Haèng thuaän chuùng sanh
Tuyø hyû coâng ñöùc

tinhdo.edu.vn

PHẬT THUYẾT KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN GIẢNG KÝ - TẬP BẢY

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT

BỔN NGUYỆN GIẢNG KÝ

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP BẢY
 

Xin mở Kinh. Lần trước giảng tới đoạn Đức Phật dạy cô Bà La Môn dùng pháp môn niệm Phật sẽ biết được mẹ mình sau khi chết thần hồn thác sanh vào cõi nào. Chúng ta biết Phật Pháp đại thừa, tiểu thừa, pháp môn vô lượng vô biên, môn nào cũng có thể thành vô thượng đạo.

Tại sao Phật chẳng dạy cô dùng phương pháp Tham Thiền, Trì Giới, Trì Chú?

Tại sao không dạy những pháp môn này mà lại đặc biệt dạy pháp môn niệm Phật, chúng ta nhất định phải hiểu hàm ý ở đây. Bất cứ pháp môn nào cũng có thể đạt được định, đều có thể khai huệ, tổng cương lãnh của việc tu học Phật Pháp tức là định, huệ, chư vị nhất định phải hiểu việc này.

Cho nên vô lượng pháp môn đều là phương pháp tu định, huệ, đều là cánh cửa để khai trí huệ, phương pháp và cửa vào chẳng giống nhau, nhưng mục tiêu đạt được hoàn toàn giống nhau.

Trong ấy đích thật có sự sai khác dựa trên căn tánh khó hay dễ, duy chỉ có pháp môn niệm Phật là bao trùm cả ba căn, bất luận là lợi căn hay độn căn, hơn nữa thành tựu nhanh chóng, ổn thỏa, thích đáng, dễ dàng, thế nên Phật dùng pháp môn này để dạy cô.

Cô quả thật rất giỏi, nếu nói theo pháp môn của chúng ta, cô thuộc về người hạng căn tánh thượng đẳng, vì cô chỉ niệm một ngày một đêm liền đạt được nhất tâm bất loạn, được định.

Trong Ðịnh, cảnh giới hiện tiền, chỉ có cô mới có thể nhìn thấy. Nếu Phật nói cho cô biết mẹ cô đã sanh lên Trời Ðao Lợi được ba ngày rồi, chưa chắc cô có thể tin tưởng, vì chẳng chắc thật.

Cô nghĩ có lẽ Phật thấy cô rất đáng thương nên an ủi mình, chưa chắc đã là thật. Nhưng Phật chẳng nói dối, nhất định phải là thật. Lòng tin này chẳng chắc thật. Cô đích thân đến địa ngục để xem, thế thì chẳng nói lời nào được nữa.

Hơn nữa mẹ cô làm sao có thể sanh lên trời?

Nhất định chẳng do Phật lực, hôm qua tôi đã nói với chư vị. Nhờ tăng thượng duyên của mẹ giúp cho cô dũng mãnh tinh tấn, nội trong một ngày có thể thành tựu niệm Phật tam muội, mẹ cô nhờ công đức này nên được sanh lên trời.

Nếu cô chẳng thể dũng mãnh tinh tấn, chẳng đạt được niệm Phật tam muội, thì mẹ cô chẳng được phước lớn như vậy. Phước của mẹ cô lớn hay nhỏ là dựa trên công phu tu trì của cô sâu hay cạn. Lý luận này mới hợp tình, hợp lý, hợp pháp.

Thế nên thời xưa khi con cháu đỗ đạt vinh hiển, cha mẹ và Tổ Tiên của người ấy đều được triều đình phong thưởng, tại sao triều đình phải phong thưởng cha mẹ, Tổ Tiên?

Chúng ta thấy trong lịch sử khi triều đình phong quan, tuy cha mẹ của người ấy chẳng còn tại thế, đã qua đời, đều phong tước vị cho cha mẹ bằng với tước vị của người ấy.

Tại sao?

Người ấy là hiếu tử, thành tựu của ông ấy là nhờ cha mẹ dạy dỗ, ông ấy vì muốn báo ân cha mẹ nên mới dũng mãnh tinh tấn, cha mẹ, ông bà đối với ông ấy đều là tăng thượng duyên thiện, là đạo lý như vậy nên triều đình mới phong thưởng.

Ði khắp nơi trong các cõi nước của Chư Phật, hư không pháp giới, đạo lý này đều được hết thảy chúng sanh khẳng định, chân lý vĩnh hằng chẳng thay đổi chính là ở chỗ này. Ðọc Kinh này xong chúng ta mới biết làm sao siêu độ, siêu độ sẽ được lợi ích gì, đây là thật chẳng giả.

Kinh Ðịa Tạng là Kinh căn bản của Ðại Thừa Phật Pháp, thật ra phải giảng kỹ nhưng thời gian có hạn, chúng tôi chỉ giảng hai mươi buổi, bốn mươi giờ, chẳng thể nói kỹ. Tương lai chúng tôi nhất định sẽ tìm thời gian giảng kỹ hơn, đây là pháp căn bản cho sự tu học của chúng ta, nhất định không được coi thường.

Chúng ta xem tiếp Kinh Văn: Thời Bà La Môn nữ tầm lễ Phật dĩ tức quy kỳ xá, dĩ ức mẫu cố. Lúc đó Thánh Nữ Bà La Môn lễ Phật xong liền trở về nhà. Vì nhớ mẹ. Câu này quan trọng.

Tại sao có thể y giáo phụng hành?

Tại sao có thể ngồi ngay ngắn niệm, ngồi ngay ngắn tức là dùng tâm chân thành, nhất tâm niệm Phật.

Vì nhớ mẹ tức là phát tâm bồ ðề, tương ứng với nguyên tắc của Kinh Vô Lượng Thọ: Phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm. Ðoan tọa niệm Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai. Kinh nhất nhật nhất dạ. Ngồi ngay thẳng niệm Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai. Trải qua một ngày một đêm.

Cô không ngủ, không nghỉ. Trong Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục chúng ta thấy Pháp Sư Oánh Kha đời Tống, truyện ký ghi vị Tỳ Kheo phá giới này đã làm rất nhiều ác nghiệp. Ưu điểm của ông là tự mình biết đã tạo ác quá nhiều nên tương lai nhất định sẽ đọa địa ngục.

Ðã biết rồi tại sao còn tạo nghiệp?

Vì tập khí quá nặng, khi gặp ác duyên chẳng thể tự kiềm chế. Nhưng ông biết tương lai đọa địa ngục rất dễ sợ, nghĩ đến quả báo này nên ông rất sợ. Ông hỏi những đồng tham đạo hữu, họ cho ông một cuốn Vãng Sanh Truyện. Coi xong ông rất cảm động, đóng cửa lại niệm Phật, không ngủ, không ăn, cũng không uống nước, niệm suốt ba ngày ba đêm, A Di Ðà Phật đến.

Kinh Di Ðà nói nếu niệm một ngày, nếu hai ngày, nếu ba ngày đến bảy ngày, chúng ta thấy được, đây là thật chẳng giả. Chúng ta niệm Phật hết bảy ngày, niệm hết bảy lần bảy ngày nhưng cũng không thấy Phật, đó là vì chẳng đúng như pháp, vừa niệm vừa khởi vọng tưởng, tạp niệm, cho nên chẳng có cảm ứng. Niệm Phật đúng cách thì một tạp niệm cũng chẳng có.

Giống Pháp Sư Oánh Kha vì sợ đọa địa ngục, cứu mạng khẩn cấp nên chẳng khởi một tạp niệm, đây là người có căn tánh hạng trung bình. Thánh Nữ Bà La Môn là người thượng căn, một ngày một đêm liền thành tựu, Pháp Sư Oánh Kha ba ngày ba đêm thành tựu, chí thành khẩn thiết cảm động Phật đến ứng. Ðây là một ngày một đêm đạt được niệm Phật tam muội, được sự nhất tâm bất loạn.

Hốt kiến tự thân, đáo nhất hải biên kỳ thủy dũng phất, đa chư ác thú tận phục thiết thân, phi tẩu hải thượng đông tây trì trục. Kiến Chư nam tử nữ nhân bá thiên vạn số xuất một hải trung, bị chư ác thú tranh thủ thực đạm.

Bỗng thấy thân mình đến một bờ biển, nước biển sôi sùng sục, có nhiều thú dữ toàn thân bằng sắt bay nhảy trên biển, chạy qua chạy lại đuổi nhau, lại thấy nhiều người trai và gái, số nhiều đến trăm ngàn muôn, thoạt chìm thoạt nổi trong biển, bị các thú dữ tranh giành ăn nuốt.

Ðây là cảnh giới trong Ðịnh, cô thấy được hiện tượng địa ngục, thấy những người này đang thọ tội, chúng ta xem đoạn Kinh tiếp theo: Hựu kiến Dạ Xoa. Lại thấy Dạ Xoa. Dạ Xoa là ác quỷ trong địa ngục.

Kỳ hình các dị. Hình dáng khác nhau. Hình dáng kỳ quái.

Hoặc đa thủ đa nhãn đa túc đa đầu, khẩu nha ngoại xuất lợi nhận như kiếm. Hoặc nhiều tay nhiều mắt, nhiều chân nhiều đầu, răng mọc chìa ra ngoài, bén nhọn như gươm.

Lợi nhận như kiếm ý nói răng của họ bén nhọn. Khu Chư tội nhân sử cận ác thú. Lùa những tội nhân đến gần thú dữ.

Thú dữ trong địa ngục rất nhiều, đều đang ăn thịt tội nhân. Ðương nhiên tội nhân nhìn thấy thú dữ thì chạy. Những quỷ Dạ Xoa xua đuổi, bắt những tội nhân này lại cho thú dữ ăn thịt, không phải chỉ xua đuổi mà thôi.

Phục tự bác quặc. Lại tự chụp bắt. Bác quặc là đánh bằng roi, lôi kéo rồi liệng. Ðầu túc tương tựu, kỳ hình vạn loại bất cảm cửu thị. Túm quắp đầu và chân lại, hình trạng muôn thứ, chẳng dám nhìn lâu.

Chẳng dám nhìn lâu, không nhẫn tâm nhìn thấy cảnh ấy, nhìn thấy trong lòng tê tái. Ðây là cảnh tượng những người tạo ác nghiệp trong thế gian này, đọa địa ngục chịu khổ. Thánh Nữ Bà La Môn đích thân nhìn thấy.

Ðoạn kinh kế tiếp: Thời Bà La Môn nữ dĩ niệm Phật lực cố tự nhiên vô cụ. Lúc ấy Thánh Nữ Bà La Môn nhờ sức niệm Phật nên tự nhiên không sợ hãi.

Cô nhìn thấy hiện tượng địa ngục, nhờ sức niệm Phật tam muội giúp cô nhìn cảnh tượng này mà chẳng sợ hãi. Nhưng khởi lòng thương xót, chẳng nhẫn tâm nhìn thấy trạng thái bi thảm này. Vào đến địa ngục, trong ấy cũng có người đến tiếp chuyện với cô.

