn đề công phu. Điều thứ năm là niệm, điều thứ sáu là định. Đây là nói về công phu. Điều thứ bảy nói tới hành xả. Hành xả là buông xuống. Có thể nói là Bồ Tát đạo từ sơ phát tâm cho đến tận địa vị Như Lai không có gì khác cả, đều phải buông xuống, phải bỏ được. Đấy là thất giác chi, ở đây tôi chỉ nói đại ý.

Ly thất giác tướng, Ngài có tu thất giác hay không?

Ngài có tu, tuy tu nhưng đã không còn chấp vào tướng tu hành. Chúng ta gọi là tu mà vô tu, vô tu mà tu. Vô tu không phải là chẳng tu gì hết, Ngài thật sự tu.

Tuy tu nhưng không chấp tướng, cho nên nói: Vô tu và tu đồng thời, không có trước sau, không có sai biệt, chúng đồng thời viên mãn. Đấy gọi là lìa tướng trạng thất giác là qua bảy ngày. Từ ngữ qua bảy ngày nhằm biểu thị ý nghĩa này. Quên địa vị đã trụ thì mới là đạt được tông chỉ.

Ngài hiện đang là Sơ trụ Bồ Tát, nếu tự mình cảm thấy nay ta đã đắc Sơ trụ Bồ Tát, quý vị nghĩ xem vị ấy đã chứng được Sơ trụ hay chưa?

Chưa chứng được, vẫn là phàm phu.

Vì sao là phàm phu?

Vì vị ấy vẫn còn phân biệt, vẫn còn chấp trước. Chứng được địa vị ấy rồi thì cũng quên sự chứng đắc ấy luôn, cũng có nghĩa là những phân biệt, chấp trước ấy đều không còn nữa.

Nói vị ấy là Sơ trụ Bồ Tát là do người khác nói, chứ tự vị ấy không hề bảo mình là Sơ trụ Bồ Tát. Trong tương lai vị ấy chứng nhập Sơ địa Bồ Tát, chính vị ấy cũng trọn chẳng hề cảm thấy chính mình là Sơ địa Bồ Tát.

Thành Phật rồi vị ấy cũng chẳng cảm thấy chính mình là Phật. Nếu vị ấy cảm thấy chính mình đã thành Phật thì thưa cùng quý vị, vị ấy chẳng khác gì chúng ta cả, vẫn còn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Do vậy, từ đây trở đi, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều hoàn toàn lìa bỏ, không giống như những người trong mười pháp giới. Trong mười pháp giới vẫn còn có phân biệt.

Quên địa vị đã trụ. Tâm Ngài thật sự thanh tịnh thì mới gọi là đắc chỉ. Chỉ ở đây là tự tánh công đức, tâm thật sự thanh tịnh thì điều này mới hiện tiền. Hễ có một chút xíu phân biệt, chấp trước thì tự tánh bị chướng ngại, chẳng thể hiện tiền được.

 Đại Thừa Bồ Tát tu hành không có gì khác cả, chỉ là tu điều này. Vậy thì chúng ta đọc Kinh này, cảm thấy hết sức hổ thẹn. Chúng ta thấy sắc, nghe tiếng, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần vẫn phân biệt, chấp trước.

Chẳng những phân biệt, chấp trước, mà còn nghiêm trọng nữa, ngày nào mới thành tựu được đây?

Chúng ta nhất định phải cảnh giác điều này. Nói cách khác, tuy chúng ta chưa đạt đến cảnh giới Bồ Tát thì tối thiểu cũng phải là điều gì có thể không phân biệt thì đừng phân biệt nữa, điều gì có thể không chấp trước thì đừng chấp trước nữa.

Những gì có thể không phân biệt, không chấp trước?

Chuyện của người khác.

Chuyện của người khác mà chúng ta cũng phân biệt, chấp trước, quý vị chẳng kêu oan uổng hay sao?

Phân biệt, chấp trước chuyện của chính mình thì còn tha thứ được, chứ chuyện của người ta không ăn nhập gì đến mình mà ta cũng phân biệt, chấp trước, lầm lẫn quá lớn rồi.

Trước hết phải học đừng bận tâm đến những chuyện thừa thãi tức những chuyện của người ta không liên can đến mình, hãy học từ chỗ này. Dần dần sẽ làm cho cái tâm của ta thanh tịnh, an định, quyết định sẽ có ích, có chỗ hay cho sự tu hành của chúng ta.

