Haèng thuaän chuùng sanh
Tuyø hyû coâng ñöùc

tinhdo.edu.vn

PHẬT THUYẾT KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN GIẢNG KÝ - TẬP HAI MƯƠI

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT

BỔN NGUYỆN GIẢNG KÝ

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP HAI MƯƠI
 

Xin mở Kinh, Quyển Trung, trang ba mươi ba, xem Kinh Văn bắt đầu từ hàng cuối: Nhược hữu nữ nhân yếm nữ nhân thân, tận tâm cúng dường Địa Tạng Bồ Tát họa tượng, cập thổ thạch giao tất đồng thiết đẳng tượng. Như thị nhật nhật bất thoái, thường dĩ hoa hương, ẩm thực, y phục, tăng thải, tràng phan, tiền, bảo vật đẳng cúng dường.

Nếu có người nữ nào nhàm chán thân người nữ, hết lòng cúng dường tượng vẽ của Địa Tạng Bồ Tát, cùng những tượng bằng đất, đá, keo, sơn, đồng, sắt, v.v... ngày ngày như thế không thoái chuyển, lại thường đem hoa, hương, đồ ăn, thức uống, quần áo, gấm lụa, tràng phan, tiền bạc, báu vật, v.v... cúng dường.

Chúng ta đọc tiếp cũng được. Thị thiện nữ nhân tận thử nhất báo nữ thân, bách thiên vạn kiếp cánh bất sanh hữu nữ nhân Thế giới, hà huống phục thọ.

Thì người thiện nữ đó sau khi mãn một báo thân nữ hiện tại, trải qua trăm ngàn muôn kiếp còn không sanh vào Thế giới có người nữ, huống chi là thọ lại nữ thân.

Đoạn này nói về việc chuyển thân nữ. Việc này xã hội hiện nay khác với xã hội thời xưa, xã hội cổ xưa ở Trung Quốc, ở Ấn Độ, có thể ở những nước khác cũng giống như vậy, địa vị của phụ nữ trong xã hội tương đối thấp, đó gọi là nam nữ chẳng bình đẳng.

xã hội hiện nay khác với lúc trước. Thời quá khứ, trong Kinh Đức Phật nói thân người nữ có nhiều chướng ngại, phiền não nhiều hơn người nam, tình chấp nặng, thế nên Đức Phật trong Kinh Ngọc Da Nữ nói người nữ có mười việc thường âu lo.

Thứ nhất là lúc sanh ra, cha mẹ chẳng hoan hỷ, người mẹ sanh con trai thì rất vui, lúc sanh con gái thì tâm hoan hỷ giảm bớt rất nhiều.

Thứ hai, đây là nói trong xã hội thời xưa, cha mẹ chăm sóc dạy dỗ con gái rất nghiêm khắc, dù đã trưởng thành cũng không thể gặp mặt khách đàn ông bên ngoài, tức là khách không phải là họ hàng thân thuộc, cô ta phải phân biệt người trong họ và người ngoài, đây là việc thường tránh gặp người ngoài.

Kế đến là lúc lấy chồng, cha mẹ lại lo lắng thêm, phải rời khỏi nhà cha mẹ, thân thuộc, trong Phật Pháp gọi là ái biệt ly khổ. Gả đi lấy chồng hoàn toàn phải coi người chồng, coi sắc mặt của người ta, có rất nhiều chướng ngại, khó khăn.

Lúc còn nhỏ thì bị cha mẹ quản thúc, gả đi rồi thì bị chồng quản thúc, đến già thì bị con cháu quản thúc, rất nhiều khổ sở, thế nên người ta không thích làm người nữ. Quan niệm hiện nay khác với thời xưa, chúng ta biết rõ những việc này.

Nhưng trong đây có một việc quan trọng, là nói cho chúng ta biết nghiệp lực có thể thay đổi, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Ngay cả thân hình cũng có thể chuyển biến, huống chi là dung mạo, thể chất, thân thể đương nhiên càng dễ đạt được, phải hiểu đạo lý này.

Trong ấy chỉ là một nguyên lý: Cảnh chuyển theo tâm, tâm có thể chuyển cảnh, chúng ta hiểu được đạo lý này thì rất tốt.

Còn phương pháp chuyển biến, chỗ này nói: Nhược hữu nữ nhân yếm nữ nhân thân nếu có người nữ chán ghét thân nữ, trong đoạn sau có nói.

Thị thiện nữ nhân, do đó có thể biết người nữ nói phía trước phải là người nữ thiện, đoạn trước đã lược bớt một chữ thiện. Chữ này quan trọng phi thường. Chúng ta coi đoạn sau sẽ biết đoạn này, người nữ này phải là người thiện.

Người nữ thiện nhất định phải phụng hành Tam phước nói trong Quán Kinh, nhất định phải ghi nhớ điểm này. Kinh này là Kinh Đại Thừa, có thể làm trọn hết mười một điều trong Tam phước, làm được đến mức độ nào thì hãy khoan nói.

Chỉ cần bạn làm được một phần, hai phần cũng được xưng là người nữ thiện, không làm thì không được, nhất định phải làm. Người ấy có cơ sở này, sau đó y theo phương pháp và lý luận này để tu học thì sẽ được quả báo. Tận tâm, chữ này là mấu chốt trong phương pháp tu hành, nhất định phải tận tâm.

Tận tâm tức là dùng tâm thành kính cùng cực, chân thật cùng cực để tu cúng dường, cúng dường hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát. Chữ hình tượng này là hình vẽ cũng được, hình tượng nặn đắp cũng được, đúc bằng vàng, bạc, đồng, sắt cũng được.

Ở đây nói chỉ cần cúng dường hình tượng Địa Tạng Bồ Tát, Kinh Văn phía sau cũng là ý này. Cúng dường là ngày ngày chẳng thoái, có thể thấy đây là tâm vững bền lâu dài.

Nêu lên các thứ cúng cụ vật dùng để cúng, dùng hoa cúng dường, dùng hương cúng dường, dùng thức ăn, thức uống, quần áo, gấm lụa, tràng phan, và tiền tài, báu vật, v.v... để cúng dường, đây là nói về vật cúng dường.

Vật cúng dường nhiều hay ít, sang hay hèn là tùy theo khả năng của mình, tuyệt đối chẳng miễn cưỡng. Trong các cúng cụ này chúng ta phải hiểu ý nghĩa tiêu biểu pháp của nó, phải đặc biệt ghi nhớ điểm này.

Nếu không biết ý nghĩa tiêu biểu pháp, chỉ dùng hình thức để cúng dường thì được lợi ích rất nhỏ, chuyển nghiệp lực chẳng nổi, nhất định phải hiểu ý nghĩa tiêu biểu pháp.

Nói cách khác, hình tượng của Phật, Bồ Tát và hết thảy cúng cụ đều nhằm từng giờ từng phút nhắc mình, đề cao cảnh giác, bạn không ngừng nâng cao đức hạnh, bạn sẽ được tự tại. Tự tại giống như Phật, Bồ Tát vậy, nên dùng thân gì để được độ thì Ngài hiện thân ấy.

