Haèng thuaän chuùng sanh
Tuyø hyû coâng ñöùc

tinhdo.edu.vn

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN GIẢNG GIẢI - TẬP MỘT

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

GIẢNG GIẢI

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP MỘT
 

Xin chào các vị đồng tu, xin chào mọi người!

Hôm nay, tại Nhiếp Ảnh Bằng của đài truyền hình Phụng Hoàng chúng tôi có thể gặp mặt mọi người, lại nói về Liễu Phàm Tứ Huấn, quyển sách này là khi tôi hai mươi sáu tuổi, lúc vừa mới tiếp xúc với Phật Pháp, là quyển sách đầu tiên tôi đọc. Nó có ảnh hưởng đến tôi vô cùng lớn, có thể nói là ảnh hưởng đến cả đời tôi.

Đối với bộ sách này, tôi vô cùng yêu thích, cũng thường đọc tụng, và cũng đã giảng qua không ít lần. Chỗ giảng trước kia so với chỗ giảng của hiện tại, cảnh giới đương nhiên có những điểm không giống nhau. Nhưng bài giảng trước vẫn còn có thể làm y cứ để tham khảo.

Liễu Phàm tiên sinh, ông họ Viên, tên của ông gọi là Hoàng, Hoàng nghĩa là màu vàng trong đỏ vàng xanh trắng đen, tự là Khôn Nghị. Đương thời, ông là người sông Ngô tỉnh Giang Nam. Ông sống vào thời Vua Minh Thế Tông.

Thế Tông là vị Vua đời thứ mười hai Nhà Minh, Gia Tĩnh năm thứ 14, công nguyên năm 1535. Như vậy, quý vị đã có những hiểu biết tương đối rõ ràng về ông, khoảng cách của ông so với hiện tại chúng ta đã hơn 500 năm.

Sau quyển sách Liễu Phàm Tứ Huấn còn có phụ thêm bài văn Du Tịnh Ý Công ngộ Táo Thần Ký, cũng là một môn công khóa rất đáng cho chúng ta học tập. Du Tịnh Ý sinh vào năm Gia Tĩnh thứ bốn, lớn hơn ông Liễu Phàm mười tuổi.

Hai người họ gặp nhau vào năm Đinh Sửu, đó là lần thứ hai ông Liễu Phàm đi thi Tiến sĩ, năm đó ông bốn mươi ba tuổi, còn Du Tịnh Ý Công năm mươi ba tuổi, hai người là đồng khoa, lần này, Du Tịnh Ý thi đậu còn Liễu Phàm thi không đậu. tiên sinh Viên Liễu Phàm phải đợi đến năm Bính Tuất, lúc ông năm mươi hai tuổi mới thi đậu Tiến sĩ.

Chúng ta từ trong truyện ký cả đời ông mà xem thấy, việc sửa sai tự làm mới là một quá trình đầy khó khăn, không phải là việc dễ dàng. Đặc biệt là thời gian đầu, hai mươi năm trước của ông rất khó khăn, về sau này, khi công phu đã thành thục rồi thì việc đoạn ác tu thiện càng ngày càng dễ làm hơn, chúng ta hãy xem bổn văn.

Dư đồng niên tang phụ. Dư là tiên sinh Viên Liễu Phàm tự xưng, đồng niên là chỉ lúc ông còn nhỏ, căn cứ vào chương Học Lập Mệnh mà xem, chúng ta biết được ông chịu tang cha, khẳng định là trước mười năm tuổi, làm sao biết được?

Bởi vì ông gặp Khổng tiên sinh vào năm mười năm tuổi, cho nên mới chắc chắn là trước mười năm tuổi.

Lão mẫu mệnh khí cử nghiệp học y. Cử nghiệp chỉ việc đọc sách cầu công danh, mẹ ông nói với ông, không nhất thiết phải học hành cầu công danh, đồng thời khuyên ông học ngành y.

Khả dĩ dưỡng sanh, khả dĩ tế nhân. Học y có chỗ lợi, vừa có thể nuôi sống mình, vừa có thể cứu giúp nhiều người bệnh khổ.

Khả tập nhất nghệ dĩ thành danh, nhĩ phụ túc tâm dã. Nếu như con có thể chân thật học tốt nghề y này thì tương lai có thể trở thành danh y, đây cũng là nguyện vọng của cha con.

Hậu dư tại Từ Vân, ngộ nhất Lão nhân gia, tu nhiêm vĩ mạo, phiêu phiêu nhược tiên, dư kính lễ chi.

Về sau, chữ Hậu là chỉ năm ông mười năm tuổi, năm 1549, ông tại Chùa Từ Vân gặp được một Lão nhân. Tu nhiêm vĩ mạo, tu nhiêm là chỉ râu tóc rất dài, tướng mạo vô cùng tốt đẹp, xem thấy phiêu phiêu nhược tiên là chỉ dáng vẻ không giống như người thường.

Ông sau khi nhìn thấy thì đối với vị Lão nhân đó vô cùng lễ kính, từ đó có thể thấy, tiên sinh Viên Liễu Phàm từ nhỏ đã được dạy dỗ rất tốt, tuy rằng tuổi chỉ mới xấp xỉ mười năm nhưng cách cư xử đối người tiếp vật lại rất đúng quy củ. Điều này mới có thể khiến người khác hoan hỷ, khiến người khác yêu quý.

