Haèng thuaän chuùng sanh
Tuyø hyû coâng ñöùc

tinhdo.edu.vn

KINH TỨ THẬP HOA NGHIÊM PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN, CHƯƠNG CÁT TƯỜNG VÂN TỲ KHEO GIẢNG GIẢI - TẬP MƯỜI HAI

KINH TỨ THẬP HOA NGHIÊM

PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN,

CHƯƠNG CÁT TƯỜNG VÂN TỲ KHEO

GIẢNG GIẢI

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP MƯỜI HAI
 

Xin mở quyển Kinh, trang hai mươi tám, dòng thứ nhất, đọc từ câu cuối cùng: Bà Là Môn niệm Phật tâm lẫn cảnh đều mất. Tâm chính là Phật, tâm chính là phi tâm. Phật tức là tâm, Phật cũng chẳng phải là Phật. Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, xa lìa hết thảy. Cho nên không có gì để niệm thì mới là chân niệm.

Từ đây trở đi, những ý nghĩa kế tiếp càng lúc càng sâu. Trong đoạn này, Đại Sư dạy chúng ta năng niệm có thể quy nạp thành năm loại.

Loại thứ nhất là duyên cảnh chánh quán niệm Phật Môn. Đại khái là những đồng tu niệm Phật chúng ta trong hiện thời đều thuộc phạm vi của loại này, thuộc phạm vi này mà nếu niệm tương ứng thì cũng được vãng sanh. Đấy chính là nói về kẻ chuyên niệm A Di Đà Phật.

Nếu chẳng chuyên niệm A Di Đà Phật thì nói cách khác, tu học bất cứ một pháp môn nào cũng đều rất khó thành tựu. Đạo lý ấy trong phần trước tôi đã từng nhắc tới rồi, hai mươi mốt loại pháp môn niệm Phật này là do Tỳ Kheo Cát Tường Vân quy nạp.

Trong khi giảng về hai mươi mốt môn niệm Phật, tôi đã từng nói: Nếu triển khai ra sẽ có vô lượng vô biên pháp môn, không có một pháp môn nào chẳng phải là pháp môn niệm Phật. Do vậy, chúng ta thấy năm loại lớn của năng niệm càng rõ ràng, càng minh bạch.

Vì thế, thưa với quý vị, loại thứ nhất là duyên cảnh chánh quán niệm Phật Môn chỉ hạn cuộc trong chuyên niệm A Di Đà Phật, vì sao vậy?

Ở chỗ này, Đại Sư Thanh Lương nói rất rõ ràng, nhược chân, nhược ứng dù chân, hay ứng, chân là chân Phật, pháp thân Phật và báo thân Phật là chân Phật, ứng là ứng hóa thân, giống như Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trong thế giới này của chúng ta vào ba ngàn năm trước, đấy là ứng thân Phật. Bất luận chân Phật hay ứng hóa thân Phật, bất luận là y báo hay chánh báo, nói chung đều là ngoại cảnh.

Xưng danh thuộc về miệng, miệng niệm. Nếu miệng niệm nhưng tâm không tương ứng, đấy chẳng gọi là chân niệm mà là khẩu niệm. Thông thường chúng ta nói tới niệm Phật, trong văn tự Trung Quốc, bên cạnh chữ niệm thêm vô một chữ khẩu, tức là chữ, nhằm chỉ cách niệm này.

Do trong vô lượng pháp môn, chỉ lấy Tây Phương Cực Lạc Thế Giới của A Di Đà Phật làm cảnh chánh quán thì được. Dựa vào bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, chúng ta sanh về Di Đà Tịnh Độ, cho nên tuy công phu này so ra chẳng bằng bốn loại được nói trong phần sau nhưng người ấy có thể vãng sanh Thế Giới Cực Lạc.

Chư vị đồng tu phải đặc biệt chú ý điều này. Nếu chẳng chuyên niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương, tu học những pháp môn khác, tức là bốn loại lớn trong phần sau.

Nói thật ra, bốn loại lớn ấy nhất định phải tương ứng, tương ứng với gì?

Tương ứng với tự tánh, tương ứng với bản tánh chân như, tương ứng là chân niệm. Do vậy trong tâm quý vị thật sự phải có, thật sự tương ứng.

Vì sao nói bốn loại?

Là vì trong ấy có sâu hay cạn khác nhau, tức là công phu sâu hay cạn khác nhau. Do vậy, loại thứ hai là nhiếp cảnh duy tâm, cao minh hơn loại trước nhiều lắm. Loại niệm Phật này cũng thuộc Tịnh Tông, thuộc luận lý của Tịnh Tông.

Quán Kinh dạy: Tâm này là Phật, tâm này làm Phật, hai câu này là Kinh Văn của Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh.

Trong Kinh đại thừa, Đức Phật lại thường dạy chúng ta: Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh. Do vậy, trong tâm quý vị tưởng Phật thì Phật sẽ hiện tiền, thường xuyên tưởng Phật, tưởng Phật không gián đoạn sẽ thuộc về môn duy tâm niệm Phật. Trong tâm quý vị thật sự có Phật, không nhất định phải miệng niệm.

Miệng niệm hay không chẳng quan hệ, trong tâm thật sự có là được rồi. Khởi tâm động niệm, Phật liền hiện tiền, đấy là nhiếp cảnh duy tâm.

Hôm nay chúng tôi giảng đến loại thứ ba tâm cảnh câu mẫn niệm Phật môn, môn niệm Phật cả tâm lẫn cảnh cùng mất. Quý vị trông thấy danh xưng này, sẽ nghĩ trong môn niệm Phật này bao gồm toàn bộ Thiền Tông.

Trong nhà Thiền, người tham Thiền mong đắc định, mong khai ngộ, mong minh tâm kiến tánh, nếu chẳng đạt đến cảnh giới ấy sẽ chẳng thể được. Do vậy, ý niệm ấy của họ gọi là chân niệm.

Vì sao vậy?

Tâm là Phật, Phật chính là tâm, tâm chính là Phật cho nên tâm ấy chẳng phải là tâm, tức là tâm chẳng gọi là tâm, Phật chính là tâm nên Phật cũng chẳng thể gọi là Phật được. Quý vị phải thấu hiểu ý nghĩa này.

Vì thế, Ngài nói: Phi tâm, phi Phật.

Đây chính là lối nói song giá, Nếu nói theo kiểu cả hai đều vắng lặng thì sao?

Tâm tức là Phật, vậy thì Phật chính là tâm, đấy chính là tức Phật, tức tâm tâm tức là Phật, Phật tức là tâm. Hiểu rõ đạo lý này, khế nhập cảnh giới này, trong Tông Môn gọi là pháp môn bất nhị.

Nếu quý vị vẫn còn có tâm, có Phật thì tâm và Phật là hai pháp, trong Đàn Kinh đã nói hai pháp chẳng phải là Phật Pháp, Phật Pháp là pháp bất nhị. Đoạn này giảng về pháp bất nhị, pháp bất nhị thì mới gọi là chân niệm, chân niệm là vô sở niệm không có gì được niệm. Tông Môn nói khởi tâm là sai, động niệm đều trái.

Quý vị khởi tâm động niệm là sai, khuyên quý vị trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, đấy gọi là chân niệm.

Quý vị hãy nghĩ xem Tông Môn được bao gồm trong pháp môn niệm Phật, trong ấy không có niệm, đã không niệm sao lại gọi là chân niệm?

Niệm vẫn là giả niệm, hễ có niệm là giả niệm, không niệm là chân niệm.

Nhưng phải biết rằng: Chúng ta niệm là giả niệm, nhưng không niệm cũng là giả niệm, chẳng phải là chân niệm. Lý do là vì hễ không niệm quý vị bèn rớt vào vô minh, còn niệm thì rớt vào vọng tưởng, quý vị niệm hay không niệm đều sai cả.

Ý nghĩa này rất sâu, nhất định phải chú tâm lãnh hội. Vô niệm ở đây chính là tâm và cảnh như một, cái tâm năng biến và pháp giới sở biến là một, năng và sở không hai, nhập nhất chân pháp giới, nhập pháp môn bất nhị.