Nói cách khác, chuyển nghiệp lực của mình thành nguyện lực, ý nghĩa quan trọng nhất trong đoạn Kinh Văn này là ở đây. Nguyện lực thọ thân sẽ tự tại, còn nghiệp lực thọ thân sẽ chẳng tự tại, cho nên phương pháp này là dạy chúng ta chuyển nghiệp lực thành nguyện lực.

Cúng hoa, chúng ta nhìn thấy hoa thì tưởng đến phải tu nhân, nhân hoa của Lục độ vạn hạnh. Đặc biệt là trong Kinh Hoa Nghiêm hiển thị, Kinh Điển nói với chúng ta, trong Kinh Hoa Nghiêm có nói bất cứ người nào, bất luận sống cuộc sống như thế nào, thân phận gì, làm nghề gì đều chẳng có trở ngại, đều có thể tu Bồ Tát hạnh.

Bồ Tát hạnh là gì?

Tức là đời sống của họ, tức là công việc trong hành nghiệp của họ, thù tạc hằng ngày, làm sao đem những chuyện này biến thành Bồ Tát hạnh?

Biến thành Lục độ vạn hạnh?

Mấu chốt ở tại bồ đề tâm. Bồ đề tâm là tâm giác ngộ, chân chánh giác ngộ.

Giác ngộ cái gì?

Giác ngộ chư pháp thật tướng.

Kinh Bát Nhã nói tam tâm bất khả đắc, chư pháp vô sở hữu, đây là chân chánh giác ngộ, tâm hạnh của bạn tương ứng với tự tánh, và cũng là tương ứng với thật tướng của hết thảy pháp, được vậy thì bạn làm sao chẳng tự tại cho được?

Sau khi chân chánh giác ngộ mới biết tận hư không, trọn khắp pháp giới đều là chính mình, bạn mới thực sự hiểu rõ, thế nên đối với hư không pháp giới hết thảy người, sự, vật sẽ tự nhiên sanh khởi tâm thương yêu chân chánh. Trong Phật Pháp gọi tâm thương yêu này là đại từ, đại bi, vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, tận hư không, trọn khắp pháp giới và mình có cùng một thể.

Thể này là gì?

Thể là chân tâm, chân tâm tức là chân như, tức là bổn tánh, trong Kinh Phật dùng rất nhiều danh tướng nhưng đều nói về một sự việc. Y báo, chánh báo trang nghiêm trong thập pháp giới đều do chân tâm này biến hiện ra, thế nên tình và vô tình cùng một thể.

Chư Phật Như Lai nhìn thấy chúng sanh thọ khổ, thực sự như là chính mình thọ khổ, thấy chúng sanh được vui, thực sự như là chính mình được vui, chúng sanh và mình là một thể, đó mới là chân chánh giác ngộ.

Chúng sanh, đặc biệt là chúng sanh trong lục đạo rất khổ, mê mất tự tánh, mê mất tự tánh nhưng tự tánh vẫn khởi tác dụng, chẳng phải là không khởi tác dụng, nếu không khởi tác dụng thì chẳng gọi là chân tánh, nó vẫn khởi tác dụng. Tuy khởi tác dụng, nhưng vì mê mất tự tánh, nên họ chẳng hay, chẳng biết bị nghiệp lực thao túng, đời sống của họ sẽ khổ.

Chúng sanh đã giác ngộ, giác ngộ rồi thì xưng là Phật, Bồ Tát. Thanh Văn, Duyên Giác cũng giác ngộ, giác ngộ không rốt ráo, chẳng viên mãn, nhưng họ đã có thể thoát khỏi sự khống chế của nghiệp lực. Trong Kinh Phật nói Thanh Văn, Duyên Giác trong Tam đức chỉ được giải thoát, là phân nửa giải thoát, chẳng viên mãn.

Tại sao?

Pháp thân, bát nhã chẳng chứng được, trong Tam đức bí tạng chỉ chứng được phân nửa giải thoát, họ xả thân và thọ thân cũng tương đối tự tại.

Do đó có thể biết trong toàn bộ giáo học Phật Pháp, mấu chốt ở tại giác ngộ, sau khi giác ngộ thì chúng ta sẽ được tự tại, sẽ có thể tùy ý hóa thân, chẳng chỉ là chuyển thân nữ thành thân nam mà thôi. Ý nghĩa của việc dùng hoa để cúng dường đem lại cho chúng ta khải thị lớn như vậy.

Sự tiêu biểu pháp của hương là tín tâm, hương tiêu biểu cho tín hương, đối với lời giáo huấn của Phật, Bồ Tát tuyệt đối chẳng có nghi hoặc, sanh khởi lòng tinh thanh tịnh, kiên định.

Hương cũng tiêu biểu giới, định, trong bài Hương Tán chúng ta thường xướng Giới Định Chân Hương. Hương cũng tiêu biểu Ngũ Phần Pháp Thân Hương, biết được sự tiêu biểu của hương thì chúng ta mới đạt được lợi ích chân thật, không thể không biết việc này.

Cúng dường ẩm thực, y phục tiêu biểu cho lòng cung kính của mình, chúng ta cần ăn uống, chúng ta dùng đồ ăn thức uống cúng dường Phật, Bồ Tát, thật ra Phật, Bồ Tát chẳng cần. Chúng ta cần y phục, chúng ta dùng y phục cúng dường Phật, Bồ Tát.

Dùng y phục cúng dường Phật, Bồ Tát trong Chùa cũng có, chúng ta thấy có một số Chùa, Tượng Phật, Bồ Tát có người cúng dường y giống như cái áo khoác, đắp trên thân tượng, đó là cúng dường y. Cúng dường những cúng cụ này đều y cứ theo Kinh Điển, cúng dường đồ ăn thức uống rất bình thường, cúng trước Tượng Phật, đây là ẩm thực cúng dường.

Gấm lụa, tràng phan là những đồ trang sức, tức là dùng những vật bằng tơ lụa để cúng dường Phật, Bồ Tát, làm trang nghiêm Đạo tràng, ngày nay chúng ta gọi là treo đèn kết tụ. Quốc khánh Tân Gia Ba sắp đến, mỗi đường phố đều có treo đèn, là ý nghĩa như vậy.

Tràng phan là cúng cụ thường thấy nhất. Trong chú giải trang ba mươi lăm, hàng thứ năm, chư vị coi từ đó, đây là Pháp Sư Thanh Liên cho chúng ta tham khảo. Phàm cách chế tạo phan, tạo phan cùng nghĩa với tạo tràng, nói phan bao gồm tràng luôn.

Trên tràng và phan không nên để tức thêu hay vẽ hình hay danh hiệu của Phật, Bồ Tát v.v... vì phan là vật để cúng, tức là để cúng cho đối tượng được cúng tức Phật hay Bồ Tát. Đã là vật cúng cho Phật, Bồ Tát sao lại còn dùng hình hay danh hiệu của Phật, Bồ Tát để cúng.