Ngữ dư viết. Đây là chỉ Lão nhân đó nói với ông Tử sĩ lộ trung Nhân Giả, con là người trong sĩ lộ. Lão nhân này giống như là người biết xem tướng, vừa nhìn thấy liền nói, con là người có mệnh làm quan.

Minh niên tức tiến học. Tiến học là chỉ sang năm ông có thể thi đậu Tú Tài.

Hà bất độc thư.

Tại sao con không đọc sách vậy?

Con lang thang đến đây, sao không đọc sách?

Dư cáo dĩ cố. Ông liền đem việc mẹ ông giáo huấn, không muốn ông đọc sách mà học y trình bày ra, ông sở dĩ đi lang thang bên ngoài là vì muốn hái thuốc, bởi vì mười năm tuổi học y, đây nhất định là học sinh.

Hoặc là theo học với danh y, hoặc là học trò trong các tiệm thuốc. Đây đều là những điều mà chúng ta có thể tưởng tượng đến. Cho nên ông đã đem nguyên cớ báo cáo với vị Đạo Trưởng này.

Tịnh khấu lão giả tính thị lí cư.

Nghĩa là hướng Lão nhân thỉnh giáo quý danh?

Và từ nơi nào lại đây?

Viết: Ngô tính Khổng, Vân Nam nhân dã. Lão Nhân này nói ông họ Khổng, là người Vân Nam.

Đắc Thiệu Tử Hoàng Cực Số chánh truyền. Tức là quyển Hoàng Cực Số chánh truyền của Ngài Thiệu Khang Tiết, hiện tại tác phẩm này vẫn còn được lưu giữ trong Tứ Khố Toàn Thư.

Tôi cũng đã từng xem qua vài lần nhưng thực tại mà nói, thì xem không hiểu, hoàn toàn thuộc về số học cao đẳng, trong quyển sách này không chỉ có thể nói về vận mệnh của một con người, vận mệnh của quốc gia, mà còn cả vận mệnh của thế giới. Hoàn toàn dựa theo môn bốc số trong Kinh Dịch mà đoán định.

Số cai truyền nhữ. Từ trên định số mà nói thì ta nên mang phương pháp này truyền cho con.

Lão Nhân là lần đầu tiên gặp mặt Viên Liễu Phàm, làm sao biết có thể đem nó truyền lại cho ông?

Ở trong này có đại học vấn. Vấn đề này rất giống với cách truyền đạo của các Tổ sư đại đức của Tông Môn Giáo Hạ trong nhà Phật.

Dư dẫn chi quy, cáo mẫu. Liễu Phàm tiên sinh liền dẫn Lão nhân về nhà gặp mẹ mình và giới thiệu ông với mẹ.

Mẫu viết: Thiện đãi chi, thí kỳ số, tiêm tất giai nghiệm.

Mẫu thân nói, phải chiêu đãi Lão nhân thật tốt và thử bói một quẻ xem có linh nghiệm hay không?

Kết quả là bói điều gì cũng đều linh nghiệm.

Dư toại khởi độc thư chi niệm. Từ chỗ này, ông đối với sự bói toán của Lão nhân, ông có lòng tin, như thế là ông liền khởi lên ý niệm đọc sách.

Mưu chi biểu huynh thẩm xứng. Tức là cùng với anh họ của ông thương lượng.

Biểu huynh nói: Ngôn Úc Hải Cốc tiên sinh, tại trầm hữu phu gia khai quán, ngã tống nhữ ký học thậm tiện, dư toại lễ úc vi sư.

Anh họ của ông dẫn ông đến chỗ của Úc Hải Cốc tiên sinh, Úc tiên sinh tại chỗ đó dạy tư thục. Khai quán là chỉ cho việc dạy tư thục. Thẩm tiên sinh dẫn ông đến nơi đó đăng kí học, Viên Liễu Phàm tiên sinh liền bái Úc Ngũ Cốc tiên sinh làm thầy.

Khổng vi dư khởi sổ, huyền khảo đồng sanh đương thập tứ danh, phủ khảo thất thập nhất danh, đề học khảo đệ cửu danh.

Khổng tiên sinh bói cho ông Viên Liễu Phàm một quẻ. Ông nói, sang năm ông lên huyện thi Tú Tài, thi huyện đứng thứ mười bốn, thi phủ đứng thứ bảy mươi mốt, đề học đứng thứ chín. Đề học là thi tỉnh, lúc đó thi Tú Tài phải đậu cả ba cửa này.

Minh niên phó khảo. Sang năm đi thi, minh niên là chỉ năm ông mười sáu tuổi, năm mười sáu tuổi ông đi thi quả nhiên ông thi đậu, thứ hạng hoàn toàn tương hợp.

Minh niên phó khảo, tam xứ danh số vi hiệp. Có thể thấy công phu đoán mệnh của Khổng tiên sinh rất giỏi, rất cao minh, ông hoàn toàn không phải là những thuật sĩ giang hồ. Ông chân chánh là chuyên gia số thuật có thực học, là chuyên gia giảng về mệnh lý của Trung Quốc. Ông ấy là chuyên gia chân thật chứ không phải giả danh.