Hữu nhất Quỷ Vương danh viết Vô Ðộc, khể thủ lai nghinh bạch Thánh Nữ viết: Thiện Tai Bồ Tát! Hà duyên lai thử.

Có một Quỷ Vương tên là Vô Ðộc, cúi đầu nghinh đón, hỏi Thánh Nữ rằng: Lành thay, Bồ Tát! Duyên gì đến đây?

Cảnh giới địa ngục chỉ có hai hạng người thấy được: Một là tội nhân đến đó để chịu tội, hai là Bồ Tát đến đó độ hóa chúng sanh, chỉ có hai hạng người này. Trừ hai hạng này ra, địa ngục ở ngay trước mặt bạn cũng chẳng nhìn thấy.

Lúc trước lão Cư Sĩ Châu Kính Trụ kể cho tôi nghe một câu chuyện, chuyện này có thật, cụ viết trong sách của cụ. Nhân vật chính trong câu chuyện này là cha vợ của cụ, tức là ông Chương Thái Viêm. Lúc ông Chương còn sống đã từng làm chức phán quan cho Ðông Nhạc Đại Đế, dùng cách nói hiện nay tức là Bí Thư trưởng, địa vị rất cao ở Trung Quốc.

Địa vị của ông chương chỉ thấp hơn Diêm La Vương, Diêm La Vương cũng giống như ông Vua cai trị toàn quốc, còn ông giống như một Chư Hầu, cai trị một vùng, lớn hơn một tỉnh và trong đó có năm ngục, năm ngục này có đại Quỷ Vương, quản trị năm sáu tỉnh. Ông Chương là một người học Phật, biết hình phạt trong địa ngục rất thê thảm, vô cùng tàn khốc.

Ông có tâm nhân từ, một ngày nọ đề nghị với Đại Đế Ðông Nhạc xin phế trừ hình phạt Bào Lạc trong địa ngục, Bào Lạc là gì?

Ðốt cột sắt cho nóng đỏ lên rồi bắt tội nhân ôm cột, vô cùng tàn khốc, chúng ta gọi là hình phạt chẳng nhân đạo, hy vọng Đại Đế Ðông Nhạc có lòng nhân từ, phế bỏ hình phạt tàn khốc này. Đại Đế Ðông Nhạc chẳng nói gì hết chỉ sai hai tiểu quỷ dẫn ông Chương đi đến chỗ xử phạt để xem.

Ông Chương liền đi theo hai tiểu quỷ này, đại khái là đi hết một đoạn đường rồi hai tiểu quỷ này nói với ông: Tới rồi, chỗ xử phạt ở đó kìa. Ông nhìn về phía ấy nhưng không thấy gì cả, lúc đó ông mới vỡ lẽ, tự nhiên hiểu được. Kinh Phật nói đây là cảnh giới do nghiệp lực biến hiện ra, chẳng phải do Diêm La vương thiết lập, Diêm La vương chẳng có cách gì phế trừ, là do nghiệp lực biến hiện ra, từ đây mới hiểu đạo lý giảng trong Kinh Phật.

Những cảnh giới trong địa ngục này, những dụng cụ tra tấn, dạ xoa, ác quỷ đều là hình tướng do ác nghiệp của mình biến hiện tạo nên, cũng như nằm mộng vậy, tướng có nhưng thể không, sự có nhưngkhông, cảnh tượng sai khác muôn vàn, đều là do ý niệm vọng tưởng biến hiện ra.

Thế nên Phật dạy rất hay: Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh, tam ác đạo cũng từ tâm tưởng sanh, tại sao trong tâm có ác niệm. Chúng ta hiểu được đạo lý này rồi mới biết. Nếu chẳng muốn nhìn thấy tam ác đạo thì nhất định phải dứt trừ những ác niệm trong tâm, không những không thể nói lời ác, thân không thể tạo ác nghiệp, ý niệm cũng không được khởi lên. Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh, hết thảy cảnh giới đều là pháp, chẳng có một chuyện gì chẳng từ tâm tưởng sanh.

Người có định lực nhìn thấy, Thánh Nữ Bà La Môn vừa chứng niệm Phật tam muội vì cô nhớ mẹ nên cảnh giới này liền hiện ra. Quỷ Vương Vô Ðộc đến tiếp đón cô. Khể thủ là lễ bái, tiếp đón cô rất lễ phép.

Hỏi cô: Lành thay Bồ Tát, Thiện tai là xưng tán, hiếm có dịp được Bồ Tát quang lâm đến địa ngục, chẳng biết vì nguyên nhân gì mà Ngài đến đây?

Xin xem tiếp Kinh Văn: Thời Bà La Môn nữ vấn Quỷ Vương viết: Thử thị hà xứ?

Vô Ðộc đáp viết: Thử thị Ðại Thiết Vi sơn Tây diện đệ nhất trùng hải.

Lúc đó Thánh Nữ Bà La Môn hỏi Quỷ Vương: Ðây này là nơi nào?

Vô Ðộc trả lời: Ðây là tầng biển thứ nhất ở phía Tây núi Ðại Thiết Vi.

Ðây là cảnh giới cô nhìn thấy.

Núi Ðại Thiết Vi rốt cuộc là ở chỗ nào?

Trong Kinh Phật nói ở chính giữa Tứ Ðại Bộ Châu là núi Tu Di, núi Tu Di rốt cuộc là ở đâu?

Bảy tầng núi, tám tầng biển, bảy tầng núi ở đâu?

Trong Kinh nói biển nước mặn, chúng ta hiện nay thấy nước biển có vị mặn. Cảnh Phật nói chẳng phải cảnh giới của phàm phu chúng ta, phàm phu chúng ta chẳng nhìn thấy.

Chuyện này có thật không?

Chắc chắn là thật.

Tại sao chúng ta chẳng nhìn thấy?

Chúng ta chẳng có khả năng đột phá các tầng lớp không gian, nếu chúng ta có công phu định lực, có thể nhìn thấy không gian bốn chiều, năm chiều, sáu chiều, thì những chân tướng sự thật này sẽ phơi bày trước mắt. Ðịa ngục này, tầng biển thứ nhất ở phía Tây của núi Thiết Vi, Thánh Nữ có thể nhìn thấy trong định, giới hạn trong định đã bị đột phá.

Chúng ta biết ở Trung Quốc vào đời Ðường, Đại Sư Trí Giả đọc Kinh Pháp Hoa nhập định, trong định, Ngài nhìn thấy núi Linh Thứu, thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Kinh Pháp Hoa ở núi Linh Thứu, Ngài còn ở lại nghe một buổi.

Ðây là nói trong lúc nhập định, Ngài đã siêu việt thời gian. Đại Sư Trí Giả cách Phật Thích Ca khoảng một ngàn bảy trăm năm, đây là nói Ngài có thể quay trở về quá khứ, tự mình ở núi Thiên Thai, ngồi ở đó như như chẳng động, Ngài có thể nhìn thấy núi Linh Thứu ở Ấn Ðộ, đây là siêu việt không gian.

Do đó chỉ cần có công phu định lực, trong định chẳng còn phân biệt, chấp trước nữa thì có thể đột phá thời gian và không gian.

Thời quá khứ và hiện nay, có nhiều người tu định đều có khả năng này, đây là việc chúng ta có thể tin được. Huống chi là Thánh Nữ Bà La Môn chân thành, khẩn thiết, dũng mãnh tinh tấn, đạt được niệm Phật tam muội, thế nên cô nhìn thấy cảnh giới địa ngục.

Hãy xem đoạn Kinh tiếp theo:

Thánh Nữ vấn viết: Ngã văn Thiết Vi chi nội, địa ngục tại trung thị sự thật phủ?

Thánh Nữ hỏi: Tôi nghe trong núi Thiết Vi có địa ngục, việc ấy có thật không?

Tôi nghe nghĩa là lúc trước thường đọc Kinh, nghe Kinh, nghe trong Kinh Phật nói biển lớn trong núi Thiết Vi có đại địa ngục.

Hỏi rằng Đó phải là sự thật hay chăng?

Từ đây có thể thấy tuy thường nghe Kinh, thường đọc Kinh, cũng tin tưởng lời Phật giảng, nhưng vẫn đánh dấu hỏi như thường. Nếu không hoài nghi, đến chỗ này còn hỏi Quỷ Vương làm gì.

Chẳng cần hỏi họ. Do đó mới biết khó xây dựng lòng tin dường nào, trong Kinh Điển Ðại Thừa, Đại Kinh đại Luận như Hoa Nghiêm, Ðại Trí Ðộ Luận, Đức Phật nhiều lần nói rõ lòng tin rất khó được, lòng tin là mẹ của công đức, cội nguồn của đạo.

Cội nguồn của Bồ Tát tu hành chứng đạo là ở tại lòng tin, lòng tin chân chánh được xây dựng, chẳng lay động thì tu hành chứng quả đâu cần ba đại A tăng kỳ kiếp?

Chẳng cần lâu như vậy. Lòng tin của phàm phu chúng ta được gọi là đạo tâm như sương móc lộ thủy đạo tâm, rất dễ bị lay động, một cơn gió thổi nhẹ thì lòng tin bay mất tiêu rồi, vậy thì còn thành tựu gì nữa.

Trong Kinh chúng ta đọc được rất nhiều, chúng ta cũng thấy rất nhiều, từ xưa đến nay thế pháp, Phật Pháp, bất hiếu cha mẹ, bội sư phản đạo, nếu có thành tựu thì đều lọt vào ma đạo, sau này chẳng thành tựu trong Phật đạo, mà là thành tựu trong ma đạo, chúng ta tin hay không?

Những thứ này đều do Phật nói trong Kinh, là do ma nhiếp trì. Chánh pháp nhất định là từ hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự Sư Trưởng, y theo lời dạy mà tu học đúng như lý, như pháp thì mới thành tựu. Ðây là chuyện chúng ta không thể không hiểu khi đọc Kinh Luận Ðại Thừa, không thể không lắng lòng thể hội.

Hãy xem tiếp câu trả lời của Vô Ðộc:

Vô Ðộc đáp viết: Thật hữu địa ngục.

Vô Ðộc trả lời: Ðịa ngục có thật. Trả lời một cách vô cùng khẳng định, đích thật là có địa ngục. Nói thật ra trong sáu nẻo, những nẻo khác tạo ác ít, cơ hội tạo ác ít, còn trong thế gian này cơ hội tạo ác quá nhiều. Thiên Nhân thì hiếu thiện hiếu đức, chỉ có A tu la tập khí chưa đoạn vẫn còn tiếp tục tạo ác.

Chúng sanh trong ác đạo, chúng ta gọi là cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục chỉ có thọ tội, hoàn toàn không có cơ hội tạo ác.

Cơ hội tạo ác trong cõi ngạ quỷ và cõi súc sanh đều ít, rắn độc thú dữ tâm ác độc nhưng nó cũng sát hại chúng sanh khác loại, sự sát hại rất hạn chế, trong một đời nó có thể sát hại bao nhiêu sanh mạng?