Chúng sanh và Phật là một, cũng là không hai, tánh, tướng không hai, lý, sự không hai, thứ gì cũng đều là pháp môn bất nhị, đấy gọi là chân niệm. Đây là công phu thượng thượng thừa, chẳng phải công phu tầm thường, trong pháp môn niệm Phật của chúng ta, công phu này được gọi là lý niệm.

Ba loại trên đây là lý niệm, chúng ta gọi loại thứ nhất là công phu thành phiến, niệm A Di Đà Phật có thể được vãng sanh. Loại thứ hai là nhiếp cảnh duy tâm, tức sự nhất tâm bất loạn. Tâm và cảnh đều mất là lý nhất tâm bất loạn.

Hôm nay, chúng ta đọc đoạn khai thị này của Đại Sư Thanh Lương, đối với chuyện này có thể đạt sự hiểu biết kha khá, hiểu rõ tình trạng của chuyện này. Công phu không có gì khác cả, chỉ là như chúng ta vẫn thường nói thấy thấu suốt, buông xuống, triệt để buông xuống, chớ để cho mảy may nào còn tồn tại trong tâm địa.

Như vậy thì chúng ta phải hỏi: Có cần niệm A Di Đà Phật hay không?

Có cần niệm Vô Lượng Thọ Kinh hay không?

Niệm chứ.

Năng niệm là đúng ư?

Có tương ứng hay chăng?

Biết niệm thì tương ứng, không biết niệm thì chẳng tương ứng.

Niệm như thế nào để có thể tương ứng?

Người biết niệm sẽ niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm, niệm tức là vô niệm, vô niệm tức là niệm, người ấy sẽ tương ứng. Ở chỗ này, chớ nên hiểu lầm ý nghĩa, nếu hiểu lầm ý nghĩa cố vô sở niệm, phương vi chân niệm cho nên không có gì được niệm thì mới là chân niệm là xong rồi. Tôi thứ gì cũng đều chẳng niệm, không niệm Phật mà cũng chẳng niệm Kinh.

Không niệm Phật, chẳng niệm Kinh, hằng ngày niệm vọng tưởng, trong tâm quý vị còn có thể chẳng dấy lên vọng tưởng hay chăng?

Quý vị có vọng tưởng là không được rồi, ngay cả vọng tưởng cũng không có, phân biệt cũng không có, chấp trước cũng không có, đúng sai cũng không có, ta người cũng không có, đấy là cảnh giới này.

Quý vị vẫn còn có đúng sai, ta người thì quý vị chưa nhập được cảnh giới này, quý vị là phàm phu. Do vậy, quý vị phải hiểu tâm cảnh câu mẫn niệm Phật Môn, người thật sự nhập cảnh giới này chính là bậc pháp thân Đại Sĩ được Kinh Hoa Nghiêm đề cập, chứ không phải là kẻ tầm thường, họ đã thật sự nhập pháp môn bất nhị.

Do vậy, ở chỗ này, chúng ta hiểu được lý, về sự thì nhất định phải biết là chúng ta không làm được. Nhưng dù chưa làm được cũng phải hướng theo đó để làm, tuy làm chưa được, nhưng có được một chút hơi hướng thì cũng tốt rồi, cũng có lợi ích, cũng có công đức.

Đấy chính là thường mong mở rộng tâm lượng, Kinh thường nói là tâm bao thái hư, lượng châu sa giới tâm trọn khắp hư không, lượng trọn khắp các cõi có số lượng nhiều như cát, thường mở rộng tâm lượng, tận lực gắng bớt phân biệt, bớt chấp trước.

Trước hết phải thực hiện từ chỗ nào?

Trước hết, chuyện gì không cần phân biệt, quý vị chớ nên phân biệt, chuyện gì chẳng cần chấp trước, quý vị chẳng đừng chấp trước. Nếu nói nông cạn, gần gũi, thì chuyện không liên quan tới ta, quý vị cần gì phải bận tâm tới, chúng ta khởi sự buông xuống từ chỗ này.

Phải buông xuống chuyện chẳng liên quan đến ta trước, còn chuyện có liên quan tới chính mình tạm thời chưa buông xuống được, trước hết hãy buông xuống chuyện không liên quan đến ta.

Tuy quý vị chưa nhập cảnh giới này, nhưng quý vị mong đắc công phu thành phiến sẽ chẳng khó. Người niệm Phật chẳng thể công phu thành phiến, nói thật ra, là bận tâm đến sự việc quá nhiều, chuyện không đáng bận tâm kẻ ấy vẫn lo tới.

Ngay cả Khổng Phu Tử cũng thường nói: Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chánh, câu này có nghĩa là nếu quý vị chẳng nắm giữ địa vị ấy thì chẳng cần phải bận tâm tới những chuyện thuộc địa vị ấy. Nếu quý vị giữ chức vị, đương nhiên phải bận tâm.

Nếu không có chức vị thì quý vị bận tâm đến những chuyện ấy để làm gì?

Cớ gì quý vị phải can thiệp vào?

Chúng ta phải tu cái tâm thanh tịnh từ nơi đây, tâm lẫn cảnh đều cùng mất chính là thanh tịnh, bình đẳng thật sự. Trong một câu này đã nêu rõ thanh tịnh, bình đẳng, giác.

Đại Sư dạy chúng ta xa lìa hết thảy, câu nói này hết sức trọng yếu, trước hết, những gì không liên can đến chúng ta hãy đều xa lìa hết, những gì liên quan đến chúng ta cũng phải càng ít bận tâm tới thì càng hay, quý vị mới được tự tại.

Trong dịp tôi sang Đại Lục lần này, gặp được Pháp Sư Nhân Đức ở Cửu Hoa Sơn và lão Pháp Sư Minh Dương tại Thượng Hải.

Lão Pháp Sư bảo tôi, trước kia, khi Đại Sư Ấn Quang tại thế, Ngài thường bảo mọi người: Tôi trên không có một miếng ngói, dưới không chỗ cắm dùi, tôi cũng không sợ chết. Câu nói ấy có nghĩa là Ngài thứ gì cũng đều chẳng có.

Vì sao Ngài không sợ chết?

Sanh tử cũng không có.

Quý vị nghe lời nói này hãy nghĩ xem Ngài thuộc cảnh giới nào?

Ngày nay chúng ta chuyện phiền toái, những thứ bận bịu thừa thãi quá nhiều, quý vị lại còn có nhà cửa, còn có đất đai, còn có tài sản, trong ngân hàng còn có không biết bao nhiêu món quý báu, còn có gia đình, quyến thuộc, những sự việc vướng mắc trong lòng chẳng biết là bao nhiêu?

Quan tâm đến thì quan tâm không xuể.

Nghe lời Đại Sư Ấn Quang nói, chúng ta lại có cảm tưởng như thế nào?

Người tu hành thời xưa ở Ấn Độ, và khi Phật Pháp truyền đến Trung Quốc, người tu hành đều không có gì. Thuở Đức Thế Tôn tại thế, những vị theo Ngài xuất gia chỉ có ba y một bát, trừ ba y một bát ra, thứ gì cũng đều chẳng có.

Ngày ăn một bữa, ngủ dưới gốc cây, là gì vậy?

Xa lìa hết thảy. Ngày nay tuy chúng ta không làm được như vậy, thể lực của chúng ta thua kém tiền nhân. Tôi thấy thể chất của mọi người hiện thời cũng kém hơn đời trước. Trong số những người xuất gia chúng ta ở đây, có hơn hai mươi người, quý vị đều thấy rõ.

Tôi khuyên họ giảng Kinh, họ hằng ngày kể khổ với tôi: Sư Phụ ơi! Con bận bịu công việc quá rồi, không có thời gian chuẩn bị đâu. Đúng là cơ hội khó được. Ngày hôm qua đi thăm Đài Trung, quý vị đã có không ít người đến thăm nơi đó. Từ Quang Đồ Thư Quán ở Đài Trung lớn hơn chỗ chúng ta, diện tích đất đai của nó là bốn trăm bình.

Quý vị hãy chú tâm thăm viếng nơi ấy, nhân viên phụ trách công tác bao nhiêu người?

