Haèng thuaän chuùng sanh
Tuyø hyû coâng ñöùc

tinhdo.edu.vn

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ YẾU GIẢI GIẢNG KÝ - TẬP NĂM - B

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ  

YẾU GIẢI GIẢNG KÝ

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP NĂM - B

4.1.2. BIỆT TỰ
 

Giải: Phát khởi tự dã, Tịnh Độ diệu môn bất khả tư nghị, vô nhân năng vấn, Phật tự xướng y chánh danh tự vi phát khởi.

Hựu Phật trí giám cơ vô mậu, kiến thử đại chúng, ưng văn Tịnh Độ diệu môn, nhi hoạch tứ ích, cố bất sĩ vấn, tiện tự phát khởi, như Phạm Võng Kinh hạ quyển, tự xướng vị hiệu vân: ngã kim Lô Xá Na đẳng, trí giả phán tác phát khởi tự, lệ khả tri dã.

Giải: Trong phần phát khởi tự thì pháp môn Tịnh Độ mầu nhiệm chẳng thể nghĩ bàn, không ai có thể hỏi, Đức Phật tự xướng lên danh tự của y báo và chánh báo hòng phát khởi. Lại nữa, Phật trí soi xét căn cơ không sai lầm, thấy đại chúng đáng được nghe pháp môn Tịnh Độ mầu nhiệm, đạt được bốn thứ lợi ích, nên chẳng đợi hỏi mà tự phát khởi.

Giống như trong quyển hạ của Kinh Phạm Võng, Ngài tự xướng danh hiệu nơi quả vị như sau: Ta nay là Lô Xá Na... Ngài Trí Giả phán định phần Kinh Văn ấy là phát khởi tự, cứ dựa theo đó sẽ biết vì sao tôi phán định phần này của Kinh A Di Đà là phát khởi tự.

Vì sao gọi Tịnh Độ là diệu môn?

Biết nó mầu nhiệm ở chỗ nào thì mới thấu hiểu sự thù thắng của nó. Mầu nhiệm ở chỗ phương pháp đơn giản, chỉ cần thật thà niệm Phật, chẳng cần biết hiểu hay không hiểu, đều có thành tựu. Hiểu rõ ràng lý luận thì sự niệm Phật ấy được gọi là lý niệm.

Nếu chẳng hiểu, chỉ thật thà mà niệm thì gọi là sự niệm. Công phu bình đẳng, do vậy, pháp môn này phổ độ hết thảy chúng sanh trong một đời đều bình đẳng thành Phật, gọi là diệu là vì điểm này. Chúng ta chọn lựa pháp môn này giống như các vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền, phương pháp tu hành cũng tương đồng, sanh về Tây Phương đạt được quả vị đương nhiên cũng tương đồng.

Pháp Môn này sâu mầu cùng tột, chẳng những người tầm thường chẳng thể hỏi được, mà bậc Đại Trí Xá Lợi Phất cho đến bậc Pháp Vương Tử trí huệ bậc nhất là Văn Thù Bồ Tát cũng chẳng thể hỏi.

Phật nói pháp cần phải có người khải thỉnh, nhưng pháp môn này sâu quá, ai cũng chẳng nghĩ tới được. Do vậy, Đức Phật quán sát cơ duyên của đại chúng dự hội đã chín muồi, chẳng cần đệ tử khải thỉnh, tự động tuyên nói pháp môn thành Phật viên mãn ngay trong một đời này. Trong mười hai phần giáo, thể loại này được gọi là vô vấn tự thuyết, không ai hỏi mà tự nói.

Lúc Đức Phật ở dưới cội Bồ Đề, ban đêm thấy Sao Mai, viên thành Phật đạo, Ngài muốn tuyên nói với mọi người pháp môn này, nhưng khi ấy, cơ duyên của chúng sanh chưa chín muồi, do vậy, phải bắt đầu nói từ các Kinh tiểu thừa, đại thừa trước.

Đợi đến khi cơ duyên chín muồi, không ai hỏi, tự nói, khiến cho chúng sanh đạt được bốn thứ lợi ích, gọi là Tứ Tất đàn, catur siddhānta.

Tất là phổ biến, đàn là thí cho, Tứ Tất đàn là:

Thế giới Tất đàn: Tuyên nói với chúng sanh hết thảy chân tướng sự thật trong thế gian, khiến cho họ sanh lòng tin ưa. Phật Pháp trước hết phải làm cho chúng sanh sanh lòng hoan hỷ. Nếu chẳng thể làm cho chúng sanh đối xử hòa thuận với nhau, ắt sẽ khiến cho xã hội bất an. Vì thế, Phật Pháp lấy việc tạo lợi ích cho thế gian làm đầu.

Vị nhân Tất đàn: Quán sát cơ duyên của chúng sanh mà thuyết pháp phù hợp căn cơ, khiến họ sanh được lợi ích tốt lành. Như rắc rối to lớn trong hiện thời là luân lý, đạo đức thiếu sót, xã hội bất an, bèn vì họ nói tứ duy, bát đức khiến cho họ sanh khởi thiện nguyện, thiện hạnh.

Đối trị Tất đàn: Thuyết pháp nhằm đối trị những khuyết điểm của chúng sanh, khiến cho họ đoạn ác.

Đệ nhất nghĩa Tất đàn: Ba thứ trên thuộc về pháp thế gian, loại thứ bốn thuộc về pháp xuất thế gian, khiến cho chúng sanh ngộ đạo chứng quả. Nay Đức Phật giới thiệu tại phương Tây quả thật có Thế Giới Cực Lạc và cũng thật sự có A Di Đà Phật.

Chúng sanh nghe xong, sanh tâm hoan hỷ, phát nguyện cầu sanh. Đấy chính là Thế Giới Tất đàn. Nghe xong, chấp trì danh hiệu, thiện căn, phước đức viên mãn hiện tiền, được lợi ích sanh trưởng điều thiện, đấy là Vị nhân Tất đàn.

Dùng cái tâm chân thành, cung kính, ngày đêm niệm một câu Phật hiệu không ngừng, ác nghiệp nơi thân khẩu ý chẳng thể hiện hành, đè nén phiền não, đấy là Đối trị Tất đàn. Niệm Phật niệm đến mức công phu thành phiến, chắc chắn sanh về Tây Phương, muốn ra đi lúc nào sẽ đi trong lúc ấy, có thể sanh tử tự tại, đấy là Đệ nhất nghĩa Tất đàn.

