Haèng thuaän chuùng sanh
Tuyø hyû coâng ñöùc

tinhdo.edu.vn

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN GIẢNG GIẢI - TẬP MƯỜI CHÍN

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

GIẢNG GIẢI

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP MƯỜI CHÍN
 

Chư vị đồng tu, xin chào mọi người!

Mời xem Liễu Phàm Tứ Huấn, chương thứ tư: Hiệu quả của đức tính khiêm tốn. Phía trước đều nói về cải ác tu thiện, có thể cải ác tích thiện đương nhiên là điều quá tốt, tuy nhiên con người trong xã hội, không thể không cùng với mọi người qua lại, vì vậy làm người quan trọng nhất là khiêm tốn. Nếu như có ngạo mạn thì những vấn đề phía trước nói không thể làm đến được.

Liễu Phàm tiên sinh đem vấn đề khiêm tốn đặt ở chương thứ tư, chương cuối cùng, cũng giống như phần lưu thông trong Kinh Phật, ý nghĩa vô cùng trọng đại.

Mời xem bổn văn: Kinh Dịch viết: Thiên Đạo khuy doanh nhi ích khiêm, địa đạo biến doanh nhi lưu khiêm, quỷ thần hại doanh nhi phúc khiêm, nhân đạo ác doanh nhi hảo khiêm.

Kinh Dịch dạy: Đạo Trời là rút bớt chỗ dư thừa mà bồi đắp chỗ thiếu hụt. Quy luật của đất đai là chỗ cao lồi thì bị xói mòn còn chỗ trũng thấp thì đước đắp bồi. Luật quỷ thần thì trừng phạt kẻ ngạo mạn, ban phước cho người khiêm tốn, đạo là người thì tự mãn bị ghét còn khiêm hạ được thương.

Đây là mấy câu nói trong Kinh Dịch: Thị cố khiêm chi nhất quái, lục hào giai cát. Đây là xem trong số sáu mươi bốn quẻ trong Kinh Dịch, mỗi một hào đều là may mắn mà không có tướng xấu, duy chỉ có quẻ Khiêm, chỉ có một quẻ này.

Thư viết mãn chiêu tổn, khiêm thọ ích.

Kinh Thư nói: Tự mãn gây thiệt thòi, khiêm tốn được ích lợi. Hai câu nói này là trong Kinh Thư.

Dữ lũ đồng chư công ứng thí, mỗi kiến hàn sĩ tương đạt, tất hữu nhất đoạn khiêm quang khả cúc.

Ta nhiều lần đi thi với đồng học đều nhận thấy rằng những thí sinh sắp thi đậu đều có vẻ mặt rất khiêm tốn. Phía sau là Liễu Phàm tiên sinh nói, ông rất nhiều lần cùng bạn học đi thi, thường thấy những học trò nghèo có tướng sẽ đỗ đạt, cũng chính là họ sắp đến lúc thi đỗ, dự báo trước của họ đó là nhất định rất khiêm tốn.

Cho nên xử sự, đối người, tiếp vật, điều quan trọng nhất là phải khiêm tốn, mới có thể tiếp nhận người khác, có thể thành tựu cho người khác. Bốn câu nói này trên Kinh Dịch, chúng ta nói sơ lược qua. Khuy là tổn thất, doanh là tự mãn.

Thiên Đạo cũng chính là đạo lý tự tự nhiên nhiên. Phàm là người tự mãn, luôn luôn là sẽ gặp phải thiệt thòi, gặp phải điều không may. Người có thể khiêm tốn nhất định sẽ có được lợi ích, đây là Thiên Đạo.

Địa Đạo biến doanh nhi lưu khiêm, địa là rộng lớn, biến là biến động, lưu là ý nghĩa tập hợp lại một chỗ. Giống như là nước chảy, nước luôn luôn chảy xuống chỗ thấp hơn, không thể chảy lên chỗ cao, cho nên biến doanh nhi lưu khiêm.

Giống như nước, chỗ cao là chỉ cho mãn, tự mãn, cống cao ngã mạn, không có được lợi ích, không có được phù sa, phù sa luôn là chảy từ nơi cao xuống nơi thấp trũng.

Quỷ Thần hại doanh. Đối với người tự mãn, người kiêu ngạo, quỷ thần luôn là gây khó dễ cho họ, luôn đùa giỡn họ, nhưng đối với người khiêm tốn thì quỷ thần luôn cung kính, luôn giúp đỡ họ. Nhân đạo sao có thể có ngoại lệ được chứ.

Nhân đạo ác doanh nhi hảo khiêm. Đối với người tự mãn, người tự đại, người kiêu ngạo, mọi người luôn chán ghét họ, còn đối với người khiêm tốn thì luôn hoan hỷ với họ. Cho nên, quẻ khiêm duy chỉ có cát lợi mà không có hung tai, đây là nguyên tắc làm người quan trọng.

Phía dưới Liễu Phàm tiên sinh cử ra cho chúng ta năm người làm ví dụ, chúng ta từ chỗ này quan sát, nhãn quang của ông rất tài tình, quan sát được vô cùng chính xác.