Ba người. Hiện thời mấy người tôi không biết, khi tôi ở đó thì là ba người, thầy Lý làm Quán Trưởng. Bốn mươi năm trước, tôi ba mươi hai tuổi, nhân viên làm công tác chúng tôi gồm ba người, hôm qua tôi đã thưa trình với mọi người, tôi là một, Du Cư Sĩ là một người nữa và Lôi Cư Sĩ.

Cả hai người này đều mất cả rồi. Chúng tôi tuổi tác đại khái không chênh nhau nhiều, hai người bọn họ trẻ hơn tôi một chút, ba người chúng tôi lo liệu công việc. Nay quý vị có đến hai mươi mấy người lo toan công việc vẫn kêu không có thời gian.

Quả thật số lượng công việc của chúng tôi lớn hơn quý vị nhiều, thời gian học hành của chúng tôi không thể bằng quý vị được.

Buổi tối sau khi nghe giảng Kinh xong, mọi người đều về hết rồi, chúng tôi phải thu xếp, quét dọn xong rồi chính mình mới bắt đầu đọc sách, học hành, lễ Phật, niệm Phật, nói chung phải làm tới ba giờ đêm mới đi ngủ, trong một tuần lễ có một hai bữa thức đến sáng. Do vậy có thể nói là thể lực của quý vị không bằng chúng tôi.

Chẳng trách cổ nhân thường nói: Tu hành yếu sấn niên thiếu tu hành phải tranh thủ lúc còn trẻ, vì quý vị còn trẻ sẽ có tinh thần, có thể lực, có thể dũng mãnh, tinh tấn. Tuổi đã cao, quý vị muốn tinh tấn thì thể lực cũng không có cách nào chịu đựng được. Khi tôi còn trẻ, chừng ba mươi tuổi, ba ngày không ngủ tinh thần vẫn sung túc. Tôi thấy quý vị thể lực không bằng chúng tôi.

Do vậy, trong một nơi bé tẹo như thế này, hai mươi mấy người mà kêu khổ suốt ngày, biết làm sao được.

Nhưng tôi nói lời này, cũng đừng cho là thật, vì sao vậy?

Quý vị chú ý nhìn ra ngoại quốc, người Trung Quốc ra nước ngoài, tinh thần liền nâng cao. Chùa Pháp Quang ở Lạc Sâm Cơ Los Angeles chỉ có hai người, tức là hai vị Thiền Quang và Chiếu Hoằng, hai vị này đều là học trò của tôi, Đạo Tràng ấy rất lớn. Khi tổ chức Pháp Hội, gần như tới một ngàn người tham dự.

Hai người mà có thể duy trì Đạo Tràng tới tột bậc, quý vị làm sao sánh với họ được?

Nói như thế thì nói chung là quý vị quen thói sống quá thoải mái, không có cách nào hết. Cuộc sống của quý vị quá thoải mái, quá đầy đủ, chưa phải chịu khổ, cũng chẳng biết dụng công như thế nào.

Đây là chỗ đáng cho chúng ta phản tỉnh sâu đậm. Trong một đời người, sự nghiệp thành tựu chẳng phải là điều ngẫu nhiên.

Ngạn ngữ thường có câu: Ngật đắc khổ trung khổ, phương vi nhân thượng nhân chịu được sự khổ nhất trong những sự khổ mới là người bậc nhất trong loài người.

Không được rèn giũa, làm sao quý vị có thể thành tựu được?

Xa lìa hết thảy chính là khuyên chúng ta phải buông xuống, tận hết sức buông xuống.

Lại xem tiếp đoạn thứ bốn: Bốn là môn niệm Phật tâm lẫn cảnh vô ngại, cùng chiếu cả sự lẫn lý, mất hay còn đều vô ngại, tịch tĩnh giống như tịch trong tánh thể chân môn.

Gì là Phật? Gì là tâm?

Soi rõ sự lý sáng vằng vặc, tâm thường hằng, Phật thường hằng, nhập thẳng vào chỗ hai bên cùng mất, tịch và chiếu cùng lưu lộ. 

Trong năm loại năng niệm này, ba loại trước chú trọng tới phương diện tự chế ngự phiền não, tức là như chúng ta thường nói công phu thành phiến, lý nhất tâm bất loạn, sự nhất tâm bất loạn, chú trọng vào sự chế phục bản thân, hai loại sau chú trọng nơi sự hóa tha hóa độ người khác.

Do đây biết rằng: Nếu quý vị không có cách nào để thật sự đạt tới tâm lẫn cảnh đều mất, buông xuống vạn duyên, buông xuống hết thảy, quý vị sẽ chẳng thể đạt được đại tự tại.

Hai điều sau chính là vô chướng ngại pháp giới như Kinh Hoa Nghiêm đã nói, tâm cảnh vô ngại tức là lý sự vô ngại, trùng trùng vô tận là sự sự vô ngại, nhập vào trong cảnh giới vô chướng ngại. Trong năm loại niệm Phật, có thể nói là càng về sau càng sâu hơn môn trước, quý vị muốn thật sự thành tựu thì nhất định phải chiếu theo thứ tự thuận ấy để tu học.

Giống như chúng ta lên lầu, phải lên theo từng tầng, lên cao dần. Tâm cảnh vô ngại, song chiếu sự lý tâm và cảnh vô ngại, chiếu cả sự lẫn lý, trong phần trước là tâm lẫn cảnh đều mất, bởi lẽ, hết thảy đều là sai, xa lìa hết thảy, quý vị đắc định, tâm quý vị được thanh tịnh rồi, quý vị đạt được thanh tịnh, bình đẳng, giác, quý vị đã chứng đắc rồi.

Sau khi chứng đắc sẽ khởi tác dụng, tức là không có chướng ngại, đến khi khởi tác dụng, hết thảy đều là đúng, song chiếu sự lý cùng chiếu cả sự lẫn lý, chẳng phải là song giá nữa. Giá là cả hai bên đều phủ định, đều là không. Song chiếu là cả hai bên đều tồn tại.

Quý vị phải hiểu ý nghĩa thật sự của song giá và song chiếu. Song giá là nói theo mặt thể bản thể của tánh, song chiếu là luận theo mặt dụng tác dụng của tánh. Thể là không tịch rỗng lặng, do vậy quyết định chẳng thể chấp trước, nhưng Thể có thể hiện tướng, biến hiện ra y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, biến hiện những tướng ấy.

Thể là không thì tướng là có hay không có?

Tướng cũng không có, vì thế tướng ấy có là giả có, trong Kinh Phật gọi là diệu hữu.

Diệu hữu là gì?

Chẳng phải có nhưng có, có nhưng chẳng phải là có, đấy mới là diệu.

Nếu mọi người không hiểu rõ thì tôi nghĩ là quý vị đều từng nằm mộng, đều có kinh nghiệm nằm mộng, quý vị thấy những hình tướng trong mộng, rốt cục là có hay không có?

Đợi đến khi tỉnh mộng rồi, biết giấc mộng ta vừa mơ ấy, mộng là giả, chẳng phải là thật, nhưng thật ra khi quý vị nằm mộng, có gì chẳng phải là thật?

Từ thí dụ nông cạn, dễ thấy này, chúng ta hiểu được y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới cho đến nhất chân pháp giới cũng giống như vậy, cùng một đạo lý. Quý vị hiểu rõ chân tướng này thì gọi là thấy thấu suốt.

Thấy thấu suốt có nghĩa là triệt để liễu giải chân tướng của sự thật, chân tướng của sự thật là gì?

Chẳng có nhưng là có, có nhưng chẳng phải là có, đúng như Kinh Bát Nhã đã dạy: Phàm tất cả những gì có hình tướng đều là hư vọng. Câu này đã nói toạc ra, vạch trần ra.

Kinh còn dạy chúng ta: Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng.

Quý vị thấy thấu suốt, liễu giải chân tướng sự thật, biết nó là mộng, huyễn, bọt, bóng, quý vị có còn ghim nó trong lòng hay chăng?

Quý vị sẽ không làm vậy.

Vì sao?

Ghim nó trong lòng là sai lầm, nó đã không có thì quý vị ghim nó trong lòng để làm gì?

