Haèng thuaän chuùng sanh
Tuyø hyû coâng ñöùc

tinhdo.edu.vn

PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN LƯỢC GIẢNG GIÁO NGHĨA - TẬP MƯỜI TÁM - KỆ TỤNG QUẢNG TU CÚNG DƯỜNG

PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN  

LƯỢC GIẢNG GIÁO NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP MƯỜI TÁM

KỆ TỤNG

QUẢNG TU CÚNG DƯỜNG


 

Chánh Kinh:

Dĩ chư tối thắng diệu hoa man,

Kỹ nhạc, đồ hương, cập tán cái,

Như thị tối thắng trang nghiêm cụ,

Ngã dĩ cúng dường chư Như Lai,

Tối thắng y phục, tối thắng hương,

Mạt hương, thiêu hương, dữ đăng, chúc,

Nhất nhất giai như Diệu Cao tụ,

Ngã tất cúng dường chư Như Lai,

Ngã dĩ quảng đại thắng giải tâm,

Thâm tín nhất thiết tam thế Phật,

Tất dĩ Phổ Hiền hạnh nguyện lực,

Phổ biến cúng dường chư Như Lai.

Dùng các tràng hoa đẹp tối thắng,

Âm nhạc, hương bôi, và tàn, lọng,

Đồ trang nghiêm tối thắng như thế,

Tôi dùng cúng dường các Như Lai.

Y phục tối thắng, hương tối thắng,

Hương bột, hương đốt, và đèn đuốc,

Mỗi thứ chất như núi Tu Di,

Tôi đều cúng dường các Như Lai.

Tôi dùng tâm thắng giải rộng lớn,

Tin sâu hết thảy ba đời Phật,

Đều dùng sức hạnh nguyện Phổ Hiền,

Cúng dường trọn khắp các Như Lai.

Bài Tụng thứ ba là quảng tu cúng dường. Cúng dường là bố thí, bố thí là dạy chúng ta tu xả, dạy chúng ta buông xuống. Nhất định phải tu cúng dường, buông hết thảy thân tâm thế giới xuống. Cúng dường Chư Phật, cúng dường chúng sanh, cúng dường pháp giới, hết thảy đều cúng dường.

Đem trí huệ, sức lực, của cải, kỹ năng của mình cống hiến cho xã hội, vì hết thảy chúng sanh phục vụ, chẳng cần báo đáp. Công đức của cúng dường bố thí là đoạn trừ phiền não. Tâm keo tiếc tham ái, tâm ưu lự, tâm vướng mắc đều chẳng còn nữa, rất tự tại.

Hiện thời quý vị có tiền nhưng chẳng tự tại, có địa vị nhưng chẳng tự tại, là do trong tâm quý vị còn vướng mắc, ưu lự, phiền não. Đức Phật dạy chúng ta bố thí tức là dạy cho chúng ta cách đạt đại tự tại. Đại tự tại là chân khoái lạc, chân hạnh phúc.

Có lẽ có người sợ rằng hết thảy thân tâm thế giới đều buông bỏ hết, thì còn được cái gì nữa?

Làm sao sống nữa đây?

Đúng vậy! Đời người chẳng cần phải sống nữa, đời sống lục đạo chẳng cần trải qua nữa, mà là sống đời của Phật, của Bồ Tát. Sống đời của Phật, của Bồ Tát thì như người trong Thế Giới Cực Lạc nghĩ đến ăn món gì, vừa mới nghĩ thì thứ mình nghĩ tưởng đã hiện ra trước mắt, chẳng cần phải nấu nướng, muốn mặc y phục gì, chẳng cần phải may vá, trong tâm vừa tưởng, y phục liền khoác trên thân, đó là cuộc sống của Phật, Bồ Tát.

Nghĩ muốn ở trong nhà cửa theo cách thức nào, mình đã ở trong nhà như thế rồi. Muốn nhà lớn thêm một chút, nhà liền lớn thêm một chút. Nghĩ muốn nhỏ đi chút, nó liền nhỏ lại. Không điều gì chẳng vừa ý người.

Vì sao cuộc sống được tự tại như thế?

Là vì họ chẳng có ưu lự, vướng mắc, phiền não.