Ví dụ thứ nhất là: Tân vị kế giai, ngã Gia Thiện đồng bào phàm thập nhân, duy Đinh Kính Vũ tân, niên tối thiểu, cực kỳ khiêm hư, dữ cáo Phí Cẩm Ba viết, thử huynh kim niên tất đệ, Phí viết, hà dĩ kiến chi, dữ viết, duy khiêm thụ phúc, huynh khán thập nhân trung, hữu tuân tuân khoản khỏan, bất cảm Tiên Nhân, như Kính Vũ giả hồ, hữu cung kính thuận thừa, tiểu tâm khiêm úy, như Kính Vũ giả hồ.

Hữu thụ vũ bất đáp, văn báng bất biện, như Kính Vũ giả hồ, nhân năng như thử, tức Thiên địa quỷ thần, do tương hựu chi, khởi hữu bất phát giả, cập khai bảng, đinh quả trúng thức. Năm Tân Mùi 1571, mười anh em trong huyện Gia Thiện chúng ta lên Kinh Đô thi cử nhân. Trong đó Đinh Kính Vũ là người trẻ tuổi nhất và cũng là người khiêm tốn nhất.

Ta nói cho người bạn Phi Cẩm Ba rằng Người này năm nay sẽ đậu Phi Cẩm Ba hỏi: Sao anh biết?

Ta nói: Chỉ có người khiêm tốn mới gặp lành. Anh xem trong mười người chúng ta, có ai thật thà chất phát, không muốn dương oai như Kính Vũ chứ.

Có ai cung kính vâng chịu, thận trọng dè dặt như Kính Vũ đâu?

Có ai bị làm nhục mà vẫn im lặng, bị nói xấu mà không biện hộ như Kính Vũ đâu?

Người như thế, Trời Đất quỷ thần đều sẽ phù hộ, làm sao không thi đậu?

Đến khi xem kết quả, quả thật Kính Vũ thi đậu. Năm này, Liễu Phàm tiên sinh ba mươi bảy tuổi, ông đi thi cử nhân, cùng với đồng học, tổng cộng có mười người, Huyện Gia Thiện tổng cộng có mười người.

Trong số mười người này ông nhìn ra Đinh Kính Vũ, Kính Vũ là tự của ông, tên của ông là Đinh Tân, người này trong số mười người là trẻ tuổi nhất, niên tối thiểu, và vô cùng khiêm tốn.

Liễu Phàm tiên sinh nói với một bạn đồng học khác, cũng là người tham gia thi cử, Phí Cẩm Ba, ông nói chuyện với ông ấy, ông nói: Đinh Kính Vũ năm nay nhất định thi đậu, đậu cử nhân.

Phí liền nói: Làm sao nhìn thấy được?

Liễu Phàm tiên sinh liền nói: Duy khiêm thụ phước. Câu nói này là từ trong Kinh Dịch là định luận. Huynh khán thập nhân trung, bạn xem trong mười người chúng ta, có người nào khiêm tốn như Đinh Kính Vũ không. Tuân tuân khoản là nói đến giữ chữ tín, trung hậu và thành thật.

Hữu cung kính thuận thừa, tiểu tâm khiêm úy, đối với mỗi người đều có thể cung kính thuận nhận, câu này là nói, trong đại chúng anh ta không cố chấp thành kiến của mình, đều có thể tùy thuận người khác, đây là điều khó có được. Hữu thụ vũ bất đáp, anh nhận chịu sự vũ nhục của người khác, anh cũng không nói một câu.

Văn báng bất biện, nghe được người khác hủy báng mình, anh không biện bạch. Đinh Kính Vũ thảy đều làm được, anh ta là người như thế, Thiên địa quỷ thần đều sẽ bảo hộ anh, nào có đạo lý anh thi không đậu chứ. Đến khi niêm bảng, quả nhiên anh thi đậu.

Liễu Phàm tiên sinh không đậu, Liễu Phàm thi tiến sĩ phải thi đến lần thứ ba, hai lần đầu đều không đậu, đây là lần đầu tiên. Năm ông ba mươi bảy tuổi, năm này ông đi thi nhưng không đậu.

Vị thứ hai ông cử ra là Phùng Khai Chi, năm này Liễu Phàm tiên sinh bốn mươi ba tuổi.

Đinh Sửu tại kinh. Năm Đinh Sửu là năm công nguyên 1577, chúng ta dùng lịch dương để tính, khái niệm này của chúng ta tương đối rõ ràng. Năm này ông lại đi thi tiến sĩ, lần thứ hai là năm ông bốn mươi ba tuổi, lần thứ hai đi thi.

Dữ Phùng Khai Chi chi đồng xứ. Đây là nói Phùng Khai Chi đi thi cùng lúc với ông, cũng là người Chiết Giang, là đồng hương với Viên Liễu Phàm.