Chuyện quá khứ không có, hiện tại cũng không có, vị lai cũng lại không có, còn có gì để quý vị vướng mắc, còn có gì để quý vị lo rầu nữa đây?

Thật sự hiểu rõ, thông đạt sự thật ấy thì quý vị mới hiểu được ý nghĩa câu nói của Đại Sư Ấn Quang, ấy là thật sự đạt được đại tự tại đấy. Song chiếu sự lý, tồn vong vô ngại cùng chiếu cả sự lẫn lý, còn hay mất đều vô ngại.

Còn mất là sanh diệt, vì sao sanh diệt vô ngại?

Sanh diệt không hai, lý ấy rất sâu, nhưng trong những phần trước chúng tôi đã từng nói qua rồi, nói tới rất nhiều lần.

Các nhà khoa học hiện thời cũng dần dần phát hiện ra chân tướng sự thật này sanh diệt trong từng sát na, tướng sanh diệt trọn chẳng thể được, đấy là một cách nói. Còn có cách nói khác, nói thật ra, đủ mọi cách nói, vô lượng cách nói đều nhằm diễn tả một chuyện không hữu chẳng hai, tánh không, tướng có, cho nên chúng vô ngại.

Đẳng chân môn chi tịch tịch: Đẳng là bình đẳng, chân môn là tánh môn. Bản thể của tánh là thật, vĩnh viễn chẳng biến đổi. Trong Phật Pháp nói tới chân và vọng, phàm những gì biến đổi đều là hư vọng, phàm những gì vĩnh hằng bất biến sẽ là chân.

Quý vị phải hiểu rằng cái vĩnh hằng bất biến trong hết thảy pháp thế gian lẫn xuất thế gian chỉ có tự tánh, ngoài tự tánh ra, có pháp nào bất biến đâu?

Động vật có sanh, lão, bệnh, tử, thực vật có sanh, trụ, dị, diệt, khoáng vật, tinh cầu có thành, trụ, hoại, không, thậm chí hư không, hư không luôn có sanh diệt, chỉ vì thời gian của nó rất dài, chúng ta thọ mạng ngắn ngủi chẳng thể cảm nhận, quan sát được.

Chuyện này được Kinh Phật giảng rất rõ ràng, Đại Sư Vĩnh Gia cũng đã từng nói: Mộng lý minh minh hữu lục thú, giác hậu không không vô đại thiên mộng thì sáu nẻo rành rành, giác rồi cả cõi đại thiên tan tành, đại thiên thế giới đấy nhé.

Tông Môn thường nói: Phấn toái hư không nghiền nát hư không thành bột. Do vậy, trong tướng tông, hư không được xếp vào pháp vô vi, tức là xét theo mặt tướng, nó tợ hồ vô vi. Pháp vô vi gồm có sáu loại, chỉ có một thứ, tức chân như vô vi, là thật, những thứ khác đều chẳng thuần chân.

Chân là tịch, trong hai chữ tịch trong câu đẳng chân môn chi tịch tịch thì một chữ tịch là động từ, chữ kia là danh từ. Do vậy, câu đẳng chân môn chi tịch tịch có nghĩa là thanh tịnh, tịch diệt giống như tịch trong tánh thể chân môn, tức tướng tịch diệt.

Trong Kinh Nhân Vương, Đức Phật đã giảng về năm địa vị của Bồ Tát, tức ngũ nhẫn, cao nhất là tịch diệt nhẫn. Thấp hơn tịch diệt nhẫn là vô sanh pháp nhẫn. Chúng ta thường nói tới vô sanh pháp nhẫn, bài kệ hồi hướng của người niệm Phật có câu hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh. Vô sanh pháp nhẫn chẳng phải là cao nhất, nó là pháp được chứng bởi hàng Bồ Tát.

Trong Bộ Kinh này, Đức Phật bảo chúng ta chứng vô sanh pháp nhẫn là Thất địa, Bát địa, Cửu địa, cũng không phải là hết sức cao. Sở chứng của Thập địa và Đẳng giác Bồ Tát là tịch diệt nhẫn, đấy chính là đẳng ư chân môn chi tịch tịch.

Hà Phật, hà tâm gì là Phật?

Gì là tâm? 

Nói Phật hay nói tâm đều là cách nói phương tiện của Chư Phật Bồ Tát dành cho chúng sanh, nói thuận theo tục đế. Đấy là vì Đức Phật thuyết pháp đã y theo nhị đế chân đế và tục đế để nói.

Đây chính là nguyên tắc chung để thuyết pháp, dựa vào đâu để nói?

Dựa vào nhị đế. Trong nhị đế thì một là chân đế, chân đế là chân tướng của sự thật, là cảnh giới được đích thân chứng bởi các vị Đại Bồ Tát. Loại thứ hai là dựa theo tục đế, tục đế là những gì phàm phu chúng ta thường nhận biết, là kiến giải của phàm phu. Nói tới Phật hay nói tới tâm đều là thuận theo kiến giải của phàm phu để nói.

Còn nếu tùy thuận cảnh giới của Chư Phật Như Lai thì sao?

Bèn sẽ là Gì là Phật?

Gì là tâm?

Nào có Phật hay có tâm?

Danh tướng ấy hoàn toàn chẳng có. Danh tướng ấy chẳng phải là thật.

Khi Phật giáo chưa truyền đến Trung Quốc, Lão Tử của Trung Quốc đã từng nhắc tới đạo lý ấy: Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh. Danh là danh từ, thuật ngữ, quý vị khởi lên những danh từ, thuật ngữ thì đã mắc sai lầm. Vốn chẳng có danh, quý vị khởi lên cái danh là đã lầm lẫn. Khởi lên cái danh, tức là có phân biệt, có chấp trước.

Do vậy, nào có Phật, nào có tâm?

Giám sự lý chi minh minh: Chữ giám ở đây là quan sát, quan sát hết thảy sự vật, hết thảy nguyên lý trong Vũ Trụ. Hai chữ minh ở đây cũng một chữ là danh từ, chữ kia là động từ, hàm nghĩa rõ ràng, minh bạch. Câu đẳng chân môn chi tịch tịch trong phần trước nếu nói theo Kinh Bát Nhã thì chính là Bát Nhã vô tri, tịch là vô tri.

Giám sự lý chi minh minh chính là vô sở bất tri không gì chẳng biết. Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri. Nếu quý vị muốn không gì chẳng biết thì trước hết quý vị phải đạt tới vô tri.

Đạo lý này nằm ở chỗ nào?

Quý vị phải hiểu rằng: Khi tâm địa đạt tới chỗ thanh tịnh, tịch diệt thì Phật Pháp hay pháp thế gian quý vị đều buông xuống hết. quý vị còn có chút gì đó thì sẽ chẳng thể đạt đến tịch diệt, quý vị chẳng nhập cảnh giới ấy. Toàn bộ đều buông xuống, tánh thể của quý vị hoàn toàn hiện tiền, tận hư không, trọn pháp giới do tự tánh biến hiện, đâu có thứ gì tự tánh chẳng biết.

Đâu có đạo lý ấy.

Tự tánh là năng biến, vạn pháp là sở biến. Sau khi nhập được cảnh giới ấy, năng và sở là một, không hai, do vậy, trong cảnh giới ấy, tịch là giống như sự tịch tịnh vắng lặng, thanh tịnh trong chân môn, đồng thời lại có thể chiếu rõ hết thảy vạn pháp rõ rệt, minh bạch.

Thường tâm, thường Phật: Ở đây lại nêu lên một chuyện nhằm thí dụ. Thường tâm, thường Phật là nói theo mặt tướng, nói theo mặt dụng. Hà tâm, hà Phật, phi tâm, phi Phật là nói theo mặt lý, nói theo mặt tánh.

Song vong chánh nhập nhập thẳng vào nơi hai bên cùng mất, hai bên chẳng lập, trung đạo cũng không có, nếu quý vị cho là có trung đạo thì quý vị lại chấp trước rồi, quý vị lại phân biệt, chấp trước mất rồi. Đây đúng là một niệm chẳng sanh.

Tịch Chiếu song lưu: Cảnh giới này và cảnh giới trong phần trước khác nhau ở chỗ nào?

