Haèng thuaän chuùng sanh
Tuyø hyû coâng ñöùc

tinhdo.edu.vn

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA - TẬP MỘT

PHẬT THUYẾT KINH

A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP MỘT
 

Chư vị đồng tu!

Hôm nay chúng tôi tuyên giảng bộ Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa lần thứ ba.

Kể từ hôm nay, Hoa Tạng Đồ Thư Quán chính thức kiến lập Liên Trì Hải Hội. Chúng tôi đã từng giảng bộ A Di Đà Kinh Sớ Sao hai lần, chứ đọc bộ sách này thì đương nhiên càng đọc nhiều lần hơn. Đối với đức hạnh, sự tu học, sự giáo hóa của Liên Trì Đại Sư Lão Nhân Gia, chúng ta đều cảm thấy bội phục năm vóc sát đất.

Trong đó, điều quan trọng nhất là phải học theo Đại Sư giống như Ngẫu Ích Đại Sư vậy. Ngẫu Ích Đại Sư là tư thục đệ tử của Tổ Liên Trì, có nghĩa là sau khi Liên Trì Đại Sư đã vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Tổ Ngẫu Ích mới bắt đầu học Phật, ngưỡng mộ Liên Trì Đại Sư, lấy Di Giáo của Liên Trì Đại Sư làm phương châm tu học của chính mình.

Cách thức này rất đáng cho chúng ta học theo. Hôm nay, kiến lập Liên Trì Hải Hội ở nơi đây, tôn Liên Trì Đại Sư làm thầy để nương theo, mọi người chúng ta là đồng học, là đồng tham bạn lữ.

Chúng ta chiếu theo tác phẩm chú sớ này của Đại Sư để nghiêm túc giảng giải, học tập, tu hành, mong sao trong một đời này chẳng phụ bạc niềm kỳ vọng của Tổ Liên Trì đối với chúng ta, mai sau ai nấy đều thượng phẩm thượng sanh, hoa nở thấy Phật thì hội này mới thật sự là một hội thù thắng.

Những điều khác chúng tôi sẽ nói chút sơ lược vì phân lượng của bộ sách này khá dài, khi bước vào phần Kinh Văn, quý vị sẽ tự nhiên hiểu rõ.

Bây giờ, xin quý vị mở quyển Kinh ra. Chúng ta dùng bản in này gồm hai tập thượng và hạ. Tập thượng là Sớ Sao, tập hạ là phần chú giải Sớ Sao, tức cuốn Sớ Sao Diễn Nghĩa. Diễn Nghĩa là phần chú giải lời Sao. Trước hết, chúng ta hãy xem tựa đề Kinh.

Phật Thuyết A Di Đà Kinh Sớ Sao quyển đệ nhất.

Minh Cổ Hàng Vân Thê Tự Sa Môn Châu Hoằng thuật.

Phật Thuyết A Di Đà Kinh Sớ Sao, quyển thứ nhất.

Đời Minh, Sa Môn Châu Hoằng Chùa Vân Thê đất Cổ Hàng soạn.

Hai hàng này, hàng thứ nhất là Kinh Đề Tựa đề Kinh, hàng thứ hai nhân đề ghi tên người biên soạn, chữ nhân này không phải là người dịch Kinh mà là người chú giải. Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Định Bổn, quyển nhất. Vân Thê Cổ Đức Pháp Sư diễn nghĩa, môn nhân Từ Phàm, Trí Nguyện định bổn.

Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, bản hoàn chỉnh, quyển một. Pháp Sư Cổ Đức Chùa Vân Thê diễn nghĩa, học trò là từ phàm và trí nguyện chỉnh lý.

Trước hết, chúng tôi nói đại lược cội nguồn tác phẩm này cho quý vị biết. Kinh này là do Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật giảng tại Tinh Xá Kỳ Viên ở nước Xá Vệ, Tôn Giả A Nan kết tập, chép thành Phạn bản.

Sau khi Kinh được truyền đến Trung Quốc, nguyên văn tiếng Phạn được dịch sang tiếng Hán bởi một vị Pháp Sư là Cưu Ma La Thập Đại Sư. Từ xưa đến nay, bộ Kinh này có rất nhiều bản chú giải. Sau khi đọc đến phần văn bản chánh thức, chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này.

Cuốn Sớ Sao này do vị Tổ Sư đời thứ tám của Tịnh Độ Tông Tông, sống vào đời Minh, là Liên Trì Đại Sư biên soạn. Sớ là giải thích Kinh, chú giải Kinh.

Lời chú giải quá sâu, sợ người đời sau đọc không hiểu nên lại chú giải lời chú giải, đó là Sao, Sao là chú giải Sớ. Sớ và Sao đều do Đại Sư tự viết, Diễn Nghĩa là chú giải lời Sao vì lời Sao vẫn còn quá sâu. Học trò của Ngài mà cũng là thị giả của Liên Trì Đại Sư, là Pháp Sư Cổ Đức, thân cận Tổ Liên Trì nhiều năm.

Sau khi Tổ Sư vãng sanh, những tác phẩm của Ngài được lưu truyền hậu thế, đều do Pháp Sư Cổ Đức chỉnh lý, khắc ván, lưu thông, đúng là đối với chúng ta có ân đức không chi lớn bằng.

Càng khó có hơn nữa là do bản Sớ Sao này quá hay, Sư cũng sợ người đời sau khó thể thấu hiểu ý nghĩa chân thật của Tổ Sư nên đã dựa theo những lời giảng nghĩa của Đại Sư để ghi lại những điều tâm đắc trong khi chính Ngài theo hầu Đại Sư, soạn thành bộ Diễn Nghĩa, nhằm giúp đỡ hàng hậu học chúng ta. Đấy là lai lịch của bộ Diễn Nghĩa.

Cuốn Diễn Nghĩa này lưu thông rất ít. Có thể nói là không ai chẳng biết bộ A Di Đà Kinh Sớ Sao, nhưng rất ít người biết đến Sớ Sao Diễn Nghĩa. Có rất nhiều Pháp Sư Tu Tịnh Độ Tông chưa hề thấy cuốn sách này. Có thể nói là tôi rất may mắn, lúc mới xuất gia đọc Vạn Tục Tạng, trong Vạn Tục Tạng có thâu nhập tác phẩm này.

Vì vậy, lần đầu tiên tôi đọc Vạn Tục Tạng, tôi biết A Di Đà Kinh Sớ Sao có một bản chú giải rất hay là Diễn Nghĩa. Do vậy, khi giảng A Di Đà Kinh Sớ Sao lần thứ nhất, tôi dùng văn bản trong Vạn Tục Tạng, dùng bản Diễn Nghĩa trong tạng ấy.

Lúc đó, chưa có bản in lưu hành riêng. Lần thứ hai, khi giảng bộ Kinh này, tôi tìm được một bản in tại Hương Cảng. Đấy chính là cuốn Hạ trong cuốn sách quý vị đang xem. Bản này ngẫu nhiên tìm được tại Hương Cảng, khi trông thấy nó, tôi hết sức vui mừng. Tôi tìm được bản này từ Tàng Kinh Lâu của Đông Lâm niệm Phật đường.

Tôi hỏi các Pháp Sư ở nơi ấy: Quý vị có biết tác phẩm A Di Đà Kinh Sớ Sao của Liên Trì Đại Sư hay không?