Kiến kỳ hư chi liễm dung, đại biến kỳ ấu niên chi tập. Thấy nét mặt của ông khiêm hạ, những tập khí lúc nhỏ đã biến mất. Những tập khí lúc nhỏ của Phùng Khai Chi đều đã không còn nữa, lần này ông tham gia thi đã thi đỗ trạng nguyên, cũng chính là vị trí thứ nhất trong tiến sĩ.

Lý Tề Nghiêm, trực lượng ích hữu, thời diện công kỳ phi, đán kiến kỳ bình hòai thuận thụ, vị thường hữu nhất ngôn tương báo.

Lý Tề Nghiêm là người bạn thẳng thắn, thấy bạn làm sai là phê bình ngay trước mặt. Vậy mà ông Phùng thản nhiên nhận lỗi, không hề cãi lại. Đương thời có một vị Lý Tề Nghiêm tiên sinh, đây là một người bạn rất thẳng thắn, nhìn thấy lỗi lầm của người khác, ông liền phê bình ngay trước mặt, thế nhưng Phùng Khai Chi vẫn Bình hoài thuận thụ, sau khi nghe xong ông vô cùng bình tĩnh, hoàn toàn tiếp nhận.

Vị thường hữu nhất ngôn tương phục. Tương phục chính là biện bạch, người khác chỉ trích những gì ông đều thừa nhận.

Dư cáo Chi viết: Tôi nói với Phùng tiên sinh: Phúc hữu phúc thủy, họa hữu họa tiên. Phước hay họa đều có dự báo trước, Thủy và Tiên là nói về dự báo.

Thử tâm quả khiêm. Anh ta khiêm tốn không phải là ngụy trang mà là thật, lưu xuất từ chân tâm.

Người khiêm tốn như thế thì: Thiên tất tương chi. Tương là hỗ trợ, ông Trời cũng sẽ giúp đỡ anh ta.

Huynh kim niên quyết đệ hĩ. Liễu Phàm tiên sinh phán đoán anh ấy năm nay nhất định thi đậu.

Dĩ nhi quả nhiên. Không những ông ấy thi đỗ, ông ấy chiếm được vị trí đầu bảng, về sau làm đến chức biên tu, người ghi chép lịch sử của quốc gia của Hàn Lâm viện. Đây là lần thứ hai Liễu Phàm tiên sinh tham gia kỳ thi tiến sĩ, gặp được bạn đồng hương là Phùng tiên sinh.

Ví dụ thứ ba. Triệu Dư Phong, Quang Viễn, Sơn Đông Quan huyện nhân, đồng niên dữ ư hương, cửu bất đệ.

Triệu Dụ Phong, tên Quang Viễn, người huyện Quán, tỉnh Sơn Đông, lúc trẻ thi hương mãi không đậu. Đồng niên là chưa đủ hai mươi tuổi, hai mươi tuổi thì gọi là nhược quan, mười chín tuổi trở xuống thì gọi là đồng niên. Có thể thấy người này rất thông minh, ông ta ngay lúc còn đồng niên đã thi đỗ cử nhân, đậu cử nhân. Về sau đi thi tiến sĩ không đậu, thi rất nhiều lần nhưng không đậu.

Kì phụ vi Gia Thiện tam doãn. Cha của ông là tam doãn huyện Gia Thiện. Tam Doãn chính là nói trong huyện ông có vị trí thứ ba. Thông thường chúng ta gọi là Thái Doãn, Thái Doãn là huyện trưởng, đại khái chiếu theo cách nói hiện nay thì Nhị doãn tương đương với bí thư trưởng, bí thư chủ nhiệm. Tam doãn đại khái là khoa trưởng, tổ chức bộ máy của huyện.

Tùy chi nhậm. Ông theo cha ông đến huyện Gia Thiện để phụ việc cho cha, cha của ông tương đương với khoa trưởng của bộ máy hành chính của huyện.

Mộ Tiên Minh Ngộ. Tiên Minh Ngộ là một học giả đương thời, là một lão tiên sinh rất có học vấn, đức hạnh.

Nhi chấp văn kiến chi. Văn chương do chính ông làm, ông đem chúng đến cho Tiên Minh Ngộ tiên sinh xem.

Minh Ngộ tất mạt kỳ văn. Tiên Minh Ngộ tiên sinh đem văn chương của ông đánh dấu nhiều chỗ, rất nhiều nơi đều bị gạch bỏ.

Triệu bất duy bất nộ, thả tâm phục nhi viễn cải yên. Triệu Dụ Phong không những không buồn lòng mà còn bội phục, để ý đổi cách hành văn ngay. Tập khí của văn nhân thông thường luôn là tự cho rằng văn chương của mình hay, người khác sửa đổi bài văn của mình, trong tâm nhất định không phục.

Nhưng Triệu Dư Phong không như vậy, Tiên tiên sinh sửa đổi văn chương của ông, không chỉ ông không một chút tức giận, mà ngược lại chân chánh tâm phục, tâm phục khẩu phục, xác thực là có thể cải chính.

Minh niên toại đăng đệ. Năm sau đi thi được trúng cử. Đến năm sau, ông lại tham gia thi tiến sĩ, ông liền thi đậu. Cho thấy khiêm tốn rất quan trọng.