Chúng ta coi những thú dữ như sư tử, hổ, khi chúng nó ăn no rồi, những con thú nhỏ ở kế bên đi tới đi lui, hình như nó không nhìn thấy vậy. Chúng ta xem thấy trong chương trình động vật kỳ quan trên Ti vi, cả đời nó sát sanh cũng ít, đâu có bằng con người. Con người giết hại sanh mạng không nhất định là vì miếng ăn, thế nên rất dễ tạo nghiệp.

Người giết người không phải vì muốn ăn thịt người, ngày nay những vũ khí nguyên tử, một trái bom nguyên tử dội xuống có thể giết hại mấy trăm ngàn người, mấy triệu người, bạn nói tội nghiệp này nặng bao nhiêu. Họ làm sao không đọa địa ngục cho được.

Ðịa ngục từ đâu đến?

Từ ác nghiệp biến hiện nên, tuyệt chẳng phải do Phật tạo ra, cũng chẳng phải do quỷ thần tạo ra, mà do nghiệp lực của mình biến hiện ra.

Chúng ta xem Kinh Văn:

Thánh Nữ vấn viết: Ngã kim vân hà đắc đáo ngục sở?

Thánh Nữ hỏi: Tôi làm thế nào đến được địa ngục này?

Thánh Nữ hỏi Vô Ðộc Quỷ Vương: Tại sao tôi lại đến chỗ này?

Chính cô cũng cảm thấy rất kinh ngạc.

Vô Ðộc đáp viết: Nhược phi oai thần tức tu nghiệp lực, phi thử nhị sự chung bất năng đáo.

Vô Ðộc trả lời: Nếu không phải oai thần thì phải là nghiệp lực. Ngoài hai sức này ra thì trọn chẳng thể đến được. Vậy là đã nói rõ, giống như lúc nảy chúng ta nói về chuyện của ông Chương Thái Viêm, ông Chương chẳng tạo nghiệp địa ngục và cũng chẳng phải Bồ Tát nên địa ngục ngay trước mặt nhưng ông không nhìn thấy.

Nếu chẳng phải hai nguyên nhân này, đi vô địa ngục cũng chẳng thấy gì hết.

Nhất định phải có hai điều kiện: 

Thứ nhất là oai thần, đó là Bồ Tát đến địa ngục để độ hóa chúng sanh, họ có thể thấy.

Thứ hai là nghiệp lực, tức là tội nghiệp đọa địa ngục, quả báo hiện ra.

Thánh Nữ hựu vấn: Thử thủy hà duyên nhi nãi dũng phất, đa chư tội nhân cập dĩ ác thú?

Thánh Nữ lại hỏi: Do duyên gì mà nước biển sôi sùng sục, lại có nhiều tội nhân và thú dữ như vậy?

Cô hỏi Vô Ðộc tại sao nước ấy lại sôi như vậy?

Dũng phất là như nước sôi vậy, nước này rất nóng, chẳng lạnh, tình trạng biển này như vậy.

Nhiều tội nhân và thú dữ trong nước này, do duyên cớ gì?

Kinh Lăng Nghiêm nói về tình hình này vô cùng tường tận, nói rõ hiện tượng và đạo lý cho chúng ta, đó là Tạo Thập Tập Nhân, thọ Lục Giao Báo, tập tức là tập khí, bạn tạo mười thứ tập khí chẳng thiện, tức là Thập Tập Nhân là mười thói quen, tập quán bất thiện chiêu cảm đến quả báo đau khổ.

Mười tập nhân gồm có: Tập quán dâm dục giao tiếp, tập quán tham lam so đo, tập quán ngã mạn lấn lướt, tập quán nóng giận xung đột, tập quán giả dối dụ dỗ, tập quán lừa gạt lừa dối, tập quán thù oán hiềm khích, tập quán ác kiến tranh cãi, tập quán vu vạ vu báng, tập quán thưa kiện cãi vã, lược trích từ Kinh Lăng Nghiêm, quyển tám.

Lục Giao Báo là sáu thứ khổ báo, kết quả của ác nghiệp do lục căn và lục thức của con người tạo nên.

Lục Giao Báo gồm có:
 

A. KIẾN BÁO CHIÊU CẢM ÁC QUẢ

 

Khi kiến nghiệp giao báo thì lúc lâm chung, trước hết thấy lửa hồng cháy khắp mười phương, thần thức người chết bay rơi theo khói, vào ngục A tỳ, phát minh hai tướng: Một là thấy sáng, khắp thấy mọi thứ hung dữ, sanh khiếp sợ vô cùng. Hai là thấy tối, mịt mù chẳng thấy gì, sanh hoảng hốt vô cùng.

Như vậy, thấy lửa đốt thính giác thì thành chảo dầu sôi, nước đồng chảy, đốt khứu giác thì thành khói đen, lửa đỏ, đốt vị giác thì thành viên sắt cháy, đốt xúc giác thì thành tro nóng, lò than, đốt ý thức thì thành hoa lửa rưới khắp, rung động cả hư không.
 

B. VĂN BÁO CHIÊU CẢM ÁC QUẢ
 

Khi văn nghiệp giao báo, thì lúc lâm chung trước hết thấy sóng cuộn chìm ngập Trời Đất, thần thức người chết theo dòng nước trôi vào ngục A tỳ, phát minh hai tướng: Một là nghe rõ các tiếng ồn ào, tinh thần rối loạn. Hai là điếc hẳn, lặng lẽ chẳng nghe gì, thần thức chìm lịm.

Như vậy, nghe sóng chảy vào thính giác, thì thành sự trách hỏi, chảy vào thị giác thì thành sấm sét và khí độc, chảy vào khứu giác thì thành mưa và sương mù, rưới sâu độc vào đầy khắp cơ thể, chảy vào vị giác thì thành mủ, huyết và các thứ nhơ nhớp, chảy vào xúc giác thì thành súc sinh, ma quỷ và đại tiểu tiện, chảy vào ý thức thì thành điện chớp, mưa đá, đập nát tâm phách.
 

C. KHỨU BÁO CHIÊU CẢM ÁC QUẢ
 

Khi khứu nghiệp giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết, thấy hơi độc đầy dẫy xa gần, thần thức người chết từ dưới đất trào lên, vào ngục A tỳ, phát minh hai tướng: Một là ngửi thông bị các hơi độc xông vào, nhiễu loạn tâm thần. Hai là nghẹt thở, hơi thở chẳng thông, làm chết giấc dưới đất.

Như vậy, ngửi khí xông vào khứu giác thì thành thông, nghẽn, xông vào thị giác thì thành lửa, đuốc, xông vào thính giác thì thành chìm đắm, nước sôi, xông vào vị giác thì thành mùi thiu, thúi, xông vào xúc giác thì thành nứt, nát, thành núi thịt lớn có trăm ngàn mắt, hút ăn không cùng, xông vào ý thức thì thành tro, chướng khí và cát đá bay, đập nát thân thể.
 

D. VỊ BÁO CHIÊU CẢM ÁC QUẢ
 

Khi vị nghiệp giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết thấy lưới sắt phát lửa bừng cháy, che khắp Thế giới, thần thức người chết sa đọa mắc lưới, treo ngược đầu xuống, vào ngục A tỳ, phát minh hai tướng: 

Một là hít hơi vào, kết thành băng giá, làm nứt nẻ thân thể.

Hai là thở hơi ra, bay thành lửa hồng đốt cháy xương tủy. Như vậy, nếm mùi qua vị giác thì thành nhận chịu, qua thị giác thì thành kim thạch nung đỏ, qua thính giác thì thành binh khí sắc bén, qua khứu giác thì tập khí của mười ác nghiệp, thượng phẩm thập ác thì bạn sẽ cảm thọ lục giao báo trong địa ngục.

Vô Ðộc đáp viết: Thử thị Diêm Phù Ðề tạo ác chúng sanh tân tử chi giả.

Vô Ðộc trả lời: Ðó là những chúng sanh tạo ác trong Diêm Phù Ðề vừa chết. Ðây là tình huống mà Thánh Nữ thấy, Diêm Phù Ðề tức là Địa Cầu chúng ta, chẳng phải là chỗ khác, là bổn địa chúng ta. Những người này vừa chết.

Thành lồng sắt lớn, che khắp Quốc Độ, qua xúc giác thì thành cung, tên, nỏ, súng, qua ý thức thì thành sắt nóng, bay từ trên không rưới xuống như mưa.
 

E. XÚC BÁO CHIÊU CẢM ÁC QUẢ
 

Khi xúc nghiệp giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết thấy núi lớn từ bốn phía hợp lại, chẳng còn đường ra, thần thức người chết thấy thành sắt lớn, rắn lửa, cọp, sói, sư tử, ngục tốt người gác ngục đầu trâu, La Sát, đầu ngựa, tay cầm thương, xóc, lùa vào cửa thành, hướng về ngục A tỳ, phát minh hai tướng:

Một là hợp xúc, núi hợp lại ép thân, xương thịt tuôn máu. Hai là lìa xúc, dao gươm đâm chém, tim gan bị cắt xẻ. Như vậy, hợp xúc qua xúc giác thì thành con đường địa ngục, gặp Diêm La Vương xử án, qua thị giác thì thành đốt cháy, nung đỏ, qua thính giác thì thành đánh, đập, đâm bắn, qua khứu giác thì thành tóm, đựng, khảo, trói, qua vị giác thì thành cày, kìm, chém, chặt, qua ý thức thì thành rơi, bay, nấu nướng.
 

F. TƯỞNG BÁO CHIÊU CẢM ÁC QUẢ
 

Khi tưởng nghiệp giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết thấy gió bão thổi nát Quốc Độ, thần thức người chết bị thổi lên hư không, xoay rơi theo gió, đọa ngục A tỳ, phát minh hai tướng: Một là chẳng giác, mê muội vô cùng, bỏ chạy không thôi. Hai là chẳng mê, hay biết các khổ, bị đốt cháy không cùng, đau đớn khổ sở.

Như vậy, tà tưởng kết vào ý thức thì thành phương sở, kết vào thị giác thì thành gương soi, bằng chứng, kết vào thính giác thì thành đại hợp băng giá, sương mù, đất bùn, kết vào khứu giác thì thành xe lửa, thuyền lửa, củi lửa, kết vào vị giác thì thành tiếng la hét, than khóc, kết vào xúc giác thì thành lớn nhỏ, nghiêng ngửa, muôn lần sống đi chết lại trong một ngày.

A Nan! Thập tập nhân và lục giao báo của địa ngục kể trên, đều do chúng sanh mê vọng tạo ra. Nếu chúng sanh lục căn đồng tạo ác nghiệp thì vào ngục A tỳ, trải qua vô số kiếp, chịu khổ vô cùng, nếu lục căn mỗi mỗi tạo riêng, với nghiệp sở tạo, gồm cả căn trần, thì người ấy vào khu tám ngục A tỳ.