Phục vi bốc chung thân hưu cữu. Sau khi đã thấy linh nghiệm như vậy, ông thỉnh Lão nhân đoán quẻ cho cả đời ông về cát hung họa phước.

Ngôn: Mỗ niên khảo đệ ki danh, mỗ niên đương bỗ lẫm.

Lẫm là một loại cấp bậc trong Tú Tài, tương đương với hiện tại chúng ta là học sinh công phí, tức được học bổng. Lẫm là lẫm mễ chỉ lương bổng cấp bằng gạo, thứ hạng của nó có giới hạn nhất định, tất phải có hữu khuyết thi đậu, xuất khuyết thi không đậu. Thứ tự khảo thí trong Tú Tài là cao nhất, sau đó là danh sách bổ sung, bổ lẫm.

Mỗ niên đương cống. Cống sinh so với Lẫm sinh cao hơn một bậc, nhưng cũng đều thuộc Tú Tài, trong Tú Tài phân ra nhiều cấp bậc mà Cống sinh là cao nhất, thứ kế là Lẫm sinh.

Cống hậu mỗ niên. Sau khi ông làm Cống sinh, Mỗ niên vào năm nào đó, Cống sinh là người có tư cách vào học ở Thái học.

Cho nên lúc đó vào Thái học, Thái học là trường Đại học do nhà nước lập nên. Ngày trước cả nước chỉ có một trường, gọi là Quốc Tử Giám. Trường Thái học đó luôn được đặt ở thủ đô, ở Kinh Thành. Đời Minh có hai trường Quốc Tử Giám, nguyên nhân như thế nào vậy.

Khi Minh Thái Tổ dựng nước đã đóng đô ở Nam Kinh, cho nên ở Nam Kinh có trường Quốc Tử Giám, đến thời Minh Thành Tổ, ông lại dời đô về Bắc Kinh, nên ở Bắc Kinh cũng có một trường Quốc Tử Giám. Vì thế vào thời Nhà Minh, trường Đại Học do đất nước lập biến thành có hai cái.

Đây là kiến thức thông thường mà chúng ta phải biết. Từ Cống sinh trở lên mới có tư cách đến học ở Quốc Tử Giám. Đây là vào một năm sau khi đỗ Cống sinh, ông được chọn làm huyện trưởng Tứ Xuyên. Thái doãn nghĩa là huyện trưởng.

Tại nhiệm tam niên bán tức nghi cáo quy.

Ông làm quan được ba năm rưỡi thì liền cáo lão vê quê, tại sao vậy?

Ngũ thập tam tuế bát nguyệt thập tứ nhật sửu thời. Năm năm mươi ba tuổi vào giờ sửu ngày 14 tháng 8. Vân Cốc Thiền Sư có thể đoán định được một cách chuẩn xác như thế.

Đương chung ư chính tẩm. Ông chết tại nhà, thọ mạng của ông đã đến.

Tích vô tử. Trong mạng của ông không có con trai.

Dư bị lục nhi cẩn ký chi. Tôi cẩn thận tỉ mỉ ghi chép những điều đó lại. Từng điều, từng điều một mà Khổng tiên sinh nói ông đều ghi chép lại, đây là sự việc của cả một đời ông.

Tự thử dĩ hậu, phàm ngộ khảo giáo kỳ danh sổ tiên hậu, giai bất xuất Khổng công sở huyền định giả. Huyền là chỉ sự đoán định của Khổng tiên sinh. Về sau, mỗi năm đi thi xếp hạng của ông đều đúng như Khổng tiên sinh đã đoán định, tơ hào không sai. Ở đây có một điều không đúng.

Độc toán dư thực lẫm mễ cửu thập nhất thạch ngũ đẩu đương xuất cống. Chỉ có một lần đoán là khi nào số gạo cấp lương Lẫm sinh của ta đủ chín mươi mốt thạch năm đấu sẽ được bổ làm Cống sinh.

Điều này có nghĩa là lúc ông làm Lẫm sinh, ông lãnh được một số thóc do nhà nước cấp. Phần thóc do nhà nước cấp này, tương đương với ngày nay chúng ta gọi là lương bổng.

Ông lãnh được bao nhiêu thóc?

Ông phải lãnh đủ số chín mươi mốt thạch năm đấu, ông mới xuất Cống sinh, điều này kể từ lúc ông làm Lẫm sinh lên Cống sinh.

Cập thực mễ thất thập dư thạch, Đồ Tông Sư tức phê chuẩn bổ cống, dư thiết nghi chi. Nhưng khi ta mới lãnh hơn bảy mươi thạch thì Đồ Tông Sư đã phê chuẩn cho ta được bổ Cống sinh, ta liền có nghi hoặc.

Khi gieo quẻ đoán mệnh cho ông thì khi hưởng được chín mươi mốt thạch năm đấu ông mới được lên Cống sinh. Nhưng khi ông mới lãnh được hơn bảy mươi mốt thạch thì Đồ Tông Sư. Tông Sư là chỉ Quan Đề Học đương thời, Quan Giáo Học của một Tỉnh, tương đương với Ti Trưởng Giáo Dục ngày nay.