Hy vọng chúng ta ghi nhớ điểm này, hiện nay nhiều người không biết, cúng phan, trên phan lại ghi danh hiệu của Phật, Bồ Tát, làm sao lại dùng Phật, Bồ Tát đi cúng dường Phật, Bồ Tát.

Chúng ta cúng A Di Đà Phật, trên phan lại ghi câu Nam Mô A Di Đà Phật, dùng A Di Đà Phật đi cúng dường A Di Đà Phật, quý vị nghĩ xem có đúng như pháp hay không?

Lời ghi trong Khoa Chú rất đúng.

Trên tràng phan lại còn có gì nữa?

Dùng Tượng Phật, trên ấy thêu Tượng Phật rồi đem cúng dường Phật, Bồ Tát, hoàn toàn sai lầm, đây là việc rất nhiều người chẳng để ý. Ngày nay Phật Pháp suy thoái, tuy Phật Giáo dường như rất hưng vượng, chúng sanh vẫn tạo những nghiệp này, vẫn chịu những khổ báo này, chúng ta cúng dường như vậy là sai rồi.

Có khi còn phạm sai lầm lớn hơn nữa, chúng ta thấy có Pháp Sư, đại Pháp Sư đắp tổ y màu đỏ, trên tổ y lại thêu Tượng Phật, như vậy là không được.

Hết thảy Chư Phật đều biến thành y phục của bạn rồi. Đã mắc lỗi ở trên tràng phan rồi, còn lấy hình Tượng Phật, Bồ Tát để trên quần áo nữa, như vậy là không được.

Nói trở lại, ngày nay chúng ta in danh hiệu của Phật, Bồ Tát trên quần áo được không?

Được.

Tại sao lại được?

Đây là chúng ta vì muốn độ hóa chúng sanh, hy vọng hết thảy chúng sanh một phen lọt vào tai thì vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo, dụng ý của chúng ta ở chỗ này. Giả sử bạn thêu hình tượng của Phật, Bồ Tát trên y phục, mặc ra đường để độ chúng sanh, tốt lắm. Như vậy thì được.

Vấn đề là coi bạn dụng tâm gì?

Tâm của bạn là thiện, là thuần, thì có vô lượng công đức. Nếu tâm bạn chẳng phải để đem lại lợi ích cho chúng sanh, chẳng phải để tuyên truyền Phật Pháp, vậy thì bạn đã tạo nghiệp. Nhưng tràng phan được dùng trong Đạo tràng, trong Đạo tràng có cúng dường tượng Phật, thêu Tượng Phật trên tràng phan thì không được.

Nếu tràng phan được treo trên cột cờ thì được.

Tại sao?

Để cho đại chúng nhìn thấy, rất nhiều người chẳng tin Phật, để họ nhìn thấy danh hiệu của Phật trên tràng phan, hoặc là ghi tên của Kinh Điển, đều tốt cả.

Đây là gì?

Mục đích của chúng ta chẳng ngoài việc làm cho chúng sanh có dịp tiếp xúc đến Tam Bảo, đều cốt ý làm như vậy, do đó quan hệ của sự dụng tâm rất lớn. Hiện nay chúng ta thấy quan tòa phán xử, trước hết phải hỏi động cơ sự thúc đẩy của bạn là gì.

Nếu động cơ là thiện lành thì việc làm sai trái cũng có thể tha thứ, nếu động cơ là chẳng thiện thì làm việc tốt lành cũng có tội, do đó tầm quan trọng của động cơ rất lớn. Ở đây nói tận tâm, tận tâm tức là nói động cơ.

Lúc trước một số lão Hòa Thượng kể chuyện cho chúng tôi nghe, có lẽ những chuyện này đều là sự thật. Nói có một người xuất gia thấy có một Tượng Phật cúng ở bên đường, lúc đó nắng rất gắt, ông ấy nhìn thấy rất bứt rứt, Tượng Phật ở đó phơi nắng chẳng có gì che, tự mình ông cũng chẳng có cách gì, không có gì cả.

Ông nghĩ trên chân còn một đôi giầy bện bằng cỏ, nghĩ vậy bèn đem đôi giầy đó cúng Phật, để đôi giầy cỏ ở trên đảnh đầu Phật để cho Tượng Phật khỏi bị phơi nắng, còn mình đi chân không, đó là tâm tốt, ông ấy sẽ được quả báo thiện.

Sau khi ông đi khỏi chẳng lâu lại có một người xuất gia đi ngang chỗ đó, nhìn thấy trên đầu Phật có một chiếc giầy bện bằng cỏ, tự hỏi ai mà tạo ra tội nghiệp như vậy?

Mau mau lấy chiếc giầy xuống, chùi đảnh đầu Tượng Phật sạch sẽ, cả hai người đều có tâm tốt, cả hai đều có tâm cung kính, đều được phước báo, tại sao?

Động cơ đều rất tốt. Do đó chúng ta phải hiểu rõ, làm việc thiện là một tâm thiện, một niệm chân thành, việc làm của cả hai người kể trên đều chẳng có lỗi, phải hiểu ý tứ này. Tràng phan trong chánh điện ở Chùa tốt nhất là đừng có hình Tượng Phật, Bồ Tát, chẳng ghi danh hiệu Phật.

Dùng cái gì tốt nhất?

Hiện nay chúng ta dùng câu học vi nhân Sư, hành vi thế phạm, dùng câu này ghi trên phan để cúng dường, tốt lắm. Hiện nay những gì chúng ta tu học, thực sự là tông chỉ, phương hướng, mục tiêu của chúng ta, ghi hai mươi chữ chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật trên tràng phan rất tốt. Chúng ta dùng tràng phan như vậy cúng Phật.

Trong Phật Pháp gọi đó là pháp cúng dường, điều thứ nhất trong pháp cúng dường là y giáo tu hành cúng dường. Trong vật cúng dường này của chúng ta, từng giờ từng phút nhắc nhở chúng ta y theo lời dạy tu hành cúng dường, như vậy là đúng, đáng được chúng ta đề xướng.

Nhưng hiện nay phần đông đều dùng danh hiệu Phật, Bồ Tát, ai nghĩ ra đạo lý này?

Đây là đặc biệt nêu ra, hy vọng mọi người chú ý đến vấn đề này.

Tiền tài, vật báu, đây là xả tài, xả tài là gì?

Xả tham, tiêu biểu cho xả tham cúng dường, vì phần đông người ta rất coi trọng tiền tài, báu vật. Phần sau cùng của chú giải ghi có thể xả mạng tài, tâm chẳng tiếc nuối, bên trong dập tắt xan tham, được phước vô lượng. Những lời này, tứ chúng đồng tu chúng ta thấy trong Kinh Điển rất nhiều, cũng nghe đến rất nhiều, nhưng chẳng ai tin tưởng.