Họ nói: Biết chứ.

Tôi nói: Sớ Sao còn có một bản chú giải, quý vị có biết hay không?

Họ thưa: Chưa từng nghe nói ạ.

Tôi chỉ vào kệ đựng sách, bảo: Ở đây nè, quý vị lấy ra đi. Bọn họ đem sách ra, mới biết nó đã nằm trên kệ sách bao nhiêu năm rồi mà chẳng ai biết cả.

Tôi nói: Được rồi. Để tôi mang cuốn sách này về Đài Loan ấn hành, lưu thông. Sau khi quay về bèn in tác phẩm này, in gộp chung cuốn Thượng và cuốn Hạ, tạo thành bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa, bản này được lưu thông lần đầu tiên tại Đài Loan, trong quá khứ chưa có ai in cả.

Mở hai tác phẩm này ra để đọc và đối chiếu cảm thấy chẳng thuận tiện cho lắm. Hiện thời chúng tôi muốn in A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, tức là chiếu theo từng đoạn mà gộp chung, phần Sớ Sao và phần Diễn Nghĩa lại, nhằm tạo thành một bản sẽ chẳng cần phải lật qua, giở lại.

Hiện giờ chúng tôi đang làm chuyện này, sau khi làm xong sẽ hết sức có ý nghĩa, sẽ có ích rất lớn cho những người niệm Phật tu học Tịnh Độ Tông.

Bộ Kinh này được in theo lối đóng gáy bằng chỉ, chia thành bốn cuốn, bản chúng ta đang dùng là Hợp Đính Bản bản in gộp chung nhiều tác phẩm. Cuốn thứ nhất hoàn toàn là phần Huyền Nghĩa, hết sức trọng yếu, chúng ta phải khảo cứu, nghiên cứu tác phẩm này.

Quý vị xem cuốn Hạ, mở đầu là:

Diễn: Đề nghĩa.

Diễn: Ý nghĩa tựa đề sách. Đây là phần giải thích tựa đề.

Diễn: Khai quyển.

Diễn: Quyển mở đầu.

Khai quyển ở đây có nghĩa là cuốn mở đầu của quyển thượng, vì Diễn Nghĩa là phần chú giải quyển thượng.

Diễn: Phật thuyết đẳng bát tự thị pháp đề.

Diễn: Tám chữ Phật thuyết… là tựa đề của Pháp Bảo.

Pháp là Pháp Bảo, tựa đề của Kinh Điển là tám chữ Phật Thuyết A Di Đà Kinh Sớ Sao.

Diễn: Hậu học đẳng thập nhị tự thị nhân đề.

Diễn: Mười hai chữ hậu học… là phần nói về người biên soạn.

Hai chữ hậu học không thấy trong bản chúng ta đang dùng hiện thời, vì đã được thay bằng chữ Minh đời Minh. Đây là bản in dựa theo bản khắc ván của Kim Lăng Khắc Kinh Xứ. Vào đời Thanh, hai chữ hậu học được đổi thành chữ Minh, vì Liên Trì Đại Sư là người đời Minh. Thuở ấy, Ngài không dùng chữ này.

Ngài tự ghi tựa đề là Hậu học Cổ Hàng Vân Thê Tự Sa Môn Châu Hoằng thuật, vốn ghi như vậy. Do vậy, trong bút ký của Pháp Sư Cổ Đức vẫn dùng chữ giống như trong nguyên bản. Hiện thời hai chữ Hậu học đổi thành chữ Minh, đổi thành tên Triều Đại. Đây là Nhân đề.

Diễn: Pháp đề hạ, tự tế thích.

Diễn: Dưới phần pháp đề, sẽ có phần giải thích chi tiết.

Dưới đó là lời giải thích ý nghĩa tựa đề của bản Sớ Sao này.

Diễn: Kim nhập Văn chi tiên, lý ưng lược trần tổng nhất. Đề trung ước hữu tứ đối.

Diễn: Nay trước khi bước vào phần Kinh Văn, theo đúng lý, phải trình bày đại lược tổng quát. Trong đề mục, đại lược có bốn cặp ý nghĩa. Đây cũng là nói đại khái.

Diễn: Nhất, thông biệt nhất đối. Thông tắc Kinh chi nhất tự, biệt tắc Phật thuyết đẳng ngũ tự.

Diễn: Cặp thứ nhất là thông đề và biệt đề. Thông đề là một chữ Kinh. Biệt đề là năm chữ Phật Thuyết A Di Đà.

Đây là nói về tựa đề Kinh gồm sáu chữ Phật Thuyết A Di Đà Kinh. Chữ Kinh là thông Đề Tựa đề chung của tất cả các bản Kinh Phật, phàm những lời Phật dạy đều gọi là Kinh. Phật Thuyết A Di Đà là biệt Đề Tựa đề riêng, phần này mỗi bộ Kinh mỗi khác, nhằm chuyên chỉ bộ Kinh này.

Diễn: Nhị, năng sở nhất đối. Năng thị năng thuyên, tức Kinh chi nhất tự. Sở tức sở thuyên, tức thượng ngũ tự.

Diễn: Cặp thứ hai là Năng và Sở. Năng là năng thuyên chủ thể giảng giải, tức là một chữ Kinh. Sở là sở thuyên pháp được giảng giải bởi Kinh này, chính là năm chữ trước đó.

Năng thuyên là chữ Kinh. Sở thuyên là Phật Thuyết A Di Đà. Thông Đề là Năng Thuyên, Biệt Đề là Sở Thuyên.

Diễn: Tam, giáo lý nhất đối. Phật Thuyết Kinh thị giáo, A Di Đà tức thị lý.

Diễn: Cặp thứ ba là giáo và lý. Phật nói Kinh là giáo, A Di Đà là lý.

Lý là gì?

Trong phần sau sẽ đề cập, ở đây không cần phải nói nhiều.

Diễn: Tứ, nhân pháp nhất đối. Phật Thuyết tức thị nhân, A Di Đà tức thị pháp.

Diễn: Cặp thứ tư là nhân và pháp. Phật Thuyết chính là nhân, A Di Đà chính là pháp.

Phật là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. A Di Đà cũng là nhân, mà cũng có thể coi là pháp, vì ý nghĩa của từ ngữ A Di Đà là Pháp. Đây cũng là danh hiệu của Đức Giáo Chủ cõi Tây Phương, Ngài lấy pháp này làm danh hiệu của chính mình.

Chúng ta thường nói tựa đề A Di Đà Kinh chỉ dùng nhân để đặt tên, nhưng Liên Trì Đại Sư giảng rõ trong tựa đề Kinh vừa có Nhân vừa có pháp. Trong phần sau, sẽ giảng cặn kẽ, mỗi chữ đều được giải thích.

Diễn: Thủ, Phật tự.

Diễn: Trước hết là chữ Phật.

Tựa đề Kinh là Phật Thuyết A Di Đà Kinh Sớ Sao. Phật là chữ thứ nhất.

Diễn: Tức Thích Ca Mâu Ni Phật.

Diễn: Chính là Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chữ Phật thứ nhất trong tựa đề Kinh chỉ Đức Bổn Sư của chúng ta. Những ý nghĩa được giảng tiếp theo đây hết sức quan trọng, mong mọi người hãy đặc biệt chú ý, đừng nên giống như đang nghe kể chuyện xưa tích cũ.