Ngẫu Ích Đại Sư phán định đoạn Kinh Văn tiếp theo phần Thông Tự, tức đoạn nhĩ thời, Phật cáo Trưởng Lão Xá Lợi Phất, tùng thị Tây Phương, quá thập vạn ức Phật độ, hữu Thế giới danh viết Cực Lạc. Kỳ độ hữu Phật, hiệu A Di Đà, kim hiện tại thuyết pháp thuộc phần Phát Khởi Tự.

Đấy chính là quan điểm độc đáo của Đại Sư. Từ xưa, các vị đại đức đều phán định đoạn này thuộc Chánh Tông Phần, nhưng Đại Sư cũng có tiền lệ để viện dẫn. Ngài nói Trí Giả Đại Sư vào đời Tùy khi chú giải Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn đã phán định phần kệ tụng trước phần Kinh Văn giảng về các giới thuộc vào phát khởi tự.

Đấy là căn cứ để lập luận của Ngẫu Ích Đại Sư, điều này cũng nhằm biểu thị lòng khiêm hư của Đại Sư. Người xuất gia Trung Quốc thọ Bồ Tát Giới đều lấy Phạm Võng Kinh Giới Bổn làm y cứ, nhưng tại Đài Loan, trong thời gần đây, cũng có người sử dụng phần Anh Lạc Giới Bổn trong Ưu Bà Tắc Giới Kinh, so với Kinh Phạm Võng thì giới điều ít hơn, chỉ có sáu giới trọng và hai mươi tám giới khinh.

Trước đó tức trước phần chánh thức tuyên giới trong Kinh Phạm Võng, có bốn câu kệ:

Ngã kim Lô Xá Na

Phương tọa Liên Hoa đài

Châu táp thiên hoa thượng

Phục hiện thiên Thích Ca.

Nay ta, Lô Xá Na

Ngồi trên đài hoa sen

Trên ngàn hoa vây quanh

Hiện ngàn Thích Ca Phật.

Trí giả Đại Sư phán định đoạn Kinh Văn này thuộc Tự Phần. Đức Phật chưa được khải thỉnh mà đem danh hiệu và địa vị của chính mình tự nói ra, phương thức rất giống như trong Kinh này, nên Ngẫu Ích Đại Sư phán định đoạn Kinh A Di Đà này thuộc về Phát Khởi Tự.

Kinh: Nhĩ thời, Phật cáo Trưởng Lão Xá Lợi Phất: Tùng thị Tây Phương, quá thập vạn ức Phật độ, hữu Thế Giới danh viết Cực Lạc, kỳ độ hữu Phật, hiệu A Di Đà, kim hiện tại thuyết pháp.

Chánh Kinh:

Lúc bấy giờ, Phật bảo Trưởng Lão Xá Lợi Phất: Từ đây đi qua phương Tây mười vạn ức Cõi Phật, có Thế giới tên là Cực Lạc, trong cõi ấy có Phật, hiệu là A Di Đà, nay hiện đang thuyết pháp.

Trong đoạn Kinh Văn này có ba sự thật: Từ Thế Giới Ta Bà đi qua Tây Phương, trải qua mười vạn ức Cõi Phật, có Thế Giới Cực Lạc.

Trong cõi ấy, quả thật có A Di Đà Phật.

A Di Đà Phật hiện đang thuyết pháp nơi giải: Tịnh Độ pháp môn, tam căn phổ nhiếp, tuyệt đãi viên dung, bất khả tư nghị. Viên thâu, viên siêu nhất thiết pháp môn, thậm thâm nan tín. Cố đặc cáo đại trí huệ giả. Phi đệ nhất trí huệ, bất năng trực hạ vô nghi dã. Tây Phương giả, hoành cắng trực Tây, tiêu thị hiện xứ dã. Thập vạn ức giả, thiên vạn viết ức, kim tích ức chí thập vạn dã.

Phật độ giả, tam thiên đại thiên Thế giới, thông vi nhất Phật sở hóa. Thả dĩ thử độ ngôn chi, nhất Tu Di sơn, Đông, Tây, Nam, Bắc các nhất châu, đồng nhất nhật nguyệt sở chiếu, nhất Thiết Vy Sơn sở nhiễu, danh nhất tứ thiên hạ.

Thiên tứ thiên hạ, danh tiểu thiên Thế giới. Thiên tiểu thiên, danh trung thiên Thế giới. Thiên trung thiên, danh đại thiên Thế giới. Quá như thử Phật độ, thập vạn ức chi Tây, thị Cực Lạc Thế Giới dã.

Vấn: Hà cố Cực Lạc tại Tây Phương?

Đáp: Thử phi thiện vấn.

Giả sử Cực Lạc tại Đông, nhữ hựu vấn hà cố tại Đông, khởi phi hý luận?

Huống tự thập nhất vạn ức Phật độ thị chi, hựu tại Đông hỹ.

Hà túc trí nghi?

Hữu Thế Giới danh viết Cực Lạc, tự y báo Quốc Độ chi danh dã, thụ ước tam tế, dĩ biện thời kiếp. Hoành ước thập phương, dĩ định cương ngung, cố xưng Thế Giới. Cực Lạc giả, Phạn ngữ Tu Ma Đề, diệc vân An Dưỡng, An Lạc, Thanh Thái đẳng. Nãi vĩnh ly chúng khổ, đệ nhất an ổn chi vị. Như hạ quảng thích.

Nhiên Phật độ hữu tứ, các phân tịnh uế. Phàm Thánh đồng cư độ, ngũ trược trọng giả uế, ngũ trược khinh giả tịnh. Phương tiện hữu dư độ, tích không chuyết độ chứng nhập giả uế, thể không xảo độ chứng nhập giả tịnh. Thật báo vô chướng ngại độ, Thứ đệ tam quán chứng nhập giả uế, Nhất tâm tam quán chứng nhập giả tịnh.

Giải: Pháp môn Tịnh Độ nhiếp trọn ba căn, dứt bặt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn. Gồm thâu trọn vẹn, nhưng vượt thoát trọn vẹn hết thảy pháp môn, rất sâu, khó tin.

Vì thế, đặc biệt nói với bậc đại trí huệ, vì nếu không phải là người trí huệ bậc nhất sẽ chẳng thể nào hiểu được ngay mà không nghi. Tây Phương là đi thẳng mãi suốt theo chiều ngang sang phía Tây, từ ngữ này nhằm chỉ ra chỗ Phật thị hiện.