Tiếp theo là: Cho nên thấy ở ngọn núi khác, thấy chính là định và huệ cùng lưu xuất. Bình đẳng gìn giữ định lẫn huệ. Là đi Kinh hành từ từ. Dùng từ ngữ Kinh hành từ bộ để hình dung.

Phần tiếp theo nói với chúng ta: Từ chính là chỉ, chẳng trụ trong loạn tưởng. Đây chính là lìa phân biệt, chấp trước. Dùng chữ từ bộ để tỷ dụ sự lìa phân biệt, chấp trước.

Hành chính là Quán, chẳng trụ vào tâm vắng lặng. Nếu quý vị trụ vào cái tâm vắng lặng, trụ vào cảnh giới thanh tịnh, quý vị lại lầm mất rồi, quý vị biến thành A La Hán, Bích Chi Phật, biến thành tiểu thừa.

Hai bên đều chẳng trụ. Từ nay trở đi, đây là cơ sở tu hành của bốn mươi mốt địa vị pháp thân Đại Sĩ.

Phần tiếp theo là: Nếu ước theo sự tướng, chính là đang tu tập Ban Châu tam muội.

Tu tập điều gì?

Tỳ Kheo Cát Tường Vân tu tập điều gì?

Từ Kinh Văn chúng ta không thấy được, chúng ta thấy không ra. Tới khi Tổ Sư giảng giải, chúng ta hiểu rõ liền. Ngài đi Kinh hành thong thả, chính là đang tu tập Ban Châu tam muội.

Ban Châu tam muội là gì?

Người niệm Phật chúng ta phải biết.

Ban Châu Pratyutpanna là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán có nghĩa là Phật lập là chữ lập trong kiến lập kiến lập ngôi vị Phật.

Trong đây có ba ý nghĩa: Thứ nhất là oai lực của Phật. Nói thật ra là sức bổn nguyện oai thần của A Di Đà Phật, mà cũng là oai lực của mười phương hết thảy Chư Phật Như Lai đều cùng gia trì quý vị.

Thứ hai là tam muội lực, tam muội là sức mạnh của pháp quý vị đang tu.

Thứ ba sức công đức của chính người tu hành.

Ba thứ sức này kết hợp lại thì gọi là Ban Châu tam muội, là một trong bốn thứ tam muội. Trong những Kinh giảng tam muội này rất rõ ràng thì có Ban Châu tam muội Kinh. Người tu loại tam muội này có thể thấy được Chư Phật hiện tiền.

Thế nhưng nghi quỹ tu hành rất nghiêm ngặt, lấy chín mươi ngày làm kỳ hạn, đấy là một giai đoạn. Ba tháng chín mươi ngày làm một giai đoạn. Trong chín mươi ngày đó, thân thường đi, không nghỉ ngơi. Đấy là lý do vì sao Tỳ Kheo Cát Tường Vân thường đi Kinh hành thong thả.

Trong chín mươi ngày ấy, quý vị chẳng được nằm xuống để ngủ nghê, quý vị cũng chẳng thể ngồi xuống nghỉ, mà phải đi kinh hành, đi kinh hành thong thả. Trong chín mươi ngày thân thường đi, không nghỉ ngơi.

Miệng thì sao?

Niệm A Di Đà Phật. Trong chín mươi ngày niệm A Di Đà Phật, không nghỉ ngơi. Trong tâm quán tưởng A Di Đà Phật, trong tâm tưởng Phật không nghỉ ngơi. Đấy là phương pháp tu hành Ban Châu tam muội, một kỳ là chín mươi ngày.

Thời cổ có người tu Ban Châu tam muội, chứ con người hiện thời sợ rằng không ai có được thể lực ấy. Dù có cơ hội này, thân thể quý vị duy trì không được, đấy là sự thật. Do đây biết rằng Ban Châu là chuyên môn niệm A Di Đà Phật, bởi lẽ, công đức niệm A Di Đà Phật giống hệt như công đức niệm mười phương hết thảy Chư Phật.

Ban Châu tam muội lấy niệm A Di Đà Phật làm chủ, từng bước, từng tiếng, tâm tâm niệm niệm đều hệ niệm nơi A Di Đà Phật. Trong số những vị Cổ Đức cũng có vị Chú Giải Ban Châu Tam Muội Kinh.

Trong Chú Giải cũng có nói, giải thích ý nghĩa từ ngữ Ban Châu tam muội. Trong Chú Giải cũng dịch Ban Châu là thường hành đạo thường đi kinh hành, thường đi không ngừng. Vị ấy không nằm xuống, cũng chẳng ngồi xuống.

