Haèng thuaän chuùng sanh
Tuyø hyû coâng ñöùc

tinhdo.edu.vn

PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN LƯỢC GIẢNG GIÁO NGHĨA - TẬP BẢY - NGUYỆN THỨ NĂM - TUỲ HỶ CÔNG ĐỨC

PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN  

LƯỢC GIẢNG GIÁO NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP BẢY

NGUYỆN THỨ NĂM

TUỲ HỶ CÔNG ĐỨC
 

Chánh Kinh: Phục thứ, thiện nam tử! Ngôn tùy hỷ công đức giả. Sở hữu tận pháp giới, hư không giới, thập phương Tam Thế, nhất thiết Phật sát, cực vi trần số Chư Phật Như Lai, tùng sơ phát tâm, vị nhất thiết trí, cần tu phước tụ, bất tích thân mạng, Kinh bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số kiếp, nhất nhất kiếp trung, xả bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số đầu, mục, thủ, túc.

Như thị nhất thiết nan hành khổ hạnh, viên mãn chủng chủng Ba La Mật môn, chứng nhập chủng chủng Bồ Tát trí địa, thành tựu Chư Phật vô thượng bồ đề, cập Bát Niết Bàn, phân bố Xá Lợi.

Sở hữu thiện căn ngã giai tùy hỷ, cập bỉ thập phương nhất thiết Thế Giới, lục thú, tứ sanh, nhất thiết chủng loại, sở hữu công đức, nãi chí nhất trần, ngã giai tùy hỷ. Thập phương tam thế, nhất thiết Thanh Văn, cập Bích Chi Phật, hữu học, vô học, sở hữu công đức, ngã giai tùy hỷ.

Nhất thiết Bồ Tát sở tu vô lượng nan hạnh khổ hạnh, chí cầu vô thượng, chánh đẳng bồ đề, quảng đại công đức, ngã giai tùy hỷ. Như thị hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, ngã thử tùy hỷ vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục vô hữu gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yểm.

Lại này Thiện Nam Tử! Nói tùy hỷ công đức là. Tất cả Chư Phật Như Lai nhiều như số cực vi trần trong hết thảy Cõi Phật trong mười phương ba đời tận pháp giới, hư không giới, từ sơ phát tâm vì nhất thiết trí mà siêng tu khối phước, chẳng tiếc thân mạng, trải các kiếp nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết Cõi Phật, trong mỗi một kiếp, xả đầu, mắt, chân, tay nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết Cõi Phật.

Hết thảy khổ hạnh khó làm như thế, viên mãn đủ mọi môn Ba la mật, chứng nhập mọi thứ trí địa Bồ Tát, thành tựu vô thượng bồ đề của Chư Phật, và nhập Niết Bàn, phân chia Xá Lợi.

Tất cả thiện căn, tôi đều tùy hỷ. Và tất cả công đức của hết thảy chủng loại thuộc sáu đường bốn loài trong mười phương hết thảy thế giới, thậm chí công đức nhỏ bằng một hạt bụi, tôi đều tùy hỷ.

Tất cả công đức của mười phương ba đời hết thảy Thanh Văn và Bích Chi Phật, hữu học, vô học, tôi đều tùy hỷ. Hết thảy Bồ Tát đã tu vô lượng khổ hạnh khó làm, chí cầu vô thượng, chánh đẳng, chánh giác, công đức rộng lớn tôi đều tùy hỷ.

Như thế, hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, nhưng sự tùy hỷ này của tôi chẳng có cùng tận. Niệm niệm tiếp nối chẳng có gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp chẳng hề mệt chán.

Tùy hỷ chúng sanh đối trị bệnh ganh ghét. Điều này được đặc biệt nêu ra đối với hàng pháp thân Đại Sĩ, cho thấy ghen ghét không phải là căn bệnh nhỏ, bệnh nhẹ. Thấy chỗ hay của người khác, trong tâm khó chịu, nghĩ cách chướng ngại phá hoại, đó là bệnh rất nặng.

Chẳng riêng gì người thế gian mắc chứng bệnh nặng này, người học Phật cũng không tránh khỏi. Bồ Tát cũng chẳng tránh khỏi, thấy người khác có chỗ thù thắng, trong tâm khó chịu. Nếu Bồ Tát chẳng mắc bệnh này, thì mười nguyện Phổ Hiền sẽ chẳng có điều nguyện này.

Sau khi Lục Tổ Huệ Năng được truyền y bát, rất nhiều sư huynh, sư đệ muốn đoạt y bát là vì ghen ghét. Lúc Phật tại thế, Đề Bà Đạt Đa ganh ghét Phật, luôn tìm cách phá hoại chuyện hoằng pháp lợi sanh của Phật, nghĩ cách hại chết Phật. Phật Giáo truyền đến Trung Quốc, tổ tổ tương truyền, chúng ta cũng thấy có rất nhiều chuyện ghen ghét chướng ngại.

Nghĩ đến bản thân chúng ta, có ý niệm và hành vi ghen ghét hay chăng?

Ghen ghét là phiền não bẩm sanh của chúng sanh, chẳng dễ đoạn trừ. Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta tùy hỷ công đức nhằm nhổ tận gốc ghen ghét từ vô thỉ kiếp đến nay. Thấy người khác có thiện hạnh, thiện sự, chúng ta tùy hỷ, họ được công đức rất lớn thì chúng ta cũng được công đức lớn giống hệt như vậy. Cảnh giới tu nguyện này của Bồ Tát là tột cùng hư không, khắp pháp giới.