Vị thứ tư là Hạ Kiến Sở. Nhâm thìn tuế, dữ nhập cận, ngộ Hạ Kiến Sở.

Năm Nhâm Thìn, nhân dịp vào Kinh yết kiến Hoàng Đế, ta gặp Hạ Kiến Sở. Năm này Liễu Phàm tiên sinh năm mươi tám tuổi, nhập cận là đi yết kiến Hoàng Đế, tại Kinh Thành ông gặp Hạ Kiến Sở.

Kiến kỳ nhân khí hư ý hạ, khiêm quang bức nhân. Thấy ông vô cùng khiêm tốn, chân chính làm được đến hạ mình mà tôn người.

Quy nhi cáo hữu nhân viết.

Liễu phàm tiên sinh quay về nói với bạn ông rằng: Phàm Thiên tương phát tư nhân dã, vị phát kỳ phúc, tiên phát kỳ huệ. Thử huệ nhất phát, tắc phù giả tự thật, tứ giả tự liễm, kiến sở ôn lương nhược thử, Thiên khải chi hĩ, cập khai bảng, quả trúng thức.

Trời sắp ban phước cho người này. Vì phước chưa đến mà đã thấy trí tuệ mở. Một khi trí tuệ khai mở thì người phù phiếm sẽ tự chân thật lại, người phóng túng sẽ biết thúc liễm. Ông Kiến Sở hiền lành ôn hoà đến mức như thế là dấu hiệu Trời đã mở trí huệ cho ông. Đến khi khai bảng, ông Kiến Sở quả nhiên thi đậu.

Năm Nhâm Thìn ông gặp được Hạ Kiến Sở, ông quán sát vô cũng chuẩn xác. Phàm Thiên tương phát tu nhân dã, câu này là nói tướng của người này trước khi phát đạt, phước báu vẫn chưa hiện tiền, trí huệ đã lộ ra bên ngoài.

Sau khi trí huệ lộ ra, Tắc phù giả tự thật, Phù là phù phiếm, anh ta tự nhiên liền chân thật, sự phóng túng của anh ta tự nhiên sẽ thúc liễm lại. Kiến sở ôn lương nhược thử, Thiên khải chi hĩ. Đây là ông Trời đã khai phát cho ông, ông liền khai mở trí huệ. Lần này khi khai bảng, ông quả nhiên thi đậu.

Vị thứ năm là Trương Úy Nham, đây là một ví dụ phản diện: Giang Âm Trương Úy Nham, tích học công văn, hữu thanh nghệ lâm.

Trương Úy Nham, người huyện Giang Âm, tỉnh Giang Tô, là người học rộng, đọc nhiều, văn hay nổi tiếng. Thơ của ông đọc rất hay, văn chương ông viết cũng rất tốt, trong giới học thuật ông rất có tiếng tăm, mọi người đều vô cùng ca ngợi ông.

Giáp Ngọ, Nam Kinh hương thí. Hương thí là thi cử nhân, Trương Úy Nham là Tú Tài đi thi cử nhân.

Ngụ nhất tự trung. Ông trú trong một ngôi Chùa.

Yết hiểu vô danh, đại mạ thí quan, dĩ vi mị mục. Sau khi thi xong, lúc niêm yết kết quả, ông không đậu.

Không đậu ông liền mắng quan giám khảo: Văn chương của tôi viết được hay như thế, tại sao lại không được chấm đậu chứ?

Trong tâm của ông vô cùng bất bình.

Thời hữu nhất đạo giả, tại bàng vi tiếu. Đạo giả là một vị Đạo trưởng. Vị Đạo trưởng bên cạnh nghe ông mắng chửi quan như vậy, bất bình như vậy, oán thán như vậy. Vị Đạo trưởng bên cạnh liền mỉm cười.

Trương cự di nộ đạo giả. Trương Úy Nham mắng quan giám khảo, lại bị Đạo trưởng bên cạnh cười, ông liền chuyển qua mắng chửi luôn lão Đạo trưởng ấy.

Đạo giả viết, tướng công văn tất bất giai.

Đạo trưởng liền nói: Công tử à, văn chương của cậu nhất định là không hay.

Trương ích nộ viết. Cơn thịnh nộ của Trương Úy Nham càng lớn hơn.

Nhữ bất khán ngã văn, ô tri bất giai.

Ông chưa xem văn chương của ta sao biết nó không hay?

Đạo giả viết văn tác văn, quý tâm khí hòa bình, kim thính công mạ lị, bất bình thậm hĩ, văn an đắc công.

Đạo Sĩ nói: Ta nghe nói hành văn quý nhất ở chỗ tâm bình, khí hòa, nay thấy ông hết lời mạ lỵ khảo quan, lòng bất bình cao ngạo thật quá đáng thì văn làm sao mà hay được?