Thập vạn ức: Mười vạn là một ức, nay dồn số ức ấy đến mười vạn ức.

Phật độ Cõi Phật: Cả tam thiên đại thiên Thế giới là khu vực hóa độ của một Đức Phật. Hãy lấy cõi này để giảng thì một núi Tu Di, bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc mỗi phía đều có một châu, cùng được một mặt trời, một mặt trăng chiếu, một rặng núi Thiết Vy bao quanh thì gọi là tứ thiên hạ.

Một ngàn Tứ Thiên Hạ gọi là một tiểu thiên Thế giới. Một ngàn tiểu thiên Thế giới là một trung thiên Thế giới. Một ngàn trung thiên Thế giới là một đại thiên Thế giới. Đi về phương Tây, qua khỏi mười vạn ức Cõi Phật như vậy bèn tới Thế Giới Cực Lạc.

Hỏi: Vì sao Cực Lạc ở phương Tây?

Đáp: Đây chẳng phải là câu hỏi hay ho gì.

Giả sử Cực Lạc ở phương Đông, ông lại hỏi vì sao nó ở phương Đông, há chẳng phải là nói giỡn hay sao?

Huống chi, nếu nhìn từ mười một vạn ức Cõi Phật, Cực Lạc lại thuộc phương Đông mất rồi, có gì đáng để nghi ngờ nữa ư?

Có Thế Giới tên là Cực Lạc: Nêu ra cái tên cõi nước trong y báo. Thế là theo chiều dọc suốt cả ba đời, nhằm luận về thời kiếp. Giới là theo chiều ngang thì trọn cả mười phương, nhằm phân định ranh giới. Vì thế gọi là Thế Giới.

Cực Lạc: Tiếng Phạn là Tu Ma Đề, Sumatī, Sukhāvatī, còn dịch là An Dưỡng, An Lạc, Thanh Thái v.v... nghĩa là cõi vĩnh viễn lìa khỏi các khổ, an ổn bậc nhất. Từ ngữ này sẽ được giải thích chi tiết trong phần sau. Cõi Phật có bốn loại, với mỗi loại đều chia thành tịnh và uế.

Phàm Thánh đồng cư độ: Ngũ trược nặng nề là cõi uế, ngũ trược nhẹ nhàng là Cõi Tịnh.

Phương tiện hữu dư độ: Dùng phương pháp phân tích cái không vụng về để chứng nhập thì là uế. Dùng phương pháp thấu hiểu cái không để khéo léo chứng nhập thì là tịnh.

Thật báo vô chướng ngại độ: Chứng nhập bằng cách tu Tam quán theo thứ tự là uế, chứng nhập bằng nhất tâm Tam quán là tịnh. Pháp Môn Tịnh Độ quả thật là pháp rất sâu khó tin.

Trong Kinh này, Đức Phật có nói: Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc. Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên mà sanh về cõi ấy được. Bậc đại trí huệ thiện căn, phước đức viên mãn trọn đủ, có thể gánh vác ngay lập tức, tin sâu, chẳng nghi.

Hết thảy chúng sanh bất luận căn tánh như thế nào, pháp môn Tịnh Độ đều có thể bao dung, khiến cho họ thành tựu. Trên là các vị thượng thượng căn Đẳng giác Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền v.v..., dưới thì cho đến chúng sanh ngũ nghịch, thập ác sắp đọa địa ngục a tỳ đều có phần.

Đối tượng được độ thoát của các Kinh khác chẳng giống như vậy. Như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa chỉ có thể độ bậc thượng thượng căn, hàng trung hạ chẳng có phần. Kinh A Hàm độ căn cơ trung hạ, chẳng khế cơ, phù hợp căn cơ bậc thượng thượng căn. Chỉ có Kinh này thích hợp trọn khắp ba căn, dứt bặt đối đãi một cách viên dung.

Các vị Tổ Sư nói một câu A Di Đà Phật trọn đủ bốn câu tông chỉ:

1. Duy tâm là tông: Tất cả hết thảy Kinh Điển đại thừa, tiểu thừa đều lấy duy tâm làm tông.

2. Duy Phật là tông: Chữ Phật ở đây chỉ A Di Đà Phật, chỉ cần xưng niệm A Di Đà Phật liền có thể thành tựu.

3. Dứt bặt đối đãi một cách viên dung là tông: Như các Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa có thể thực hiện điều này, mà Kinh này cũng không nằm ngoài lệ ấy, là Kinh đại thừa bậc nhất trong các Kinh đại thừa, là nhất thừa bậc nhất trong các pháp nhất thừa.

4. Vượt thoát tình kiến là tông: Dựa trên lời các vị Cổ Đức đã giảng về tông chỉ để xét, thì biết pháp môn này vượt trỗi hết thảy Đại Kinh, Đại Luận, căn cứ trên sở đắc của lịch đại Tổ sư đại đức thì lời kết luận của các vị gần như giống hệt nhau.

Trong cuốn Vô Lượng Thọ Kinh giải, chú giải Kinh Vô Lượng Thọ, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã trích dẫn những câu nói của các vị Cổ Đức thời Tùy Đường, trong hết thảy các Kinh Điển thâu nhiếp trọn vẹn, vượt thoát trọn vẹn thì Kinh Hoa Nghiêm là bậc nhất.

Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng, Phổ Hiền Bồ Tát dùng Mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc thì mới được tính là viên mãn. So sánh giữa Hoa Nghiêm và Kinh Vô Lượng Thọ thì Kinh Vô Lượng Thọ là bậc nhất, Kinh Hoa Nghiêm kém hơn.

Kinh Vô Lượng Thọ là do lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập năm bản dịch gốc để tạo thành bản hoàn chỉnh, trong ấy, chia ra thành bốn mươi tám chương. Chương thứ sáu nói về bốn mươi tám nguyện là bậc nhất.

Trong bốn mươi tám nguyện, cổ đức công nhận nguyện thứ mười tám là bậc nhất. Phật nói Kinh A Di Đà nhằm giải thích nguyện thứ mười tám, nguyện thứ mười tám là mười nguyện ắt sanh. Do đây, có thể biết là danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn. Do từ điều này, sanh khởi tín tâm chân thành thì là kẻ có đại thiện căn và đại phước đức. niệm một câu Phật hiệu là cảm ứng đạo giao với A Di Đà Phật.