Tại sao không tin?

Chẳng thấy qua, chẳng có chứng cớ. Cho nên tuy đọc Kinh, nghe Kinh hiểu được việc này, tự mình cũng tu phước, khi buông xả tiền tài đều xả một chút, tôi có một vạn đồng thì xả một đồng là được rồi, làm việc tốt, cho nên phước báo người ấy có hạn, người ấy chẳng thể xả hoàn toàn.

Trong thế gian này người giàu buông xả chẳng bằng người nghèo, người nghèo có thì cũng bao nhiêu đó, không có thì cũng bao nhiêu đó, ngày tháng cực khổ từ sáng đến tối cũng ráng chịu đựng, vượt qua nên họ dám buông xả, xả một phần lớn tiền tài của họ. Trong Kinh Điển Đức Phật có kể câu chuyện người ăn xin, người ở ngoài đường ăn xin, người ta cho ông ta một xu.

Có một vị La Hán, Bích Chi Phật nhìn thấy: Ông không có phước. Chịu quả báo bần cùng, nhiều đời quá khứ chẳng tu phước nên Ngài giúp ông trồng phước.

Làm sao trồng phước?

Xin tiền ông ăn xin: Người ta cho ông đồng xu đó, ông lấy ra cúng dường tôi, thì ông sẽ được phước.

Người ăn xin nghe xong thì sao?

Ông nghĩ: Mình khổ quá rồi, bây giờ có dịp cúng dường A La Hán, cúng dường Bích Chi Phật phước báo rất lớn nên ông bèn lấy đồng xu ấy ra cúng dường A La Hán, Bích Chi Phật. Một đồng xu là toàn thể gia tài của ông, ông chỉ có bấy nhiêu thôi, đem ra cúng hết.

Ông được quả báo chẳng thể nghĩ bàn, mấy mươi kiếp đều chẳng chịu khổ báo nghèo hèn. Bố thí nói ở đây là tận tâm bố thí, tận lực bố thí, phước báo đó rốt ráo viên mãn. Những chuyện Đức Phật độ các người nghèo hèn, hạ tiện, ăn xin rất nhiều.

Những người này chẳng bao lâu sau khi mạng chung đều sanh lên Trời, người thế gian chúng ta chẳng thấy họ sanh lên trời, chẳng thấy họ hưởng phước trên trời. Sau khi bố thí chẳng lâu thì họ chết đi, người thế gian nhìn thấy là hiện tượng như vậy, cho nên chẳng thể khởi lên lòng tin.

Chúng ta tuy chẳng nhìn thấy, nhưng chúng ta hiểu rõ đạo lý này, khẳng định sanh mạng nhất định chẳng phải chỉ có đời này mà thôi, chúng ta có đời quá khứ, còn có đời tương lai.

Thực sự tin có đời sau, bạn có thể tin được những lý sự nói trong Kinh, đích thật có đời sau. Đời này khổ một chút không sao cả, đây là vì đời quá khứ chẳng có tu nhân thiện nên đời này phải tu cho đàng hoàng, đời sau mới có quả báo thù thắng, quả báo của sự tận tâm bố thí chẳng thể nghĩ bàn.

Chúng ta cúng dường một vị Phật, một vị Bồ Tát, khó lắm. Tìm chẳng ra, chỉ có thể cúng dường hình Tượng Phật, Bồ Tát. Nếu thế gian có Phật thật, Bồ Tát thật, cúng dường các Ngài sẽ có phước lớn.

Phật thật, Bồ Tát thật ở đâu?

Người tu hành chân chánh. Nhưng vấn đề lại khởi lên, người chân tu đời sống sinh hoạt đều vô cùng thanh bần khổ cực, bạn cúng dường họ, họ chẳng tiếp nhận, họ chẳng muốn.

Do đó có thể biết ruộng phước rất khó kiếm, bạn muốn trồng phước, ruộng phước ở đâu?

Đích thật tương đối chẳng dễ. Phước điền chân chánh là Đạo tràng tu hành chân chánh, chúng ta đến Đạo tràng này để trồng phước điền. Đạo tràng này thiếu cái gì, chúng ta cúng dường cái đó.

Thí dụ người trụ ở đó quá đông, cần mở rộng thiết bị thì chúng ta cúng dường cho họ. Bạn ở đó hết lòng quan sát, cúng dường nhiều nhưng họ tu hành chẳng thoái chuyển một chút nào, đó mới là phước điền chân chánh.

sự cúng dường này mới được phước vô lượng vô biên, cúng dường một ngày được phước báo chẳng thể nghĩ bàn, huống chi là cúng dường hằng ngày chẳng suy thoái, phước báo đó bao lớn. Ngày nay Đạo tràng cư sĩ Lâm ở Tân Gia Ba là một Đạo tràng do cư sĩ xây dựng, những cư sĩ này thông Tông thông Giáo, hộ trì chánh pháp.

Không những hộ trì, chủ trì chánh pháp, xây dựng Niệm Phật Đường, cung ứng cho đồng tu niệm Phật trên toàn Thế giới đến đó tinh tấn niệm Phật, mỗi ngày hai mươi bốn giờ không gián đoạn. Người chân chánh niệm Phật phát tâm đến đó niệm Phật một ngày một đêm, đều là thiện nhân cho bạn tương lai thành Phật, là điều kiện quan trọng cho bạn tương lai thành Phật.

Bạn có thể phát tâm mỗi ngày ở nơi đó niệm Phật, công đức ấy rất to lớn. Do đó Đạo tràng này chẳng phải là một Đạo tràng thông thường, mọi người đến đó là để làm Phật. Cúng dường Đạo tràng này thì phước đức ấy trừ Đức Phật ra chẳng ai có thể nói hết, đây là công đức chân thật. Chúng ta đều phải hiểu lý sự này, phải thấu hiểu triệt để, hy vọng những quốc gia, địa phương khác cũng có thể xây dựng Đạo tràng giống như vậy.

Xây dựng Đạo tràng như vậy nhất định sẽ được Chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần thủ hộ, hộ trì, công đức lợi ích hiện tiền đã chẳng thể nghĩ bàn, người cúng dường được phước báo to lớn, người tu hành được đại thiện lợi. Thế nên cúng dường phải đúng như pháp, bố thí cúng dường đều phải đúng như pháp.

Đoạn phía dưới là nói về quả báo, chuyển quả báo thay đổi quả báo. Quả chuyển báo ở đây chúng ta có thể coi đó như là có cầu ắt ứng, nghiệp báo không phải là không thể chuyển biến.

Trong chú giải hai câu phía trước vô cùng quan trọng. Sự chuyển báo khó, duy tại tinh thành, tám chữ này rất quan trọng! Nếu bạn thực sự làm được đến mức tinh thành, chuyển báo sẽ chẳng khó.