Ông là người phê chuẩn việc bổ Cống sinh, bổ Cống sinh còn gọi là xuất cống. Trong tâm ông Viên Liễu Phàm có nghi hoặc, tại sao điều này lại không đúng, lần tính toán này xem ra không chuẩn xác.

Hậu quả vi thự ấn dương công sở bác. Đồ Tông Sư phê chuẩn Bổ Cống, trên văn kiện đã ghi rõ. Bị thự ấn, thự ấn là chỉ cho vị quan thay thế tạm thời. Vị Dương tiên sinh thay thế tạm thời này đã bác bỏ ông, không phê chuẩn cho ông bổ Cống sinh.

Trực chí Đinh Mão niên. Năm Đinh Mão là Minh Mục Tông Long Khánh nguyên niên. Tiên sinh Liễu Phàm lúc đó ba mươi ba tuổi. Các vị nghĩ xem, ông ấy là mười sáu tuổi thi đỗ Tú Tài, đến năm ba mươi ba tuổi mới được lên Cống sinh, mười mấy năm, thời gian dài như vậy mới chờ đến năm Đinh Mão.

Ân Thu Minh Tông Sư kiến dư tràng trung bị quyển, thán viết: Ngũ sách tức ngũ thiên tấu nghị dã. Quan Đốc học lúc bấy giờ, chính là trưởng quan Ân Thu Minh tiên sinh chủ trì giáo học. Trong lúc rảnh rỗi, ông xem lại những bài thi của các vị thi Tú Tài đợt trước. Trong số những bài này, có những bài thi không đậu.

Ông lấy ra xem lại, đột nhiên xem thấy bài thi của tiên sinh Viên Liễu Phàm, bài làm vô cùng hay, ông cảm thán mà nói rằng năm bài này, người làm năm bài này cũng như viết tấu chương. Kiến giải, văn chương của người này đều rất hay, có thể sánh với những bài tấu nghị của quan Đại Thần dâng lên Vua.

Khởi khả sử bác hiệp yêm quán chi nho, lão ư song hạ hồ. Bác là chỉ cho kiến văn quảng bác, học thức của ông rất phong phú. Hiệp là nói, ông đối với kiến giải, hiểu biết rất là thấu triệt. Yêm là chỉ văn nghĩa của ông sâu sắc, công phu nhất quán. Văn chương như thế này, rất khó xem thấy được.

Ông nói không thể để cho những người có học vấn, có đức hạnh, có năng lực như vậy bị mai một theo thời gian, cả đời chỉ là một Tú Tài nghèo.

Toại ư huyện thân văn chuẩn cống. Sau đó mời ông đi bổ Cống sinh, lần này thì phê chuẩn rồi.

Liên tiền thực mễ kế chi, thật cửu thập nhất thạch ngũ đẩu dã. Khổng tiên sinh đoán mệnh một chút cũng không sai, xác thực là số thóc ông ăn từ lúc đỗ Lẫm sinh là chín mươi mốt thạch năm đấu, ông mới được bổ chức Cống sinh.

Dư nhân thử ích tín tiến thối hữu mệnh, trì tốc hữu thì, đạm nhiên vô cầu hỹ. Đến lúc này thì hoàn toàn khẳng định, tin tưởng mỗi một người đều có vận mệnh. Vận mệnh diễn ra nhanh hay chậm đều có lúc có thời, cưỡng cầu cũng không được.

Vì vậy tâm ông định lại, vọng niệm cũng không có, chân chánh làm được ư nhân vô tranh, ư thế vô cầu đối với người không tranh, đối với đời không mong cầu. Cho nên tôi nói ông là một phàm phu tiêu chuẩn.

Chúng ta là phàm phu không đúng tiêu chuẩn, chúng ta một ngày từ sáng đến tối toàn là suy nghĩ vọng tưởng, luôn luôn là vọng cầu mà cầu không được.

Nếu trong mạng có thì đến cuối cùng sẽ có, nếu trong mạng không có mà cứ vọng cầu, thì nào có cầu được?

Cống nhập Yến Đô. Làm Cống sinh, đến Yến Đô, đến Bắc Kinh. Đến Bắc Kinh, đương nhiên cũng có thể, ông nghĩ muốn xem trường Đại học quốc gia đó.

Tôi nghĩ ông ấy nhất định đi đến hai trường Đại học đó tìm hiểu một chút. Sau đó đến cuối cùng là chọn trường nào để học, điều này chúng ta có thể nghĩ đến.

Lưu Kinh nhất niên, chung nhật tĩnh tọa, bất duyệt văn tự. Ở lại Kinh Đô một năm, suốt ngày tĩnh tọa, không màng tới việc học hành.

Tại sao vậy?

Một đời đều đã có trong mệnh, nghĩ tưởng cũng uổng công. Cho nên ông đem vọng tưởng ngừng lại. Thực tại mà nói, ông đã bị vận mệnh câu thúc, không biết phải làm thế nào. Chúng ta xem thấy cái tình cảnh này của ông Viên Liễu Phàm, cũng rất đồng tình, cũng thật xót thương.

Kỷ Tỵ quy. Kỷ Tỵ là năm thứ hai, năm thứ hai từ Bắc Kinh trở lại phương Nam.