Diễn: Tùng Đâu Suất giáng sanh Vương Cung, vi Tất Đạt Thái Tử.

Diễn: Từ Trời Đâu Suất giáng sanh cung Vua, làm Thái Tử Tất Đạt. Đức Phật thị hiện tất nhiên trước hết dùng thân phận Bổ Xứ Bồ Tát, tức là Hậu Bổ Phật, dùng thân phận này để xuất hiện.

Hậu Bổ Phật trụ ở nơi nào vậy?

Trụ trong tầng Trời thứ tư của Dục Giới, tức nội viện của Đâu Suất Thiên. Đâu Suất là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là tri túc biết đủ. Quý vị hãy suy nghĩ ý nghĩa này, tri túc.

Tri Túc ắt thường lạc, không có một pháp nào chẳng ban cho chúng ta sự khải thị rất lớn. Nội viện là chỗ Bồ Tát ở. Do vậy, Đâu Suất Thiên là Phàm Thánh đồng cư độ trong Thế Giới Ta Bà.

Trong Thế Giới Ta Bà, trong hai mươi tám tầng Trời thuộc Tam giới và ngay trên địa cầu, có tất cả ba nơi là Phàm Thánh đồng cư độ:

1. Chúng ta thuộc nhân gian, Phàm Thánh đồng cư độ ở ngay trên địa cầu. Bồ Tát, La Hán cũng sống trên địa cầu, nhưng chúng ta mắt thịt không trông thấy họ.

2. Tầng Trời thứ tư của Dục Giới là Phàm Thánh đồng cư độ, gồm nội viện và ngoại viện. Ngoại viện là phàm phu thiên, nội viện là Thánh Nhân.

Tuy là Phàm Thánh đồng cư, nhưng Chư Thiên Đâu Suất không trông thấy nội viện. Những vị Bồ Tát thuộc nội viện cũng không qua lại với Chư Thiên Trời Đâu Suất, tình hình giống như trong nhân gian của chúng ta. Ngũ Bất Hoàn Thiên thuộc tầng Trời thứ tư của Thiền Thiên, cũng là chỗ ở của Thánh Nhân.

Ba nơi này đều là Phàm Thánh đồng cư độ. Tịnh Độ Tông, chỗ ở của hàng Đẳng Giác Bồ Tát, là nơi tuyệt diệu nhất. Cõi Phàm Thánh đồng cư nơi họ ở chính là Tịnh Độ Tông, chẳng phải là uế độ, tự tại biết bao nhiêu.

Họ có thể bỏ sự tự tại, bỏ sự thụ dụng của chính mình để giáng sanh trong nhân gian. Nhân gian là đời ác ngũ trược. Dẫu giáng sanh trong cung Vua nơi nhân gian, vẫn là đời ác ngũ trược.

Nhìn theo quan điểm của phàm phu chúng ta mà nói thì họ hy sinh quá lớn. Giống như đang ở trong cung Vua, nay bị đem tống giam trong ngục, hy sinh quá lớn.

Vì sao vậy?

Bỏ mình vì người khác, nhằm cứu độ những chúng sanh khổ nạn, họ có thể bỏ sự thụ dụng, sự hưởng thụ của chính mình để sanh vào nhân gian. Điều này ban cho chúng ta một sự khải thị rất lớn nhằm dạy chúng ta phải học theo.

Phật Pháp là thật sự thực hiện hết sức triệt để, làm cho chúng ta thấy. Sách Lễ Ký có câu an an nhi năng thiên ở yên nơi yên ổn, mà nếu cần thì vẫn có thể dời đi chính là nói về ý nghĩa này. Hai chữ an này có nghĩa là thân cũng an mà tâm cũng an. Thân lẫn tâm đều an ổn, rất tự tại.

Họ có thể buông bỏ, vì sao có thể buông bỏ?

Vì độ chúng sanh. Ta vì muốn phục vụ chúng sanh, vì muốn cứu độ hết thảy chúng sanh, bèn buông bỏ hoàn cảnh yên vui, thỏa thích, phục vụ đại chúng không sợ khổ sở, khó khăn. Đấy mới là bậc vĩ nhân, đáng gọi là Đại Nhân vật. Trong Phật Pháp, những người ấy được gọi là bậc đại anh hùng. Điện Phật gọi là Đại Hùng Bảo Điện chính là vì ý nghĩa này.

Họ có thể hứng chịu những nỗi khổ người khác chẳng thể chịu đựng được, có thể nhẫn chịu những khổ nạn người khác chẳng thể nhẫn chịu được. Nếu làm được những điều người khác chẳng thể làm được thì là đại nhân vật.

Do vậy, đối với những chỗ này, chúng ta chớ nên coi thường đọc lướt qua. Nhà Nho gọi đó là an an nhi năng thiên. Sanh trong Vương Cung là nhằm thuận tiện dạy học, ý nghĩa rất sâu. Do vậy, Phật xuất hiện trong nhân gian đều mang thân phận Thái Tử.

Người thế gian cầu mong điều gì?

Phú quý, vinh hoa, tiếng tăm, lợi dưỡng. Ngài vừa sanh ra đều đạt được những điều ấy, sanh ra dưới thân phận Thái Tử. Khi Phụ Vương qua đời, Ngài sẽ là Quốc vương. Trong thế gian thường nói quý vi Thiên Tử, phú hữu tứ hải sang quý như Thiên Tử, giàu khắp bốn biển.

Trong nhân gian, phú quý đến cực điểm, nhưng Ngài bỏ hết để tu hành, đến thế gian này để hoằng pháp lợi sanh, chứ không nhằm cầu vinh hoa, phú quý, mà là để dạy chúng ta bỏ vinh hoa, phú quý. Có thể bỏ được.

Diễn: xuất gia khổ hạnh lục niên, thành Đẳng chánh giác giả.

Diễn: xuất gia khổ hạnh sáu năm, thành Đẳng chánh giác.

Thuở ấy, tại Ấn Độ có hết sức nhiều Tôn giáo, tức là chín mươi sáu thứ ngoại đạo. Phần lớn những kẻ ngoại đạo ấy đều xuất gia tu hành, tu tịnh hạnh.

Họ tu khổ hạnh phần lớn là ba năm, mỗi người xuất gia nhất định phải tu khổ hạnh ba năm. Đức Phật thị hiện, quý vị tu ba năm, tôi tu sáu năm. Thời gian dài hơn các Tôn giáo khác, chịu khổ nhiều hơn các nhà Tôn giáo khác.

Do vậy, sau này, Đức Phật đi hoằng pháp, có thể hàng phục ngoại đạo, ngoại đạo không có cách gì cãi được. Những Kinh Luận của ngoại đạo đọc, Đức Phật đều đã đọc qua. Những hạnh môn ngoại đạo đã tu, Đức Phật đều đã từng tu.

Sau đấy, Đức Phật mới kết luận: Những thứ các ông tu học đều chẳng phải là rốt ráo. Đức Phật có thể nói như vậy vì Ngài đã từng trải. Nếu chưa từng trải qua, ngoại đạo sẽ coi thường, không có cách nào nhiếp thọ họ được.

Những thứ của chúng tôi mà các ông chưa từng học, chưa từng thấy, các ông làm sao biết được?