Tin tưởng nhân duyên quả báo, tu bố thí cúng dường, trong một đời này sẽ được phước báo vô lượng, có thể tu đến mức hữu cầu tất ứng, ngay cả thọ mạng còn có thể kéo dài, huống chi là bệnh khổ?

Hai bài kệ này nói về các thứ để cúng dường. Tối thắng nghĩa là tốt đẹp nhất. Man là tràng hoa.

Diệu hoa: Chẳng phải loại hoa tầm thường mà còn hàm chứa pháp nghĩa trong ấy, đấy là diệu. Tu hành giống như nở hoa, tương lai nhất định chứng quả. Trông thấy hoa bèn nghĩ ta phải tu hành. Hoa tượng trưng Lục độ vạn hạnh.

Trong Kinh này Hoa tượng trưng cho mười Ba la mật, mười đại nguyện vương. Trông thấy hoa, phải nghĩ tu mười độ, hạnh nguyện Phổ Hiền. Diệu hoa nghĩa là từ nơi hoa ấy, quý vị bèn khởi giác quán.

Kỹ nhạc là âm nhạc ca vũ. Người tiểu thừa phiền não nặng nên pháp tiểu thừa cấm ngặt âm nhạc ca múa. Pháp đại thừa xướng ca, nhảy múa cúng dường Phật. Tuy dùng kỹ nhạc cúng dường, tâm Phật, Bồ Tát quyết định thanh tịnh. Dùng tâm thanh tịnh để diễn tấu, để lắng nghe, không gì chẳng phải là minh tâm kiến tánh.

Đồ hương hương bôi: Hương bôi trên thân, giống như nước hoa.

Tán cái tàn lọng: Tán để che mát, lọng để ngăn bụi. Tâm địa phải thanh lương, phải chẳng nhiễm mảy trần, tàn lọng thể hiện ý nghĩa đó.

Đồ trang nghiêm tối thắng như thế, tôi dùng cúng dường các Như Lai: Các vật cúng dường như trên vừa nói, số lượng thật rất nhiều. Những vật cúng dường ấy, Phật chớ hề cần đến. Ở đây dùng chữ Như Lai chứ không dùng chữ Phật. Nói Phật là từ sự tướng, nói Như Lai là từ tánh bản tánh mà nói. Tôi cúng dường Như Lai tức là cúng dường chân như bản tánh của chính mình.

Vì sao cúng dường tự tánh chính là cúng dường Như Lai?

Kinh dạy: Mười phương ba đời Phật, cùng chung một pháp thân.

Như Lai là pháp thân. Trong tâm thanh tịnh chẳng hề có cách ngăn, chẳng có chướng ngại, tột cùng pháp giới khắp hư không giới đều là một Như Lai, chân như bản tánh mà thôi.

Xứng tánh lẽ đâu chẳng cúng trọn khắp?

Y phục tối thắng, hương tối thắng: Y phục che đậy, biểu thị nhẫn nhục Ba la mật. Khi có lễ lạc thì mặc lễ phục, nên y phục cũng biểu thị cho lễ.

Tối thắng hương: Hương biểu thị tánh hương, hương biểu thị giới định. Hương có rất nhiều chủng loại, mạt hương là hương bột, thiêu hương là hương đốt. Đèn đuốc tượng trưng cho quang minh, trí huệ.

Ánh sáng mặt trời, mặt trăng, tinh tú, ánh sáng đèn đều biểu thị bát nhã quang minh của tự tánh. Trông thấy quang minh, cảnh tỉnh mình phải tu cho tâm địa quang minh, thanh tịnh, hợp nhất cùng ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, đèn đuốc.

Mỗi thứ chất như núi Tu Di: Những thứ vật cúng dường chất cao như núi Diệu Cao Tu Di sơn, tôi đều dùng để cúng dường Như Lai.

Chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa về mặt pháp của vật cúng dường. Quy nạp lại mà nói, hạnh nguyện là năng cúng dường, pháp là sở cúng dường. Nhất định phải hiểu được ý nghĩa thù thắng nơi Kinh thì sau đấy chính mình mới có thể tương ứng với cảnh giới được, mới hòng tu được công đức lợi ích chân thật nơi mười đại nguyện vương.

***