Cô này, người thiện nữ đó sau khi mãn một báo thân nữ hiện tại, trải qua trăm ngàn muôn kiếp còn không sanh vào Thế giới có người nữ, huống chi là thọ lại nữ thân, Thế giới chẳng có người nữ, trong chú giải còn nói tức là chỉ Tây Phương Cực Lạc, Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chẳng có người nữ, sanh đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, thân tướng hoàn toàn giống như A Di Đà Phật.

Cho nên hiện nay chúng ta thờ Tây Phương Tam Thánh, chúng ta thờ ba tượng A Di Đà Phật, ở chính giữa là A Di Đà Phật, còn một bên là Quán Thế Âm Bồ Tát, một bên là Đại Thế Chí Bồ Tát.

Tại sao lại giống nhau?

Người ở Tây Phương Thế Giới đích thật đều giống nhau, cách cúng của Đạo tràng chúng ta hoàn toàn phù hợp với cách nói trong Kinh, giống hoàn toàn. Chúng ta vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới thì thân tướng giống y hệt như A Di Đà Phật, thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp, không phải chỉ là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp mà thôi.

Hết thảy tượng thờ trong niệm Phật đường chúng ta đều giống nhau, đó là gì?

Liên Trì Hải Hội. Những tượng đó chỉ có một vị là A Di Đà Phật, ngoài ra đều là tượng của mọi người chúng ta, tượng của mọi người đều giống như A Di Đà Phật, làm cho chúng ta ở trong Niệm Phật Đường có cảm xúc sâu đậm này. Đây tức là chuyển thân nghiệp báo của chính mình thành thân tướng thù thắng nhất của Như Lai.

Xem tiếp Kinh Văn: Trừ phi từ nguyện lực cố yếu thọ nữ thân độ thoát chúng sanh.

Trừ phi vì nguyện lực từ bi muốn thọ nữ thân để độ thoát chúng sanh. Đây là nói chịu dùng nữ thân để độ thoát chúng sanh thì cũng có thể tùy ý mãn nguyện. Trong chú giải có ghi Ma Gia phu nhân, mẹ của Đức Phật Thích Ca cũng là Chư Phật tái lai, chẳng phải người thường.

Nên dùng thân nữ để độ thì Ngài hiện thân người nữ. Nguyện của Ngài chẳng giống với kẻ khác, nguyện của Ma Gia phu nhân là vĩnh viễn làm mẹ của ngàn vị Phật, Ngài phát nguyện này, phát nguyện làm mẹ của Phật.

Phía sau chú rất hay: Đó là Pháp Môn Thuận Ái độ chúng sanh, tình ái của chúng sanh rất sâu, thuận theo tình ái của bạn để độ bạn. Đây là Nhiếp đồng sự trong Tứ Nhiếp Pháp, Phật và pháp thân Đại Sĩ có khả năng này, thực sự làm được hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức.

Phía dưới lại nêu một thí dụ, trong Kinh Hoa Nghiêm, Bà Tu Mật Đa Nữ, trong Tứ Thập Hoa Nghiêm gọi là Phạt Tô Mật Đa Nữ, đây là vì dịch âm chẳng giống nhau.

Bà Tu Mật Đa thị hiện thân phận gì?

Ngài thị hiện thân phận ngày nay xã hội chúng ta gọi là kỹ nữ, quảng độ chúng sanh, phàm những kẻ tiếp xúc với Ngài đều được Ngài độ thoát.

Thế nên bạn nói có pháp nào chẳng phải là Phật Pháp?

Có thân phận nào chẳng phải là Bồ Tát?

Bồ Tát trong ngành nghề nào cũng có hóa thân, nam nữ già trẻ, các ngành các nghề đều có Bồ Tát, Phật ở trong ấy, phàm phu như chúng ta chẳng nhận ra. Sau cùng Ngài kết luận lại dùng Từ Ái Tam Muội, lúc hiện tướng, tác dụng là từ ái.

Trong tâm thanh tịnh vô nhiễm, giống như Tông Môn có nói: Trăm hoa dẫu có xuyên qua, lá kia một chiếc chẳng hề vướng thân. Tâm địa của Ngài thanh tịnh, bình đẳng, giác, bên ngoài thị hiện từ ái, đây gọi là Từ Ái Tam Muội, Ngài dùng nguyện lực này thị hiện nữ thân.

Phía sau nói: Trước dùng dục lôi kéo, sau dẫn vào trí Phật, trong ấy có tham ái hay không?

Không có. Ngài độ những chúng sanh có tình chấp sâu nặng này, giúp họ thành Phật, lìa khỏi tham sân si, giúp họ giác ngộ, Ngài có công phu định lực, có trí huệ, có phương tiện khéo léo.

Nếu công phu định lực, trí huệ, phương tiện chưa đến mức độ ấy mà học theo họ, vậy thì thôi rồi, chắc chắn sẽ vào địa ngục, tức là công phu chưa đến thì nhất định không thể học theo.

Thế nên Tứ Nhiếp Pháp của Bồ Tát, tôi thường khuyên các vị đồng tu, ba thứ đầu có thể học, còn điều thứ tư này thì phải coi khả năng của mình.

 Điều thứ tư là đồng sự, ba điều đầu là bố thí, ái ngữ, lợi hành thì chẳng có vấn đề, sẽ chẳng gây ra tác dụng phụ gì hết. Điều sau cùng này nhất định phải coi trí huệ, công phu định lực của mình tới đâu mới được, không thể tùy tiện học theo.

Thừa tư cúng dường Địa Tạng lực cố cập công đức lực, bách thiên vạn kiếp bất thọ nữ thân. Còn thì nương nơi sức cúng dường Ngài Địa Tạng cùng sức công đức, trong trăm ngàn vạn kiếp chẳng thọ thân nữ nữa.

Trong việc cúng dường tuy là nói về sự, nói sự bạn nhất định phải hiểu lý, nói lý bạn nhất định phải hiểu sự mới đạt được lợi ích chân thật, tuyệt đối chẳng thể lệch về một bên, nghiên về một bên là sai lầm, bạn sẽ hoàn toàn vặn cong ý tứ của Phật hết.

Lúc trước lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam dạy chúng tôi giảng Kinh, thầy thường nói, những Kinh nói về sự rất khó giảng, thí dụ như Kinh nào?

Kinh Địa Tạng, Kinh A Di Đà, đều nói về sự, có thể giảng những sự này đến mức làm cho người ta tin không?

Thế nên giảng những Kinh này rất khó, rất khó.

Kinh nào dễ giảng?

Kinh Kim Cang dễ giảng, giảng lý giảng đến bạn gật đầu, bạn chẳng thể không tin. Kinh nói về lý thì dễ giảng hơn, Kinh Lăng Nghiêm dễ giảng, Kinh nói về sự thì khó giảng. Cho nên giảng về sự nhất định phải giảng lý cho thật thấu triệt, vậy thì nói sự người ta mới có thể tin tưởng.