Kinh Điển của chín mươi sáu phái ngoại đạo, Phật đều đã từng đọc, từng tu. Do cảnh giới rốt ráo tối cao của ngoại đạo Đức Phật đều hiểu rõ nên có thể nhiếp thọ và hàng phục ngoại đạo.

Bao nhiêu ngoại đạo theo Phật xuất gia tu hành, đạo lý là ở chỗ này. Quý vị hãy nghĩ xem, Phật dụng tâm khổ sở, thật sự từ bi đến cùng cực. Chúng ta hãy nên bắt chước điều này, phải học tập. Ngày nay chúng ta chẳng thể thành tựu, nguyên nhân là do chưa buông xuống, sợ phải chịu khổ.

Hãy so sánh giữa chúng ta và Thích Ca Mâu Ni Phật, thân phận của Ngài ra sao?

Thân phận của chúng ta như thế nào?

Vinh hoa phú quý bậc nhất trong thế gian Phật còn bỏ được, vào Tuyết Sơn chịu đựng khổ sở ngần ấy, Ngài có thể làm được.

Vì sao chúng ta không thể làm được?

Ngài có thể thành tựu, vì sao chúng ta không thể thành tựu?

Suy nghĩ sẽ hiểu ngay. Mấy hàng chữ này nói rõ sự thị hiện của Đức Phật, đấy là thân giáo sự giáo hóa bằng hành động trực tiếp, dụng ý hết sức sâu đậm.

Thành đẳng, chánh giác giả: Phải đặc biệt chú ý mấy chữ này, không nói là thành vô thượng, chánh đẳng, chánh giác. Người thành đẳng, chánh giác là Bồ Tát, tức là thành tựu chánh đẳng, chánh giác.

Bởi lẽ, Đức Thế Tôn thị hiện thành Tạng giáo Phật Quả vị Phật thuộc Tạng giáo trong tứ giáo. Tạng giáo Phật là chánh đẳng, chánh giác. Chỉ có quả vị Phật trong Viên giáo mới có thể gọi là vô thượng, chánh đẳng, chánh giác.

Vô thượng, chánh đẳng, chánh giác chỉ có một, còn đối với đẳng chánh giác Phật thì Biệt giáo Phật, Thông giáo Phật, Tạng giáo Phật đều gọi là đẳng chánh giác, đều là những vị Phật mà Kinh Luận thường nói là tu ba đại A tăng kỳ kiếp mới thành.

Thật ra, Thích Ca Mâu Ni Phật đã thành tựu vô thượng, chánh đẳng, chánh giác từ lâu. Ở đây là thị hiện, bởi lẽ, ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo là liệt ứng thân.

Đấy là đẳng chánh giác. Nếu thị hiện vô thượng, chánh đẳng, chánh giác thì như trong bài kệ tán Phật có câu bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di, cám mục trừng thanh tứ đại hải, thân tướng Phật ấy theo như Quán Kinh đã dạy là Phật có vô lượng tướng, mỗi tướng có vô lượng hảo, mắt thịt của phàm phu sẽ chẳng thể thấy được Đức Phật thị hiện trước chúng ta, quá lớn mà. Hiểu rõ điều này sẽ chẳng thể nào coi thường, nhìn lướt qua mặt chữ.

Diễn: Nhược thích kỳ nghĩa.

Diễn: Nếu giải thích ý nghĩa của chữ ấy. Nếu chúng ta giải thích những ý nghĩa bao hàm trong chữ Phật.

Diễn: Tắc Phật tự thị Phạn ngữ.

Diễn: Thì chữ Phật là tiếng Phạn. Phật là gọi tắt của chữ Phật Đà Buddha.

Diễn: Thử phiên Giác Giả.

Diễn: Cõi này dịch là đấng giác ngộ. Thử cõi này là Trung Quốc. Trong văn tự Trung Quốc, ý nghĩa của chữ Phật là Giác Giả.

Tiếp đó, lại giải thích thêm như sau:

Diễn: vị giác liễu tánh tướng chi giả.

Diễn: Có nghĩa là bậc giác ngộ trọn vẹn tánh và tướng. Nói theo thuật ngữ triết học hiện đại thì tánh là bản thể của muôn vật trong vũ trụ, tướng là hiện tượng của muôn vật trong vũ trụ.

Trong Phật Pháp gọi tánh là pháp tánh, hoặc chân như bổn tánh, gọi tướng là pháp tướng, tức là những thứ y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới.

Nói cách khác, đối với bản thể, hiện tượng, đương nhiên kể cả tác dụng của toàn bộ vũ trụ, nhân sinh, Phật đều thấu hiểu triệt để, không có một pháp nào Ngài chẳng hiểu rõ. Vì thế gọi là Phật.

Diễn: Cụ hữu tam nghĩa. Nhất, tự giác, giác tri tự tâm bổn vô sanh diệt.

Diễn: Gồm có ba nghĩa. Một là tự giác, hiểu biết tự tâm vốn chẳng sanh diệt.

Tự giác: Hiện thời chúng ta tự mình mê hoặc, tự giác là giác ngộ bản thân. Nói cách khác, tự giác là nhận thức chính mình. Hiện thời chúng ta chẳng hiểu rõ chính mình, tự mê. Đã hiểu rõ chính mình thì gọi là tự giác. Tự giác đạt đến mức viên mãn nhất, rốt ráo nhất chính là thấu hiểu tự tâm. Toàn bộ sự tu học trong Phật Pháp bao gồm trong hai chữ tự tâm.

Nhà Thiền nói: Nhược nhân thức đắc tâm, đại địa vô thốn thổ. Nếu ai hiểu được tâm, đại địa không tấc đất. Tu học Phật Pháp là phải tu học tự tâm.

Tự tâm vốn chẳng sanh diệt: Nhìn từ câu này, chúng ta thật sự đang mê. Suốt ngày từ sáng đến tối, chúng ta nghĩ đến sanh lão bệnh tử, có sanh diệt, chẳng biết chính mình thật sự là bất sanh, bất diệt. Khi nào quý vị chứng được bất sanh bất diệt, quý vị sẽ thành Phật. Nói cách khác, quý vị chẳng tự mê. Quý vị còn cảm thấy mình có sanh, có diệt, thì vẫn đang mê mất chính mình.

Cảnh giới ấy hết sức cao, phải như thế nào mới có thể giác ngộ chính mình chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng đến, chẳng đi?

Quý vị hãy nên nghiên cứu kỹ lưỡng bộ A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa này. Chúng tôi hạn định ba năm. Nếu quý vị tích cực tu học, sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi ấy. Không chỉ tìm được câu trả lời mà người có trình độ từ bậc trung trở lên sẽ có thể chứng đắc.

Sự chứng đắc ấy chính là liễu sanh tử, vượt thoát tam giới, sẽ có phần trong Liên Trì Hải Hội. Hiện thời, ở nơi đây, chúng tôi cũng có lập ra chứng thư thân phận Liên Trì Hải Hội, mong quý vị hãy tới nhận lấy, thật sự phát tâm, mọi người cùng nhau tu học. Chúng ta dùng thời gian ba năm để cầu đạt được kết quả ấy.

Diễn: Nhị, giác tha, giác nhất thiết pháp vô bất thị như.

Diễn: Hai là giác tha, nhận biết hết thảy pháp không gì chẳng phải là như.