Chúng ta nhất định phải phân biệt được chỗ này. Cảnh giới trong phần trước tuy có thể nhưng không có dụng. Người ấy khế nhập thể tánh, đạt đến vô sở niệm, người ấy thật sự niệm, có thể nhưng chẳng có dụng. Còn trong tầng thứ bốn này lại vừa có thể, vừa có dụng, từ thể khởi dụng.

Nếu dùng bát nhã để nói thì phần trên chú trọng nơi bát nhã vô tri, còn trong phần thứ bốn thì chú trọng nơi bát nhã vô sở bất tri bát nhã không gì chẳng biết, nó khởi tác dụng.

Do đây biết rằng: Trong Phật Pháp, công phu tịch chiếu này cũng có thể gọi là pháp môn tổng trì. Gọi là tổng trì vì đây là tổng cương lãnh, tổng nguyên tắc trọng yếu, bất luận tu học pháp môn nào đều phải tuân theo tổng nguyên tắc ấy, niệm Phật cũng chẳng phải là ngoại lệ.

Tịch là tâm thanh tịnh, do vậy, chúng ta tu môn gì, chính mình phải hiểu rõ: Tu tâm thanh tịnh là đúng, tu đúng như pháp. Tâm nhất định phải thanh tịnh, muốn tâm thanh tịnh, nhất định phải lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Chẳng những trong pháp thế gian không thể có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, mà trong Phật Pháp cũng chẳng được có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đều chẳng thể được.

Phải dụng công ở nơi ấy, tức là phải thật sự thấy thấu suốt, buông xuống. Chiếu là điều gì cũng hiểu rõ, trọn chẳng mê hoặc. Nếu có Tịch mà không có chiếu thì thưa cùng quý vị, đấy chính là vô minh. Có chiếu nhưng không có tịch thì gọi là cuồng huệ. Công phu tịch và chiếu phải bình đẳng, đấy gọi là thiền định.

Năm là môn niệm Phật trùng trùng vô tận. Phần trước nói về từ thể khởi dụng, ở đây hoàn toàn nói về tác dụng, tác dụng vô lượng vô biên. Một Bộ Kinh Hoa Nghiêm nhằm hiển thị pháp môn niệm Phật trùng trùng vô tận.

Lý đã vô tận. Lý là tâm tánh, đúng là chẳng cùng tận, Bát Nhã cũng nằm trong số lượng đó. Dùng lý để dung hội sự, sự cũng vô tận.

Sự tướng do đâu mà có?

Sự tướng từ thể tánh biến hiện ra. Nói cách khác, năng biến vô tận, đương nhiên sở biến cũng vô tận. Đấy là chân tướng của sự thật. Do vậy…

Cho nên bất cứ một môn nào đều nhiếp hết thảy các môn khác.

Tùy là tùy ý lấy một môn, nhất là bất cứ môn nào, chứ không phải là độc nhất, chẳng phải là chuyên nhất, bất cứ một môn nào cũng đều có thể bao quát hết thảy môn. Do vậy, trong Kinh đại thừa, Đức Phật thường nói một lỗ chân lông nơi chánh báo của chúng ta, một vi trần trong y báo đều có thể thâu nhiếp trọn khắp vô lượng vô biên pháp giới.

Tận hư không, trọn pháp giới là ở đâu vậy?

Trên đầu một sợi lông, đầu sợi lông không phình to, pháp giới cũng chẳng rút nhỏ, vì sao trong một đầu lông có thể thấy một pháp giới?

Trong một đầu lông thấy một vị Phật giảng Kinh thuyết pháp chẳng hy hữu, thấy vô lượng vô biên Chư Phật đang giảng Kinh thuyết pháp, đấy mới là mầu nhiệm.

Đấy chính là điều thường được Kinh Hoa Nghiêm nói tới. Quả thật chúng ta không cách nào tưởng tượng được, pháp môn vô chướng ngại chẳng thể nghĩ bàn. Lý của nó là như thế, sự cũng giống như thế.

Do vậy, chúng ta mới thật sự liễu giải lời Phật dạy: Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp, đúng là như vậy đó.

Những pháp môn nào vậy?

Pháp thế gian hay xuất thế gian, bất cứ một pháp nào cũng đều là pháp môn. Lại thưa với quý vị, đâu có pháp nào là Phật Pháp hay pháp thế gian.

Phật Pháp hay pháp thế gian đều là tùy thuận chúng sanh mà nói, thuận theo hư vọng, phân biệt, chấp trước của chúng sanh để nói.

Phải nói với quý vị sự tướng chân thật: Không có pháp thế gian, mà cũng chẳng có Phật Pháp. Trong phần trước đã nói hà tâm, hà Phật, gì là tâm, gì là Phật, gì là pháp thế gian, gì là Phật Pháp, đều chẳng có. Trong tâm quý vị từ trước đến nay chẳng dấy lên những ý niệm ấy thì tâm quý vị chính là pháp giới, pháp giới chính là tâm của quý vị, tâm là chính mình, chính mình là pháp giới, tận hư không, trọn pháp giới là chính ta.

Nhập được cảnh giới ấy gọi là nhập pháp giới, chúng ta giảng Bộ Kinh này, trong Kinh Bát Thập Hoa Nghiêm gọi phần này là Nhập pháp giới Phẩm.

Những vị pháp thân Đại Sĩ ấy nhập như thế nào?

Nhập như vậy đó.

Do vậy, phải nhớ kỹ: Cố tùy nhất môn, nhiếp nhất thiết môn. Cho nên dùng bất cứ một môn nào đều nhiếp hết thảy các môn khác. Chúng ta hiểu được đạo lý này, quý vị tu học sẽ định được tâm.

Biết điều gì?

Bất cứ pháp môn nào đều có thể thâu nhiếp trọn khắp vô lượng vô biên pháp môn, vô lượng vô biên pháp môn đều bao quát trong một môn này của ta.

Nay chúng ta chọn lấy một môn, môn nào vậy?

Nam Mô A Di Đà Phật. Tất cả vô lượng vô biên pháp môn thế gian hay xuất thế gian đều nằm trong một môn này. Người khác chọn pháp môn tham thiền thì vô lượng vô biên pháp môn đều nằm trong sự tham cứu của người ấy. Còn người khác nữa Trì Chú thì suốt ngày từ sáng đến tối niệm chú, hết thảy pháp môn đều nằm trong một câu chú.

Một tức hết thảy, hết thảy chính là một, đâu có cái nào là tốt, cái nào không tốt ư?

Tốt giống hệt như nhau, đều tốt cả. Trong những cái đều tốt, chúng ta phải biết căn tánh của chính mình, pháp môn nào thích hợp cho ta học, ta tu rất thuận tiện, tu học không phí sức, tu rất hoan hỷ, rất tự tại, quý vị sẽ thành tựu đặc biệt dễ dàng.

Đấy là điều mà các vị Tổ sư, Đại đức kể cả Chư Phật, Bồ Tát đều bảo với chúng ta: Niệm Phật thuận tiện nhất. Pháp môn này thuận tiện nhất, dễ dàng nhất. Dung hợp năm môn này thành một. Đối với năm môn đã nói trên đây, đem cả năm môn viên dung quy nạp thành một. Tức hợp cái tâm niệm Phật ở đây với mười cảnh Phật được niệm đã nói trong phần trước.

Phần trước nói tới hai mươi môn, hai mươi môn được chia thành hai đoạn, đoạn trước là Phật, đoạn sau là pháp. Trong phần trước tôi đã từng nói qua rồi. Đấy là sở niệm đối tượng được niệm, còn trong đoạn này nói tới năng niệm cái tâm niệm Phật. Cái tâm năng niệm và Phật cảnh được niệm tương hợp, tương ứng.

Chẳng hợp, chẳng tan.

Hợp có giới hạn của hợp hay không?

Hợp ở chỗ nào?

Đúng là giống như nước và sữa hòa lẫn, không cách nào phân chia. Đừng nghe Kinh này xong, đọc đoạn văn tự này xong, sẽ lại bị nó xoay chuyển. Lại có một năng, lại có một cái sở, lại có một cái hợp, vậy là hỏng rồi.