Nếu cả thân, khẩu, ý, tạo nghiệp sát, đạo, dâm, thì người ấy đọa vào khu mười tám địa ngục, nếu không gồm cả ba nghiệp, hoặc trong ấy chỉ tạo nghiệp sát hay nghiệp đạo trộm cắp, thì người ấy vào khu ba sáu địa ngục, nếu chỉ có một căn riêng tạo một nghiệp, thì người ấy vào khu một lẻ tám địa ngục.

Trích từ Kinh Lăng Nghiêm, quyển tám, dịch giả: Hòa Thượng Thích Duy Lực. Kinh tứ thập cửu nhật hậu, vô nhân kế tự vi tác công đức cứu bạt khổ nạn, sanh thời hựu vô thiện nhân đương cứ bổn nghiệp sở cảm địa ngục, tự nhiên tiên độ thử hải.

Quá bốn mươi chín ngày không có người kế tự làm công đức để cứu vớt khổ nạn, lúc sanh tiền lại chẳng làm việc thiện, nên cứ theo bổn nghiệp mà chiêu cảm quả địa ngục, tự nhiên phải đến biển này trước.

Chúng ta đọc câu này: Tạo ác chúng sanh, đọc đến những câu Kinh này lông tóc dựng đứng, đây chẳng phải nói người khác mà là nói đến chính chúng ta.

Chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, giống như Kinh Ðịa Tạng có nói: Chẳng có gì không phải tội.

Hiện nay mỗi ngày đều tạo, mỗi tâm niệm đều tạo, tạo không ngừng, khi hơi thở này không trở lại được nữa thì làm sao đây?

Ðúng như trong Phật Pháp có nói: Chúng sanh sợ quả, Bồ Tát sợ nhân, Bồ Tát có tâm cảnh giác, chúng sanh ngu si, ngu muội, lúc quả báo chưa hiện tiền thì không màng đến, không tin tưởng, đến lúc quả báo xảy ra thì hối hận không kịp, thế nên Đức Phật mới dạy chúng ta dứt ác, tu thiện.

Cái gì là thiện?

Phật dạy cho chúng ta pháp căn bản, ba thứ Tịnh Nghiệp Tam Phước nói trong Quán Kinh. Phật dạy rõ ràng, minh bạch như vậy, ba thứ này là Chánh Nhân Tịnh Nghiệp của ba đời Chư Phật, đó chính là thiện. Trái ngược với thiện tức là ác.

Trong một đời chúng ta, những gì mình làm tương ứng với thiện hay tương phản với thiện, tương phản tức là ác, nếu tương ứng với thiện thì sẽ được phước báo trong Cõi Trời, người, nếu tương ứng với ác thì sẽ chịu quả báo trong ba đường ác, trong địa ngục.

Trong Tịnh nghiệp tam phước, điều thứ nhất là phước Nhân Thiên, nếu bạn làm được thì đời sau sẽ sanh đến cõi người, Cõi Trời hưởng phước, Nếu làm không được thì coi tội nghiệp của bạn nặng hay nhẹ mà đi thọ báo trong ba đường ác.

Ba đường ác là: Ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, coi bạn tạo ác nhẹ hay nặng.

Ðiều thứ hai là phước tiểu thừa, nếu bạn làm được tương ứng.

Tịnh nghiệp tam phước:

1. Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự Sư trưởng, từ tâm chẳng sát hại sanh vật, tu Thập thiện nghiệp.

2. Thọ trì Tam quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi.

3. Phát bồ đề tâm, đọc tụng ðại thừa, tin sâu nhân quả, khuyến tấn hành giả y giáo phụng hành, quả báo nhất định sẽ ở Cõi Trời, hưởng phước Trời. Nếu tu hành có công phu, chứng đến Sơ quả, Nhị quả, Tam quả thì sẽ sanh đến Ngũ Bất Hoàn thiên Cõi Trời Tịnh Cư để hưởng phước. Nếu trái ngược thì nhất định sẽ sanh vào địa ngục, ác quỷ thọ báo, chẳng có súc sanh.

Trong cõi người có súc sanh, quả báo của súc sanh thì nhẹ hơn, còn địa ngục và ngạ quỷ thì quả báo nặng hơn, tại sao vậy?

Phước của điều thứ hai lớn hơn phước của điều thứ nhất, cho nên nếu bạn tu được thì phước sẽ lớn, nếu trái ngược thì đọa lạc cũng khổ hơn, cùng một đạo lý.

Ðiều thứ ba là phước báo Ðại Thừa, nếu bạn y giáo phụng hành thì bạn sẽ làm Bồ Tát, siêu phàm nhập Thánh, nếu trái ngược thì nhất định sẽ đọa địa ngục, chẳng đọa ngạ quỷ, súc sanh, nhất định đọa địa ngục. Chúng ta phải hiểu rõ ràng, minh bạch, hiểu cả lý lẫn sự, rồi sau đó mình mới tin sâu chẳng nghi.

Trong đời sống hằng ngày phải luyện công phu ở nơi nào?

Nơi khởi tâm động niệm, niệm niệm đều tương ứng với Phật, niệm niệm đều tương ứng với đạo, đạo là gì?

Ðạo là chân như tự tánh, tương ứng với tánh đức, đời này chúng ta hy vọng vãng sanh mới có thể đạt được, làm sao có thể làm ác hoài được. Ðời người ngắn ngủi, đau khổ, đặc biệt là thời đại ngày nay, cả Thế giới động loạn, tai biến vô thường, nhất định phải giác ngộ hết thảy sự việc trên thế gian đều như mộng, như huyễn, một thứ gì cũng chẳng đạt được, đây là sự thật.

Gần đây chúng ta thấy kinh tế Ðông Nam Á suy thoái, bao nhiêu người có tiền có của, lúc bình thường đều là những người hiển hách ghê gớm, một thời gian sau thì nghe người ta nói họ tự sát rồi.

Tại sao lại tự sát?

Bị phá sản?

Trong Kinh Phật dạy: Tài là vật chung của năm nhà. Chúng ta hiểu rồi, không tiêm nhiễm mảy may, một lòng hướng về đạo, được vậy thì chúng ta mới được cứu. Trong Kinh Phật nói tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ là ngũ dục, là năm cội gốc của địa ngục, nếu bạn tham luyến chẳng xả, thì bạn sẽ có phần tham dự vào cảnh giới địa ngục giảng trong Kinh Ðịa Tạng này.

Những cảnh giới mà Thánh Nữ thấy ở đó là những chúng sanh tạo ác nghiệp trên địa cầu của chúng ta, bạn hãy xem chúng sanh tạo ác nghiệp nhiều hay ít. Ở đây chẳng nói người tin Phật mới đọa địa ngục, người không tin Phật thì sẽ chẳng đọa địa ngục, chẳng có việc này. Nếu nói người không tin Phật sẽ.

Nguyên văn: Tài vi ngũ gia cộng hữu.

Ý nói tài vật thế gian là tài sản chung của năm nhà: Vua, giặc cướp, lửa, nước, con cháu ngỗ nghịch. Gọi là vật chung của năm nhà vì năm loại trên sẽ cướp mất tài sản này bất cứ lúc nào. không đọa địa ngục, vậy thì chúng ta đừng tin Phật nữa, người không tin Phật vẫn đọa địa ngục như thường, bất luận là bạn tin hay không tin.

Bạn tu thiện thì nhất định sẽ sanh lên trời, tạo ác thì nhất định sẽ đọa lạc, đây là đạo lý nhất định, bất kể là bạn tin hay không tin. Những người mới chết, sau bốn mươi chín ngày, chẳng có con cháu vun bồi phước cho họ. Ðạo lý và phương pháp cúng thất cho người mất đều phát xuất từ Kinh Ðịa Tạng.

Trong Kinh Phật đã nói lúc người ta chết rồi nhưng chưa đi đầu thai, đây là thân trung ấm. Thân trung ấm mỗi bảy ngày phải trải qua một lần biến dịch sanh tử, họ rất khổ, cho nên mỗi bảy ngày nên làm một lễ siêu độ nhằm giảm bớt nỗi đau khổ của họ, tu phước cho họ.

Lúc còn sanh tiền chẳng trồng thiện nhân, chẳng làm việc thiện gì cả. Nên cứ theo bổn nghiệp mà chiêu cảm quả địa ngục, tự nhiên phải đến biển này trước. Tự nhiên nghĩa là không có bất cứ ai cưỡng bức họ. Ðịa ngục chẳng do người ta tạo dựng, cũng chẳng do Diêm La Vương thiết lập, tự nhiên khi nghiệp lực hiện tiền thì mới có hiện tượng này.

Chúng ta xem tiếp đoạn Kinh tiếp theo: Hải đông thập vạn do tuần hựu hữu nhất hải kỳ khổ bội thử, bỉ hải chi đông hựu hữu nhất hải kỳ khổ phục bội. Phía Đông mười vạn do tuần của biển này còn có một biển, những sự khổ ở đó gấp bội biển này. Phía Đông của biển đó lại có một biển, sự khổ ở đó lại gấp bội lên.

Càng vô trong thì tội nghiệp càng nặng thêm, sự khổ gia tăng gấp mấy lần những gì bạn thấy ở đây. Hiện nay những cảnh bạn nhìn thấy là tầng biển thứ nhất, tội nghiệp còn nhẹ, tội cực nặng bạn chưa thấy.

Tam nghiệp ác nhân chi sở chiêu cảm, cộng hiệu nghiệp hải kỳ xứ thị dã.

Do ác nhân của ba nghiệp chiêu cảm nên, gọi chung là biển nghiệp, chính là chỗ này. Cảnh bạn nhìn thấy trong Kinh Phật gọi là biển nghiệp, biển nghiệp là biển khổ. Ba nghiệp là thân, ngữ, ý tạo tác ác nghiệp nên bị những quả báo này.

Ðịa ngục là như vậy, mười pháp giới cũng như vậy, hiện tượng này đều do tự tâm biến hiện. Kinh Hoa Nghiêm nói về một nguyên tắc chung, cương lãnh chung là duy tâm hiện, duy thức biến, duy tâm hiện trong ấy chẳng có thức, chẳng có thức nghĩa là chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chư vị nên biết vọng tưởng là A lại da, chấp trước là Mạt Na, phân biệt là ý thức thứ sáu.

Nếu chẳng dùng tám thức, năm mươi mốt tâm sở thì đó chính là duy tâm hiện, cảnh giới duy tâm hiện, trong Kinh Phật gọi đó là nhất chân pháp giới. Nếu bạn rơi vào vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì sẽ khởi biến hóa trong nhất chân pháp giới, duy thức biến, tùy theo nghiệp lực của bạn. Nghiệp lực chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, biến hiện ra thập pháp giới.

Thập chẳng phải là một con số, chư vị phải hiểu, thập tiêu biểu cho vô lượng. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mỗi người chẳng giống nhau, pháp giới biến hiện của mỗi người chẳng giống nhau, thế nên pháp giới vô lượng vô biên. Nếu rơi vào tham sân si mạn thì những cảnh giới biến hiện ra chính là biển nghiệp nói ở đây, Thánh Nữ Bà La Môn đích thân nhìn thấy biển nghiệp này.