Chữ tha chỉ cảnh giới. Ngoài thân mình ra đều gọi là tha. Quý vị phải nhớ kỹ, ngoài thân mình ra, chứ không nói là ngoài tự tâm, vì cái tha ấy vẫn được bao gồm trong tự tâm. Chỉ có thể nói đến thân, ngoài thân mình ra là tha. Do vậy, trong phần sau mới nói tự, tha bất nhị, tự và tha đều do cùng một tâm biến hiện.

Giác tha, giác nhất thiết pháp vô bất thị như: Thật ra, chữ như có ý nghĩa vô cùng tận, chẳng thể nghĩ bàn. Câu thứ nhất mở đầu Kinh Văn là như thị ngã văn, chữ như ở đây tức chữ như dùng trong lời diễn nghĩa chính là chữ như trong như thị ngã năn đầu mỗi bản Kinh.

Giác nhất thiết nháp vô bất thị như: Nếu chúng ta nói cách khác, sử dụng thuật ngữ của Thiền Tông, sẽ là nô hữu nhất pháp bất thị tánh chẳng có một pháp nào không phải là tánh. Nhà Thiền nói minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Ý nghĩa của chữ như là tướng vừa được nói như thế ấy thì tướng giống như tánh, tánh giống như tướng.

Cổ đại đức thường dùng tỷ dụ để giảng rõ đạo lý này, các Ngài nói: Dĩ kim tác khí, khí khí giai kim. Dùng vàng để làm thành đồ vật, món nào cũng đều là vàng. Đem vàng ví với tánh, đem đồ vật ví với tướng.

Tướng có phải là vàng hay chăng?

Tướng là vàng, vàng là tướng.

Ý nghĩa này được nói rất rõ ràng, chúng ta nghe xong cũng hiểu rất rõ, nhưng mà như thế nào?

Chúng ta chẳng thể hợp tánh và tướng lại được. Chúng ta chấp trước tướng, chẳng thấy tánh. Khi nào quý vị có thể thấy được tánh trong hết thảy tướng được biến hiện, quý vị sẽ thấy được như.

Thiên Thai Đại Sư đã đạt cảnh giới ấy. Ngài giảng Kinh Pháp Hoa, giảng đến phần Thập Như Thị bèn mở rộng Thập Như Thị thành Bách Giới Thiên Như, không một pháp nào chẳng như, không một pháp nào chẳng phải là như vậy, Ngài nhập cảnh giới ấy. Tuy nhập cảnh giới ấy, lão nhân gia rất khiêm hư, rất khách sáo, chẳng thừa nhận.

Khi Ngài vãng sanh, học trò hỏi Ngài: Lão nhân gia vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, rốt ráo thuộc phẩm vị nào?

Ngài bảo mọi người: Ngũ Phẩm vị. Địa vị ngũ phẩm Chưa kiến tánh, nhưng Ngài chú giải Kinh Pháp Hoa, quý vị đọc bộ Pháp Hoa Kinh Văn Cú sẽ thấy người thuộc địa vị ngũ phẩm chẳng thể giảng như vậy được. Đại Sư quá khiêm hư.

Vì sao khiêm hư?

Ngài có lý riêng, đại từ đại bi mà. Nếu Ngài đem cảnh giới của chính mình là minh tâm kiến tánh, lý nhất tâm bất loạn, Thượng Phẩm Thượng Sanh nói ra thì chúng ta nghe xong, thấy Ngài rốt cuộc là bậc Tổ Sư một thuở, chúng ta chẳng có phần, chúng ta làm không được, chỉ đành ngưỡng mộ mà thôi.

Ngài nói Ngài thuộc địa vị ngũ phẩm vãng sanh thì điều này được đấy, ta cũng có thể làm được, cổ vũ, khích lệ chúng ta rất lớn. Địa vị ngũ phẩm đã có thể vãng sanh thì chúng ta ai nấy đều có thể vãng sanh. Không phải ai trong số chúng ta cũng có thể minh tâm kiến tánh, nhưng địa vị ngũ phẩm thì mỗi người chúng ta đều có thể làm được.

Từ chỗ này, chúng ta cảm nhận đại ân đại đức của Phật, Bồ Tát, Tổ Sư đối với chúng ta, thời thời khắc khắc niệm niệm thị hiện, ngôn từ trong câu nói nào cũng nhằm nhiếp thọ hết thảy chúng sanh, đều là tăng thượng duyên đắc độ cho hết thảy chúng sanh, mà cũng là tăng thượng duyên vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Đấy là ý nghĩa giác tha.

Diễn: Tam, giác mãn, nhị giác lý viên xưng chi vi mãn.

Diễn: Ba là giác mãn. Lý của hai thứ giác đều viên mãn thì gọi là mãn.

Nhị giác là tự giác và giác tha. Tự giác lẫn giác tha đều viên mãn thì gọi là giác mãn. Giác mãn cũng có mức độ khác nhau. Ví như quả vị Phật trong tứ giáo đều gọi là giác mãn.

Quả vị Phật trong Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo tuy gọi là giác mãn, nhưng hoàn toàn chẳng phải là thật sự viên mãn. Chỉ có quả vị Phật trong Viên giáo mới là thật sự viên mãn. Đối với ba ý nghĩa này, có thể nói là rất nhiều Kinh Luận đều nói theo cách này.

Diễn: Nhược chuẩn Khởi Tín, diệc chương tam nghĩa.

Diễn: Nếu dựa theo Đại Thừa Khởi Tín Luận thì luận ấy cũng nêu ra ba ý nghĩa của chữ Phật.

Chuẩn là chuẩn tắc tiêu chuẩn, chừng mực. Nếu lấy Khởi Tín Luận làm tiêu chuẩn, tức là nói theo Khởi Tín Luận thì luận ấy cũng giảng rõ chữ Phật có ba ý nghĩa, tức là ba thứ giác.

Khởi Tín Luận giảng ý nghĩa thứ nhất như sau:

Diễn: Nhất, thỉ giác, tức năng chứng trí.

Diễn: Một là thỉ giác, tức trí có khả năng chứng biết. Thỉ là bắt đầu. Các vị đồng tu tham dự buổi giảng hôm nay, dường như đối với tam giác được giảng trong Khởi Tín Luận, chúng ta đều có tương tự thỉ giác.

Nếu không có thỉ giác thì hôm nay quý vị không thể đến đây tham dự Pháp Hội này. Quý vị chịu phát tâm đến tham gia Pháp Hội này, tức là quý vị bắt đầu giác ngộ.

Vì sao thỉ giác của chúng ta là tương tự thỉ giác, chứ không phải là thỉ giác thật sự?

Tương tự thỉ giác vẫn là thỉ giác chân thật, chẳng phải là giả, chẳng qua là thời gian rất ngắn ngủi, tạm bợ, niệm này vừa giác, niệm kế tiếp lại mê. Nói cách khác, trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, thời gian giác thì ít, thời gian mê lại nhiều. Giác chưa chống nổi mê, vẫn bị mê vọng lôi đi.

Đấy là tương tự thỉ giác. Nếu là thỉ giác thật sự thì sau khi chứng đắc sẽ vĩnh viễn không lùi. Nói cách khác, sức giác ngộ của quý vị có thể chống cự được mê. Nhưng dù giác trong khoảng sát na, như thường nói là hỏa thạch, điện quang lửa xẹt do đập vào đá, ánh sáng của tia chớp cũng hết sức khó có, hết sức quý báu, chúng ta phải trân quý.