Thế nhưng trong lời Chú Giải đã nêu ra cho chúng ta một nguyên tắc rất trọng yếu: Thời gian gồm bảy ngày. Trong Kinh nói lấy chín mươi ngày làm hạn. Bảy ngày dễ thực hiện hơn nhiều. Trong bảy ngày chắc chắn phải chiếu theo cách này để tu tập.

Trong bảy ngày ấy, không ngủ suốt bảy ngày sợ là rất khó thể làm được, chín mươi ngày sẽ làm không được. Có người kể với tôi người ấy tu Ban Châu tam muội, bế quan tu Ban Châu tam muội, tôi không tin. Quý vị rất tin tưởng, rất tán thán, chứ tôi không tin.

Người ấy nói với tôi, tôi tuyệt đối không tin tưởng. Đừng nói là người ấy kể với tôi là tu chín mươi ngày tôi sẽ không tin, dẫu bảo với tôi là tu bảy ngày, tôi vẫn không tin.

Vì sao vậy?

Tu rồi mà tôi thấy quý vị không thay đổi chi cả, vẫn là vọng tưởng cả đống, vẫn là thị phi, nhân ngã, không giống như vậy.

Dẫu trong chín mươi ngày quý vị thật sự tu đúng như pháp, nhưng khi quý vị tu không có thành tích, trên bảng thành tích của quý vị là con số không thì có ích gì đâu?

Sau khi tu pháp này, hễ tu thật sự thì khí chất của con người sẽ biến đổi, khác hẳn. Do vậy, chúng ta hiểu cách nói bảy ngày của Cổ Đức nếu nhìn theo căn tánh của lũ chúng sanh chúng ta trong thời đại này, quả thật là làm không được.

Chúng ta nghiệp chướng nặng quá, không có tinh thần ấy, không có thể lực ấy. Đã có thể nói là bảy ngày thì chúng ta cũng có thể rút gọn thành một ngày, một ngày trong suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ vẫn không đơn giản đâu nhé. Nếu trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ có thể làm như vậy, hết sức khó có.

Nói thật ra, sợ rằng vẫn chưa làm được. Đúng là trong một vạn người, khó có được một hai người. Quý vị có thể làm được trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ tản bộ, niệm Phật, trong tâm tưởng Phật, không có tạp niệm, không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn.

Hai mươi bốn tiếng đồng hồ, không dễ dàng đâu. Đấy là chân chánh tu tập Ban Châu tam muội. Những người như vậy không có vấn đề gì, họ là Bồ Tát minh tâm kiến tánh, bất luận làm gì đều không chán mỏi, cho nên họ có thể làm được.

Do đây biết rằng: Phật dạy chúng ta Ban Châu tam muội thì khi nào mới tu được?

Đợi đến khi chúng ta chứng tới Sơ trụ Bồ Tát, khi ấy quý vị niệm Phật sẽ là Ban Châu tam muội niệm Phật, chứ không phải là niệm Phật bình thường.

Trong các vị Tổ Sư Đại Đức thuở trước, Đại Sư Hành Sách cũng là Tổ Sư Tịnh Độ của chúng ta. Trong quá khứ, tôi từng nghĩ tới một phương pháp niệm Phật. Tôi có ý niệm này rất sớm, niệm Phật đường chuyên môn niệm Phật, bởi lẽ tìm được những đồng tham đạo hữu chân chánh cũng chẳng dễ dàng cho lắm.

Nhất là những vị sống trong Đạo tràng hiện thời không nhiều, chẳng giống như trong tùng lâm tự viện thuở trước, có mấy trăm vị xuất gia ở trong ấy, thậm chí một hai ngàn vị xuất gia, thực hiện chuyện này dễ dàng, đông người dễ thực hiện. Hiện thời, số người trụ trong Đạo tràng rất ít, đều là trụ mấy vị, do vậy, suất lãnh đại chúng cũng khá khó khăn.

May sao hiện nay đã phát minh ra máy niệm Phật, tốt lắm, phát minh ra máy niệm Phật quá hay. Nếu chúng ta đem thu một cuốn băng mới cho máy niệm Phật, âm thanh hiện thời của máy niệm Phật này có chỗ lờ mờ không rõ ràng, bốn chữ A Di Đà Phật niệm không rõ. Hơn nữa, tiếng dẫn khánh nhất định phải gõ ở chữ Đà. Hiện thời, trong Đạo tràng chúng ta, mọi người đều gõ khánh đúng nhịp.

A Di Đà Phật, dẫn khánh gõ đúng vào chữ Đà, chỉ đánh một tiếng dẫn khánh cho mỗi câu niệm là được rồi. Chúng ta có thể thu băng ghi âm khác cho máy niệm Phật rồi chế ra máy niệm Phật mới để cung cấp cho niệm Phật đường chuyên sử dụng.