Lão Đạo trưởng giảng được rất có đạo lý. Làm văn nhất định phải có tâm bình khí hòa, tâm bình khí hòa mới có thể viết ra được văn chương hay. Hiện tại nghe cậu mắng quan giám khảo như vậy, tâm của cậu vô cùng bất bình, văn chương của cậu sao có thể viết hay được chứ. Trương Úy Nham cũng được tính là rất khó có được, ông nghe lời nói của Đạo trưởng, nói được rất có đạo lý.

Trương bất giác khuất phục, nhân tựu nhi thỉnh giáo yên. Ông liền hết tức giận, quay lại hướng đến Đạo trưởng thỉnh giáo. Điều này khó có được, rất không dễ làm.

Đạo trưởng viết: Trúng toàn yếu mệnh, mệnh bất cai trúng, văn tuy công, vô ích dã, tu tự dĩ tố cá chuyển biến.

Đạo trưởng nói với Trương Úy Nham rằng: Thi cử có thể đậu hay không đậu, đây là do mệnh. Nếu như trong mạng không thi đậu thì văn chương của anh dù hay đến đâu cũng không ích gì. Cho nên thi cử thời xưa, không thể không coi trọng âm công, trên là Tổ Tiên tích đức, dưới là bản thân mình phải có âm đức, tích âm đức, tức là tích thiện mà người khác không biết, quỷ thần trong bóng tối sẽ hộ trì cho, bạn tham gia thi cử cơ hội thi đậu sẽ rất nhiều.

Cho nên vị Đạo trưởng liền nói cho anh ta biết cậu nhất định phải tự mình thay đổi. Trường hợp này cũng giống như Liễu Phàm tiên sinh gặp được Vân Cốc Thiền Sư vậy.

Trương viết.

Trương Úy Nham nói: Ký thị mệnh, như hà chuyển biến.

Đã là trong mạng thi không đậu thì tôi làm cách nào để chuyển biến đây?

Đạo giả viết, tạo mệnh giả Thiên, lập mệnh giả ngã, lực hành thiện sự, quảng tích âm đức.

Lão Đạo nói, tạo mệnh tuy rằng do Trời, nhưng lập mệnh là do ta, suy nghĩ này của ông cùng với cách nói của Vân Cốc Thiền Sư hoàn toàn tương đồng.

Đạo trưởng khuyên ông: Lực hành thiện sự, quảng tích âm đức, hữu cầu tất ứng.

Trương viết ngã bần sĩ, hà năng vi. Tôi là một kẻ đọc sách bần hàn, ông kêu tôi đi làm việc thiện, tôi không có khả năng. Cho dù trong lòng muốn làm thì cũng là lực bất tòng tâm, tâm tôi có dư mà khả năng không đủ.

Đạo giả viết, thiện sự âm công, giai do tâm tạo, thường tồn thử tâm, công đức vô lượng, thả như khiêm hư nhất tiết, tịnh bất phí tiền, nhĩ như hà bất tự phản, nhi mạ thí quan hồ.

Đạo Sĩ bảo: Làm việc thiện, tích âm đức đều do tâm tạo ra, thường phải giữ vững tấm lòng hành thiện này thì công đức vô lượng, chẳng hạn như chỉ một việc khiêm tốn nhũn nhặn thì không phải phí tiền gì cả, sao ngươi không tự phản tỉnh, tự trách lấy mình, mà lại trách mắng quan khảo quan chứ.

Đạo Sĩ dạy cho anh ta phương pháp tu thiện tích đức. Thiện sự, âm đức đều do mình tạo, thường luôn giữ tâm giúp đỡ người khác, đây là vô lượng công đức. Đây là nói những ví dụ phía trước đã cử ra. Khiên tốn, cái khí tiết này không phải tốn tiền, anh có thể làm đến được.

Anh tại sao không phản tỉnh lại bản thân, lại đi mắng quan giám khảo chứ?

Đây chính là sai lầm của anh.

Trương do thử chiết tiết tự trì. Trương Úy Nham từ sau sự việc này liền bỏ đi tập khí kiêu ngạo của mình.

Thiện nhật gia tu, đức nhật gia hậu. Ông gia công hành thiện ngày một nhiều, gắng sức tu đức ngày một dày. Ông chân thành thật thà mà tu thiện, ngày ngày đều phản tỉnh bản thân, cho nên thiện của ông ngày ngày có tiến bộ. Đinh Dậu, mộng chí nhất cao phòng, đắc thí lục nhật sách, trung đa khuyết hành, vấn bàng nhân, viết, thử kim khoa thí lục.

Năm Đinh Dậu, có một ngày ông nằm mộng, mộng thấy mình đi đến một tòa lầu cao. Phòng cao nhất nhất định là nơi cơ quan làm việc của Chính Phủ, không phải là chỗ ở của người bình dân, kiến trúc rất đồ sộ. Ông tại chỗ này nhìn thấy một bảng danh sách, trong bảng danh sách có rất nhiều chỗ để trống.

Ông rất hiếu kì, liền hỏi người bên cạnh: Đây là cái gì?

Người đó nói cho ông biết: Đây là danh sách người thi đậu năm nay.