Bởi lẽ, nếu chúng ta có quang minh trong sát na ấy thì sẽ có sát na thứ hai, có sát na thứ hai sẽ có sát na thứ ba, hy vọng quang minh sẽ ngày càng tăng trưởng, đừng giảm bớt. Từ thỉ giác sẽ dần dần biến thành bổn giác. Có mở đầu thì hy vọng sẽ có thể dần dần khế nhập. Thỉ giác là năng chứng, bổn giác là sở chứng.

Diễn: Nhị, bổn giác, tức sở chứng lý.

Diễn: Hai là bổn giác, tức là lý được chứng bởi thỉ giác.

Bổn giác là lý được chứng. Bổn giác là trí huệ bát nhã chúng ta sẵn có. Nói cách khác, ai nấy đều có bổn giác, bổn giác bị mê, biến thành bất giác. Phàm phu bất giác. Do chúng ta có bổn giác, bổn giác là Phật, cho nên Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Viên Giác đã khai thị rõ ràng nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật.

Vì sao vốn đã thành Phật?

Vì hết thảy chúng sanh ai nấy đều sẵn có bổn giác viên mãn, đương nhiên là Phật. Nhưng trong hiện tại, chúng ta là những vị Phật điên đảo, mê hoặc, còn Phật là một vị Phật tự tại giác ngộ, thụ dụng khác nhau. Đức Phật thấy chúng ta mê hoặc, điên đảo, bèn dùng các thứ phương tiện khuyên dụ, hướng dẫn, khơi gợi, mong cho chúng ta hoát nhiên giác ngộ, khôi phục bổn giác.

Đấy là Phật độ chúng sanh. Nhưng chúng ta phải tự mình khôi phục, dựa vào sức Phật khuyên dụ, hướng dẫn, còn thật sự giác ngộ phải do chính mình. Chính mình một mực chẳng giác, chỉ ỷ vào sự khuyên dụ, hướng dẫn của Phật sẽ chẳng thể thành công.

Vì vậy, chính mình nhất định phải giác ngộ. Nếu quý vị giác ngộ, sẽ chú ý thấy Phật, Bồ Tát ở bất cứ nơi đâu, mỗi một cử chỉ, mỗi một hành động, mỗi một lời nói, mỗi một hành vi, đều nhằm khơi gợi, phát khởi cho chúng ta.

Tôi vừa mới nói đó, Phật Thích Ca từ Trời Đâu Suất giáng sanh trong Vương Cung, thị hiện xuất gia khổ hạnh sáu năm, cho đến thuyết pháp lợi sanh, đều nhằm nêu gương cho chúng ta, mong mỏi chúng ta sẽ tự mình có thể đại triệt đại ngộ. Chúng ta thấy được ý nghĩa này thì đó là Thỉ Giác, sẽ ngầm hợp với tác dụng của lý thể Bổn Giác.

Diễn: Tam, cứu cánh giác, tức trí dữ lý minh, thỉ bổn bất nhị.

Diễn: Ba là cứu cánh giác, tức trí ngầm hợp lý, thỉ và bổn chẳng hai.

Năng chứng trí và sở chứng lý là một, chẳng phải hai. Đấy là cứu cánh giác, là thành Phật. Nói Thành Phật chính là thành tựu cứu cánh giác, thật sự giác ngộ.

Hiện thời, chúng ta chẳng vào được cửa, vấn đề ở đâu?

Chúng ta chưa thể thống nhất trí và lý, năng chứng trí và sở chứng lý vẫn là hai, chưa phải là một. Năng và sở là hai, chưa phải là một. Hễ là hai sẽ chẳng vào được cửa. Ở đây, quý vị phải đặc biệt chú ý chỗ này. Trong Đàn Kinh, Pháp Sư Ấn Tông cũng là một vị Pháp Sư lỗi lạc. Ngài là một vị Pháp Sư giảng Kinh, khi gặp Lục Tổ, từng thỉnh giáo Lục Tổ về Tông chỉ của Tổ Hoàng Mai.

Sau khi Tổ đã nói, Sư lại nêu câu hỏi: Ngài Hoàng Mai có nhắc tới giải thoát và thiền định hay không?

Ngay khi ấy, Lục Tổ cũng nhắc nhở Sư: Thiền định, giải thoát chẳng phải là Phật Pháp. Quý vị nghe như vậy, cảm thấy rất lạ lùng.

Trong Đại Kinh, Đại Luận suốt ngày từ sáng đến tối nói về thiền định, giải thoát, cớ sao thiền định, giải thoát lại chẳng phải là Phật Pháp?

Dụng ý của Tổ nằm trong câu tiếp theo: Thiền định, giải thoát là hai pháp, hai pháp chẳng phải là Phật Pháp. Phật Pháp là pháp bất nhị. Nói cách khác, năng chứng trí và sở chứng lý nếu là hai pháp sẽ chẳng phải là Phật Pháp. Lý và trí hệt như nhau, lý và trí chẳng hai thì đó là Phật Pháp. Phật Pháp là giác pháp, chứ không phải là mê pháp. Hiện thời, có thể nói là từ sáng đến tối, ngay cả trong khi ngủ, chúng ta không thật thà, vẫn còn nằm mộng.

Khi tỉnh và khi mộng tức là hai pháp, có khi nào quý vị gộp chúng thành một hay chưa?

Khi nào quý vị thật sự trụ trong pháp môn bất nhị sẽ vào được cửa. Khi nào quý vị nhập pháp môn bất nhị, quý vị sẽ là Sơ trụ Bồ Tát trong Viên giáo.

Bậc Sơ trụ Bồ Tát trong Viên giáo thuộc địa vị Kiến đạo trong pháp đại thừa, từ ngày hôm ấy quý vị bắt đầu thấy được đạo, thấy đạo gì vậy?

Thấy vạn pháp đều là như, thấy tánh và tướng không hai. Nếu áp dụng điều này vào niệm Phật, thì thưa quý vị, quý vị bắt đầu chứng lý nhất tâm bất loạn, quý vị vãng sanh Thật báo trang nghiêm độ trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, thượng phẩm thượng sanh, hoa nở thấy Phật.

Chúng tôi hết sức ân cần, tha thiết mong quý vị đồng tu hãy khéo lợi dụng thời gian ba năm để đạt đến mục tiêu này, chẳng riêng gì Phật Thích Ca, Phật Di Đà ân cần tha thiết mong mỏi như vậy, mà mười phương ba đời hết thảy Chư Phật không một vị nào chẳng mong mỏi chúng ta làm được như vậy. Nếu chúng ta thật sự làm được, sẽ là thật sự báo ân Phật, mới thật sự là kẻ báo ân vậy.

Diễn: Kim Kinh sở vân Phật giả, nãi thị tam giác câu viên, Thích Ca Thế Tôn dã.

Diễn: Đức Phật được nói trong Kinh này chính là Thích Ca Thế Tôn ba thứ giác đều trọn đủ.

Mấy câu này có ý nghĩa khác với mấy câu phía trên.

Trong phần trước, nói Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành quả vị Phật trong Tạng Giáo, vì sao vậy?