Như vậy thì trong niệm Phật đường chẳng cần phải có người xướng giọng lãnh chúng, cũng chẳng cần phải có người gõ dẫn khánh. Những âm thanh ấy máy niệm Phật đều có, không cần phải gõ, có thể bớt được rất nhiều chuyện. Mà người niệm Phật nhiều hay ít đều không sao cả, dăm ba người đều có thể niệm Phật.

Khi ấy tôi nghĩ nếu dùng máy niệm Phật thì không cần những người lãnh chúng, nhưng tới niệm Phật đường chẳng được nói năng, hết thảy đều buông xuống, nhất tâm niệm Phật.

Trong niệm Phật đường chia thành ba khu, khu chính giữa có Tượng Phật để lễ Phật, hai bên dành cho chỉ tịnh. Tức là khi quý vị niệm đã mệt rồi, quý vị có thể đến đó ngồi xuống, ngồi xuống không cần phải niệm ra tiếng, niệm thầm trong tâm là được rồi, cốt để dưỡng sức.

Ngoài ra thì có lúc nhiễu Phật, đi kinh hành. Kinh hành, nhiễu Phật thì phải niệm ra tiếng. Nhiễu Phật phải niệm ra tiếng, chỉ tịnh thì không niệm ra tiếng, lễ Phật chớ nên niệm ra tiếng, lễ Phật niệm ra tiếng sẽ gây tổn thương cho thân thể.

Vì thế, khi lễ Phật, niệm Phật trong tâm là được rồi. Một Phật đường chia thành ba khu, quý vị thích nhiễu Phật thì nhiễu Phật, quý vị thích lễ Phật thì lễ Phật.

Lễ mệt rồi liền vui vẻ sang bên cạnh ngồi xuống, quý vị ngồi xuống, không ai cấm quý vị hết. Trong quá khứ tôi từng nhắc đến phương pháp này rất nhiều lần, nhưng mãi vẫn chưa thực hiện được. Về sau, tôi đọc Ngữ Lục của Ngài Hành Sách, cuối sách cũng có phương pháp ấy. Ngài sống trước thời tôi nhưng thuở ấy Ngài không có máy niệm Phật.

Ngài nghĩ giống như tôi, chia người niệm Phật thành ba ban, mỗi một ban có bốn người xuất gia lãnh chúng, gõ pháp khí để lãnh chúng. Một ban nhiễu Phật, hai ban chỉ tịnh, luân lưu, ban này niệm mệt, khi chỉ tịnh, ban thứ hai lại đi nhiễu Phật. Khi ấy, tâm địa mọi người rất thanh tịnh, thân thể cảm thấy thoải mái, có thể duy trì lâu dài, duy trì lâu dài trong niệm Phật đường.

Ngài chia thành ba ban, mỗi một ban có bốn người xuất gia, còn chúng ta hiện thời nhân số không đủ thì dùng máy niệm Phật. Phương pháp này của tôi so với phương pháp của Ngài còn thuận tiện hơn, bởi lẽ cách của Ngài là tới lui đều phải theo đoàn thể, còn trong cách của tôi đây thì chẳng lui tới theo đoàn thể.

Cá nhân quý vị ngồi nơi đó, ngồi lâu thấy mệt thì cần phải vận động, quý vị bèn nhiễu Phật, nhiễu Phật thì mở miệng niệm, hoặc trước hết quý vị lạy Phật, quý vị đến khu chính giữa lạy Phật.

Có thể tạo dựng một niệm Phật đường như thế, bên ngoài có người hộ trì, giống như trong Phật Thất có người hộ thất bên ngoài, chăm sóc quý vị, chăm sóc người niệm Phật. Các quý vị cần nước trà, người ấy chuẩn bị cho quý vị, quý vị cần ăn thứ gì, người ấy cũng chuẩn bị từng phần cho quý vị.

Quý vị muốn ăn gì, khi đói bụng, quý vị đừng gọi người khác: Đi ăn cơm nghe. A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, trong ấy xen vô đi ăn cơm nghe. Không hay chút nào.

Do vậy, nếu quý vị cảm thấy phải đi ăn, tự quý vị đi ăn, đừng bận tâm tới người khác. Nếu có chuyện gì cần phải đi ra, quý vị niệm xong cũng đi ra, không cần kêu réo người khác. Quý vị ở trong niệm Phật đường, tâm vĩnh viễn thanh tịnh, công phu niệm Phật ấy thật sự đắc lực.