Tin sâu một câu Phật hiệu bao gồm cả Tam học giới định huệ. Nhất tâm trì danh hiệu không có tạp niệm, chính là đừng làm các điều ác. Một câu Phật hiệu, vô lượng công đức đều nằm trong ấy, chính là vâng làm các điều thiện, trọn đủ đại thừa Bồ Tát Giới. Nhất tâm xưng niệm, nhất tâm là định, định học trọn đủ.

Tín, nguyện, trì danh, là trí huệ bậc nhất, huệ học trọn đủ. Tam học ấy chính là tam học rốt ráo viên mãn.

Cổ đức nói: Đây chính là con đường tu học thành Phật gần nhất. So sánh giữa đại thừa và tiểu thừa, đại thừa đi theo đường gần. So sánh giữa các pháp môn đại thừa với Thiền Tông thì Thiền Tông lại gần hơn rất nhiều. So sánh giữa Thiền và Tịnh, Tịnh lại càng gần hơn nữa. Trong Kinh dạy từ một ngày đến bảy ngày liền có thể vãng sanh.

Trong vãng sanh Truyện và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục chẳng thiếu những trường hợp như thế, chứng minh những điều Kinh nói là chân thật, chẳng dối. Hiểu rõ đạo lý, vừa nghe liền tin tưởng, đúng như pháp tu trì, hoàn toàn chẳng hoài nghi, người như vậy thuộc căn tánh Bồ Tát.

Chữ Tây Phương nhằm trình bày nơi chốn hiện thời của Thế Giới Cực Lạc, cách Thế Giới Ta Bà của chúng ta mười vạn ức Cõi Phật. Nhìn thì có vẻ xa, nhưng thật ra, khi lâm chung Phật đến tiếp dẫn, vãng sanh chỉ là chuyện trong khoảng sát na, đừng nên khởi vọng tưởng.

Khi La Thập Đại Sư dịch Kinh này, nghĩ tưởng chúng ta đều là kẻ đới nghiệp, phàm tình chưa đoạn, khó thể tránh khỏi có lúc nhớ nhà. Người trong cõi Tây Phương thiên nhãn thấy thấu suốt, thiên nhĩ nghe thông suốt, có thể thấy người nhà, quyến thuộc đang ở trong đường nào. Nếu muốn quan tâm đến họ, trong sát na liền có thể quay về Thế Giới Ta Bà.

Câu tùng thị Tây Phương chỉ phía Tây của tam thiên đại thiên Thế giới này, chứ không phải là phía Tây của địa cầu. Hiện thời, Thiên văn học có khái niệm gọi là Hoàng Cực, Ecliptic pole, địa cầu của chúng ta có Nam Cực và Bắc Cực. Hệ Ngân Hà cũng chuyển động, hai đầu trục chuyển động của hệ Ngân Hà gọi là Hoàng Cực.

Trước kia, người ta thường suy đoán một tam thiên đại thiên Thế giới như Đức Phật đã nói, đại khái là một hệ Ngân Hà, Milky Way. Pháp vận của Đức Phật bất quá là một vạn hai ngàn năm, góc xoay của hệ Ngân Hà chỉ có thể chuyển dịch chừng một, hai độ. Cách nói này nghe cũng khá hợp lý.

Nếu chiếu theo cách lập luận của lão cư sĩ Hoàng niệm Tổ thì Kinh Phật gọi một hệ Ngân Hà là một đơn vị Thế Giới. Do vậy, một tam thiên đại thiên Thế giới có mười ức hệ Ngân Hà.

Căn cứ theo Kinh Văn đã dạy, một núi Tu Di Sumeru, bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi phía có một châu, cùng được một mặt trời, mặt trăng chiếu soi, được một núi Thiết Vy, Cakravāda parvata bao quanh, thì gọi là một Tứ Thiên Hạ.

Một ngàn Tứ Thiên Hạ gọi là một tiểu thiên Thế giới, một ngàn tiểu thiên Thế giới gọi là một trung thiên Thế giới. Một ngàn trung thiên Thế giới gọi là một đại thiên Thế giới.

Nếu có người hỏi, vì sao Thế Giới Cực Lạc ở phương Tây?

Nếu như Thế Giới Cực Lạc ở phương Đông, ắt sẽ lại hỏi vì sao ở phương Đông?

Hỏi như vậy tức là giỡn chơi. Huống chi, nếu ở tại mười một vạn ức Cõi Phật, quay đầu nhìn lại Cực Lạc thì Cực Lạc đã thuộc về phương Đông rồi, phương vị đâu có nhất định. Thân thể là chánh báo, những gì để thân thể nương vào mà tồn tại như thức ăn, quần áo, hoàn cảnh cư trú và Thế giới được gọi là y báo.

Thế giới này có tên là Ta Bà, dịch nghĩa là Kham Nhẫn. Hai chữ Thế Giới xét theo Lục Thư thì thuộc về loại Hội Ý. Ba mươi năm là một Thế, đời quá khứ, đời hiện tại, đời vị lai là thời gian. Theo chiều ngang trọn khắp mười phương, nhằm định ranh giới là không gian. Hợp nhất thời gian và không gian là Thế giới.

Cực Lạc, tiếng Phạn là Tu Ma Đề, còn gọi là An Dưỡng, An Lạc, Thanh Thái v.v... có nghĩa là vĩnh viễn lìa khỏi các khổ, an ổn bậc nhất.

Tây Phương Thế Giới chia thành bốn cõi:

1. Phàm Thánh đồng cư độ: Là chỗ ở của kẻ đới nghiệp vãng sanh. Do đới nghiệp mang theo nghiệp nặng hay nhẹ khác nhau, nên chia thành ba bậc chín phẩm. Tu hành phải nên tận hết sức tiêu trừ nghiệp chướng, sẽ có thể nâng cao phẩm vị khi sanh về Tây Phương. Ở đây, tôi chỉ giảng đại lược từ ngữ ngũ trược pañca kasāyāh.

Kiếp trược Kalpa kasāyāh: Trược là ô nhiễm, kiếp chỉ thời gian. Chúng sanh tội ác sâu nặng chiêu cảm đời loạn, nhân dân bệnh tật, khốn khổ, trong lịch sử thường gọi là thời đại hắc ám.