Vì sách Diễn Nghĩa ghi: Thành chánh đẳng giác. Đấy là nói theo mặt Tích, còn câu này giảng theo mặt Bổn. Nói theo Bổn thì Thích Ca Mâu Ni Phật đã viên mãn cả ba thứ giác từ rất lâu, nhìn từ mặt Bổn thì Ngài là vô thượng, chánh đẳng, chánh giác trong Viên giáo. Nhìn từ phương diện thị hiện Tích, Ngài là đẳng chánh giác.

Giống như Trí Giả Đại Sư Lão nhân gia thị hiện vãng sanh trong địa vị ngũ phẩm, đấy là nói theo sự thị hiện nơi Tích. Nói theo Bổn thì mức độ thấp nhất cũng phải là đẳng chánh giác. Nếu không phải là đẳng chánh giác, chắc chắn Ngài sẽ không thể viết bộ Pháp Hoa Kinh Văn Cú được.

Diễn: Hựu, Phật Địa Luận, thuyết Phật hữu kỳ thập nghĩa, Thiên Thai lục tức, Hoa Nghiêm thập thân, tường cụ hậu văn.

Diễn: Lại nữa, Phật Địa Luận nói chữ Phật có mười nghĩa, Ngài Thiên Thai lập ra giáo thuyết Lục Tức Phật, Kinh Hoa Nghiêm giảng Phật có mười thân sẽ được trình bày tường tận trong phần sau.

Trong Phật Địa Luận nói Phật có mười ý nghĩa. Thông thường, các nhà chú giải giảng chữ Phật có ba ý nghĩa, hay ba thứ giác. Khởi Tín Luận cũng nêu ra ba ý nghĩa. Trí Giả Đại Sư lập ra giáo nghĩa Lục Tức Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói tới mười thân Phật. Đấy đều là tách ra hay gộp vào khác nhau. Chúng đều là ý nghĩa của chữ thứ nhất, tức chữ Phật trong tựa đề Kinh này.

Diễn: Thuyết giả, dĩ tuyên diễn đắc danh.

Diễn: Thuyết là do nói, diễn mà thành tên.

Tuyên là tuyên dương, nói bằng miệng. Diễn là biểu diễn, động tác. Nhất cử, nhất động, các nét biểu lộ tình cảm trên khuôn mặt, đều gọi là Diễn.

Quý vị phải hiểu: Sự thụ dụng do nghe Kinh ngay tại chỗ giảng đã bị giảm bớt nếu nghe Kinh từ băng thâu hình trên Ti vi. Tuy cũng thấy được hình tướng, nhưng ý vị khác nhau. Nếu nghe băng thâu âm thì sự thụ dụng lại giảm hơn nữa, chẳng thể bằng nghe Kinh ngay tại chỗ giảng.

Vậy là sao?

Thật ra là bất đắc dĩ mới dùng phương pháp này.

Nghe Kinh ngay tại chỗ phải có nhân duyên, quyết định chẳng thể buông bỏ, buông bỏ rồi thì sẽ đúng như trong Kệ Khai Kinh đã nói: Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ. Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ.

Ở đây, chẳng phải là tôi nói với quý vị tôi giảng hay như thế nào, mà là hội giảng Kinh này khó thể gặp gỡ, suốt cuộc đời chúng ta, cớ sao có nhân duyên, thiện căn, phước đức như vậy, gặp được bộ A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, có nhiều đồng học như vậy ở cùng một chỗ với nhau để cùng tu học, nghiên cứu, thảo luận, rất ư là khó.

Nhân duyên này thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Suy nghĩ cặn kẽ, trên toàn thế giới ngày nay, Pháp Hội giảng Sớ Sao Diễn Nghĩa này hầu như chỉ mình chúng ta là có.

Chúng ta biết khắp Đài Loan không nơi nào có, những nơi khác chẳng thể nào có được, thì mới thấy Pháp Hội này thù thắng. Do tuyên dương, biểu diễn mà được gọi là thuyết. Chữ thuyết bao hàm nhiều ý nghĩa như vậy đó.

Diễn: Sướng duyệt vi nghĩa.

Diễn: Lưu loát, vui sướng là ý nghĩa của chữ thuyết.

Sướng là thoải mái, lưu loát, không có chướng ngại. Duyệt là vui vẻ. Niềm vui ấy từ trong nội tâm phát sanh. Cả hai câu này nhằm giải thích chữ thuyết.

Thoải mái, lưu loát, vui sướng như thế nào?

Chúng ta không cách nào tưởng tượng được. Tiếp theo đây, Đại Sư lại giải thích. Đoạn tiếp theo đây nhằm chú giải câu sướng duyệt vi nghĩa.

Diễn: Tứ vô ngại biện vi thể.

Diễn: Bốn thứ vô ngại biện tài là thể của chữ thuyết.

Tứ vô ngại biện là bốn món vô ngại biện tài. Thứ nhất là nghĩa vô ngại, hoàn toàn thông đạt đạo lý, không chướng ngại. Đây là điều thứ nhất, trọng yếu nhất trong tứ vô ngại biện. Những đạo lý thế gian và xuất thế gian đều hiểu rõ, quyết định không hiểu sai lầm, điều gì cũng đều hiểu rõ.

Thứ hai là pháp vô ngại, tức là thông đạt pháp tướng. Nếu dùng tánh và tướng để giải thích thì nghĩa là pháp tánh, còn nếu dùng danh từ triết học để giải thích thì thông đạt bản thể là nghĩa vô ngại. Trong Phật Giáo gọi thông đạt hiện tượng là thông đạt pháp tướng. Đấy là pháp vô ngại.

Thứ ba là từ vô ngại, từ là ngôn từ, lời lẽ, từ vô ngại là ngôn ngữ không bị chướng ngại. Trong đoạn trên, nghĩa là lý, pháp là sự, sự vô ngại.

Ngôn từ vô ngại, quý vị ăn nói rất khéo, có khả năng diễn đạt, có thể nói rất rõ ràng những điều chính mình đã chứng, đã thấy, đã nghe, khiến cho người khác thấu hiểu, đấy là từ vô ngại.

Thứ tư là Nhạo Thuyết Vô Ngại. Nhạo là yêu thích, ưa thích, nói một cách thích thú. Nếu ba điều trước đó đều có đủ mà người ấy chẳng hào hứng, chẳng thích nói thì cũng chẳng có cách nào cả.

Người ấy thích nói, thích đem những điều chính mình đã biết dâng tặng người khác nhằm lợi ích chúng sanh, đấy là đại bi. Ba điều trước là đại trí, điều cuối cùng này là đại bi. Đại bi là động lực, thích nói, thích giúp đỡ người khác.

Diễn: Sướng tắc sướng xuất thế chi bổn hoài.

Diễn: Sướng là thỏa thích hoài bão xuất thế.

Quý vị hãy nghĩ xem vì sao Đức Phật từ Trời Đâu Suất giáng sanh vào Vương Cung, vì sao Phật lìa bỏ ngôi Vua xuất gia, khổ hạnh, cả đời ba y một bát, ngày ăn một bữa, ngủ dưới cội cây, vì sao phải sống như thế?

Vì lẽ gì?

Đây là nói tới bổn hoài điều ấp ủ trong lòng, vì độ chúng sanh.

Thị hiện như vậy để dạy quý vị: Nếu quý vị mong thật sự đạt đến vô thượng, chánh đẳng, chánh giác, quý vị hãy bỏ sạch hết thảy mọi sự trong thế gian thì mới có tư cách thực hiện được.