Du Nam Ung. Thời gian này, Liễu Phàm tiên sinh ba mươi năm tuổi, Nam Ung chính là Quốc Tử Giám ở Nam Kinh. Có thể thấy ông đã điều tra rất rõ ràng, ông chọn Đại Học ở Nam Kinh và muốn đến trường này học tập.

Vị nhập giám. Vẫn chưa nhập học, vào trước thời điểm nhập học Tiên vấn Vân Cốc Hội Thiền Sư.

Vẫn chưa nhập học, nghe nói đến núi Thê Hà, núi Thê Hà ở Nam Kinh. Hiện tại ở Nam Kinh còn có Chùa Thê Hà. Thế là, ông đến núi Thê Hà bái kiến Vân Cốc Thiền Sư. Vân Cốc là hiệu của Thiền Sư, Pháp danh của ông là Pháp Hội nên ở đây xưng là Hội Thiền Sư, đây là cách tôn xưng ông.

Vân Cốc Thiền Sư là vị Đại đức trong nhà Phật đương thời, là một vị Cao Tăng. Lúc bấy giờ Vân Cốc Thiền Sư đã sáu mươi chín tuổi, Liễu phàm ba mươi năm tuổi, Vân Cốc Thiền Sư hơn Liễu Phàm ba mươi bốn tuổi.

Liễu Phàm ba mươi năm tuổi đi bái kiến ông, đây cũng là lần đầu gặp mặt. Chúng ta từ đoạn sau của truyện ký xem thấy hành vi, lời nói của Vân Cốc Thiền Sư, thấy được đạo phong của ông. Ông là một người chân chánh khai ngộ.

Tuy rằng còn nhỏ đã xuất gia, lúc xuất gia cùng với hiện tại đều làm Kinh Sám Phật Sự, nhưng Kinh Sám Phật Sự lúc đó cùng với chúng ta hiện nay tính chất hoàn toàn không giống nhau. Sau đó ông giác ngộ được, những sự việc mà người xuất gia làm cùng với sinh tử, với xuất ly tam giới không có can hệ.

Tôi không cho đó là việc mà người xuất gia làm, cái mà người xuất gia làm chỉ là duy trì đời sống sinh hoạt của mình mà thôi, cho nên sinh tử sự đại.

Mười chín tuổi đã đi tham học, tầm sư học đạo, về sau xác thực là đã có thành tựu. Sau khi khai ngộ, ông ẩn giấu tài năng trong Tự Viện, chuyên hành khổ hạnh, những việc khó khổ mà người khác không làm thì ông làm.

Về sau các danh sĩ, quan viên ở một số địa phương phát hiện ra ông, đây là một Cao Tăng chân chính ngộ đạo. Cho nên đã giúp đỡ ông, hy vọng có thể khôi phục lại Đạo tràng trên núi Thê Hà.

Lão nhân gia ông hoàn toàn không để ý đến danh văn lợi dưỡng. Ông giới thiệu một vị Pháp Sư khác làm Trụ Trì, làm Phương Trượng. Sau khi Đạo tràng đã hưng thịnh, ông đến một nơi sau núi rất ẩn mật, kiến lập một chỗ tu nhỏ, nơi đó gọi là Thiên Khai Nham. Hiếm có người đặt chân đến, ông một mình ở nơi đó khổ tu.

Tôi nghĩ, Liễu Phàm tiên sinh đi thăm viếng ông, nhất định là đến nơi này, Thiên Khai Nham. Tôi nghĩ nhất định phải là nơi này, bởi vì lúc đó Pháp Sư đã sáu mươi chín tuổi mà đến năm bảy mươi năm tuổi thì Ngài Viên Tịch. Cũng chính là vào năm 1575, năm đó, tiên sinh Viên Liễu Phàm bốn mươi mốt tuổi.

Vậy nên lúc Liễu Phàm tiên sinh gặp ông, cho đến lúc ông viên tịch, thời gian cũng không lâu lắm, chỉ có bảy năm. Do đó, chúng tôi cho rằng ông ấy nhất định là ở Thiên Khai Nham của núi Thê Hà.

Đại Sư bình thường khi tiếp đãi mọi người, bất kể là ai đến bái kiến ông. Ông đều đưa cho họ một cái bồ đoàn và mời họ ngồi ngay ngắn lên đó.

Rồi bảo họ tham cứu vấn đề phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai diện mục, nghĩa là lúc cha mẹ chưa sinh thì bổn lai diện mục là gì?

Chỉ một câu này mà không nói thêm gì nữa, cả ngày ông không nói một câu, chỉ ở trong định. Liễu Phàm tiên sinh đi tham bái ông, đại khái cũng không ngoại lệ.

Ư Thê Hà sơn trung, đối tọa nhất thất, phàm tam trú dạ bất minh mục. Ở trên núi Thê Hà, ngồi đối diện với Thiền Sư trong một căn phòng suốt ba ngày đêm mà không hề chợp mắt.

Thiền Sư cùng với tiên sinh Viên Liễu Phàm, hai người họ ngồi trong Thiền Đường, ba ngày ba đêm mà không nói một câu.

Vân Cốc vấn viết: Phàm nhân sở dĩ bất đắc tác Thánh giả, chỉ vị vọng niệm tương triền nhĩ.