Vấn, hà đa khuyết danh.

Ông liền hỏi: Tại sao trong danh sách lại có nhiều chỗ khuyết danh như vậy?

Người này liền nói: Viết, khoa đệ âm gian tam niên nhất khảo giác. Cứ ba năm thì kiểm tra lại một lần.

Tu tích đức vô cữu giả, phương hữu danh. Người nào tu hành, tích đức không tội lỗi gì thì có tên trong sổ.

Vốn dĩ những người có tên trên danh sách, trong ba năm họ phải tích trữ âm đức, họ mới không bị lọai ra, tên của họ mới được giữ lại.

Như tiền sở khuyết. Ông nhìn thấy trong đó có những chỗ trống.

Giai hệ cựu cai trúng thức. Vốn dĩ có lẽ ông sẽ thi đậu trong kỳ thi lần này.

Nhân tân hữu bạc hành nhi khứ chi giả dã. Bởi vì trong ba năm nay ông tạo tác ác nghiệp nên tên của ông bị xóa đi.

Hậu chỉ nhất hàng vân, nhữ tam niên lai. Đây là nói ba năm tới của ông.

Trì thân pha thận, hoặc đương bổ thử, hạnh tự ái. Người kia nói ông trong ba năm nay, ông có thể thúc liễm thân tâm, mỗi ngày đều tu thiện tích đức, hoặc cũng có thể điền vào chỗ khuyết này, hi vọng ông tự biết thương lấy mình.

Thị khoa quả trúng nhất bá ngũ danh. Lần này ông tham gia kỳ thi, chính là năm Đinh Dậu ông tham gia thi cử, quả nhiên ông thi đậu, kết quả đứng thứ một trăm lẻ năm, sửa sai quả thật có hiệu nghiệm.

Phía sau là đoạn thứ hai, đây là tổng kết: Khiêm tốn mở rộng lòng mình, đó là cơ sở của thọ phước.

Do thử quán chi, cử đầu tam xích, quyết hữu Thần Minh. Ngẩng đầu ba thước ắt có Thần Minh soi xét.

Con người chúng ta làm sao để cùng với Thiên địa quỷ thần qua lại. Hiện tại cái thế gian này, người thông thường không tin, họ không tin có quỷ thần, đối với qủy thần, cái sự việc này họ hoàn toàn coi như không. Quỷ thần có hay không. Có quỷ thần. Quỷ thần có chiếu cố đến bạn không. Không thể chiếu cố, tuy có quỷ thần nhưng cũng cách xa chúng ta.

Người không tin có Phật Bồ Tát, thì không tin có Thiên địa quỷ thần, Thiên địa quỷ thần chỉ có thể đứng bên cạnh quan sát, xem bạn tạo tác tội nghiệp, xem bạn nhận ác báo.

Khi nào bạn hồi đầu, bạn hồi tâm chuyển ý, biết ăn năn sám hối, Thiên địa quỷ thần lại chiếu cố đến bạn. Người có tâm này, tâm hợp với đạo lý này, quỷ thần cũng không ngoại lệ.

Xu cát tị hung, đoạn nhiên do ngã. Muốn tránh hung hiểm gặp điều tốt lành, đều do ở nơi ta. Bản thân nhất định phải tu nhân, điểm này Thiên địa quỷ thần không có cách nào giúp đỡ cho chúng ta.

Tu sử ngã tồn tâm chế hành, hào bất đắc tội ư Thiên địa quỷ thần, nhi hư tâm khuất kỉ, sử Thiên địa quỷ thần, thời thời liên ngã, phương hữu thụ phúc chi cơ.

Phải luôn kiểm soát hành vi của mình. Đừng bao giờ đắc tội với Thiên địa quỷ thần, mà còn phải khiêm tốn hạ mình. Để cho Thiên địa quỷ thần lúc nào cũng thương xót ta, vậy mới tạo được cơ sở nhận phước.

Mấy câu nói này rất quan trọng. Chúng ta nhất định phải giữ tâm thiện, nhất định phải ngăn ngừa hành vi bất chính của ban thân, Thiên địa quỷ thần là người thiện lương nên nếu chúng ta tạo tác điều bất thiện thì đắc tội với họ.

Chúng ta tu thiện tích đức, đây chính là cùng với Thiên địa quỷ thần đồng tâm hợp ý, cùng chung nguyện vọng. Hư tâm khuất kỉ, khuất là phải tiết chế, phải thúc liễm bản thân, chúng ta thường nói là ủy khúc cầu toàn ra sức hoàn thiện bản thân, như vậy thì Thiên địa quỷ thần liền gia trì cho bạn.

Bất luận là tại nơi đâu, bất luận là người nào, bản thân có thể thay đổi một chút, cố găng một chút. Tốt, như vậy mới là thụ phước chi cơ, cơ là cơ sở, cơ sở của tạo phước.