Thuở trước tôi từng nghĩ tới phương pháp này, hiện thời giống như Đạo tràng Dallas ở Mỹ. Lần này tôi sang châu Úc, muốn đem phương pháp ấy truyền cho họ, bởi lẽ họ ở đó không có nhiều người, áp dụng phương pháp dùng máy niệm Phật thì sẽ có thể thực hiện được.

Mong mỏi chuyện niệm Phật đều đi vào nề nếp. Tuy chưa phải là Ban Châu tam muội, nhưng rất gần với Ban Châu tam muội, gần lắm. Con người chúng ta hiện nay nghiệp chướng sâu nặng nhưng vẫn có thể thực hiện được.

Từ Kinh này, chúng ta thấy được rằng: Kinh này khải thị cho chúng ta rất lớn, Thiện Tài Đồng Tử tách rời khỏi thầy, đi tham học, vị thứ nhất do thầy mình giới thiệu. thầy đã giới thiệu thì đương nhiên là thầy có dụng ý đặc biệt, chứ không phải là giới thiệu tùy tiện.

Vị thứ nhất là Tỳ Kheo Cát Tường Vân chuyên tu pháp môn niệm A Di Đà Phật, gặp một vị nào trước hết thì pháp môn của vị ấy sẽ là chủ chánh yếu, pháp tu của vị ấy sẽ biến thành pháp môn tu tập chánh yếu của Thiện Tài Đồng Tử. Đến cuối cùng, Phổ Hiền Bồ Tát dùng Mười Đại Nguyện Vương dẫn về Cực Lạc.

Quý vị thấy đó, Ngài từ đầu đến cuối như một, sau đấy quý vị mới suy nghĩ, Thiện Tài Đồng Tử học pháp môn gì?

Pháp Môn niệm Phật đấy. Một câu A Di Đà Phật niệm đến tột cùng.

Vì sao Văn Thù Bồ Tát giới thiệu cho Ngài pháp môn này?

Chính Văn Thù Bồ Tát đã tu pháp môn này, Phổ Hiền Bồ Tát cũng tu pháp môn này. Trong phần trước của Bộ Kinh bốn mươi quyển này, không nằm trong quyển bốn mươi mà là trong quyển ba mươi chín trong số bốn mươi quyển, chúng ta thấy Văn Thù, Phổ Hiền phát nguyện cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, mới biết chính các Ngài đã tu pháp môn này.

Văn Thù trí huệ bậc nhất trong các vị Bồ Tát, trong phần trước chúng tôi đã nói tới việc chọn lựa pháp thì bậc trí huệ đệ nhất đương nhiên chọn lựa pháp môn thù thắng nhất.

Như vậy thì pháp môn niệm Phật được Văn Thù Bồ Tát tuyển chọn, được Phổ Hiền Bồ Tát tuyển chọn, là pháp môn được các vị ấy tuyển chọn.

Thiện Tài là học sinh đắc ý của họ, họ có dạy Thiện Tài pháp môn nào khác hay chăng?

Nói như vậy thì sao Văn Thù không tự dạy cho Thiện Tài mà lại phải bảo Tỳ Kheo Cát Tường Vân dạy?

Ở đây có một đạo lý rất sâu. Có những khi, đối với thầy, trò vẫn còn có chút thành kiến, vẫn hoàn toàn chưa thể khẳng định. Tôi là một trường hợp như vậy.

Khi tôi theo học với thầy Lý, thầy Lý dạy tôi tu pháp môn niệm Phật, tuy tôi không hoài nghi, nhưng tôi trọn chẳng chấp nhận hoàn toàn, tôi nghĩ bụng: Kinh Giáo Đại Thừa nhiều như vậy, dường như pháp môn này dành cho những bà cụ già học. Chúng tôi vẫn còn có một chút không cam lòng, không ưng chịu.

Tìm người thứ ba để biểu diễn, khai thị lần nữa cho học trò thấy. Học trò bèn suy nghĩ lại, thầy mình cũng học pháp này, tâm học trò bèn định lại. Đấy là mẹo dạy học, là phương tiện thiện xảo vậy. Tôi hoàn toàn tiếp nhận, chịu chấp nhận pháp môn niệm Phật là do giảng Kinh Hoa Nghiêm.

Từ năm Dân Quốc 60, 1971, tôi bắt đầu giảng Bộ Kinh này, lúc giảng, lúc ngừng suốt mười bảy năm, Kinh Hoa Nghiêm giảng được một nửa, giảng Tứ Thập Hoa Nghiêm cũng được một nửa, Bát Thập Hoa Nghiêm cũng giảng được một nửa. Sau đấy thường đi ra nước ngoài, Kinh này bỏ lửng, không giảng thêm nữa.