Xin xem tiếp Kinh Văn:

Thánh Nữ hựu vấn Quỷ Vương Vô Ðộc viết: Địa ngục hà tại?

Thánh Nữ lại hỏi Quỷ Vương Vô Ðộc: Ðịa ngục ở đâu?

Cô hỏi: Ðịa ngục ở đâu?

Vô Ðộc đáp viết: Tam hải chi nội thị đại địa ngục.

Vô Ðộc trả lời: Trong ba biển đều là đại địa ngục. Biển nghiệp mà bạn nhìn thấy hôm nay chính là địa ngục. Kỳ số bách thiên các các sai biệt. Số nhiều trăm ngàn, mỗi ngục đều khác nhau. Có địa ngục lớn, lại còn địa ngục nhỏ phụ thuộc.

Sở vị đại giả cụ hữu thập bát. Những địa ngục lớn, tổng cộng có mười tám. Ðây là như người thế gian chúng ta nói đến mười tám tầng địa ngục. Mười tám địa ngục là nói đến những địa ngục lớn.

Thứ hữu ngũ bách khổ độc vô lượng. Thứ hữu thiên bách diệc vô lượng khổ. Bậc kế đó có năm trăm, vô lượng sự khổ độc. Bậc kế nữa có đến trăm ngàn, cũng có vô lượng sự khổ. Ðại địa ngục trong Kinh nói có tám ngục lạnh, tám ngục nóng. Trong Kinh Phật nói Đại địa ngục đều ở phía dưới núi Thiết Vi.

Chúng ta coi Kinh tiếp:

Thánh Nữ hựu vấn đại Quỷ Vương viết: Ngã mẫu tử lai vị cửu, bất tri hồn thần đương chí hà thú?

Thánh Nữ lại hỏi đại Quỷ Vương: Mẹ tôi mới chết chưa lâu, không biết thần hồn của bà đã đi đến cõi nào?

Cô đến hỏi thăm chuyện của mình.

Cô nói với Quỷ Vương Vô Ðộc rằng mẹ cô vừa mất không lâu, không biết hiện nay thần hồn của bà ở nơi đâu?

Người thế gian chúng ta gọi thần hồn là linh hồn.

Quỷ Vương vấn Thánh Nữ viết: Bồ Tát chi mẫu tại sanh tập hà hành nghiệp?

Quỷ Vương hỏi Thánh Nữ: Mẹ của Bồ Tát lúc còn sống thường làm những nghiệp gì?

Hỏi cô: Mẹ cô lúc còn sống làm nghề gì?

Hỏi làm nghề gì thì biết nghiệp của bà tạo là gì, thiện hay chẳng thiện, đại khái có thể phán đoán sau khi chết đi thì bà sẽ sanh đến cõi nào.

Thánh Nữ đáp viết: Ngã mẫu tà kiến cơ hủy Tam Bảo.

Thánh Nữ trả lời: Mẹ tôi tà kiến, khinh chê hủy báng Tam Bảo. Tri kiến chẳng chánh, đây là chánh và tà.

Chánh tri chánh kiến là gì?

Chúng ta phải rõ ràng, minh bạch. Nói thật ra, tri kiến của lục đạo phàm phu đều chẳng chánh, đây là điều chúng ta phải biết. Nếu chúng ta có chánh tri chánh kiến thì làm sao lại sanh đến lục đạo. Ngoài lục đạo là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, Thanh Văn là Chánh Giác, Bồ Tát là Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Quỷ Vương hỏi Thánh Nữ, xưng cô là Bồ Tát, rằng: Mẹ của Bồ Tát, lúc còn sống làm nghề gì?

Thánh Nữ nói mẹ cô tà kiến. Tà và chánh đều có tiêu chuẩn, trong Phật Pháp thì tri kiến của A La Hán mới được kể là chánh tri chánh kiến, thế nên trong Kinh Phật nhắc chúng ta lúc còn chưa chứng quả vị A La Hán thì không thể tin tri kiến của mình, nếu bạn cho rằng tri kiến của bạn là chính xác thì sẽ có vấn đề.

Tại sao nói tri kiến của A La Hán mới là chánh tri chánh kiến?

A La Hán đã đoạn dứt kiến tư phiền não, cũng nghĩa là coi việc gì cũng khách quan, nói như vậy thì quý vị dễ hiểu hơn.

Tại sao?

Ngài không có ngã tôi, vô ngã, đã đoạn dứt ngã chấp rồi. Lục đạo phàm phu khởi tâm động niệm đều có tôi, có tôi thì sẽ có thành kiến, có quan niệm chủ quan, tự nhiên bạn sẽ nhìn sự việc sai lầm, tôi tưởng là đúng, tôi tưởng là chính xác, có một cái nhìn của tôi, như vậy là hỏng mất rồi.

Thế nên đoạn dứt kiến tư phiền não thì tri kiến mới được kể là chánh, tiêu chuẩn là ở chỗ này. Chưa đoạn kiến tư phiền não thì chánh tri chánh kiến ở đâu ra.

Hiện nay chúng ta phải làm sao?

Chúng ta mới bắt đầu học Phật, một phẩm kiến tư phiền não cũng chưa đoạn, biện pháp duy nhất là nương nhờ vào Phật, thế nên phải nói đến tầm quan trọng của Tam quy y, y pháp chứ không y người. Học pháp nhất định phải có thầy chỉ đạo, nếu không có thầy chỉ dẫn thì bạn chẳng có biện pháp nương dựa trong Phật Pháp.

Kinh Luận Phật nói quá nhiều, nếu bạn nương dựa vào tất cả Kinh Luận, thì bạn chẳng có trí huệ, trong Kinh này Phật nói không, trong Kinh kia lại nói có, rốt cuộc là không hay là có?

Bạn sẽ trở nên mờ mịt, lộn xộn, bạn sẽ chẳng có cách gì để nương dựa. Lúc tôi mới học Phật, Đại Học Ðài Loan có một Giáo Sư rất nổi danh, hiện nay đã qua đời.

Ông nói với tôi: Có lúc Kinh Phật nói có lý, có lúc thì chẳng có lý.

Tôi nói: Chỗ nào chẳng có lý?

Ông nói: Tôi đã coi Kinh Kim Cang.

Tôi hỏi: Kinh Kim Cang nói như thế nào?

Ông nói: Giống như hai thùng nước, đổ qua đổ lại, có khi thì nói có, xong rồi có chỗ lại nói không, rốt cuộc là không hay là có?

Làm cho người hiểu đôi đàng đều được.

Thế nên Phật nói: Phật Pháp nếu không có ai giảng thì dù có trí cũng chẳng hiểu được, đừng thấy là giáo sư đại học nổi tiếng mà tưởng là ông ta thông suốt, không đúng đâu. Do đó mới biết chánh tri chánh kiến khó lắm.

Nếu chẳng có chánh tri chánh kiến, nếu là người tà kiến còn khinh chê Tam Bảo. Sợ là chúng ta tuy đã xuất gia nhưng cũng phạm lỗi này, chẳng biết chẳng giác lại tạo ra những tội nghiệp này, chính mình cũng chẳng biết, cứ tưởng là mình tài giỏi lắm, chẳng có sai lầm, luôn nhìn thấy lỗi của kẻ khác. Thiết hoặc tạm tín toàn hựu bất kính.

Hoặc là tạm tin, nhưng liền chẳng kính. Bốn câu này của cô, chúng ta nghĩ kỹ một chút, quan sát thế gian này rồi tự phản tỉnh, chắc mình cũng đều phạm. Lòng tin của chúng ta là đạo tâm sương móc, khi có khi không, chẳng vượt nổi thử thách, khi gặp một chút sóng gió, đạo tâm chúng ta liền mất hết.

Chữ Kính này càng không dễ, Kính phát sanh từ lòng tin, nếu không tin thì làm sao có tâm kính trọng?

Ðối với Phật, Bồ Tát, đối với cha mẹ còn không cung kính, thì làm sao có thể kính người, kính sự, kính vật?

Làm không được, từ đó bạn mới biết việc này rất khó. Ðọc xong bốn câu này chúng ta phải nhắc nhở chính mình, thường lấy bốn câu này để trước mặt làm bài minh. Tử tuy nhật thiển vị tri sanh xứ. Tuy mới chết chưa lâu, mà chưa biết thác sanh về đâu.

Nhật thiển nghĩa là chết chẳng lâu, chẳng biết hiện giờ bà sanh vào chốn nào?

Này nói Quỷ Vương đại khái đã biết bà sanh vào cõi nào.

Vô Ðộc vấn viết: Bồ Tát chi mẫu tánh thị hà đẳng?

Vô Ðộc hỏi: Mẹ của Bồ Tát tên họ là gì?

Hỏi thêm một lần: Tên của mẹ cô là gì?

Thánh Nữ đáp viết: Ngã phụ ngã mẫu câu Bà La Môn chủng.

Thánh Nữ trả lời: Cha mẹ tôi đều thuộc dòng Bà La Môn. Ở Ấn Ðộ họ được kể là quý tộc, từ thời xưa đến nay bốn dòng họ giai cấp rất nghiêm, tôn quý nhất là Bà La Môn. Phụ hiệu Thi La Thiện Kiến, mẫu hiệu Duyệt Ðế Lợi. Cha tôi tên Thi La Thiện Kiến, mẹ tên Duyệt Ðế Lợi.

Nói tên cha mẹ ra, tên này rất tốt, đều là tên tốt. Tuy tên tốt nhưng việc làm chẳng tốt, danh chẳng phù hợp với thật.

Vô Ðộc hiệp Chưởng khải Bồ Tát viết: Nguyện Thánh giả khước phản bổn xứ, vô chí ưu ức bi luyến.

Vô Ðộc chắp tay thưa với Bồ Tát: Xin Thánh Giả hãy trở về bổn xứ, đừng quá thương nhớ buồn rầu nữa. Vô Ðộc nghe xong, khải nghĩa là rất cung kính, rất cung kính báo cáo với Thánh Nữ.

Khải nói theo ngôn ngữ hiện nay nghĩa là báo cáo, nói một cách cung kính: Xin Ngài trở về, đừng lo nhớ nữa.

Tại sao?

Duyệt Ðế Lợi tội nữ. Tội nhân Duyệt Ðế Lợi. Ðích thật bà đã đến địa ngục rồi, đã đến thọ khổ, không sai, chuyện của bà mọi người đều biết.

Sanh thiên dĩ lai kinh kim tam nhật. Sanh lên Trời đến nay đã ba ngày rồi.

Hiện nay bà chẳng ở nơi này nữa, bà đã ở đây thọ tội, nhưng bà đã được sanh lên trời, sanh lên Trời Ðao Lợi. Vân thừa hiếu thuận chi tử vị mẫu thiết cúng tu phước, bố thí Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai Tháp tự.