Bỉ khí doanh giả, tất phi viễn khí. Người này khí thế lấn áp người khác, cống cao ngã mạn, thì tiền đồ của người này không thể tiến xa được. Tất phi viễn khí, khí là chỉ sự độ lượng, độ lượng có lớn nhỏ. Sự độ lượng của người này không lớn, nếu lòng độ lượng đã không lớn thì thành tựu cũng không cao.

Túng phát diệc vô thụ dụng. Cũng chính là nói, người này tuy phát đạt nhưng không thể thọ hưởng được phước báo lâu dài.

Sảo hữu thức kiến chi sĩ, tất bất nhẫn tự hiệp kỳ lượng, nhi tự cự kỳ phúc dã. Cho nên đối với người có chút hiểu biết, không ai muốn làm lòng mình nhỏ hẹp rồi hết chỗ chứa đựng phước báo. Đây là nói người có chút kiến thức, nhất định không đành lòng làm cho tấm lòng độ lượng của mình thu hẹp lại, tự mình đánh mất đi phước báu của chính mình.

Tuy nhiên ngày nay trong xã hội, chúng ta xem thấy những người như thế này ngày càng chỉ còn rất ít.

Huống khiêm tắc thụ giáo hữu địa, nhi thủ thiện vô cùng, vưu tu nghiệp giả sở tất bất khả thiểu giả dã.

Hơn nữa, với lòng khiêm tốn, đi đến đâu cũng có người sẵn sàng chỉ dạy giúp đỡ, ích lợi vô cùng. Nhất là đối với những người đi theo con đường thi cử, khiêm tốn là điều không thể thiếu được. Câu nói này rất quan trọng. Huống chi là một người khiêm tốn, anh ta liền có thể tiếp nhận sự chỉ giáo của người khác.

Nếu anh ta là người cống cao ngã mạn thì ai bằng lòng dạy anh ta chứ. Bạn nếu có thể khiêm tốn hạ mình, những vị Trưởng Bối có đức hạnh, có học vấn nhìn thấy bạn, đều hoan hỷ dạy bạn, đều vui vẻ giúp đỡ bạn, bạn thủ thiện vô cùng bạn có được ích lợi vô cùng.

Lại xem đoạn phía sau: Cổ ngữ vân, hữu chí ư công danh giả, tất đắc công danh, hữu chí ư phú quý giả, tất đắc phú quý, nhân chi hữu chí, như thụ chi hữu căn, lập định thử chí, tu niệm niệm khiêm hư, trần trần phương tiện, tự nhiên cảm động Thiên Địa, nhi tạo phước do ngã.

Người xưa nói rằng: Người muốn có công danh sẽ được công danh, muốn cầu phú quý sẽ có phú quý. Ước mong của con người như rễ của cây, có rễ mới có trái.

Muốn tạo lập cơ sở cho ước mong này, ý nghĩ phải luôn khiêm tốn, việc làm đều vì lợi ích cho người khác, dù là chuyện nhỏ như hạt bụi, cũng hết lòng mà cống hiến. Như thế mới cảm động Trời đất rồi phước mới đến. Phải nhớ rằng phước tạo được hay không là do ta.

Đây là tiên sinh Liễu Phàm đưa ra lời nói của cổ nhân. Người có chí muốn cầu công danh, hữu cầu thì tất ứng, Mạnh Phu Tử nói nhất định được công danh.

Người có chí cầu phú quý, nhất định được phú quý. Ở đây phải có đạo của tìm cầu. Chúng ta vì sao muốn cầu công danh. Công danh, chư vị phải biết, đây là nói người xưa thi đậu cử nhân, đậu tiến sĩ, mục đích là để làm quan.

Mục đích của làm quan là để vì nhân dân mà phục vụ, câu này ý nói, là hi vọng có được cơ hội vì nước vì dân mà cống hiến, mục đích là ở tại chỗ này, quyết định không phải vì lợi ích cho bản thân. Nếu như vì phú qúy vinh hoa của bản thân, thì điều bạn cầu không hợp đạo.

Trong mạng của bạn có công danh, có phú quý, là do đời trước bạn tu được. Trong đời này không có công danh, không có phú qúy, tôi cầu công danh, cầu phú quý, không phải là cầu cho bản thân, nếu như vì chính mình mà cầu thì không cầu được.

Vậy vì ai mà cầu?

Chính là vì xã hội, vì chúng sanh mà cầu. Hy vọng chức nghiệp mà chúng ta cầu có thể vì nhân dân mà phục vụ. Cái tâm này, cái nguyện này, Thiên địa quỷ thần đều tán thán, cho nên Thiên địa quỷ thần sẽ giúp đỡ bạn.

Người đọc sách thời xưa và người đọc sách thời nay không giống nhau. Hiện tại người đọc sách học Đại Học, học nghiên cứu sinh, bạn thử hỏi xem họ là vì cái gì mà học, vì cái gì lại học nghề nghiệp này, đều là vì bản thân mình.

Vì danh văn lợi dưỡng cho bản thân, vì sự hưởng thụ ngũ dục lục trần của bản thân, điều này cùng với trước đây không giống nhau.

Cho nên chúng ta đọc quyển sách này, Thiên địa quỷ thần có hay không?