Khi ấy chưa có băng ghi âm, những gì giảng ra cũng không lưu lại được. Do vậy, lần này có máy thâu âm, giảng lại một lượt, mong sẽ thâu lại thành bộ băng hoàn chỉnh để mọi người tham khảo, dụng ý hết sức sâu xa.

Chúng ta xem đoạn Kinh Văn tiếp theo, đoạn trước là Thiện Tài thấy Tỳ Kheo Cát Tường Vân, đấy là Kiến. Liền tiến tới trước, đảnh lễ dưới hai chân, nhiễu theo chiều phải ba vòng, rồi đứng chắp tay. Đây là đoạn thứ hai, tức Kính.

Lời Chú Giải của Đại Sư Thanh Lương cho đoạn thứ hai như sau: Nói rõ cách tỏ bày lòng cung kính vì kính trọng người và pháp.

Vì sao tôn kính thầy?

Do tôn trọng vị ấy, tôn trọng pháp. Cho nên trông thấy thiện tri thức bèn vội tiến sang đó, thấy mặt liền làm lễ.

Đảnh lễ song túc: Đối đãi với vị ấy giống hệt như Phật. Sau đấy hữu nhiễu tam táp, đây là lễ tiết tôn kính nhất ở Ấn Độ vào thời cổ. Sau khi lạy ba lạy, lại còn nhiễu quanh ba vòng. Hợp chưởng nhi trụ đứng chắp tay, trụ là đứng ở một chỗ nào đó.

Phần Kinh Văn tiếp theo:

Bạch rằng: Thưa Thánh Giả! Trước đây con đã phát tâm vô thượng, chánh đẳng, chánh giác. Đây là tiểu đoạn thứ ba trong đoạn thứ hai. Xin cho con được hỏi pháp trọng yếu. Hướng về vị thiện tri thức thỉnh giáo. Đoạn này Kinh Văn khá dài, lại phải chia ra thành các tiểu đoạn, nên lại chia thành ba tiểu đoạn. Đây là đoạn thứ nhất.

Trần thuật chính mình đã phát tâm, nói rõ mình có đủ tư cách để lãnh nhận pháp. Trước hết, bạch là từ ngữ tôn kính của kẻ dưới đối với người trên.

Bạch ngôn thưa rằng, chứ không thể nói: Tôi bảo ông. Bảo ông là người trên nói với kẻ dưới, Phật nói với người khác, tức là Phật nói với ai, Phật bảo ban người đó, là người trên đối với kẻ dưới nên dùng chữ cáo.

Kẻ dưới đối với người trên thì dùng chữ bạch, đây là từ ngữ tỏ vẻ tôn kính. Thánh giả là tiếng để gọi Tỳ Kheo Cát Tường Vân bởi vị Tỳ Kheo ấy chẳng phải là Tỳ Kheo tầm thường, chẳng thể gọi vị Tỳ Kheo thông thường là Thánh giả được.

Đây chính là ý nghĩa được chứa đựng trong chữ Tỳ Kheo, ngụ ý vị ấy mới vượt thoát mười pháp giới, đấy là ý nghĩa của chữ xuất gia: Mười pháp giới là nhà, ra khỏi cái nhà ấy. Do vậy, các vị ấy là Đại Thánh, Đại Bồ Tát. Nói mình trước đấy đã từng phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Tâm, tức là đã phát bồ đề tâm. Nếu chẳng phát bồ đề tâm thì Bồ Tát không dạy quý vị, Bồ Tát không có cách nào dạy quý vị được.

Quý vị đã từng phát ra cái tâm ấy, chính mình nói toạc ra: Tôi có tư cách tu học pháp đại thừa. Cơ sở của pháp đại thừa là bồ đề tâm, tôi đã phát bồ đề tâm rồi. Minh hữu pháp khí, chữ pháp khí ở đây là nói tỷ dụ. Giống như tôi khát, mong rằng quý vị sẽ cho tôi nước. Cho tôi nước thì tôi có chén đựng.

Cái chén ấy là pháp khí. Tôi xách chén đến, tôi có chén đây, quý vị có thể cho tôi, ý nghĩa là như vậy. Quý vị có thể truyền pháp cho tôi, tôi là pháp khí, có tư cách để tiếp nhận. Đây là một ý nghĩa. Người đã phát bồ đề tâm thì là pháp khí, câu này hết sức trọng yếu.