Vân Cốc hỏi rằng: Sở dĩ con người không thể trở thành Thánh Nhân chỉ vì những vọng niệm lăng xăng trong lòng không ngừng. Đặc biệt là người tu hành, người tu hành tại sao không thể thành tựu. Vì vọng niệm quá nhiều, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quá nhiều nên tâm định không nổi.

Nhữ tọa tam nhật, bất kiến khởi nhất vọng niệm, hà dã. Ngươi ngồi ba ngày mà không thấy khởi lên một vọng niệm nào, làm sao mà làm được như vậy.

Thật kì lạ. Ngươi ngồi đây ba ngày mà ta không thấy ngươi khởi một vọng niệm nào. Vân Cốc Thiền Sư không thấy Liễu Phàm tiên sinh khởi lên một vọng tưởng.

Đây là nguyên do gì?

Vân Cốc Thiền Sư cũng thật kỳ lạ. Bình thường ông rất ít nói, nhưng khi gặp Viên Liễu Phàm, lại nói hơi nhiều, thật là không dễ. Đây là duyên phận rất đặc biệt.

Chúng ta phải hiểu được đạo lý ở đây, giữa người và người xác thực là phải có nhân duyên. Viên Liễu Phàm gặp được Thiền Sư Vân Cốc mới có thể chuyển biến vận mệnh. Thiên học lập mệnh là do Vân Cốc truyền lại cho ông.

Dư viết: Ngô vị Khổng tiên sinh toán định, vinh nhục tử sanh, giai hữu định số, tức yếu vọng tưởng, diệc vô khả vọng tưởng.

Ta nói: Con vì được Khổng tiên sinh bói số mạng, sống chết vinh nhục đều do Trời định sẵn. Dù muốn vọng tưởng cũng không thể thay đổi được.

Lúc trước, khi tôi đọc đến câu nói này, tôi cho rằng lúc đó, Viên Liễu Phàm tiên sinh thực sự là một phàm phu tiêu chuẩn.

Cũng không sai, cả đời ông, mỗi ngày trôi qua đều đúng như đoán định của vận mệnh, đến năm mươi ba tuổi thì thọ chung tại nhà, cả đời không có tội lỗi lớn, nên đời sau khẳng định không đọa vào ba đường ác. Đây là một phàm phu tiêu chuẩn. Vận mệnh của ông bị Khổng tiên sinh đoán định.

Vinh nhục tử sinh, giai hữu định số. Câu nói này đồng thời cũng là nói với chúng ta, chúng ta cũng không ngoại lệ. Phàm là người, chỉ cần bạn có ý niệm thì bạn không thể không có vận số.

Cũng là nói, bạn không thể không có định mệnh nếu như bạn còn có vọng niệm. Nếu như bạn không có vọng niệm thì bạn có thể siêu thoát vận mạng. Liễu Phàm tiên sinh tuy có thể cải tạo vận mạng, nhưng ông chỉ có thể cải biến chứ không thể thoát khỏi.

Vân Cốc Thiền Sư giỏi như vậy, tại sao ông không cao hơn một bước, đem phương pháp thoát khỏi vận mệnh dạy cho Viên Liễu Phàm?

Đây chính là quan sát căn cơ thọ giáo. Xem căn cơ của Liễu Phàm tiên sinh, thiên chất của ông. Có những Cao Tăng đạo đức, đều có năng lực quan sát, xem bạn là thượng căn, trung căn hay hạ căn mà tùy cơ thuyết pháp. Cho nên tất cả chúng sanh, hễ gặp được cao nhân thì không một ai mà không được lợi ích.

Chúng ta xem thấy Liễu Phàm tiên sinh, ông là thuộc trung căn, không phải thượng căn. Đối với người trung căn, đương nhiên không thể nói thượng pháp, nếu nói thượng pháp thì ông không thể tiếp nhận nổi.

Cho nên khi thuyết pháp, khế hợp căn cơ là điều vô cùng quan trọng. Pháp mà không khế cơ cũng như nhàn ngôn ngữ, điều này trong Kinh Phật có nói. Nhàn ngôn ngữ, nói theo cách hiện nay là nói phí lời, lời nói vô ích. Cho nên cần thiết là phải khế cơ khế lý.

Chúng ta cần phải tin tưởng một cách sâu sắc, bất cứ người nào cũng có vận mệnh, có định số, chỉ là bản thân họ không biết mà thôi.

Bản thân không biết, câu này có nghĩa, bạn trong suốt cuộc đời nhất định cũng chỉ như kẻ mù mò mẫm mà thôi. Liễu Phàm tiên sinh được người đoán định, ông rất rõ ràng. Trong suốt một đời, phương hướng, mục đích sở hành của ông đều rất rõ rõ ràng ràng, minh minh bạch bạch, ông cứ chiếu theo mệnh lý mà sống.

Còn chúng ta thật đáng thương, chúng ta không biết vận mệnh của mình, cho nên chúng ta như kẻ mù mò mẫm trong biển lớn tối tăm.

Nếu như tùy thuận phiền não, trong lúc mê mờ, tạo tác quá nhiều tội nghiệp thì tội nghiệp đó sẽ làm tổn phước báu, làm giảm thọ mạng của chúng ta. Thông thường nói giảm thọ tức là giảm thọ mạng. Cái tình hình này trong xã hội hiện nay có thể nói là rất đúng.