Nghe nói nhờ con bà hiếu thảo, vì mẹ thiết cúng, tu phước bố thí Chùa Tháp thờ đức Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai. Nghe nói bà có con gái hiếu thuận, tu phước cho bà. Cô tu phước, cúng Phật bố thí, đây là lòng hiếu cảm đến Thiên Địa, tâm hiếu chân thành, cảm động Thiên địa quỷ thần.

Trong Kinh giảng cho chúng ta hiếu dưỡng phụ mẫu gồm dưỡng thân cha mẹ, dưỡng tâm cha mẹ, dưỡng chí cha mẹ, người thế gian thường trông mong con trai thành rồng, con gái thành phượng, đó là chí của cha mẹ, nghĩa là hy vọng con cái tương lai có thành tựu chân chánh, tài ba xuất chúng.

Nhưng rất nhiều bậc cha mẹ trong thế gian có tà kiến, cứ tưởng đạt được công danh phú quý trong thế gian tức là tài giỏi hơn người, quan niệm này sai lầm.

Như thế nào mới gọi là tài ba xuất chúng?

Siêu phàm nhập Thánh, thành Phật, thành Bồ Tát mới thực sự là tài ba xuất chúng, hết thảy thành tựu trong thế gian chẳng thể so sánh nổi. Thành tựu tới đâu trong thế gian cũng chẳng thoát ra khỏi lục đạo luân hồi, chỉ có thành Phật thành Bồ Tát không những siêu việt lục đạo, mà còn siêu việt thập pháp giới, đó mới là thành tựu chân chánh.

Người làm cha mẹ nhưng chưa học Phật chẳng biết đạo lý này, chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta đã tiếp xúc Phật Pháp nên hiểu rõ, chúng ta phải làm cho bằng được, không thể nói cha mẹ không biết thì chúng ta không làm. Chuyện tốt, chuyện thiện tuy cha mẹ chẳng biết, đợi đến khi chúng ta làm được rồi, cha mẹ sẽ đạt được lợi ích lớn lao. Mẹ của Bồ Tát đâu phải là người thường.

Cúng Phật, bố thí ba hạnh này đều có. Ở đây nói Thiết cúng, chúng ta đã đọc phía trước, Thánh Nữ Bà La Môn cúng dường hình tượng của Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai, vì vào thời Tượng Pháp chỉ có thể cúng dường hình tượng của Phật, cảm động Phật đến dạy cô phương pháp tu hành, sau đó cô về nhà dũng mãnh tinh tấn y giáo phụng hành, đó là tu phước, bố thí.

Tu phước, bố thí cho ai?

Cho mẹ mới mất của cô. Thế nên sự bố thí của cô làm là bố thí pháp, đó chẳng phải là bố thí tài vật. Trong sự cúng dường có pháp cúng dường, Y giáo phụng hành cúng dường, phước này lớn lắm.

Thế nên Quỷ Vương nói: Phi duy Bồ Tát chi mẫu đắc thoát địa ngục. Không phải chỉ có mẹ của Bồ Tát được thoát địa ngục. Không phải chỉ có mẹ của Bồ Tát được thoát địa ngục, thoát ly khổ hải.

Ưng thị Vô Gián tội nhân thử nhật tất đắc thọ lạc câu đồng sanh ngật. Những tội nhân trong ngục Vô Gián hôm đó đều được an lạc, đều được thác sanh hết.

Mẹ Bồ Tát được người con hiếu, được phước của bà nên sanh lên trời, những người cùng chịu tội ở địa ngục đều được hưởng ké, đều nhờ phước đó mà cùng sanh lên trời, không phải chỉ có mẹ Bồ Tát được sanh lên trời, những người trong địa ngục cùng chịu tội với bà lúc đó đều được sanh lên trời.

Từ đó bạn mới biết phước báo của sự bố thí thật chẳng thể nghĩ bàn. Công đức y giáo tu hành của Thánh Nữ Bà La Môn chẳng thể nghĩ bàn.

Ðây là sự thật, chẳng phải kể chuyện đời xưa, không phải lấy chuyện này để khuyến thiện. Chư vị phải biết, đây là chuyện thật một trăm phần trăm, khi bạn tu hành thành tựu sẽ độ được biết bao nhiêu người. Thế nên trong Phật Pháp thường nói chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, từ chỗ này chúng ta cũng có thể hiểu được vài phần.

Quỷ Vương ngôn tất hiệp chưởng nhi thoái. Quỷ Vương nói xong, chắp tay cáo lui. Quỷ Vương báo cáo chuyện này xong rồi cáo lui. Bà La Môn nữ tầm như mộng quy. Thánh Nữ Bà La Môn dường như nằm mộng tỉnh dậy.

Cũng như nằm mộng vậy, thật ra cô chẳng phải trong mộng, mà là trong định. Từ trong định xuất định.

Ngộ thử sự dĩ. Biết chuyện này xong. Cô giác ngộ rồi, biết rõ hoàn toàn chuyện này, hoàn toàn minh bạch.

Tiện ư Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai tháp tượng chi tiền lập hoằng thệ nguyện: Nguyện ngã tận vị lai kiếp, ứng hữu tội khổ chúng sanh quảng thiết phương tiện sử linh giải thoát.

Bèn trước Tháp Tượng của Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai lập hoằng thệ nguyện: Tôi nguyện từ nay đến tận kiếp vị lai sẽ vì chúng sanh mắc phải tội khổ mà rộng lập phương tiện làm cho họ được giải thoát.

Ðây là lần phát nguyện đầu tiên trong khi tu nhân của Ðịa Tạng Bồ Tát. Lần thứ nhất phát tâm học Phật là đại Trưởng giả, nhìn thấy hình tượng của Phật rồi phát tâm.

Phía trước tôi đã nhắc nhở các bạn đồng học: Hình tượng phải hoàn hảo, thường thường nghĩ đến chúng ta là đệ tử Như Lai, đặc biệt là đệ tử Di Ðà. Di Ðà là Ánh sáng tôn quý nhất, Vua trong các vị Phật, làm sao chúng ta có thể làm mất mặt A Di Ðà Phật được.

Nếu tâm niệm chúng ta khởi lên một niệm chẳng thiện thì sẽ có lỗi với Đức Phật A Di Ðà, khi chúng ta làm một việc chẳng thiện thì chúng ta sẽ chịu tội nghiệp rất nặng, làm sao xứng đáng là học trò của A Di Ðà Phật.

Học trò của A Di Ðà Phật là như thế này ư?

Chân chánh làm một học trò tốt của A Di Ðà Phật nhất định phải y giáo phụng hành.

Tại sao dạy bạn mỗi ngày phải đọc tụng Ðại Thừa?

Chính là để ghi nhớ lời dạy của A Di Ðà Phật, những gì Phật dạy chúng ta làm, chúng ta làm được hay chưa?

Những gì Phật dạy chúng ta chớ nên làm, chúng ta còn làm không?

Chân chánh làm học trò của A Di Ðà Phật đúng như ý nghĩa của nó thì trong đời này bạn nhất định sẽ được vãng sanh Tịnh Độ. Trong đời hiện tại, nếu người ta không tôn kính bạn cũng chẳng có gì lạ. Người ta là phàm phu, phàm phu mắt thịt, ngay cả Phật họ cũng chẳng tôn kính thì làm sao họ tôn kính bạn.

Nhưng bạn phải biết Chư Phật hộ niệm, tán thán, Long Thiên Quỷ Thần, Bồ Tát tôn trọng bạn, tại sao vậy?

Những người này có tha tâm thông, có thiên nhãn thông, họ có thể nhìn thấy tâm thiện của bạn, họ biết bạn khởi tâm động niệm gì, phàm phu chẳng biết, phàm phu ngu si.

Ðịa Tạng Bồ Tát ở đây dạy chúng ta phát nguyện, làm ra gương mẫu cho chúng ta coi, nguyện này tức là Tứ hoằng thệ nguyện. Nguyện tôi tận cùng kiếp vị lai, trên thời gian chẳng có chấm dứt, vĩnh hằng. Chẳng phải nói chuyện này tôi phải làm trong vòng bao lâu, nói tôi phải làm trong một kiếp, mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, không phải vậy. Mà là tận cùng kiếp vị lai.

Ðối tượng giúp đỡ là những chúng sanh tội khổ này, cũng chẳng nói nhất định, chúng sanh mắc phải tội khổ, chẳng chọn oán hay thân, chỉ cần nhìn thấy có chúng sanh chịu khổ nạn thì liền rộng lập phương tiện làm cho họ độ thoát.

Rộng lập phương tiện gì?

Ðoạn phiền não, học pháp môn, thành Phật đạo, đây đều là rộng lập phương tiện.

Chúng ta chẳng đoạn phiền não, chẳng học pháp môn thì dùng phương pháp gì để độ chúng sanh?

Do đó mới biết Bồ Tát đoạn phiền não, đoạn tập khí, học pháp môn chẳng vì mình mà là vì hết thảy khổ nạn chúng sanh, chúng ta phải có tâm nguyện này, hết thảy những việc tu học của mình hôm nay đều vì họ, chẳng vì mình, nếu vì mình thì có thể qua loa sơ sài, có thể tùy tiện.

Nhưng nhìn thấy vô số chúng sanh đang tạo tội nghiệp cực nặng, một tí tâm giải đãi hàm hồ chúng ta đều không thể khởi được, vì sao?

Vì phải dạy dỗ những chúng sanh khổ nạn này, việc gì cũng phải hết lòng, phải dũng mãnh tinh tấn.

Nếu vậy bạn hỏi: Tự tôi tu hành thành tựu, được không?

có thể độ chúng sanh không?

Kinh này bày ra đây, cô Bà La Môn một người tu hành, một người thành tựu, không những mẹ cô được độ, những người cùng chịu khổ với mẹ cô, những chúng sanh cùng đọa địa ngục với mẹ cô đều được sanh lên trời, không phải sự thật bày ra ngay chỗ này sao?

Chúng ta còn nghi hoặc gì nữa?

Một người thành tựu có thể độ được vô lượng vô biên chúng sanh.

Chỉ sợ là cá nhân bạn không thể thành tựu, giả bộ làm như thật thì không được, giả dối thì giúp đỡ người khác được sao?

Nhất định phải làm thực sự từ bản thân của mình.

Dùng lời nói của thế gian chúng ta đề ra bốn điều tốt: Giữ tâm tốt, làm việc tốt, nói lời tốt, làm người tốt, những năm gần đây chúng tôi đề xướng việc này ở khắp nơi trên Thế giới, làm một gương tốt cho xã hội đại chúng, làm cho đại chúng nhìn thấy hình tướng này.

Ðoạn đầu trong Kinh nói về Trưởng Giả Tử, hình tướng của Phật thị hiện làm cho xã hội đại chúng tiếp xúc đến hình tượng này có được cảm ngộ, có thể cảm động, như vậy là đã độ chúng sanh. Họ giác ngộ, quay về, học theo bạn, học theo Phật, người như vậy sẽ được độ.