Giảng Kinh nói về lý thì nhất định phải giảng sự rõ ràng, thế thì lý mới có thể thực hiện trên sự, mới có thể được thọ dụng, nếu không thì sẽ biến thành nói viễn vông, tuy nói lý rất hay nhưng trên sự chẳng làm nổi.

Cúng dường Địa Tạng nhất định phải hiểu lý luận của sự cúng dường, pháp tu cúng dường chân chánh, từ trong sự mà hiển lý, chúng ta biết sự tướng đều dùng để tiêu biểu pháp.

Nếu hoàn toàn hiểu rõ lý, sự trong ấy, đến lúc nào cúng dường cái gì?

Phía trước nói tận tâm cúng dường.

Tận tâm đến mức độ nào?

Thân tâm đều cúng dường hết, công đức ấy đương nhiên sẽ chẳng thể nghĩ bàn.

Cả thân tâm đều cúng dường hết, lời này là như thế nào?

Tức là như Phật trong Kinh thường nói thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói. Thân thể này của chúng ta, đời này kiếp này dùng để biểu diễn cho xã hội đại chúng coi.

Làm cho xã hội đại chúng nhìn thấy rồi giác ngộ, vậy thì không phải bạn đã dùng toàn thân cúng dường hay sao?

Trong đời sống từng ly từng tí đều làm tấm gương tốt cho hết thảy chúng sanh, viên mãn rốt ráo hiển thị chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi giáo hóa chúng sanh. Trên sự thì dạy người nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, đây tức là cúng dường.

Địa Tạng tiêu biểu cho cái gì?

Địa Tạng tiêu biểu hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính Sư trưởng, thực hiện trên cơ sở của hiếu đạo, thực hiện trên sư đạo, thì bạn thực sự tận tâm cúng dường Địa Tạng Bồ Tát.

Thế nên chư vị phải biết nếu chỉ có những hình thức cúng dường hương, hoa, đồ ăn thức uống, y phục mà chẳng hiểu ý tứ, trong tâm chính mình vẫn còn tham sân si mạn, vẫn còn thị phi, nhân ngã, thì sự cúng dường này là mê tín, làm gì có công đức mà nói?

Cho nên từ cúng dường trên sự đạt đến tận tâm cúng dường, thì sự ấy là tiêu biểu cho tâm, đó mới là cúng dường chân thật. Trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói đến pháp cúng dường, pháp cúng dường nói đến bảy câu, quan trọng nhất là y giáo tu hành cúng dường, nói cách khác những gì trong Kinh Phật dạy chúng ta làm, chúng ta đều làm được hết.

Phật dạy chúng ta làm thì chúng ta làm, Phật dạy chúng ta không thể làm thì chúng ta nhất định không làm. Kinh Điển ví như kịch bản, tứ chúng đệ tử chúng ta ví như diễn viên, nhất định phải noi theo kịch bản này mà biểu diễn, làm cho chúng sanh mê hoặc trong lục đạo có thể giác ngộ.

Mục đích chúng ta biểu diễn là giúp cho họ giác ngộ, cho nên phải diễn giống như thật, hoàn toàn biểu diễn y theo kịch bản. Nói cách khác hết thảy Kinh Điển tức là đời sống của chúng ta, tư tưởng của chúng ta, tức là kiến giải, hành vi của chúng ta, đây tức là tận tâm cúng dường.

Nếu bạn làm được thì nói thật ra bạn đã thành Phật rồi, bạn hoàn toàn làm được như lời dạy trong Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện kinh thì bạn chính là Địa Tạng Bồ Tát. Bạn hoàn toàn làm được như lời dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ thì bạn là Vô Lượng Thọ Phật.

Nếu chưa làm được thì phải hết lòng nỗ lực mà làm, như vậy mới gọi là Sức cúng dường Ngài Địa Tạng, cùng sức công đức, sức công đức tức là thiện tâm, nguyện tâm vĩnh viễn.

Bảy câu này là:

Cúng dường bằng cách tu hành đúng theo lời dạy.

Cúng dường bằng cách làm lợi chúng sanh.

Cúng dường bằng cách nhiếp thọ chúng sanh.

Cúng dường bằng cách chịu khổ thế cho chúng sanh.

Cúng dường bằng cách siêng tu thiện căn.

Cúng dường bằng cách chẳng xả nghiệp Bồ Tát.

Cúng dường bằng cách chẳng lìa bồ đề tâm, chẳng đoạn dứt, như vậy mới có thể thành tựu quả đức viên mãn thù thắng.

Xin xem đoạn kế tiếp: Đây là đoạn thứ nhì chán xấu bệnh, lễ tượng được phước, đây cũng là lẽ thường tình của con người.

Phục thứ Phổ Quảng, nhược hữu nữ nhân yếm thị xú lậu đa tật bệnh giả.

Lại nữa này Phổ Quảng, nếu có người nữ chán thân xấu xí và nhiều bệnh tật.

Đây là nói thân tướng của mình chẳng tốt, nhiều bệnh tật.

Đản ư Địa Tạng tượng tiền chí tâm chiêm lễ, thực khoảnh chi gian, thị Nhân Thiên vạn kiếp trung sở thọ sanh thân tướng mạo viên mãn.

Đến trước tượng của Ngài Địa Tạng chí tâm chiêm lễ, trong chừng một bữa ăn, người đó trong ngàn muôn kiếp thọ sanh được thân hình, tướng mạo viên mãn.

Chúng ta coi trước đoạn này. Dung mạo là do nghiệp lực biến hiện thành, nghiệp lực tức là tâm, người thế gian coi tướng, đoán mạng đều nói tướng tùy tâm chuyển, chúng tôi cũng thường nhắc nhở đồng tu, tướng tùy tâm chuyển, thể chất thân thể cũng tùy tâm chuyển.

Không những thân tướng tùy tâm chuyển, hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta cũng tùy tâm chuyển. Đức Phật trong các Kinh Luận giáo huấn chúng sanh, đây là một khóa trình quan trọng, và cũng thiết yếu phi thường.

Có ai không muốn lìa khổ được vui?

Ai không muốn đời sống của mình hạnh phúc mỹ mãn?

Cổ kim trung ngoại hết thảy chúng sanh đều ở chỗ này mong cầu, đều có nguyện vọng này, tại sao sự việc xảy ra thường trái nghịch với nguyện vọng?

Sự thật cứ trái nghịch với nguyện vọng của mình. Vì hết thảy chúng sanh không biết sự thật này hình thành như thế nào, làm sao mà có. Đây là nói đến thiện và ác, căn nguyên của quả báo.

Những gì chúng ta ngày nay cảm nhận từ trên sự tướng mà nói là quả báo, có quả thì nhất định phải có nhân, nhân thiện thì quả sẽ thiện, nhân chẳng thiện thì quả chẳng thiện, thế nên trồng thiện nhân sẽ được thiện quả, tạo ác nhân nhất định bị ác báo.