Nếu người có thiện căn phước đức sâu dày, tuy là không biết vận mệnh của mình, nhưng tâm địa của họ thiện lương, không có tâm tưởng sai quấy, hành vi đều giữ đúng quy củ, không làm những việc thương thiên hại lý, tổn người lợi mình.

Tuy rằng không biết vận mệnh nhưng bản thân họ chính là đang tăng phước, đang tăng thọ cho mình, bất tri bất giác trong mạng lại tăng trưởng phước báu.

Nhưng hoàn cảnh xã hội của chúng ta hiện nay không tốt, đây là chỉ trong lịch sử từ xưa đến nay, cả trong và ngoài nước đều chưa từng có qua. Hoàn cảnh sống, con người là phàm phu, không thể không chịu sự ảnh hưởng của hoàn cảnh.

Hoàn cảnh bất thiện, chúng ta ngày ngày đều bị những cái bất thiện này ảnh hưởng. Điều này có nghĩa, cơ hội tạo nghiệp của chúng ta ngày càng nhiều, càng lớn. Vậy là bất tri bất giác mà tạo nghiệp.

Cái sự việc này rất đáng sợ! Trước kia, khi tôi cầu học, thầy Lý có kể cho tôi một câu chuyện, không phải là nói với mình tôi mà là người lên lớp giảng cho cả lớp nghe. Thầy giảng, lúc trước, tại một địa phương nọ, có xảy ra một án mạng trái nghịch luân lý, con giết cha.

Cái sự việc này từ trước đến nay chưa từng có, đây là một việc lớn. Sự việc này được tâu lên Vua, đương nhiên người con này bị xử tử hình. Nhà Vua ban ra một mệnh lệnh, vị quan huyện ở đó bị cách chức điều tra.

Vị huyện trưởng đã phạm phải lỗi lầm gì?

Địa phương này là khu vực do anh cai trị, do anh giáo hóa, anh sao có thể giáo hóa ra cái loại người đại nghịch bất đạo như vậy.

Vì giáo hóa không tốt, nên vị huyện trưởng bị cách chức. Quan tuần phủ ghi chép lỗi lầm, tuần phủ là quan Tỉnh Trưởng đương thời, ông ghi chép lại sự việc. Việc xử phạt vẫn còn tiếp diễn, Triều Đình lại hạ một mệnh lệnh nữa.

Vào thời điểm đó, mỗi huyện đều có một bức tường, đem bức tường này phá đi một góc. Hoàng đế hạ lệnh đem bức tường phá đi một góc.

Điều này có ý nghĩa gì?

Cái huyện này của các người có một người con đại nghịch bất đạo như vây, đây là điều sỉ nhục đối với người dân trong toàn huyện. Hiện tại chúng ta từ trên báo chí, tạp chí thường thường xem thấy, con cái giết cha, giết mẹ thật là quá nhiều.

Giáo dục ngày xưa và ngày nay không giống nhau, chúng ta hiểu được tại sao xã hội ngày xưa có thể an định, thời gian an định thịnh trì kéo dài, nhân dân thực sự có được cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn.

Hãy quay đầu nhìn lại ngày nay, bất luận là phú quý hay bần tiện, cho dù một người có tiền của vạn ức, liệu cuộc sống của họ có hạnh phúc hay không?

Không hạnh phúc.

Có vui vẻ hay không?

Không vui vẻ.

Cuộc sống của họ thật rất đáng thương, nói một cách khó nghe, đó thật sự không phải là cuộc sống của con người.

Đến cuối cùng là nguyên nhân gì vậy?

Chúng ta đã bao giờ suy nghĩ qua hay chưa. Ở đây đều có định số. Định số, chúng ta mỗi ngày khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác đều có gia giảm thêm bớt. Mức độ của gia giảm thêm bớt không lớn, đại khái so với vận số không vượt quá nhiều. Cho nên thông thường đoán mệnh, có thể thấy, hầu như đoán được rất chuẩn xác.

Nếu như ác niệm, thiện niệm, ác hạnh, thiện hạnh của chúng ta mức độ quá lớn, bạn có đại thiện hoặc giả là đại ác thì định số của bạn sẽ thay đổi.

Nếu như bạn làm được điều thiện lớn, trong mạng của bạn không tốt sẽ biến thành tốt. Nếu như bạn tạo đại ác, trong mạng của bạn vốn là rất tốt, liền biến thành xấu.

Phàm phu chúng ta có những cái không thể tránh được, nhất là trong xã hội hiện nay. Xã hội hiện đại, không thứ gì không dụ hoặc chúng ta, nhân tâm làm sao có thể định được.

Cho nên ngày nay bất kể là tu hành hay học vấn, không dễ gì mà có được thành tựu. Có thể ở trong xã hội ngày nay mà học tập hay tu hành có thành tựu, đều là nhờ vào thiện căn phước đức nhân duyên quá lớn.

Nếu không có thiện căn phước đức lớn, nhất định không có khả năng thành tựu. Bạn có thiện căn, bạn mới thấu rõ đạo lý. Bạn có phước đức, bạn mới không bị động tâm. Đối với tất cả những dụ hoặc không hề khởi tâm động niệm. Đây là công phu chân thật. Đây là phước đức chân thật.