Nhiều thứ như vậy sao?

Nghe xong, quý vị phải biết dung hội. Do vậy, phải là lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên thì quý vị mới khế nhập được. Nếu quý vị phân biệt những tướng này, chấp trước nơi những tướng này, suốt cả một đời này quý vị chẳng thể khế nhập được.

Đấy là chỗ khó khăn trong việc học Phật. Nếu như quý vị có thể thật sự lìa tướng, đối với ngôn thuyết, danh tướng đều chẳng dấy lên ý niệm thì Phật Pháp rất dễ dàng.  Vừa nghe liền ngộ nhập, chẳng phải là không có người như vậy.

Qua Kinh Điển, chúng ta thấy trong thuở Đức Thế Tôn thuyết pháp, những vị đệ tử nghe Phật giảng Kinh, thuyết pháp, Phật chưa giảng xong họ đã khai ngộ, họ liền chứng quả, họ khế nhập.

Vì sao họ có thể như vậy, mà chúng ta chẳng thể?

Các vị ấy không phân biệt, không chấp trước, không khởi vọng tưởng, lìa tướng ngôn thuyết, tức là không chấp trước. Lìa tướng danh tự là không phân biệt, lìa tướng tâm duyên là không có vọng tưởng. Vì thế, các vị ấy vừa nghe, tuy nghe không nhiều, liền nhập cảnh giới của Như Lai. Ngày nay chúng ta nghe, nghe mấy chục năm, càng nghe càng hồ đồ, chẳng khai ngộ.

Càng nghe càng hồ đồ, càng nghe càng lắm vọng tưởng, càng nghe phân biệt càng nặng, vậy có phải là hỏng bét hay không?

Bệnh đổ ra ở chỗ nào?

Chính là do chúng ta chấp trước ngôn thuyết, chấp trước văn tự, chấp trước danh tướng, hỏng ở chỗ này. Do vậy, ở đây nói phi hợp, phi tán chẳng phải hợp, chẳng phải tan.

Đem hai thứ hợp và tán, hợp và tán là hai pháp, là hai đầu mối, gạt bỏ hết, sau đó sẽ là cảnh giới này: Tiến nhập tầng tầng lớp lớp. Trùng trùng có nghĩa là vô tận.

Nói thật ra, trùng trùng trong tự tánh ư?

Thật đấy! Trong tự tánh vốn chẳng có trùng trùng, trùng trùng vô tận pháp giới đều sanh từ vọng tưởng, chấp trước của hết thảy chúng sanh. Sau khi quý vị nhập cảnh giới ấy xong, đối với cảnh giới của vô lượng chúng sanh quý vị đều thấu hiểu rõ ràng, minh bạch, chúng ta thường gọi đó là lục đạo, là mười pháp giới.

Nhân duyên, quả báo trong ấy không có một điều nào chẳng rõ ràng, không có một điều nào chẳng hiểu rõ. Do vậy, quý vị có thể phổ độ hết thảy chúng sanh. Chư Phật, Bồ Tát, pháp thân Đại Sĩ đều có năng lực ấy.

Vì sao các Ngài không đến độ tôi vậy?

Duyên chưa chín muồi.

Thế nào là duyên chưa chín muồi?

Đến giảng cho tôi, tôi vẫn chẳng thể tin tưởng, nói với tôi, tôi nghe hiểu, nhưng tôi vẫn làm không được, tức là duyên chưa chín muồi.

Duyên chín muồi thì căn cơ của người ấy thành thục, các Ngài cũng phải độ. Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân trong cửa Nhà Phật, chẳng bỏ một ai. Đại chúng căn cơ chín muồi rồi thì các Ngài sẽ dùng ứng thân đến độ, mỗi một cá nhân căn cơ chín muồi thì các Ngài thường dùng hóa thân để độ, đúng là trong cửa Nhà Phật, chẳng bỏ một ai.

Do vậy, chúng ta học Phật, chẳng cần trách móc Phật, Bồ Tát không chiếu cố chúng ta, trên thực tế, Chư Phật, Bồ Tát suốt ngày từ sáng đến tối ở quanh chúng ta, các Ngài hiểu rõ chúng ta, nhưng chúng ta chẳng nhận biết các Ngài.

Tới khi nào tâm chúng ta thật sự mong cầu pháp, cầu pháp tức là thật sự mong cầu thanh tịnh, bình đẳng, giác, Phật, Bồ Tát sẽ hiện tiền, đến dạy cho quý vị phương pháp, đến giúp đỡ quý vị, thành tựu quý vị.

Là cảnh khó nghĩ tưởng được

Nan tư tức là cảnh giới ấy chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, tên của phẩm này là Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm.

Tựa đề trong bản Hoa Nghiêm tám mươi quyển ghi đơn giản hơn: Nhập pháp giới Phẩm. Pháp giới là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Đoạn khai thị này của Đại Sư Thanh Lương cũng nhằm giải thích lời giáo huấn của Tỳ Kheo Cát Tường Vân dành cho Thiện Tài Đồng Tử, nhưng đoạn này lại quán triệt toàn Bộ Kinh Hoa Nghiêm. Đối với năm mươi ba lần tham học trong phần sau, đoạn văn này quán triệt toàn Bộ Kinh.

Chúng ta xem tiếp đoạn văn tự trong phần sau: Trong phần đề cao người khác thù thắng hơn mình của vị thiện hữu đầu tiên, có đủ trọn vẹn các môn. Trong đoạn Kinh Văn đề cao những vị thiện tri thức khác cao siêu hơn mình của chương Tỳ Kheo Cát Tường Vân này, năm môn năng niệm và mười môn sở niệm đều trọn đủ.

Các vị thiện hữu kế tiếp. Tiếp theo là từ Tỳ Kheo Hải Vân trở đi cho đến tận Phổ Hiền Bồ Tát Mười Đại Nguyện Vương dẫn về Cực Lạc. Hoặc có vị dùng riêng. Không nhất định sử dụng toàn bộ, có vị chỉ sử dụng mấy môn trong mười môn niệm Phật ấy. Có vị dùng mấy môn này, có vị dùng mấy môn kia.

Nhưng ở chỗ này là nói trọn hết cả mười môn, thảy đều trọn vẹn. Đọc những phần sau từ đoạn Kinh Văn này trở đi, quý vị sẽ có thể hiểu rõ. Do vậy, đoạn này hết sức trọng yếu, đoạn này chính là tổng cương lãnh, tổng nguyên tắc.

Dưới đây là nêu một thí dụ: Trưởng giả giải thoát dùng môn duy tâm niệm Phật. Tức là chuyên môn dùng môn thứ hai nhiếp cảnh duy tâm niệm Phật Môn. Ngài dùng môn ấy. 

Phổ Đức Tịnh Quang quán những thứ như đức tướng v.v… đều là những nghĩa riêng biệt của các môn ở đây. Từ đây trở đi, chúng ta đều có thể thấy rõ nhận định ấy. Đem năm môn này, đối chiếu với Kinh Văn, sẽ có thể hiểu được ý nghĩa.

Quý vị chỉ cần nắm được nguyên tắc vừa nói trong đoạn văn này. Quý vị ai nấy hãy nên nhớ kỹ, năm mươi ba lần tham học từ đây trở đi, quý vị thấy được ý nghĩa của lời Đại Sư nói thì quý vị sẽ hiểu được Ngài đã quy nạp vào một môn niệm Phật ở đây.

Một môn niệm Phật được các giáo đều vui mừng khen ngợi, lý đạt tới mức sâu xa, trong cõi đời được đa số cùng hành, lại còn giải bày đại lược, không ngại nói rườm rà.

Câu này nhằm tổng kết pháp môn niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn. Chư giáo là Hiển Giáo, Mật Giáo, Tông Môn, Giáo Hạ, đều bao quát trong ấy.

Chỉ cần là một vị thiện tri thức thật sự, không có vị nào chẳng tán thán. Nếu chấp trước một môn này, phủ định một môn kia thì những kẻ như vậy đều là hạng thiếu thông hiểu, vẫn chưa thông đạt. Hễ thật sự thông đạt không có ai chẳng tán thán pháp môn niệm Phật. Nếu quý vị hỏi người ấy vì sao, thì do người ấy là bậc tu Thiền hoặc tu Mật thành tựu, họ phải tán thán Thiền, tán thán Mật, đấy là bổn phận của họ.