Đức Phật trong Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt nói rõ mười thứ nghiệp chẳng thiện sẽ có quả báo xấu xí, nếu ngày nay chúng ta có quả báo này, hãy nghĩ coi mình còn tập khí này không?

Vì đời quá khứ tạo những ác nghiệp ấy mới có quả báo hiện nay, vẫn còn tập khí sót lại, nếu tập khí còn dư này vẫn còn, không sửa đổi thì chuyển nghiệp sẽ khó khăn.

Mười nghiệp chẳng thiện, Pháp Sư Thanh Liên trích ra và ghi trong chú giải ở trang ba mươi bảy, hàng thứ nhì: Thứ nhất là hay tức giận.

Hay tức giận nhất định chẳng phải là chuyện tốt, không những lúc bạn tức giận tướng mạo chẳng đẹp, tức giận còn làm tổn hại thân thể và đem đến bệnh tật, thân thể bạn nhiều bệnh, bạn nghĩ xem tướng mạo lúc tức giận đẹp hay không?

Thế mới biết nguyên do của xấu xí, bệnh tật. Thứ nhì là hiềm hận, hiềm nghi và ghét hận. Trong tâm thường hiềm ghét người khác, oán hận, oán trời trách người, tâm tình như vậy cũng tổn thương thân thể. Cho nên nếu bạn muốn thân thể khỏe mạnh, mười thứ này dùng cách nói hiện nay tức là bệnh độc, bệnh độc trong tâm lý.

Tại sao có người tướng mạo đẹp đẽ?

Vì thường sanh tâm hoan hỷ, lúc hoan hỷ thì tướng mạo đẹp, dễ coi, tức giận thì tướng mạo xấu xí. Chuyển nghiệp là chuyển từ chỗ này, lời Phật nói thật là hợp tình hợp lý. Chúng ta bình tĩnh suy nghĩ kỹ càng, Đức Phật nói rất có đạo lý.

Thứ ba là lừa gạt người khác, mê hoặc kẻ khác. Đây là nghiệp chẳng thiện.

Thứ bốn là thích làm cho chúng sanh khởi phiền não. Nhiễu loạn kẻ khác, làm cho người ta thân tâm chẳng yên.

Thứ năm là không hiếu thuận cha mẹ.

Thứ sáu là chẳng tôn kính Thánh Hiền. Thánh Hiền đối với xã hội có lợi ích to lớn, đạo đức, học vấn, hành trì của những người này trong xã hội đều là gương tốt cho đại chúng ở địa phương đó, đích thật họ có thể giáo hóa cả vùng ấy, có tác dụng âm thầm thay đổi phong tục nhân tình của vùng đó.

Thánh Hiền tuyệt chẳng yêu cầu người khác tôn kính họ, không bao giờ. Nếu có hy vọng kẻ khác tôn kính, cúng dường thì đó là tà đạo, tuyệt chẳng phải Thánh Hiền, đó là lừa gạt người ta.

Tại sao chúng ta phải tôn kính họ?

Mục đích tôn kính họ là để khuyên xã hội đại chúng học theo họ, là ý nghĩa như vậy.

Chúng ta học Phật tại sao phải tôn kính Đức Phật?

Phật tuyệt chẳng có nói: Quý vị nhất định phải tôn kính ta, bạn tìm ở Kinh nào thấy có cách nói như vậy chăng?

Chúng ta kính Đức Phật là giúp Đức Phật hoằng pháp lợi sanh, giúp Đức Phật tiếp dẫn đại chúng. Xã hội đại chúng chẳng biết ích lợi của sự học Phật, công đức của Phật, nhưng họ thấy chúng ta tôn kính Phật.

Trong xã hội bản thân chúng ta biểu hiện làm người thiện, tâm thiện, người thiện, tâm thiện tôn kính người nào thì người đó nhất định là người tốt, mọi người thích thân cận người tốt, học theo người tốt, mục đích chúng ta tôn kính là như vậy.

Thế nên khi gặp Tượng Phật chúng ta đảnh lễ, người chẳng biết Phật Pháp nhất định sẽ hỏi tại sao bạn đối với Tượng Phật cung kính như vậy?

Tại sao phải lễ bái Tượng Phật?

Thì bạn đem những đạo lý này nói cho họ nghe, như vậy họ mới hiểu được. Do đó mới biết làm vậy là biểu diễn, biểu diễn cho những chúng sanh chưa giác ngộ này coi, làm cho họ giác ngộ.

Phật Pháp là sư đạo, sư đạo được xây dựng trên cơ sở của chữ Kính, cho nên Ấn Quang Pháp Sư dạy rất hay: Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích. Chúng ta học Phật đạt được lợi ích ít ỏi, nói thật ra chẳng ở tại bên ngoài, mà ở tại lòng thành kính của mình.

Bạn có mấy phần thành kính thì sẽ được bấy nhiêu phần lợi ích, bạn chẳng có tâm thành kính, mỗi ngày ở kế bên Phật cũng chẳng được lợi ích, đây là thật.

Năm xưa lúc Đức Phật còn tại thế, Đề Bà Đạt Đa thường ở bên Phật, Lục Quần Tỳ Kheo cũng thường ở bên Phật, tại sao chẳng được lợi ích?

Vì chẳng có tâm tôn kính. Trong mắt họ thấy Phật cũng như người thường, chẳng khác gì mình cho lắm, nên ở bên mình Phật mà chẳng được lợi ích.

Nếu có tâm chân thành, chẳng ở bên mình Phật cũng được lợi ích, tại sao?

Y giáo phụng hành, những gì Phật dạy, họ đều làm được hết. Sự thì quá vụn vặt, quá phức tạp, chỉ cần nắm vững cương lãnh, sự không trái nghịch cương lãnh thì nhập được cảnh giới Phật.

Tổng cương lãnh tức là tâm bồ đề, chư vị phải ghi nhớ bồ đề tâm y theo cách nói trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật là: Chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm. Trên sự tướng càng phiền, càng nhiều hơn nữa, chỉ cần tương ứng với tâm này, thì hết thảy sự tướng đều gọi là Bồ Tát Hạnh, đều quy nạp trong Lục độ vạn hạnh. Cho nên Kinh Hoa Nghiêm nói quên mất tâm bồ đề, hết thảy tạo tác đều là nghiệp ma.

Ma nghiệp là gì?

Hết thảy những nghiệp bạn đã tạo ra, thiện nghiệp thì sanh ba cõi thiện, ác nghiệp thì sanh ba đường ác, chẳng ra khỏi lục đạo luân hồi thì gọi là ma nghiệp. Tương ứng với bồ đề tâm thì những gì bạn tạo đều là bồ đề nghiệp, bồ đề nghiệp gọi là tịnh nghiệp, nhất định có thể liễu sanh tử, xuất tam giới, như vậy thì khác.

Thế nên chúng ta phải thực sự hiểu rõ cả đời này trên thế gian hoàn toàn là biểu diễn, được vậy thì bạn là đệ tử Phật. Phật biểu diễn, Bồ Tát biểu diễn, hết thảy chúng ta là đệ tử Phật đều tham gia gánh hát này, chúng ta đến biểu diễn.