Người được độ dần dần thêm nhiều, một người giác ngộ sẽ dạy những người xung quanh, thân bằng quyến thuộc của họ, hàng xóm láng giềng, bạn xem sức ảnh hưởng này bao lớn?

Nhất định đừng cho rằng cá nhân tôi một người tu hành có ích gì đâu, trong Kinh dạy chúng ta, một người tu hành sanh ra hiệu quả chẳng thể nghĩ bàn. Ðiểm quan trọng nhất trong phẩm Kinh này là đoạn sau cùng Ðịa Tạng Bồ Tát làm ra gương tốt dạy chúng ta phát tâm.

Phật cáo Văn Thù Sư Lợi: Thời Quỷ Vương Vô Ðộc giả đương kim Tài Thủ Bồ Tát thị, Bà La Môn nữ giả tức Ðịa Tạng Bồ Tát thị.

Phật nói với Văn Thù Sư Lợi: Quỷ Vương Vô Ðộc lúc trước bây giờ là Tài Thủ Bồ Tát, còn Thánh Nữ Bà La Môn đó chính là Ðịa Tạng Bồ Tát. Ðây là chuyện vô lượng kiếp về trước, hiện nay đều đã thành tựu. Vô Ðộc Quỷ Vương ngày trước bây giờ là Tài Thủ Bồ Tát, Thánh Nữ Bà La Môn ngày trước bây giờ là Ðịa Tạng Bồ Tát. Ðây là chuyện lúc còn tu nhân vô lượng kiếp về trước.

Xin xem tiếp Kinh Văn:
 

D. PHẦN CHÁNH TÔNG

PHẨM THỨ NHÌ

PHÂN THÂN TẬP HỘI
 

Nhĩ thời bách thiên vạn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết, vô lượng A tăng kỳ Thế giới, sở hữu địa ngục xứ, phân thân Ðịa Tạng Bồ Tát, câu lai tập tại Ðao Lợi Thiên Cung.

Lúc đó phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát từ những chỗ có địa ngục ở số trăm ngàn vạn ức chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn, chẳng thể tính, chẳng thể nói vô lượng A tăng kỳ Thế Giới đều đến tụ hội tại cung Trời Ðao Lợi.

Chư vị có thấy ý hướng thực sự của đoạn Kinh Văn này ở đâu không?

Nhĩ thời là lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở cung Trời Ðao Lợi, lúc mở Pháp Hội này, Lúc Chư Phật Như Lai, Bồ Tát từ mười phương Thế giới, đại chúng vân tập, Thế Tôn cùng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát một người hỏi, một người đáp ở cuối đoạn này.

Con số nêu ở đây thật là một con số thiên văn, chẳng có biện pháp chi tính nổi. Trăm ngàn vạn ức chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn, chẳng thể tính, chẳng thể nói, sau đó là vô lượng A tăng kỳ Thế giới, Thế giới vô biên, chúng sanh vô tận.

Những chỗ có địa ngục, phân thân Ðịa Tạng, Kim Ðịa Tạng ở Cửu Hoa Sơn của chúng ta cũng là một trong những phân thân của Ngài, vô lượng vô biên phân thân, đều đến tụ hội ở cung Trời Ðao Lợi.

Chư vị phải biết đây là để nói rõ những người tạo tội nghiệp đọa địa ngục nhiều như vậy nên Ðịa Tạng Bồ Tát mới phân thân, phân ra nhiều thân như vậy, từ việc này bạn mới biết có bao nhiêu địa ngục. Thế gian này có bao nhiêu người tạo tội nghiệp địa ngục. Ý tứ chính là ở chỗ này. Thế nên nhìn thấy hiện tượng này thật đáng sợ vô cùng.

Tại sao chúng sanh tạo tội nghiệp?

Vì chẳng có người dạy, hết thảy chúng sanh đều có thiện căn, đều có tâm hướng thiện, tiếc là chẳng có người hướng dẫn, chẳng có người giúp đỡ. Trong Kinh này dụng ý chân chánh của Phật chính là dạy chúng ta phải học theo Ðịa Tạng Bồ Tát, phải làm phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát.

Chúng ta có thể phát nguyện, có thể tự làm gương mẫu, hướng dẫn, luôn luôn khuyên hết thảy chúng sanh đoạn ác tu thiện, đây là tâm của Ðịa Tạng Bồ Tát, nguyện của Ðịa Tạng Bồ Tát, hạnh của Ðịa Tạng Bồ Tát. Tứ chúng đồng tu phải nhớ làm gương cho đại chúng ở mọi nơi, ở nhà thì làm gương cho gia đình, ở Đạo tràng này thì làm gương cho tứ chúng đồng tu ở đây.

Ðừng nói người kia không làm thì tại sao tôi phải làm?

Nói vậy là bạn sai rồi.

Người đó đọa địa ngục, tại sao tôi không đọa địa ngục?

không phải là ý nghĩa này sao?

Ông đó đọa địa ngục, tôi phải cứu ông đó, làm sao tôi cứu ông được?

Tôi làm gương mẫu cho ông thấy, như vậy mới đúng.

Ổng tham tiền tài, tại sao tôi không tham?

Ổng tranh đoạt quyền lợi, tại sao tôi không tranh?

Ðây là làm một hình tượng địa ngục, kéo hết mọi người vô địa ngục, như vậy là sai rồi. Chúng ta nhìn thấy người ta đọa địa ngục, chúng ta phải nêu gương tốt làm thế nào thoát ly địa ngục, siêu việt biển khổ, như vậy mới đúng.

Người khác tham tài, tranh đoạt lợi lộc, rất nhiều người làm, tất cả người trên Thế giới đều làm nhưng tôi, cá nhân tôi không làm. Người làm thì mê hoặc điên đảo, người chẳng làm thì giác ngộ, quay về, phải hiểu đạo lý này. 

Bạn khuyên người ta làm, nhưng tại sao bạn không làm?

Làm sao người ta tin được?

Nhất định tự mình phải làm được thì mới có thể khơi gợi được lòng tin của người khác, mới có thể dẫn dắt người ta hướng thiện, nhất định phải đích thân thực hành. Phật dạy Thánh Nữ Bà La Môn như vậy, cũng tức là dạy chúng ta, nhất định phải hết lòng, quay về, dũng mãnh tinh tấn.

Xem đoạn Kinh kế tiếp: Dĩ Như Lai thần lực cố, các dĩ phương diện dữ chư đắc giải thoát tùng nghiệp đạo xuất giả, diệc các hữu thiên vạn ức na do tha số, cộng trì hương hoa lai cúng dường Phật.

Do nhờ thần lực của Như Lai, phân thân từ mỗi phương cùng những chúng đã được giải thoát khỏi chốn nghiệp đạo đông đến số ngàn muôn ức na do tha cùng cầm hương hoa đến cúng dường Phật.

Ðoạn văn này nói đại chúng cùng đến với Ðịa Tạng Bồ Tát, đại chúng này thật ra là những vị tiếp nhận sự giáo hóa của Ðịa Tạng Bồ Tát và đã giác ngộ rồi, trong Kinh Hoa Nghiêm gọi họ là đại tâm phàm phu.

Hôm nay phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát đều tụ hội đến Ðao Lợi Thiên Cung, những đại tâm phàm phu này thoát thân từ địa ngục cũng theo Ðịa Tạng Bồ Tát đến cung Trời Ðao Lợi để yết kiến Đức Phật.

Ðại hội ở Ðao Lợi Thiên Cung hôm ấy vô cùng thù thắng, vì sao?

Hết thảy Chư Phật Như Lai đều ở chỗ đó, sự cúng Phật này vô cùng viên mãn. Ðại chúng ở Cực Lạc Thế Giới, Vãng Sanh về Cực Lạc Thế Giới phải phân thân đến các cõi nước Chư Phật ở khắp hư không pháp giới để cúng dường, nghe pháp.

Hôm nay Chư Phật Như Lai đều tụ tập ở giảng đường này, họ chẳng cần phân thân đến các cõi nước, những đại tâm phàm phu này đến cùng Ðịa Tạng Bồ Tát có phước báo to lớn, ở một nơi cùng lúc có thể cúng dường hết thảy Chư Phật Như Lai, việc này thù thắng biết bao.

Còn thù thắng hơn Cực Lạc Thế Giới nữa. Từ chỗ này chúng ta mới thể hội được sự thù thắng của Ðịa Tạng pháp môn, tu học Ðịa Tạng thù thắng, chỗ nào cũng hiển thị hạng nhất, siêu việt Cực Lạc Thế Giới, đây là đại căn đại bản của hết thảy pháp môn.

Họ đều cầm hương hoa đến cúng dường Phật, hương hoa là tiêu biểu pháp, hương tiêu biểu cho lòng tin thanh tịnh, hoa tiêu biểu cho y giáo phụng hành, hoa tượng trưng cho nhân, tu nhân chứng quả, đây là tiêu biểu Như giáo tu hành cúng dường, như vậy mới là chân chánh cúng dường.

Xin xem tiếp Kinh Văn: Bỉ Chư đồng lai đẳng bối, giai nhân Ðịa Tạng Bồ Tát giáo hóa, vĩnh bất thoái chuyển ư A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Những chúng cùng đến ấy đều nhờ Ðịa Tạng Bồ Tát giáo hóa, làm cho vĩnh viễn chẳng thoái chuyển nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Ở đây Phật dạy chúng ta, nói với chúng ta, những đại chúng cùng đến với Ðịa Tạng Bồ Tát có thể tham dự hội kinh ở cung Trời Ðao Lợi, đều tiếp nhận sự giáo hóa của Ðịa Tạng Bồ Tát được sanh tín căn, chúng ta gọi là ngũ căn, ngũ lực: Tín, tấn, niệm, định, huệ.

 Họ có căn, cái này rất quý, có căn mới vĩnh viễn chẳng thoái chuyển nơi Vô Thượng Bồ Ðề. Tín căn của những người này thành tựu xong, niệm niệm đều hướng về vô thượng bồ đề, hết thảy pháp trong thế gian và xuất thế gian đều chẳng lưu luyến, chỉ tìm cầu vô thượng bồ đề.

Thị Chư chúng đẳng cửu viễn kiếp lai, lưu lãng sanh tử lục đạo thọ khổ tạm vô hưu tức.

Những chúng sanh này từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, trôi lăn trong sanh tử, chịu khổ trong sáu đường, chưa từng tạm ngưng. Nói những phàm phu này, những đại tâm phàm phu này, kể lại lúc trước trong sáu nẻo luân hồi, nói thật ra chính là nhóm người chúng ta, mệt mỏi sanh tử chưa từng nghỉ ngơi qua.

Dĩ Ðịa Tạng Bồ Tát quảng đại từ bi thâm thệ nguyện cố, các hộ quả chứng. Nhờ lòng từ bi quảng đại và thệ nguyện sâu dầy của Ðịa Tạng Bồ Tát, nên tất cả đều chứng được quả vị.