Lại xem tiếp: Nhưng chưa biết Bồ Tát học Bồ Tát hạnh như thế nào?

Tu Bồ Tát hạnh như thế nào?

Hành Bồ Tát hạnh như thế nào?

Cho đến làm sao để hạnh Phổ Hiền mau được viên mãn?

Đây là tiểu đoạn thứ hai.

Tiểu đoạn thứ hai là: Nêu thẳng câu hỏi.

Ngài nêu ra những câu hỏi, những nghi vấn của chính mình để cầu xin thiện tri thức dạy bảo.

Con đã phát bồ đề tâm, nhưng chẳng biết học Bồ Tát hạnh ra sao?

Học là mong được hiểu.

Câu thứ hai vân hà tu Bồ Tát hạnh: Câu này nói về hạnh. Hai câu này là hai môn giải và hạnh, là tổng cương lãnh. Trong một chương trước, chúng tôi đã từng nói rồi, trong chương trước có tổng cộng mười ba câu hỏi. Ở chỗ này giản lược, lẽ ra có đủ cả mười ba câu, nhưng bị lược đi. Chúng ta xem Chú Giải, ý nghĩa này đã được nói trong phần trước rồi.

Trong Chú Giải viết: Kế đến. Thứ là đoạn thứ hai, tức tiểu đoạn thứ hai. Từ chữ nhưng chưa biết trở đi. Đây là nói về đoạn Kinh Văn này.

Nêu thẳng câu hỏi. Đây chính là phần trình bày những điều Thiện Tài muốn hỏi. Nêu rõ chính mình vì pháp mà đến. Tỏ rõ Thiện Tài vì pháp mà đến, chứ không vì điều chi khác, vì pháp mà đến cầu thiện tri thức chỉ dạy.

Lời hỏi ở đây được người phiên dịch rút gọn. Những điều được hỏi ở đây chúng ta đã từng thấy trong phần trước có tổng cộng mười ba câu, nhưng ở đây chỉ có năm câu, nói rút gọn. Rút gọn không phải là do nguyên văn rút gọn mà do người phiên dịch rút gọn, chứ nguyên văn thì có. Nếu Thiện Tài rút gọn thì thiện hữu làm sao biết được.

Nếu Thiện Tài chỉ nói năm câu này thì thiện hữu khai thị cho Ngài cũng chỉ có năm điểm này, làm sao có thể giảng viên mãn cho được?

Những lời giảng trong phần sau rất viên mãn, đối với cả mười ba câu hỏi đều giảng rất viên mãn.

Do đây biết được rằng: Ở chỗ này, câu hỏi bị giản lược là do người phiên dịch rút gọn. Người phiên dịch rút gọn cũng là có nguyên nhân, bởi lẽ người Trung Quốc thích đơn giản, ở đây tôi nói về người Trung Quốc thuở xưa.

Người Trung Quốc thời cổ ngôn ngữ, văn tự đều thích đơn giản, đều chẳng thích nói rườm rà. Do vậy, họ thấy trong Kinh Phật có nhiều chỗ lặp đi lặp lại, khi dịch Kinh bèn rút gọn lại.

Do vậy, câu tiếp theo trong lời Chú Giải là: Thì vị thiện hữu kế tiếp lẽ ra chẳng thể trả lời hoàn toàn khớp với các câu hỏi trong phần trước. Biến điệp là mỗi một điều do Ngài tức Thiện Tài Đồng Tử nói ra, Tỳ Kheo Cát Tường Vân đều giải đáp hết, cho thấy lời hỏi của Ngài là viên mãn, chứ không phải chỉ có năm câu, mà phải là mười ba câu.

Lại xem tiếp đoạn Kinh Văn kế đó: Ngã văn Thánh giả thiện năng dụ hối, duy nguyện từ ai, vị ngã tuyên thuyết.

Vân hà Bồ Tát tốc đắc thành tựu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề?

Con nghe Thánh giả có thể khéo khuyên dụ, dạy dỗ, xin Ngài xót thương tuyên nói cho con: Làm thế nào để Bồ Tát mau được thành tựu vô thượng, chánh đẳng, chánh giác?

Kinh Văn đến chỗ này đã thuật xong lời thỉnh giáo của Thiện Tài Đồng Tử đối với thiện tri thức. Đây là tiểu đoạn thứ ba, tiểu đoạn thứ ba là thỉnh giáo. Những chỗ giống như thế này, chúng ta đều nên học tập.