Kiến trược Drsti kasāyāh: Tức là chúng sanh quan sát nhân sinh và vũ trụ, nẩy sanh những cách nhìn sai lầm, mà tự cho là đúng.

Phiền não trược Klesa kasāyāh: Hoài nghi giáo huấn của Chư Phật, Bồ Tát, Cổ Thánh, Tiên Hiền, trái nghịch lời răn dạy, chẳng chịu vâng giữ, làm theo.

Sách hành sự Sao Tư Trì Ký còn giảng: Phiền não trược chính là Ngũ độn sử.

Chúng sanh trược Sattva kasāyāh: Là quả báo của kiến trượcphiền não trược, tức là sự ô nhiễm trong hoàn cảnh sống. Chẳng hạn như không khí, nguồn nước và những hoàn cảnh khác bị ô nhiễm, khí hậu biến đổi dị thường, đều thuộc về loại trược này.

Mạng trược Āyu kasāyāh: Thọ mạng giảm ngắn, chẳng thể hưởng hết tuổi Trời, là chướng ngại lớn nhất cho sự tu hành. Hôm nay, đọc đến đoạn Kinh Văn này, nhận biết sâu xa Đức Phật đã có tiên kiến, gần như hoàn toàn nói trực tiếp đến thời đại hiện tại.

Phật dạy: Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh.

Lại nói: Hết thảy pháp chỉ do tâm hiện, chỉ do thức biến, đủ biết rằng: Đoạn trừ các điều ác, khôi phục sự thanh tịnh, ắt phải dốc công nơi tâm địa, tâm tịnh thì cõi nước tịnh. Thân và tâm là chánh báo, hoàn cảnh là y báo.

Đức Phật thường nói: Y báo chuyển theo chánh báo, vì thế, tu tâm là bậc nhất.

2. Phương tiện hữu dư độ: Là nơi ở của Quyền giáo Bồ Tát và A La Hán, Bích Chi Phật. Tây Phương Thế Giới không có nhị thừa, thuần là Bồ Tát. Những người đới nghiệp vãng sanh, chưa đoạn phiền não, hạ hạ phẩm vãng sanh, sanh sang Tây Phương cũng mang thân phận Bồ Tát, chẳng phải là tiểu thừa.

Bất quá, Bồ Tát thuộc địa vị Sơ tín là học trò lớp một, nếu học đến lớp bảy tức địa vị Thất tín, đã đoạn kiến tư phiền não, thật sự đạt được thân tâm thanh tịnh, liền đạt đến Phương tiện hữu dư độ.

Niệm Phật mà niệm đến mức sự nhất tâm bất loạn, liền sanh về Phương tiện hữu dư độ. Tiểu thừa A La Hán, Bích Chi Phật và Quyền giáo Bồ Tát chấp trước nặng nề, dùng phương pháp phân tích, giác ngộ thân tâm Thế Giới đều chẳng phải là tướng chân thật, biết vạn vật là nhất hiệp tướng. Bất luận động vật, thực vật, hay khoáng vật đều cùng do một loại vật chất cơ bản kết hợp thành.

Dùng tích không quán, quán sát theo cách lần lượt phân tích sự vật cho đến khi thấy bản chất của chúng là không để khế ngộ thật tướng thì phương pháp ấy là vụng về. Ngoài ra, còn có một hạng người thông minh, vừa nghe Đức Phật nói liền có thể ngộ đến mức thấu hiểu, nhập vào không quán, đấy gọi là thể không xảo độ, so ra khéo léo hơn.

Nếu dùng Tứ giáo của Tông Thiên Thai, tức Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo, để so sánh thì căn tánh nhạy bén nhất là Viên giáo, kế đến là Biệt giáo, rồi mới đến Thông giáo và Tạng giáo.

Những điều vừa nói trên đây có lẽ khá phức tạp, chỉ dựa theo lời Đại Sư giải thích, thì mỗi Cõi Phật gồm có bốn cõi, mỗi cõi đều chia thành tịnh và uế. Phương tiện hữu dư độ, nếu dùng phép quán phân tích cái không vụng về để chứng nhập thì là uế, còn thể nhập không quán một cách khéo léo thì là tịnh. Tuy cùng trong một Cõi Phật, trong ấy vẫn có đẳng cấp tịnh và uế khác nhau, mong quý vị hãy khéo thấu hiểu.

3. Thật báo vô chướng ngại độ: Còn gọi là Thật báo trang nghiêm độ, tức cảnh giới sự vô ngại, sự sự vô ngại như Kinh Hoa Nghiêm đã nói, là chỗ của bốn mươi mốt địa vị pháp thân Đại Sĩ. Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên giáo, Sơ địa Bồ Tát trong Biệt giáo, phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân thì mới có thể đạt đến cảnh giới này, đấy là địa vị kiến tánh.

Nói theo Tịnh Tông thì là lý nhất tâm bất loạn. Sự nhất tâm sẽ sanh về Phương tiện hữu dư độ, lý nhất tâm bèn sanh về Thật báo trang nghiêm độ. Bí quyết chính là một câu Phật hiệu niệm đến tột cùng, chẳng cần phải bận tâm, nước chảy mãi sẽ thành suối.

Nếu muốn hỏi như thế nào thì mới được coi là lý nhất tâm, sẽ chẳng có hy vọng gì đâu. Vì tâm chẳng thanh tịnh. Bà cụ già trong làng quê chuyện gì cũng chẳng hiểu, bà ta có thể niệm đến sự nhất tâm hoặc lý nhất tâm, lâm chung biết trước lúc mất, tự tại vãng sanh.

Thứ đệ tam quán và nhất tâm tam quán đều là những danh từ trong Tông Thiên Thai. Thiên Thai Đại Sư dạy phương pháp tu hành gồm tam chỉ, tam quán.

Trước hết là quán không rồi đến quán giả, cuối cùng là quán trung. Đấy là thứ đệ tam quán, thực hành tam quán theo thứ tự, khế hợp với căn cơ trung hạ. Bậc lợi căn trong một niệm liền chính là không, giả, trung, viên mãn tam không, tam quán, không có giới hạn. Trong một niệm mà tu trọn tam quán nằm ngay trong một câu Phật hiệu.

Cái tâm để niệm Phật nằm ở chỗ nào?

Chẳng thể được!

Đức Phật được niệm ở chỗ nào?