Học tùy hỷ theo cách nào?

Trong Kinh có nêu một thí dụ. Chư Phật Như Lai từ sơ phát tâm vì nhất thiết trí mà siêng tu khối phước, chẳng tiếc thân mạng.

Phát tâm là phát vô thượng bồ đề tâm, phát tâm cầu vô thượng bồ đề, cũng tức là phát tâm cầu trí huệ viên mãn rốt ráo. Có trí huệ viên mãn rốt ráo thì mới có thể thấu hiểu triệt để chân tướng của nhân sanh vũ trụ. Sau khi phát tâm, phải siêng tu phước huệ.

Phật còn được gọi là Nhị Túc Tôn, chữ nhị chỉ phước và huệ, túc là trọn đủ, viên mãn. Thành Phật tức là phước đức và trí huệ viên mãn. Vì tu phước và tu huệ bèn chẳng tiếc thân mạng, làm được chuyện khó làm, tu được chuyện khó tu, dũng mãnh tinh tấn, Chư Phật Như Lai thành tựu như thế đó.

Sau khi thành Phật, rộng độ chúng sanh chẳng ngưng nghỉ, thị hiện trong sáu đường. Nên dùng thân nào để được độ, bèn hiện thân đó, nên dùng thân Phật để độ bèn hiện thân Phật để thuyết pháp.

Phật từ sơ phát tâm thẳng đến khi độ sanh, bao nhiêu công đức chúng ta đều phải tùy hỷ, phải học tập. Ngài làm như thế nào, ta cũng làm theo như thế ấy. Người ta phát tâm được thì ta cũng phát tâm được, người ta tu hành được thì ta cũng tu hành được. Chúng ta chẳng những không ghen ghét mà còn tận tâm tận lực giúp đỡ, thành toàn cho người ta.

Mọi người tu trì thì chúng ta có thật sự bị chướng ngại gì chăng?

Chẳng chướng ngại gì. Nếu lắng lòng quan sát, sẽ thấy chẳng chướng ngại người khác. Thật ra, chỉ có mình chướng ngại chính mình mà thôi. Phật từng thí dụ.

Ví như có kẻ ngậm nước phun lên Trời, có phun được lên Trời hay không?

Chẳng những không phun được mà trái lại nước còn rớt trúng mặt mình. Phải chuyển đổi ý niệm, thành toàn sự tốt đẹp cho người, người ta có việc gì tốt mình phải giúp đỡ, phải thành tựu cho người ta. Người ta tốt, trong xã hội ai nấy đều tốt, ta cũng hưởng lây, ta cũng tốt luôn.

Tinh thần chủ yếu của nguyện này là dạy chúng ta hiểu rõ đạo lý này, nỗ lực tu học, thành tựu công đức chân thật cho chính mình. Nhìn lại xã hội trước mắt, tùy hỷ công đức phải có trí huệ, chẳng thể làm việc theo tình cảm. Nếu không, sẽ thường mắc hại.

Nêu một ví dụ thật. Ở Đạt Lạp Tư, Dallas có một đồng tu đang lái xe thấy một đứa bé đi theo người lớn bị té, do hảo tâm bèn dừng xe đỡ đứa bé dậy, hỏi nó có bị thương hay không.

Lúc đó, người lớn chạy tới, đổ hô vị đồng tu ấy xô đứa bé té bị thương, nhờ Luật Sư thưa ra tòa, bắt bồi thường tám vạn Mỹ kim. Tại Mỹ Quốc, trông thấy người già hoặc trẻ con té, lập tức gọi điện thoại báo cảnh sát, kêu cảnh sát đến đỡ người đó.

Nho Gia dạy người. Thành tựu điều tốt đẹp cho người, chẳng thành toàn điều xấu cho người. Ai làm việc gì bất hảo đối với đại chúng, xã hội, chúng ta đừng giúp đỡ kẻ đó. Còn nếu ai làm việc gì có lợi cho xã hội, cho đại chúng thì chúng ta chớ nên ngăn trở, chướng ngại người ấy, chớ ghen ghét họ mà phải tùy hỷ.

Tùy hỷ chẳng phải là trông thấy vui mừng là xong, phải tận tâm tận lực giúp đỡ kẻ đó, khiến cho sự nghiệp của kẻ đó được thành tựu viên mãn. Tận tâm tận lực là tu tùy hỷ công đức viên mãn. Bản thân mình không có tiền, chạy cơm ba bữa đã là vấn đề, nên về tài lực chẳng thể giúp đỡ người khác được, nhưng chúng ta có thể khen ngợi người khác.

Ông X đó là người tốt, làm việc tốt. Quý vị có năng lực hãy nên giúp đỡ ông ta. Đó cũng là tùy hỷ công đức. Cho thấy tùy hỷ công đức là chuyện ai cũng có thể tu được, lúc nào, chỗ nào cũng có thể tu được.

Trong cửa Phật, công đức của Phật, Bồ Tát, công đức của Tổ sư đại đức, còn trong thế pháp thì công đức của chính phủ, thay thế bá tánh thực hiện sự nghiệp phước lợi, bậc thiện nhân Trưởng giả dùng tài sản và năng lực tạo phước cho xã hội đại chúng đều đáng tùy hỷ, khen ngợi.

Bồ Tát dạy chúng ta phải nỗ lực tinh tấn tu học, phải niệm niệm tiếp nối, chẳng hề gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp chẳng hề chán mệt.

***