Nếu chúng ta thân cận một vị thiện tri thức, hướng về vị ấy thỉnh giáo thì phải tỏ ra lễ phép, lời lẽ phải có chừng mực, chẳng thể bộp chộp suồng sã nêu câu hỏi, một tí lễ kính cũng không biết, người ta chẳng nói cho quý vị đâu nhé. Nếu quý vị đối với mọi chuyện đều biết lễ, biết giữ chừng mực, người ta chẳng thể không giảng cho quý vị.

Người ta không giảng cho quý vị thì sẽ thấy khó xử, quý vị thật sự vì pháp tìm đến mà. Vậy thì sau khi chính mình đã nêu câu hỏi, lại phải khen ngợi thiện tri thức, rồi mới thỉnh vị ấy tuyên nói. Do vậy, con nghe Thánh giả có thể khéo khuyên dụ, dạy dỗ. Câu này nhằm tán thán vị ấy.

Lời Chú Giải giảng về đoạn này như sau: Sau đó. Chữ hậu ở đây chỉ tiểu đoạn thứ ba. Từ chữ ngã văn Thánh giả trở đi là khen ngợi đức, thỉnh nói ra, mong thiện tri thức sẽ rủ lòng cứu giúp.

Mong thiện tri thức giúp đỡ Ngài. Bạt là bạt khổ dẹp khổ, tế là cứu tế cứu vớt. Mong mỏi thiện hữu giúp đỡ, giúp cho Ngài phá mê khai ngộ. Ý nói vị ấy có trí huệ, sẽ có năng lực hay khéo, có lòng từ nên không bỏn xẻn, cho nên sẽ nói.

Thiện hữu có trí huệ. Hễ vị ấy có trí huệ thì đương nhiên sẽ có thiện xảo phương tiện, vị ấy có thể ứng cơ thuyết pháp. Thiện hữu lại có lòng từ bi, có lòng từ bi nên chắc chắn chẳng tiếc pháp, nhất định sẽ rất hoan hỷ chỉ dạy, do vậy vị ấy nhất định sẽ nói. Tiếp theo là phần giải thích về chữ dụ hối răn dạy.

Dụ có nghĩa khuyên dụ, tức là truyền dạy cho thành tựu phần. Giải như đã nói trong phần trên. Nếu dùng cách nói hiện thời để giảng thì chữ Dụ này là phương tiện. Khuyên dụ người ta, dùng các thứ phương tiện thiện xảo để khuyên dụ, hướng dẫn người ta, không nhất định phải là lời lẽ.

Ngoài ngôn từ ra, có thể nói là nhất cử, nhất động, một lời nói, một nụ cười, đều có công năng khuyên dụ, hướng dẫn. Hối là dạy dỗ. Hối là chỉ dạy, tức là dạy răn để thành tựu được phần hạnh như đã nói trong phần trên.

Dụ là giúp cho người ấy thấu hiểu, hối là dạy người ấy làm như thế nào, tu ra sao?

Từ đây trở đi thường gặp hai chữ này, bởi lẽ Thiện Tài Đồng Tử hễ gặp thiện tri thức đều dùng cách tán thán như sau: Con nghe Thánh giả có thể khéo khuyên nhủ, dạy dỗ. Ý nghĩa đều giống hệt. Trong phần trước tuy lời hỏi rộng rãi. Trong phần trước có hỏi mười ba câu, những câu hỏi này được rút gọn trong Kinh Văn, đấy là những câu hỏi rộng rãi, nhưng trong câu kết thúc cuối cùng của lời hỏi... Chỉ nhằm đạt tới tu nhân viên mãn.

Chỉ nhằm nêu câu hỏi tổng kết: Làm như thế nào sẽ khiến cho Bồ Tát thành tựu vô thượng bồ đề rất mau chóng?

Đây là lời tổng kết. Câu tổng kết lời thỉnh vấn ở đây nhằm mong viên mãn quả.

Do đây biết được rằng: Thiện Tài cầu học chẳng phải là đạt đến giai đoạn này bèn chấm dứt. Không phải vậy. Ngài còn muốn đạt đến viên mãn rốt ráo, có vậy mới thỏa mãn được nguyện vọng của Ngài. Kết thúc cả hai ý phát tâm và hỏi về cách tu hành.

Trong đoạn thỉnh giáo này, oai nghi, lời nói, lễ mạo đều hết sức viên mãn, chúng ta phải học tập theo. Phần tiếp theo là Tỳ Kheo Cát Tường Vân khai thị cho Thiện Tài, trả lời những câu hỏi của Ngài.

Hôm nay chúng tôi giảng tới đây.

A Di Đà Phật!

***