Cũng chẳng thể được. Quán sát trên mặt thể, đều trọn chẳng thể được, chính cái thể ấy là không. Trên mặt sự thì giả có, vì sự tướng vẫn rành rành. Nhưng không và giả là một, không chẳng trở ngại giả, giả chẳng trở ngại không, không và giả giống hệt như một thì chính là trung đạo.

Trong một niệm, không, giả, trung đều đầy đủ. Sau khi hiểu rõ lý và sự, điều gì cũng buông xuống, chẳng quan tâm đến nữa, một câu Phật hiệu ấy tương ứng với nhất tâm tam quán, thật sự niệm thành công.

Kiến tư, trần sa, vô minh đều chẳng còn nữa, bèn đoạn trọn vẹn ba hoặc. Kiến tư hoặc, trần sa hoặc, vô minh hoặc, chứng trọn vẹn ba đức pháp thân, giải thoát, bát nhã thì kiến tánh, trí huệ bát nhã hiện tiền, thông đạt hết thảy pháp, quá khứ, hiện tại, vị lai đều hiện trước mắt, đắc đại tự tại.

Đạt đến cảnh giới ấy, tức là đắc niệm Phật tam muội, cũng chớ nên sanh tâm hoan hỷ. Hễ hoan hỷ thì cảnh giới ấy sẽ chẳng còn nữa.

Giải: Thường tịch quang độ, phần chứng giả uế, cứu cánh mãn chứng giả tịnh. Kim vân Cực Lạc Thế Giới, chánh chỉ Đồng cư Tịnh Độ, diệc tức hoành cụ thượng tam Tịnh Độ dã. Hữu Phật hiệu A Di Đà, tự chánh báo giáo chủ chi danh dã, phiên dịch như hạ quảng thích.

Phật hữu tam thân, các luận đơn, phức. Pháp thân đơn, chỉ sở chứngtánh. Báo thân đơn, chỉ năng chứng công đức trí huệ. Hóa thân đơn, chỉ sở hiện tướng hảo sắc tượng.

Pháp thân phức giả, tự tánh thanh tịnh pháp thân, ly cấu diệu cực pháp thân. Báo thân phức giả, tự thụ dụng báo thân, tha thụ dụng báo thân. Hóa thân phức giả, thị sanh hóa thân, ứng hiện hóa thân. Hựu, Phật giới hóa thân, tùy loại hóa thân. Tuy biện đơn phức tam thân, thực phi nhất, phi tam, nhi tam, nhi nhất. Bất tung hoành, bất tịnh biệt, ly quá, tuyệt phi, bất khả tư nghị. Kim vân A Di Đà Phật, chánh chỉ Đồng cư độ trung thị sanh hóa thân.

Nhưng phức tức báo, tức pháp dã. Phục thứ, Thế giới cập Phật, giai ngôn hữu giả, cụ tứ nghĩa, đích tiêu thực cảnh, linh hân cầu cố. Thành ngữ chỉ thị, linh chuyên nhất cố. Giản phi càn thành, dương diễm, phi quyền hiện khúc thị, phi duyên ảnh hư vọng, phi bảo chân thiên đản, phá ma, tà, quyền, tiểu cố, viên chương tánh cụ, linh thâm chứng cố.

Giải: Thường tịch quang độ, phần chứng là uế, rốt ráo chứng viên mãn là tịnh. Thế Giới Cực Lạc đang được nói ở đây chính là nói về Đồng cư tịnh độ, mà cũng là Cõi Tịnh độ theo chiều ngang có đủ cả ba Cõi Tịnh độ trên. Câu có Phật hiệu là A Di Đà nhằm nêu ra danh hiệu của vị giáo chủ trong chánh báo, sẽ được giải thích rộng rãi trong tiểu đoạn giảng về sự phiên dịch danh hiệu vị Phật này trong phần sau.

Phật có ba thân, với mỗi thân đều luận thân đơn và thân kép. Pháp thân đơn chỉ cho tánh được chứng, báo thân đơn chỉ trí huệ, công đức có công năng chứng lý tánh ấy, hóa thân đơn chỉ các hình tượng, tướng hảo đã được hiện bởi chân tâm. Pháp thân kép gồm tự tánh thanh tịnh pháp thân pháp thân.

Báo thân kép gồm tự thụ dụng báo thân tha thụ dụng báo thân. Hóa thân kép gồm thị sanh hóa thân và ứng hiện hóa thân. Lại còn có Phật giới hóa thân và tùy loại hóa thân. Tuy phân biệt ba thân đơn và kép, nhưng thật ra, chúng chẳng phải một, chẳng phải ba, nhưng là ba, là một, chẳng dọc ngang, chẳng cùng tồn tại hay sai khác, lìa lỗi, dứt sai, chẳng thể nghĩ bàn.

Nay nói A Di Đà Phật chính là nói về thị sanh hóa thân của A Di Đà Phật trong Cõi Đồng cư, nhưng thân phức cũng chính là pháp thân, cũng chính là báo thân. Lại nữa, trong chánh Kinh, đối với Thế giới và Phật đều nói là có.

Hai chữ có ấy gồm đủ bốn nghĩa, Tứ Tất đàn: Nêu ra cảnh thật khiến cho người nghe vui thích, mong cầu. Lời thành thật chỉ bày khiến cho người nghe chuyên nhất. Nhằm phân biệt rõ ràng Cõi Cực Lạc chẳng phải là thành Càn Thát Bà, hay là bóng nước gợn khi trời nắng gắt, chẳng phải là quyền biến thị hiện hay nói phương tiện nhằm thuận theo căn tánh, chẳng phải là bóng dáng hư vọng của các duyên, chẳng phải là khư khư giữ lấy thiên chân Niết Bàn, phá dẹp ma, tà, quyền, tiểu.

Phô bày trọn vẹn tánh vốn trọn đủ, nhằm làm cho người nghe chứng nhập sâu xa.

Cõi Thường tịch quang: Các Kinh đại thừa thường nói Thường tịch quang tịnh độ là cảnh giới nơi quả địa Như Lai. Theo cách nói của Tông Thiên Thai thì Tạng giáo và Thông giáo chỉ đoạn kiến tư phiền não, chưa phá vô minh, đương nhiên không tính tới. Thành Phật trong Biệt giáo sẽ chứng nhập Cõi Thường tịch quang.