Nếu vẫn còn có tơ hào vướng mắc nào thì đấy là chướng ngại. Đừng nói là nó sẽ chướng ngại chánh đẳng, chánh giác, ngay cả hạ hạ phẩm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới cũng bị chướng ngại, chuyện này phiền phức lắm. Do vậy, nhất định phải xả.

Nếu chính Đức Phật chẳng xả, làm sao bảo người khác xả cho được?

Nếu chính mình chẳng xả sạch sẽ, người khác nghe Ngài nói sẽ chẳng tin tưởng. Chính Phật đã thật sự xả sạch sành sanh, người thuở đó trông thấy Phật sẽ bội phục năm vóc sát đất.

Người đời sau đọc sách nhà Phật cũng chẳng thể nào không kính phục Ngài. Thật sự xả được sẽ không có chướng ngại. Quý vị có chướng ngại thì phải phản tỉnh, quý vị không buông xuống, không xả sạch sành sanh nên mới có chướng ngại.

Câu này nói về bổn hoài xuất thế của Đức Phật: Do Ngài có thể đạt được mục tiêu giúp đỡ chúng sanh nên hết sức vui sướng. Do vậy, sướng là nói về bản thân Đức Phật.

Diễn: Duyệt tắc duyệt chúng sanh chi hoạch ích.

Diễn: Duyệt là vui vẻ vì chúng sanh được lợi ích.

Đức Phật xuất hiện trong thế gian, chúng sanh được lợi ích. Chúng sanh căn cơ chín muồi sẽ đắc độ, chúng sanh căn cơ chưa chín muồi sẽ được Phật giúp cho chín muồi. Chúng sanh chưa gieo thiện căn sẽ được Phật giúp gieo thiện căn. Chúng sanh đã gieo thiện căn được Phật giúp cho tăng trưởng.

Nói cách khác, hết thảy chúng sanh không ai chẳng được lợi ích. Do vậy, Phật vui thích, đây là nói theo lối thông thường. Kinh này lại còn có ý nghĩa đặc biệt, có ý vị càng sâu đậm hơn nữa.

Tiếp theo đó, sách viết:

Diễn: Kim dĩ Như Lai cửu tu cửu chứng Niệm Phật tam muội.

Diễn: Nay đem pháp niệm Phật tam muội của Như Lai tu chứng đã lâu.

Đây là cách nói riêng trong Kinh này. Chúng ta hãy chú ý chữ cửu trong từ ngữ cửu tu cửu chứng. Chữ này chỉ có thể áp dụng cho địa vị Phật trong Viên giáo, chứ không thể áp dụng cho quả vị Phật trong Tạng giáo, Thông giáo hay Biệt giáo.

Cửu tu Cửu Chứng: Kinh Phạm Võng nói Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật, đến thị hiện trong thế gian lần này là lần thứ tám ngàn.

Lão nhân gia thật sự đã chứng vô thượng, chánh đẳng, chánh giác, chúng ta phải thấu hiểu: Phật đã chứng đến mức rốt ráo nhất, viên mãn nhất. Trong hết thảy pháp môn, pháp môn vô thượng bậc nhất là niệm Phật tam muội, tức Tây Phương Tịnh Độ Tông.

Nếu quý vị đọc trọn khắp ngàn Kinh Vạn Luận, thật sự đọc hiểu thấu, quý vị sẽ biết Kinh này là Kinh bậc nhất trong hết thảy các Kinh, trì danh niệm Phật là pháp môn bậc nhất trong vô lượng pháp môn. Hiện thời, Đạo tràng này của chúng ta là Đạo tràng bậc nhất trong mười phương pháp giới. Quý vị tham gia tại nơi này, chẳng thẹn với các vị thượng thiện nhân, nhất định phải tự mình trân quý, đừng ra khỏi Đạo tràng này lại trở thành kém cỏi hơn.

Nếu ở trong Đạo tràng này là thượng thiện, nhưng rời khỏi Đạo tràng này liền biến thành hạ thiện, đấy là lui sụt, chớ nên như vậy. Phải gìn giữ, phải tinh tấn. Tôi học Phật hơn ba mươi năm, giảng Kinh hai mươi lăm năm mới tìm ra bí mật này của Phật Giáo.

Trong quá khứ, nó ở ngay trước mặt mà tôi bỏ lỡ, không nhận biết rõ ràng, đến bây giờ mới thật sự nhận thấy. Đức Phật nói bộ Kinh này, nói ra pháp môn này, vui sướng cực điểm.

Diễn: Uẩn chi tại hoài, thích đắc cơ nghi, tùy dĩ. Tứ biện tuyên diễn, sướng duyệt bổn hoài, linh tùy cơ hoạch ích, cố vân Thuyết dã.

Diễn: Ôm ấp trong lòng, gặp đúng căn cơ, thời tiết, bèn dùng tứ biện tài để tuyên diễn, thỏa thích bổn hoài, khiến cho từng loại căn cơ được lợi ích, nên nói là Thuyết.

Quả thật rất khó được. Có đại nhân duyên tốt đẹp như thế này, có đầy đủ cơ duyên nói ra pháp môn này, cho thấy chúng sanh trong thế giới này căn cơ đã chín muồi, có người tin tưởng, có người có thể tiếp nhận, có người chịu nương theo pháp môn này tu học để thành Phật trong một đời.

Bất cứ pháp môn nào khác cũng đều chẳng thể thành Phật ngay trong một đời. Chỉ có pháp môn này là thành Phật trong một đời. Bất cứ pháp môn nào cũng chẳng ổn thỏa, thích đáng cho lắm, chỉ có pháp môn này ổn thỏa, thích đáng nhất.

Vĩnh Minh Đại Sư nói: Vạn tu vạn nhân khứ vạn người tu, vạn người về, chẳng sót một ai. Nhưng quý vị tu hành cũng có điều kiện là phải đúng lý, đúng pháp.

Lý ở chỗ nào?

Sách Sớ Sao Diễn Nghĩa sẽ giảng rõ ràng lý ấy, quý vị phải hiểu đạo lý ấy.

Pháp ấy có cách niệm như thế nào?

Phương pháp ấy cũng nằm trong sách Sớ Sao Diễn Nghĩa.

Chúng tôi vừa giảng xong bộ Di Đà Kinh Yếu Giải, thưa quý vị, một câu Phật hiệu đầy đủ sâu xa Tam học, Tam huệ, Tam tư lương, lẽ nào chẳng vui sướng?

Mỗi một tiếng Phật hiệu đều bao gồm tám giáo, nhiếp trọn năm Tông, đúng là mầu nhiệm chẳng thể diễn tả được.

Một câu A Di Đà Phật này chính là pháp môn Đại Tổng Trì của mười phương ba đời Chư Phật, có mấy ai hiểu rõ ràng?

Hiện thời, tôi đặc biệt cho in lời khai thị về pháp niệm Phật của Ngẫu Ích Đại Sư thành một tờ riêng để tặng quý vị. Tốt nhất là quý vị hãy đọc thuộc lòng.

Nếu quý vị thật sự học thuộc lòng lời khai thị ấy, hiểu được ý nghĩa, nhất định quý vị sẽ chết sạch tấm lòng mong ngóng, so đo, nhất tâm niệm Phật, sẽ thành tựu trong một đời này. Nói cách khác, tên của quý vị sẽ được treo cao trong Liên Trì Hải Hội.

A Di Đà Phật!

***