Tổ sư đại đức ngày xưa, trường học là Đạo tràng để dạy học. Phật Môn là nơi để tu hành. Tại sao lại chọn nơi thâm sơn cùng cốc không có người đến. Thực tại mà nói, mục đích là để ngăn cách với những dụ hoặc của xã hội bên ngoài, để tâm chúng ta dễ dàng định lại mà thôi.

Hiện tại thì khó rồi, tôi học Phật giảng Kinh, tuy đã trải qua nhiều năm như vậy, Đạo tràng Phật Giáo có rất nhiều, nhưng tôi đều chưa đi đến.

Ở Trung Quốc, tôi chỉ đi Cửu Hoa Sơn, Nga Mi Sơn, mà hiện tại những Đạo tràng này đều đã được mở đường quốc lộ, nên du khách đi lại rất thuận tiện, lúc trước thì rất khó khăn. Lúc nhỏ, tôi là người An Huy, nhà của tôi ở Lô Giang, nên không cách xa Cửu Hoa Sơn cho lắm.

Tuy nhiên, lúc trước lên núi phải mất ba ngày, bây giờ ngồi xe chỉ mất ba giờ. Lúc trước, muốn lên núi phải mất ba ngày, cho nên anh chân thật phải có thành ý. Còn có người tam bộ nhất bái nữa, đại khái là phải đi từ bảy ngày đến mười ngày, từ quê hương chúng tôi chiêm bái đến Cửu Hoa Sơn với thái độ rất kiền thành, kiên trì và chân thành.

Chọn nơi này, không chỉ giao thông không thuận tiện, người qua lại không nhiều, người muốn đến đây rất ít nên hoàn cảnh nơi đây của chúng tôi rất yên tĩnh, không bị người ngoài quấy rầy.

Hiện tại nơi đây đã mở đại lộ, trong Chùa đều đã được lắp đặt máy truyền hình, vậy coi như xong, những ô nhiễm này đã xâm nhập đến nơi này rồi. Hiện tại tu đạo khó rồi.

Quá khó, quá khó. Tôi ở nước ngoài nhiều năm như vậy, mãi cho đến ẩu chỉ có tám vạn, hơn nữa người dân nơi đây vô cùng bảo thủ. Hiện tại mà nói thì đây là một nơi tốt, rất khó có được để học tập, để tu đạo. Không thể chọn lựa nơi đô thị vì đô thị mức độ dụ hoặc quá lớn. Nếu không có định lực thì quyết định không thể thành tựu.

Ở một Thế Giới đô hội, bạn sao có thể tu hành?

Năm 1977, tôi ở Hương Cảng giảng Kinh, các đồng tu bên đó nói với tôi rằng, họ nói: Lão Hòa Thượng Hư Vân đã từng ở Hương Cảng. Các đồng tu Hương Cảng đã tha thiết mời Lão Hòa Thượng ở lại Hương Cảng, nhưng Lão Hòa Thượng nói rằng, cái địa phương này phồn hoa đô hội không thích hợp để tu hành, cho nên chỉ ở đó vài ngày rồi về lại Trung Quốc.

Tại sao?

Vì sức dụ hoặc quá lớn, danh lợi sẽ khiến tâm người dao động, do đó không phải là nơi để tu hành.

Nếu như giống với tâm thái này của Liễu Phàm tiên sinh, thế thì được. Ông đã biết được vận mệnh của mình, đã được đoán định rồi, khởi vọng tưởng cũng là uổng công, tâm của ông liền định lại. Lời giải thích này khiến Vân Cốc Thiền Sư cười lớn. 

Ngã đãi nhữ thị hào kiệt, nguyên lai chỉ thị phàm phu. Tôi vốn cho rằng ông là anh hùng hào kiệt, cái gì gọi là hào kiệt. Điều người khác không làm được, anh có thể làm được. Người đó đích thị là anh hùng, là hào kiệt. Ba ngày ba đêm không khởi một vọng niệm, điều này không phải người bình thường có thể làm được. Viên Liễu Phàm tiên sinh có thể làm được.

Lại hỏi tại sao?

Mệnh bị người ta đoán định, khởi vọng tưởng cũng uổng công. Vì vậy mới không khởi vọng tưởng. Đây là phàm phu. Đây là một phàm phu tiêu chuẩn. Chúng ta phải biết, ông từ điểm này mà có thể chân chính tỉnh ngộ.

Chúng ta hãy xem xem Vân Cốc Thiền Sư đã khai đạo cho ông như thế nào, làm sao để giáo hóa ông, làm sao đem những quan niệm sai lầm của ông chuyển hóa trở lại.

Đây mới là học vấn chân thật. Liễu Phàm tiên sinh có thể tiếp nhận đó là thiện căn của ông. Nhà Phật nói thiện căn tức là có khả năng thấu suốt rõ ràng. Lại có thể tin sâu không nghi, y giáo phụng hành, đây chính là phước đức.

Có thiện căn, có phước đức lại có thể gặp được thiện tri thức giỏi như vậy khai thị, đây là nhân duyên. Thiện căn, phước đức, nhân duyên, cả ba điều này đều có đủ, người đó nhất định thành tựu, có thể đem vận mệnh của họ cải đổi, đạo lý là ở chỗ này.

Được rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây thôi.

A Di Đà Phật!

****