Nhưng nếu so sánh giữa Biệt giáo và Viên giáo thì hàng Sơ địa trong Biệt giáo phá một phần vô minh, chứng một phần pháp thân, được gọi là pháp thân Đại Sĩ, trên địa vị Thập địa Bồ Tát lại có thêm địa vị Đẳng Giác, phá mười một phẩm vô minh liền chứng địa vị Diệu Giác tức là thành Phật.

Như vậy thành Phật trong Biệt giáo là phá cả mười hai phẩm vô minh. Thế nhưng vô minh có tất cả bốn mươi hai phẩm, vị Bồ Tát thành Phật trong Biệt giáo chỉ mới phá được mười hai phẩm, vẫn còn ba mươi phẩm vô minh chưa phá.

Đấy là quả vị Phật trong Biệt giáo. Cảnh giới được chứng bởi vị ấy là uế độ của Cõi Thường tịch quang. Đức Phật trong Viên giáo đã phá sạch bốn mươi hai phẩm vô minh, viên mãn chứng đắc Phật Quả. Cảnh giới của vị ấy là Thường tịch quang tịnh độ.

Pháp môn Tịnh Độ hết sức đặc biệt, lạ lùng, dẫu là kẻ đới nghiệp vãng sanh, sanh vào Cõi Phàm Thánh đồng cư, cũng có thể hưởng thụ cảnh giới Thường tịch quang độ, các Kinh, Luận, pháp môn khác đều không có chuyện này. Bởi lẽ, bọn phàm phu chúng ta trong một đời chẳng thể nào chứng đắc ba cõi phía trên tức Thường tịch quang, Phương tiện hữu dư và Thật báo trang nghiêm.

Chúng ta muốn đoạn phiền não quả thật chẳng dễ dàng. Dẫu đoạn được kiến tư phiền não thì bất quá cũng chỉ là địa vị A La Hán trong tiểu thừa hay địa vị Thất tín Bồ Tát trong Viên giáo. Nếu muốn sanh vào Cõi Phương tiện hữu dư, trong một đời khó thể nào đạt được.

Đối với Cõi Thật báo và Cõi Tịch quang, khỏi cần phải nhắc tới nữa. Riêng Cõi Phàm Thánh đồng cư, chỉ cần có thể chế phục phiền não là được, chế phục dễ hơn đoạn trừ. Nhưng chế phục phiền não cũng cần phải dụng công, phiền não tuy có, nhưng giữ sao cho nó chẳng khởi tác dụng.

Theo đường lối thông thường thì dùng định, định có thể chế phục phiền não. Pháp môn Tịnh Tông thì dùng một câu Phật hiệu để chế phục phiền não, so với thiền định dễ dàng hơn nhiều. Niệm Phật chỉ cần nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối là được.

Chánh niệm là một câu Phật hiệu, Cổ Đức thường nói: Buông xuống vạn duyên, đề khởi chánh niệm. Trừ một câu Phật hiệu ra, tất cả hết thảy ý niệm đều là vọng tưởng, không có gì là chân thật.

Kinh Kim Cang dạy: Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng. Pháp hữu vi bao gồm hết thảy ý niệm, kiến giải, tư tưởng của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể sanh về Cõi Phàm Thánh đồng cư, chứ không thể lên cao hơn, nhưng cả ba cõi trên đều có thể thụ dụng được, thật là chẳng thể nghĩ bàn.

Trong các Thế Giới Chư Phật khác, ắt phải đoạn kiến tư phiền não thì mới có thể hưởng thụ cõi Phương Tiện, phá một phần vô minh thì mới có thể thụ dụng Cõi Thật báo, nhất định phải dựa vào công phu của chính mình.

Kinh dạy: Sanh về Tây Phương sẽ cùng ở một chỗ với các vị thượng thiện nhân.

Nếu chẳng thể đồng thời hưởng thụ cảnh giới của ba cõi trên thì làm sao có thể thấy được các vị thượng thiện nhân?

Thế Giới Ta Bà của chúng ta cũng là Cõi Phàm Thánh đồng cư, nhưng chúng ta không thấy A La Hán, Bồ Tát, càng chẳng thể thấy Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí. Ở Tây Phương, hằng ngày gặp gỡ các Ngài, vì có chuyện này nên trong Kinh Vô Lượng Thọ Đức Phật đã dạy, A Di Đà Phật là Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương, quang minh tôn quý nhất, là Vua trong các Phật.

Đọc đến chỗ này liền hiểu rõ: Do tín nguyện trì danh, ắt sẽ đạt được công đức và lợi ích thù thắng như trong Kinh đã dạy. Phật có ba thân là pháp thân, báo thân và ứng hóa thân. Pháp thân là lý, báo thân và hóa thân là sự. Lý là chủ thể có công năng biến hiện năng biến, sự là cái được biến hiện, sở biến.

Lý chính là chân như bổn tánh như trong Kinh đã nói. Kinh Hoa Nghiêm nói tới nhất chân pháp giới, lại nói bất khả tư nghị giải thoát cảnh giới, cảnh giới giải thoát chẳng thể nghĩ bàn đều là nói về sự việc này. Những danh từ, thuật ngữ đồng nghĩa với nhất chân pháp giới nhiều đến mấy chục thứ.

Vì sao lại nói ra nhiều danh từ?

Nhằm mục đích khiến cho chúng ta đừng chấp trước danh tướng, khiến cho chúng ta lìa khỏi tướng danh tự, lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng tâm duyên, thì mới có thể thật sự thấu hiểu chân tướng của nó. Bản thể của vũ trụ vạn hữu như các nhà triết học đã nói chính là pháp thân.

Báo thân là trí huệ. Báo thân là trí có khả năng chứng đắc, năng chứng trí, pháp thân là được chứng, sở chứng lý bởi cái trí ấy. Lý và t là một, chẳng phải hai. Trong triết học, năng  sở đối lập với nhau, nhưng Phật Pháp nói trí năng chứng và lý sở chứng là một, chẳng thể tách rời.

Hóa thân còn gọi là ứng thân nhằm lợi ích chúng sanh, nên dùng thân nào để độ được bèn hiện thân ấy để thuyết pháp. Chư Phật, Bồ Tát ứng hiện tùy theo từng loại chúng sanh. Tam thân của Chư Phật, Bồ Tát rõ ràng, tam thân của chúng ta chẳng rõ ràng, vì tâm của chúng ta bị vọng tưởng, chấp trước, thất tình, ngũ dục mê hoặc. Sự giáo học của Đức Phật chỉ nhằm phá mê, khai ngộ.