Tôi nói cho các bạn biết, khẳng định là có. Giống như cái xã hội này của chúng ta, tuy người ác trong xã hội này có rất nhiều, nhưng cũng vẫn còn có người thiện. Người thiện được so sánh với Thiên địa quỷ thần, còn kẻ ác thì được so với yêu ma quỷ quái, xã hội hiện đại, yêu ma quỷ quái không ít.

Phật tại trong Kinh Lăng Nghiêm nói với chúng ta: Tà ma thuyết pháp như hằng hà sa. Tà sư chỉ cho yêu ma quỷ quái.

Tà ma quỷ quái cùng với Chư Phật Bồ Tát khác nhau tại chỗ nào?

Chư Phật Bồ Tát dạy chúng ta chánh pháp, dạy người đoạn ác tu thiện. Yêu ma quỷ quái dạy người tà pháp, dạy người tăng trưởng tham sân si mạn. Điều mà họ dạy không giống nhau.

Vậy chúng ta thử nghĩ xem, hiện tại người thế gian, tại sao có nhiều người như thế đi tín ngưỡng tà giáo, tiếp nhận tà giáo?

Rất đơn giản, họ dạy cho bạn tham sân si mạn, dạy bạn hưởng thụ ngũ dục lục trần, dạy bạn có thể không từ thủ đoạn, đó chính là những điều mong cầu của ta, tự nhiên chúng ta đi theo họ. Cho nên tà sư thuyết pháp như hằng hà sa, lực lượng xấu ác ngập tràn xã hội.

Chánh pháp, chánh pháp chỉ có thể ẩn giấu, mới hi vọng chánh pháp không bị tà pháp tiêu diệt, nên chỉ còn cách dùng cách ẩn mình cầu tồn tại, đây là nói pháp nhược ma cường. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta một lòng hướng thiện, tự nhiên sẽ được Chư Phật Bồ Tát, Thiện Thần gia hộ.

Nếu như chúng ta không nhìn đến hiện tượng xã hội ngày nay, nơi nơi tâm chúng ta đều lãnh đạm thờ ơ. Nếu như chúng ta thật sự thờ ơ tiêu cực, không chỉ không lợi ích cho bản thân, bản thân cũng không thể đi lên, không thể nâng cao cảnh giới của mình.

Đã không thể đề thăng thì nhất định là bị đọa lạc. Chúng ta cũng sẽ có lỗi với Cổ Thánh Tiên Hiền, có lỗi với sự truyền thừa chánh pháp của lịch đại Tổ Sư Đại Đức, chúng ta phải hiểu rõ được điều này.

Cho nên trong xã hội ngày nay, chúng ta phải lập chí, chúng ta phải hướng lên trên, chúng ta phải làm ra được một tấm gương tốt cho mọi người xem. Khó khăn, gian nan nhất định là có, hơn nữa mức độ của nó cũng rất lớn, chúng ta phải có khả năng đột phá.

Khi mà bên ngoài tà ma quỷ quái mười phần khó khăn như thế, bạn phải biết lui biết tránh. Phương pháp của Cổ Đại Đức là ẩn cư, ẩn nấp trong các núi sâu, quyết định không cùng chúng gây ra những xung đột lợi hại, chánh pháp vẫn có thể kéo dài.

Những đại đức xưa khi gặp phải những chướng nạn như vậy, họ luôn ẩn cư tại thâm sơn, rồi dạy cho một hoặc hai học trò, để pháp mãi lưu truyền vĩnh viễn không đoạn diệt.

Đến khi chúng sanh có đủ phước duyên, những truyền nhân này truyền đến đời sau, quyết định sẽ khai hoa kết trái. Thí như Thiền Tông là một thí dụ, Tổ Sư Đạt Ma đến Trung Quốc truyền pháp, không ai nhận thức được ông.

Khi ông gặp mặt Vua Lương Võ Đế, cuộc đàm luận giữa hai người khiến Lương Võ Đế không vui nên Lương Võ Đế không hộ trì cho ông. Tổ Sư chỉ có thể đến Thiếu Lâm tự ngồi diện bích, một đời chỉ truyền cho một người, đó là Huệ Khả.

Huệ Khả một đời cũng chỉ truyền cho một người, đó là Tăng Xán. Chỉ có truyền cho một người thì được, pháp này mới không thể tiêu diệt. Truyền đến đời Tổ thứ sáu, Huệ Năng Đại Sư nhân duyên đã thành thục.

Ngũ Tổ Hòa Thượng Hoàng Nhẫn đem pháp này truyền lại cho Huệ Năng, Huệ Năng cư nhiên trong một đời truyền được cho bốn mươi ba người, hơn nữa đem Thiền Tông truyền khắp Trung Quốc.

Đây là trong Phật Pháp nói thời tiết nhân duyên, nhân duyên không thành thục thì không thể miễn cưỡng, miễn cưỡng quyết định là nhận phải điều hại mà không đạt được lợi ích.

Chúng ta chỉ nghe đến đây thôi.

A Di Đà Phật!

***