Nhưng người thật sự thành tựu, tâm từ bi hiện tiền, trông thấy vẫn còn có chúng sanh đông đảo, những pháp môn ấy không khế cơ, họ sẽ chẳng đạt được lợi ích. Nhằm phổ độ chúng sanh, nhất định vị ấy phải tán thán pháp môn niệm Phật. Đấy là chân thiện tri thức, quyết định không có cái nhìn môn hộ hẹp hòi.

Chúng ta thấy trong Thiền Tông cận đại, Lão Hòa Thượng Hư Vân là bậc Đại Đức Thiền Tông thời cận đại. quý vị xem cuốn Phương Tiện Khai Thị Lục, trong cuốn sách ấy có mấy chục thiên. Những khai thị lúc tuổi già của Lão nhân gia, gần như là những lời Ngài dạy khi đã một trăm mười bảy tuổi.

Chúng tôi đã đọc tập sách nhỏ ấy, trong ấy chỉ có hai thiên giảng về tham thiền, còn toàn bộ những thiên khác đều là khuyên người ta hãy niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ, đấy là bậc chân thiện tri thức trong Tông Môn.

Ngài dạy chúng ta cầu sanh Tịnh Độ, thưa với quý vị, lão Hòa Thượng Hư Vân chẳng cầu sanh Tịnh Độ, Ngài chẳng niệm A Di Đà Phật, Ngài chẳng cầu sanh Tịnh Độ, nhưng Ngài dạy chúng ta niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ.

Ngài sanh về đâu?

Ngài sanh về chỗ Di Lặc Bồ Tát.

Vì sao Ngài không khuyên chúng ta niệm Di Lặc Bồ Tát, cầu sanh Di Lặc Tịnh Độ?

Vì chúng ta làm không được. Môn đình của Di Lặc Bồ Tát rất cao, chúng ta không chen chân vào được, lão Hòa Thượng có năng lực tiến nhập, chứ người bình thường chẳng thể tiến nhập được, nơi người bình thường có thể tiến nhập chính là Thế Giới Cực Lạc của A Di Đà Phật. Do vậy, trong lúc tuổi già, Sư đặc biệt tán thán A Di Đà, khuyên Tu Tịnh Độ.

Đấy là vị thiện tri thức chân chánh. Những vị đồng tu học Phật chúng ta phải biết trong xã hội hiện thời, người mang tri kiến môn hộ sâu nặng rất đông, chấp trước pháp môn của họ là siêu trỗi, chê pháp môn của những người khác đều là sai trái.

Ở ngoài, tôi thường nghe có người nói: Thưa Pháp Sư! Có người nghĩ một câu A Di Đà Phật chẳng thể thành tựu, quá ít mà.

Người ấy đến nói với tôi lời đó, tôi bèn bảo người ấy: Tôi nghe lão Pháp Sư Đàm Hư đã nói trong cuốn niệm Phật Luận, Lão nhân gia giảng khai thị trong Phật Thất, một đồ đệ của lão Hòa Thượng Đế Nhàn làm nghề vá nồi, nhờ một câu A Di Đà Phật mà đứng vãng sanh. Tôi tin tưởng, tôi căn cứ vào đấy là được rồi.

Người ta không biết chữ, thứ gì cũng chưa từng học qua, mà một câu A Di Đà Phật niệm suốt ba năm liền có thể đứng vãng sanh. Tôi học như vậy là đủ rồi, những thứ khác tôi không mong mỏi.

Quý vị cảm thấy một câu chẳng đủ, muốn học cho nhiều, quý vị cứ học thứ của quý vị, tôi vẫn hành pháp của tôi, tôi quyết định chẳng bị quý vị lay động.

Đấy là lý do vì sao tôi lại cho in một vạn cuốn niệm Phật Luận, in ra với số lượng lớn. Thật sự muốn nói tới chuyện cứu vãn thế giới trong hiện thời thì cuốn niệm Phật Luận ấy còn hay hơn Kinh Hoa Nghiêm nữa.

Giảng Kinh Hoa Nghiêm xong, cũng có vị nghe xong hiểu lầm, chứ niệm Phật Luận tuyệt đối không gây hiểu lầm, một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng cực, không ai chẳng vãng sanh.

Nhưng điều cần nói ở đây là phải buông xuống vạn duyên. Nếu quý vị có hoài nghi, có xen tạp thì quý vị vẫn chưa thể thành công. Niệm đến mức không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, không có một ai chẳng thành công.

Đấy chính là niệm Phật nhất môn, chư giáo chân tán một môn niệm Phật được các giáo vui vẻ khen ngợi, hân là vui vẻ, hân tán là hoan hỷ tán thán.

Lý trí thâm viễn: Lý luận của pháp môn này hết sức sâu, hết sức rộng, thế đa cộng hành: Cõi đời phần nhiều cùng hành là vì được hết thảy Chư Phật khen ngợi. Đại Sư Thanh Lương là bậc chân thiện tri thức đại từ đại bi, Ngài là Tổ Sư của Hoa Nghiêm Tông, ở đây, Ngài khuyên chúng ta niệm Phật.

Trong hội Hoa Nghiêm khuyên chúng ta niệm Phật, chẳng sợ lôi thôi, chẳng sợ phiền phức, rát miệng xót lòng khuyên lơn chúng ta. Chúng tôi giảng đoạn này đến đây, lại xem đoạn Kinh Văn tiếp theo.

Vô lượng vô số môn niệm Phật như thế, ta làm sao có thể biết được, nói được hạnh công đức của các môn ấy.

Đây là lời lẽ khiêm hư của Tỳ Kheo Cát Tường Vân. Ngài nói ra hai mươi mốt thứ, sở niệm gồm hai mươi mốt môn, năng niệm gồm năm môn.

Nói thật ra, những điều Ngài đã nói đã gần như viên mãn rồi, nhưng Ngài sử dụng phương pháp quy nạp, chứ nếu nói cặn kẽ thì chẳng thể tận, nói cặn kẽ sẽ là vô lượng vô số môn niệm Phật. Tất cả hết thảy pháp môn đều là môn niệm Phật, không có một pháp nào chẳng phải là môn niệm Phật.

Nếu chẳng phải là môn niệm Phật, làm sao quý vị có thể thành Phật được?

Bất luận quý vị tu hành một phương pháp nào, tu hành đến tối hậu đều có thể thành Phật, thành Phật chính là niệm Phật, niệm Phật mới có thể thành Phật.

Điều cuối cùng trong ba món phước của Quán Kinh là tin sâu nhân quả. Tin sâu nhân quả là như tôi đã nói rồi đó, niệm Phật là nhân, thành Phật là quả, đấy mới là đúng, là tương ứng.

Tất cả hết thảy pháp môn đều có thể thành Phật, tất cả hết thảy pháp môn đều dạy hãy hành môn niệm Phật, bất quá phương pháp niệm Phật khác nhau.

Nhi ngã vân hà năng tri năng thuyết bỉ công đức hạnh: Đây là lời lẽ khiêm hư của Cát Tường Vân Bồ Tát. Tôi làm sao có thể biết, có thể nói vô lượng vô biên công đức của các pháp ấy. Đây là lời tổng kết, ý nghĩa rất rõ ràng. Cho nên…

Có thể hiểu được ý nghĩa của lời tổng kết. Lại xem tiếp đoạn lớn thứ năm trong Kinh Văn. Mỗi một phần Kinh Văn đều gồm sáu đoạn lớn.

Đây là đoạn thứ năm: Này thiện nam tử! Phương Nam có nước tên là Hải Môn. Nơi đó, có Tỳ Kheo tên là Hải Vân.

Ngươi qua đó hỏi Bồ Tát nên học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo như thế nào?

Từ đoạn văn này trở đi. Chúng ta xem lời Chú Giải cho đoạn lớn thứ năm này.