Hễ ngộ sẽ liền chứng đắc pháp thân. Cái thân hiện thời của chúng ta là thân nghiệp báo, thuận theo nghiệp mà hứng chịu quả báo. Luân hồi trong lục đạo là vì chính mình mê mất tự tánh, do tạo nghiệp thiện hay ác mà biến hiện ra. Làm thế nào để khôi phục tam thân, làm thế nào mới thụ dụng được tam thân, đấy chính là những chủ đề dạy dỗ chánh yếu của Đức Phật.

Từ ngữ pháp thân đơn chỉ tánh được chứng. Lý và sự là một, tánh và tướng là một. Đấy là chân tướng của nhân sinh và vũ trụ, mà cũng chính là pháp thân. Báo thân đơn chính là công đức trí huệ có công năng chứng được lý tánh.

Hiểu minh bạch, đích xác chân tướng của nhân sinh và vũ trụ thì gọi là trí huệ, đấy là báo thân. hóa thân đơn chỉ tướng hảo, sắc tướng được biến hiện. Đấy là tha thụ dụng.

Vì sao có sanh, lão, bệnh, tử?

Là vì chúng ta có tự thụ dụng, tức là chính mình mong cầu hưởng thụ. Chư Phật, Bồ Tát chẳng tự thụ dụng, thân cũng không có tướng, những tướng ấy nhằm để cho người khác hưởng dùng, tha thụ dụng.

Vì thế, các Ngài không có sanh, lão, bệnh, tử. Phật Pháp dạy vô ngã, đối với chính mình thì nói là không có ngã, nhưng đối với người khác thì nói có ngã. Có ngã là để cho người khác thụ dụng, ngã là công cụ để giáo hóa chúng sanh giác ngộ.

Vì vậy, thân của Chư Phật, Bồ Tát tùy theo sự cảm ứng của chúng sanh mà hiện. Kinh Điển kể ra ba mươi hai ứng thân của Quán Âm Bồ Tát thì ba mươi hai ứng thân ấy là những loại tổng quát, hoàn toàn là vô tâm, mà cũng là vô niệm, nên mới có thể cảm ứng. Như gõ chuông, gõ mạnh, chuông ngân to.

Gõ nhẹ, chuông ngân nhỏ. Đức Phật thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, giảng Kinh hơn ba trăm hội, đều là hễ hỏi liền đáp, chẳng phải suy nghĩ. Do vậy, học Phật trong hết thảy thời, trong hết thảy chỗ, trong hết thảy cảnh duyên, chẳng sanh một niệm, chỉ dùng một câu A Di Đà Phật, dùng nhất niệm để dứt hết thảy vọng niệm.

Pháp Môn này hay khéo, dễ dàng, bởi lẽ, một niệm dễ tu hơn vô niệm rất nhiều. Trong quá khứ, ta thấy phương pháp tiếp dẫn chúng sanh của nhiều vị đại đức là sử dụng thân giáo, dùng hành vi, ứng xử nơi thân để giáo hóa, không dùng tới ngôn ngữ.

Có khi dùng ngôn giáo, dạy dỗ bằng lời nói nhằm giải nói tường tận. Tùy căn tánh và hoàn cảnh khác biệt của từng người mà đều có thể khiến cho chúng sanh được lợi ích. Pháp môn vô lượng vô biên, nhưng mục tiêu chỉ có một, tuy khác đường nhưng cùng về một nơi.

Pháp thân phức:

Loại thứ nhất là tự tánh thanh tịnh pháp thân. Thân này chỉ về bản thể, cũng chính là pháp thân đơn, mọi người chúng ta ai nấy đều có.

Loại thứ hai là ly cấu diệu cực pháp thân. Nói theo phương diện sự tướng, cấu là vô minh phiền não. Cũng xét theo quả vị Như Lai trong Viên giáo, bốn mươi mốt phẩm vô minh đều đoạn sạch thì gọi là ly cấu diệu cực pháp thân.

Do Đẳng giác Bồ Tát còn có một phần sanh tướng vô minh chưa phá nên chẳng thể xưng là diệu cực. Khi thành Phật bèn có diệu cực pháp thân, từ Bồ Tát trở xuống đều không có.

Báo Thân phức chia thành tự thụ dụng báo thân và tha thụ dụng báo thân. Kinh Bát Nhã gọi thật trí là tự thụ dụng báo thân. Kinh Bát Nhã nói bát nhã vô tri, tự thụ dụng là vô tri. Phật vì chúng sanh thuyết pháp bèn sử dụng quyền trí, còn trí để chính Phật tự thọ dụng là thật trí. Phật là nói mà không nói, không nói mà nói. Tâm Phật thật sự thanh tịnh.

Hóa thân phức chia thành thị sanh hóa thân và ứng hiện hóa thân. Thị sanh hóa thân, thân thị hiện cho chúng sanh là như Phật trụ trong thế gian, thị hiện có thân hình giống hệt như người đời, giảng Kinh, thuyết pháp, tám mươi tuổi viên tịch. Ứng hiện hóa thân là thân cảm ứng xuất hiện khi cần thiết.

Trong quá khứ, trước thời kháng chiến, vợ của tiên sinh Châu Bang Đạo sang Nam Kinh sống, đã gặp Địa Tạng Vương Bồ Tát hóa duyên. Đấy chính là ứng hiện hóa thân của Bồ Tát. Họ Châu nhà cửa rất to, có ba lớp cửa.

Một hôm, có một vị xuất gia đến nhà họ, hướng về Châu phu nhân hóa duyên, xin bà phát tâm cúng dường năm cân dầu thơm. Thuở ấy, Châu phu nhân còn chưa học Phật, chưa hề gật đầu ưng chịu, tiếp đãi hời hợt khiến vị xuất gia ấy bỏ đi.

Sau đấy, Châu phu nhân nghĩ lại, nhà ta có ba lớp cửa, đều chưa mở khóa, làm sao vị xuất gia này lại bước vào được, thật chẳng hiểu nổi. Về sau, đến Đài Loan đem chuyện ấy hỏi thầy Lý.

Thầy Lý nói: Vị xuất gia ấy chính là Địa Tạng Bồ Tát. Vợ chồng Châu tiên sinh nghe xong hết sức hối tiếc.

A Di Đà Phật!

***