Câu này nói về nhân duyên được độ. Nương nhờ lời dạy từ bi và các thứ phương tiện của Ðịa Tạng Bồ Tát, hiển thị câu từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa thường nói đến trong Phật Pháp, Ðịa Tạng Bồ Tát là tâm đại từ bi.

Chủng chủng phương tiện là nói sự khéo léo của Ngài, vì chúng sanh làm ra nhiều thị hiện, nói cách khác: Vì chúng sanh làm ra những hình tượng khác nhau. Làm cho hết thảy chúng sanh thấy sắc, nghe âm thanh, tiếp xúc những hình tượng này có thể cảm nhận và tỉnh ngộ, biết quay về, đây chính là thiện xảo phương tiện của Bồ Tát. Thế nên Bồ Tát vì chúng sanh làm thầy, làm mô phạm, hướng dẫn, sau khi họ tiếp xúc liền tỉnh ngộ và quay về tu hành chứng quả.

Tuy quả vị này chẳng giống những quả vị thường nói như Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, mà là quả vị đại tâm phàm phu, việc này vô cùng quý báu. Bồ đề tâm được sanh khởi, phiền não chưa đoạn thì gọi là đại tâm phàm phu.

Ký chí Ðao Lợi, tâm hoài dũng dược chiêm ngưỡng Như Lai, mục bất tạm xả. Khi đến cung Trời Ðao Lợi, lòng họ vui mừng hớn hở chiêm ngưỡng đức Như Lai, mắt nhìn mãi không rời. 

Hình dung nhóm người này, khi đến cung Trời Ðao Lợi vui mừng hớn hở, hoàn toàn biểu lộ ra ngoài, hiển lộ lòng cảm ân. Cảm kích sự giáo huấn của Ðịa Tạng Bồ Tát, cảm kích ân đức của Chư Phật nhiếp thọ, hoàn toàn hiển lộ chẳng giữ lại.

Hãy xem tiếp Kinh Văn: Nhĩ thời Thế Tôn thư kim sắc tý, ma bách thiên vạn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết vô lượng A tăng kỳ Thế Giới Chư phân thân Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đảnh.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đưa cánh tay sắc vàng xoa đảnh các phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát trong trăm ngàn vạn ức chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn, chẳng thể tính, chẳng thể nói vô lượng A tăng kỳ Thế giới.

Ý nghĩa này, nói nhiều con số này, ý tứ vô cùng sâu dầy. Hiển thị chúng sanh ở mười phương Thế giới tạo vô lượng vô biên ác nghiệp, ý nghĩa chân chánh là ở chỗ này. Cho nên Ðịa Tạng phải phân nhiều thân như vậy để giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn ấy.

Ðịa Tạng Bồ Tát phân thân càng nhiều, chúng ta mới biết địa ngục càng nhiều, biết địa ngục càng nhiều thì biết số người tạo tội nghiệp địa ngục, chịu khổ báo địa ngục càng nhiều. Ở Ðao Lợi Thiên Cung, Thế Tôn an ủi Ðịa Tạng Bồ Tát, xoa đảnh xong.

Nhi tác thị ngôn:

Rồi nói rằng: Xoa đảnh là an ủi.

Phật nói: Ngô ư ngũ trược ác thế, giáo hóa như thị cang cường chúng sanh, lịnh tâm điều phục xả tà quy chánh. Thập hữu nhất nhị thượng ác tập tại.

Ta ở trong đời ác ngũ trược giáo hóa những chúng sanh ương ngạnh như vậy, làm cho tâm họ điều phục, bỏ tà về chánh. Trong mười phần còn một, hai phần vẫn theo thói ác.

Ðây là lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phó chúc Ðịa Tạng Bồ Tát ở Thiên Cung, trách nhiệm của Ðịa Tạng Bồ Tát nặng hơn bất cứ người nào. Lúc Phật không còn tại thế, sứ mạng giáo hóa chúng sanh phải ủy thác cho Ðịa Tạng Bồ Tát.

Chư vị phải biết đạo lý này ở đâu?

Tại sao Đức Phật Thích Ca chẳng giao chuyện độ hóa chúng sanh cho Quán Thế Âm Bồ Tát?

Tại sao không giao cho Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát?

Ðều là Đại Bồ Tát hết, tại sao không giao cho các Ngài mà phải nhờ Ðịa Tạng Bồ Tát?

Nói thật ra những Bồ Tát đó độ không nổi, chẳng có cách gì độ được, chỉ có Ðịa Tạng Bồ Tát có thể độ mà thôi.

Mọi người hiểu ý nghĩa này không?

Ðịa Tạng Bồ Tát dạy việc gì?

Hiếu thân tôn sư. Nếu người này không hiếu kính cha mẹ, không tôn kính Sư Trưởng, thì Bồ Tát, Phật nào đến cũng độ chẳng nổi. Sự dạy học của Ðịa Tạng Bồ Tát là xây dựng nền móng, dạy lớp một Tiểu Học, Quán Thế Âm Bồ Tát dạy lớp hai, Văn Thù Bồ Tát dạy lớp ba, Phổ Hiền Bồ Tát dạy lớp bốn, lớp một còn chưa dạy hoàn hảo thì những lớp phía trên không thể dạy nổi.

Thế nên chư vị phải hiểu thành Phật bắt đầu từ chỗ nào?

Hiếu Thân Tôn Sư. Lớp Ðịa Tạng Bồ Tát dạy chính là lớp hiếu thân tôn sư, nếu lớp này học không được, thì khỏi cần nói những lớp khác. Hiếu thân tôn sư được hoàn hảo rồi, Quán Thế Âm Bồ Tát mới ra sức được, mới dạy đại từ đại bi được, mở rộng hiếu thân tôn sư ra, đó là việc Quán Thế Âm Bồ Tát dạy, đạo lý là như vậy.

Thế nên lúc Phật chẳng còn tại thế, nhất định phải để Ðịa Tạng Bồ Tát thay thế Phật. Cho dù không thể đề cao cảnh giới này, bạn chân chánh làm được hiếu thân tôn sư thì sẽ không đọa ba đường ác, tuy không ra khỏi tam giới, nhưng cũng chẳng đọa ba đường ác, bởi vậy nên đây là căn bản của Phật Pháp. Nếu chúng ta không thể xây dựng pháp căn bản thì nói thật ra học Phật chỉ là một trồng một nhân lâu xa mà thôi. 

Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói đến mười loại căn cơ, đây là viễn cơ, tức là đời này không đạt được lợi ích, trong Phật Pháp bạn chỉ un đúc một chút hạt giống vào A lại da thức của bạn, phải đợi đời sau, đời sau nữa, nhiều đời nhiều kiếp sau, đến khi nào nhân duyên chín muồi mới làm tiếp tục, giúp chúng sanh trồng nhân cho kiếp lâu xa, trong đời này nhất định sẽ chẳng thâu hoạch được hiệu quả.

Nếu trong pháp môn Ðịa Tạng này vun bồi cơ sở rồi, cũng nghĩa là làm được phước thứ nhất trong Tam Phước, chư vị phải biết, cả bộ Kinh Ðịa Tạng giảng về điều gì?

Chính là Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự Sư Trưởng, từ tâm không sát hại, tu mười nghiệp thiện, chính là bốn câu này.

Năm xưa tôi ở các thành thị miền đông nước Mỹ giảng Ðại Ý Kinh Ðịa Tạng, có nhiều người cảm thấy kỳ lạ: Tịnh không Pháp Sư chuyên tu Tịnh Ðộ, chuyên hoằng Tịnh Ðộ, tại sao lại giảng Kinh Ðịa Tạng?

Có người hỏi tôi như vậy.

Tôi nói: Quý vị không hiểu, những gì tôi giảng chính là phước thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, vẫn chuyên tu chuyên hoằng, chẳng lìa khỏi Tịnh Tông. 

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy phu nhân Vi Ðề Hy, Vi Ðề Hy phu nhân muốn cầu sanh Tây Phương Tịnh Ðộ, thỉnh Đức Phật Thích Ca dạy phương pháp vãng sanh cho bà. Trước khi truyền dạy phương pháp niệm Phật, Ngài dạy bà tu Tịnh nghiệp tam phước, dạy bà đây là cơ sở, ba đời Chư Phật đều nhờ cơ sở này mới thành tựu.

Giống như xây nhà vậy, dạy bạn làm sao xây nhà?

Phải dạy bạn đắp nền móng, đắp nền móng đàng hoàng rồi mới dạy bạn làm sao xây tiếp, bạn coi chuyện này quan trọng biết bao. Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện này chính là phước thứ nhất trong Tam Phước. Bạn nói quan trọng hay không.

Tại sao ở Đạo Tràng mới xây dựng tôi nhất định phải giảng Kinh Ðịa Tạng mà chẳng giảng Kinh khác?

không có tâm hiếu thuận cha mẹ, tôn sư trọng đạo thì không cần nói chuyện gì hết, bạn làm sao xây dựng Phật Pháp?

Phật Pháp là giáo học, giáo dục, đạo thầy trò sư đạo, sư đạo xây dựng trên cơ sở hiếu đạo.

Nếu chẳng có hiếu đạo thì chẳng có sư đạo, vậy còn phải nói gì nữa?

Thế nên việc này rất quan trọng. Trong hai mươi mấy năm nay tôi vẫn chẳng quên đề xướng việc xây Từ Đường, Từ Đường là một trung tâm để dạy đạo hiếu từ xưa đến nay ở Trung Quốc. Theo chánh sách hiện nay của chính phủ, Từ Đường của mỗi nhà chẳng còn nữa, đã bị phế bỏ rồi, âu cũng là một việc tốt.

Sau khi phế bỏ thì phải xây cái mới, cái mới này nên xây như thế nào?

Nên xây Từ Đường cộng đồng, đừng xây cho từng nhà. Mỗi một huyện chỉ xây một Từ Đường, Từ Đường cho trăm họ.

Trước kia là cho từng họ: Từ Đường họ Trương, Từ Đường họ lý, cái mới của chúng ta phù hợp với chánh sách của Quốc Gia, xây Từ Đường cộng đồng, tốt lắm. Người cả nước đoàn kết thành nhất tâm, mỗi năm mùa xuân, thu làm lễ cúng tế Tổ Tiên, do Huyện trưởng đứng ra cúng tế, như vậy hay lắm.

Mỗi huyện có Từ Đường chung của huyện, tốt lắm, chúng ta đề xướng hiếu đạo, đừng xây cho từng họ từng họ nữa, làm cho các họ, tông tộc từng họ trong cả nước có thể đoàn kết lại. Phế bỏ một cái tức Từ Đường cho riêng từng họ, kiến thiết một cái mới, tiến bộ hơn trước, thù thắng hơn trước.

Như vậy là rất đúng. Tôi đề xướng xây dựng Tông Từ cho trăm họ, không những mỗi huyện nên xây một cái, những nơi ở hải ngoại có kiều bào đều nên xây dựng giống vậy.

Hôm nay đã hết giờ, chúng tôi giảng đến đây.

A Di Đà Phật!

***