Thứ năm, từ này thiện nam tử! Phương Nam có nước… trở đi. Đoạn Kinh Văn từ đây trở đi. Chỉ dạy cho Thiện Tài Đồng Tử biết về vị thiện hữu kế tiếp. Cũng tức là nói theo cách hiện thời, Ngài giới thiệu một vị thiện tri thức khác để Thiện Tài đến tham học.

Ngươi đến chỗ ta, những gì ta biết đã nói hết cho ngươi rồi, đã dạy toàn bộ cho ngươi rồi, nhưng ngươi là kẻ rất khó có, ham học không mệt mỏi, đáng được khen ngợi.

Vậy thì ta lại giới thiệu với ngươi một vị thiện tri thức khác, ngươi hãy đến nơi ấy để tham học, thỉnh giáo vị ấy. Trong đoạn Kinh Văn này, chia thành hai đoạn, hai đoạn có độ dài vừa phải.

Trước hết, chỉ thẳng vị thiện hữu. Chánh là chỉ bày, chỉ bày trực tiếp vị thiện hữu, chỉ bày vị thiện tri thức. Tiếp đó, khen ngợi những lợi ích đã được thành tựu bởi vị thiện hữu ấy.

Đoạn sau là tán thán, khen ngợi vị thiện tri thức mới được Ngài giới thiệu. Khen ngợi đạo đức, học vấn của vị ấy một phen để tín tâm của Thiện Tài càng thêm mạnh hơn, mong mỏi Thiện Tài qua chỗ ấy tham học sẽ có thành tựu. Trong đoạn này lại chia thành hai đoạn nữa, một hàng Kinh Văn chúng ta vừa mới đọc chính là đoạn thứ nhất.

Nay là đoạn thứ nhất. Đây là đoạn thứ nhất. Tức bậc thiện hữu thuộc phẩm vị trị địa trụ. Trị địa trụ là địa vị Bồ Tát thứ hai, Cát Tường Vân đại diện cho sơ trụ, còn vị kế tiếp là nhị trụ. Thiện Tài tham phỏng Cát Tường Vân bèn thành Sơ Trụ Bồ Tát, Ngài lại tham phỏng Tỳ Kheo Hải Vân, nâng lên một cấp, thành nhị trụ Bồ Tát.

Mỗi một lần tham phỏng một vị thiện tri thức, địa vị của Ngài được nâng lên cao hơn. Những điều được nói ở đây đều nhằm biểu thị pháp.

Nước Hải Môn là…

Nước Hải Môn này nằm ở đâu?

Nếu quý vị khảo chứng lịch sử, không có đâu. Trong địa lý cũng không có địa phương này, trong lịch sử cũng không ghi chép về nó, đều là do Đức Thế Tôn thuyết pháp hàm nghĩa biểu thị pháp.

Trong phần trước đã nói về Nam phương rồi, trọn chẳng phải thật sự là Đông, Nam, Tây, Bắc, trong phần trước tôi đã nói phương Nam tượng trưng cho quang minh. Phàm chỗ nào thiện tri thức trụ đều gọi là Nam phương, cũng là nơi quang minh, nơi trí huệ, mang ý nghĩa này, biểu thị ý nghĩa này, trọn chẳng phải thật sự là Đông, Nam, Tây, Bắc.

Thiện tri thức trụ tại phương Bắc thì nơi ấy vẫn gọi là Nam phương. Trụ tại phương Đông, vẫn gọi là Nam phương, Nam phương biểu thị trí huệ, biểu thị ý nghĩa này.

Gọi là nước Hải Môn vì nước ấy ở ngay cửa biển Nam. Đây là một cách giải thích. Ngài sống tại một nơi chính là cửa biển của Nam Hải, là một bến cảng, nay chúng ta gọi là cảng khẩu, nơi này là một hải cảng.

Hải cảng ấy có ý nghĩa gì?

Biểu thị ý nghĩa quán biển tâm

Quý vị thấy ý nghĩa này, hải biểu thị gì?

Biểu thị tâm, tâm giống như biển cả. Tâm vô lượng vô biên. Do vậy, biển này biểu thị cái biển tâm.

Là môn trị tâm địa sâu rộng vậy

Quý vị thấy Trị địa, Trị Trụ địa là trị cái gì?

Trị tâm địa, tâm địa vừa sâu vừa rộng, nói chẳng thể tận, thật sự là chẳng có cùng tận. Tỳ Kheo Hải Vân là.

Vì sao vị Tỳ Kheo này có tên là Hải Vân?

Hải là pháp môn. Hải là biển tâm, là một pháp môn tu học. Mây pháp phổ nhãn sâu rộng, che phủ, thấm nhuần các chúng sanh. Những ý nghĩa hàm chứa trong danh hiệu của Ngài đều được nói hết ra.

Phổ Nhãn, chúng ta thường tán thán Quán Thế Âm Bồ Tát là Thiên Thủ Thiên Nhãn ngàn tay, ngàn mắt, Thiên Thủ Thiên Nhãn có nghĩa là Phổ Nhãn. Phổ là phổ biến, là bình đẳng, không có phân biệt, cũng có nghĩa là không gì chẳng biết, không gì chẳng thể.

Pháp Vân: Vân là tỷ dụ được sử dụng nhiều nhất trong Kinh Điển. Vân mây tỷ dụ cho sự gì chẳng phải có, chẳng phải không. Quý vị thấy chúng ta nhìn vào từng tầng mây, thấy chúng bồng bềnh.

Hiện thời máy bay của chúng ta bay lên Trời, quý vị có nắm được mây hay không?

Không. Mây biểu thị chẳng phải có, chẳng phải không, biểu thị không và hữu như một, biểu thị ý nghĩa ấy, biểu thị có tướng, không thể, thể trọn chẳng thể được, tướng thì có. Quý vị có thể tán thưởng mây, nhưng chắc chắn quý vị không nắm bắt nó được.

Quý vị chẳng thể có được nó, tướng có, thể không, thể trọn chẳng thể được, nhưng có tướng. Quý vị có thể thưởng thức, vui thích mây, nhưng chắc chắn chẳng nắm bắt được nó. Quý vị không bắt được nó, có tướng nhưng không có thể.

Điều này cho chúng ta biết: Y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới giống hệt như mây, trên thực tế, mây ấy chính là như mộng, huyễn, bọt, bóng đã nói trong Kinh Kim Cang. Mây là mộng, huyễn, bọt, bóng, bản thể đều là không, trọn chẳng thể được. Bản thể của y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều là không, trọn chẳng thể được.

Từ câu nói này, quý vị cũng thấy pháp giống như thế, chẳng những pháp thế gian trọn chẳng thể được, mà Phật Pháp cũng trọn chẳng thể được, sự lý chân thật.

Thâm quảng phú nhuận chư chúng sanh cố: Phổ độ chúng sanh, độ chúng sanh chính là chuyển đổi những quan niệm sai lầm của bọn họ, chuyển đổi được ý niệm thì sẽ thành Phật, thành Bồ Tát. Biểu thị ở trong địa vị Trị địa, quan sát chúng sanh khởi lên mười loại lòng bi sâu rộng.

Trong pháp môn đối trị tâm địa này, từ trong pháp môn tâm địa, quan sát y báo, chánh báo trang nghiêm và hết thảy chúng sanh trong mười pháp giới, dấy lên tâm từ bi rộng lớn. Tâm từ bi là một động lực để Chư Phật, Bồ Tát phổ độ chúng sanh.

Do vậy, mới thị hiện các thứ thân, nói các thứ pháp, thọ trì, đọc tụng, vì người khác diễn nói không chán mệt, hiện tượng ấy do đâu mà có?

Do từ mười thứ bi tâm sâu rộng sanh ra. Do vậy, lời Ngài nói ở đây hay lắm.

Từ nay chúng ta hiểu rằng, pháp thân Đại Sĩ, Chư Phật Như Lai trong mười pháp giới độ chúng sanh trong lục đạo, các Ngài làm những gì?

Nguyên khởi ở nơi đâu?

Ở đây, chúng ta đều thấy cả, đấy cũng chính là những điều chúng ta phải sốt sắng nỗ lực học tập.

A! Hôm nay tôi giảng đến đây thôi.

A Di Đà Phật!

***