Biểu diễn cái gì?

Chẳng có tự kỷ chính mình, vô ngã, hoàn toàn vì người khác, hoàn toàn y theo kịch bản mà diễn kịch, như vậy thì người ấy làm sao không tự tại?

Là tự tại tùy duyên. Ngày tháng như vậy sinh sống rất vui vẻ, rất hạnh phúc. Đừng cho là thật, vừa cho là thật thì là phàm phu, thì bạn sẽ rơi vào lục đạo, chỉ là biểu diễn mà thôi. Thế nên đối với Thánh Giáo phải sanh tâm cung kính.

Thứ bảy là xâm đoạt Hiền Thánh tư sanh điền nghiệp. Nói đơn giản là xâm phạm, cướp giựt đồ cần dùng cho đời sống của những người Thánh, người hiền, tội nghiệp này rất nặng. Không những không cúng dường mà còn cướp giựt, còn chiếm đoạt, gây chướng ngại cho họ hoằng pháp lợi sanh.

Thứ tám là dập tắt đèn đuốc trong Tháp Miếu Phật. Ý này rất dài. Trên sự thì Tháp Miếu đều có thắp đèn, bạn tắt đèn này, đây là nói trên sự.

Trên lý thì Tháp miếu là Đạo tràng, Đạo tràng này làm việc hoằng pháp lợi sanh, đó là phóng quang minh. Mỗi ngày giảng Kinh, phóng quang minh, mỗi ngày niệm Phật, phóng quang minh, mỗi ngày Tham Thiền, phóng quang minh.

Chỉ cần có người ở nơi đó chân chánh tu hành thì là phóng đại quang minh. Chúng ta nhất định phải ghi nhớ nếu có người thấy được thì người ấy được lợi ích, không có người nhìn thấy thì quỷ thần nhìn thấy.

Thế nên Nhà Nho nói thận độc, tức là khi bạn có một mình cũng không được phóng dật, không thể nói không có người nhìn thấy thì có thể tùy tiện một chút, không thể được. Chẳng có người hữu hình nhìn thấy thì cũng có người vô hình nhìn thấy, chúng sanh vô hình còn nhiều hơn hữu hình chẳng biết là gấp bao nhiêu lần.

Chúng ta độ người và cũng độ quỷ thần, chúng ta làm gương cho người, và cũng làm gương cho quỷ thần, làm sao có thể phóng dật được?

Tu như vậy thì lòng thành kính của chúng ta mới khơi dậy nổi, lúc ở trước mặt người ta thì như vậy, khi người ta quay lưng thì làm cách khác, chẳng có thành kính. Đây là nguyên nhân rất nhiều đồng tu, tu hành chẳng có cảm ứng, tu hành chẳng đạt được quả đức thù thắng, mấu chốt là ở chỗ này, chẳng dùng tâm chân thành.

Do đó có thể biết đạo phong đường lối tu hành và học phong phong cách học tập của Đạo tràng vô cùng quan trọng, nếu chẳng có đạo phong, chẳng có học phong cũng giống như đèn nến trong Chùa Tháp bị thổi tắt, dập tắt.

Cùng một đạo lý, nếu Đạo tràng này đích thật có đạo phong, có học phong, trên sự tướng người đến Đạo tràng này đốt đèn cũng nhiều, người thắp hương cũng nhiều, đây là nói người đến đó tu học nhiều. Nghiệp nhân chẳng thiện. 

Thứ chín là khinh thường những người bần cùng, hạ tiện. Đối với họ sanh khởi lòng ngạo mạn, còn hủy nhục thêm, đây là sai lầm quá đỗi.

Người học Phật chúng ta khi gặp những người nghèo hèn, hạ tiện này, trong tâm chúng ta cũng phải coi họ như Phật, Bồ Tát thị hiện, họ thị hiện cho chúng ta coi, nói nếu không tu phước huệ thì sẽ có quả báo như vậy, cũng là biểu diễn trên sân khấu. Thế nên đối với những người này chúng ta phải khởi tâm tôn kính, thương xót, tự mình phải biết tu học như vậy.

Thứ mười là làm các hạnh ác. Phạm vi rất rộng, tạo ra các hành vi bất thiện. Đức Phật nói mười thứ nghiệp này sẽ bị quả báo xấu xí, đời trước làm những nghiệp bất thiện trên, đời này bị quả báo.

Quả báo đời này có thể thay đổi hay không?

Nói cho chư vị biết: Có thể thay đổi. Chỉ cần bạn thay đổi những tập khí, tật xấu này trở thành tốt thì tướng mạo dần dần sẽ thay đổi, đó là vì tướng tùy tâm chuyển. Chân chánh có quyết tâm, có nghị lực sửa sai đổi mới, nói thật ra ba tháng đến nửa năm thì sẽ có hiệu quả.

Nếu ba tháng, nửa năm chưa gặp mặt thì khi bạn bè gặp mặt, sự thay đổi của bạn so với lúc trước sẽ rất rõ ràng. Mỗi ngày đều gặp gỡ thì sẽ chẳng nhận thấy, nếu không thường gặp mặt, vừa gặp mặt thì sẽ thấy tướng mạo thay đổi hẳn.

Có thể làm trong ba năm thì sự thay đổi sẽ rất rõ ràng, gia đình thân quyến của bạn mỗi ngày đều ở chung cũng sẽ cảm thấy bạn thay đổi, bạn chẳng giống lúc trước. Tướng mạo thay đổi rồi thì thể chất đương nhiên cũng thay đổi.

Trong Kinh này Đức Phật cũng nói mười thứ nghiệp sẽ bị quả báo nhiều bệnh, chúng ta phải ghi nhớ hai chục điều chép trong chú giải này, bạn có thể giúp đỡ rất nhiều người, thay đổi những tập quán xấu của họ, thay đổi quả báo ác này của họ.

Thứ nhất là thích đánh đập chúng sanh ưa thích đánh đập hết thảy chúng sanh, đặc biệt là những động vật nhỏ, khi nhìn thấy cũng chẳng đến nỗi là thấy ghét, nhưng thích đập cho nó chết: Nhìn thấy muỗi mòng, kiến, ruồi thì liền đánh cho nó chết, phải biết tương lai sẽ bị quả báo nhiều bệnh.

Ấn Quang Đại Sư rất đáng cho chúng ta học hỏi, Ngài làm ra gương mẫu cho chúng ta coi. Trong Phật Pháp khi gặp những con vật này thì không được đánh chúng nó chết, chỉ đuổi chúng đi.

Nhưng Ấn Quang Đại Sư chẳng đuổi chúng đi, truyện ký của lão Pháp Sư có chép khi thị giả của Ngài nói có người thấy trong phòng lão Pháp Sư có bọ chét, muỗi, có người giúp Ngài đuổi chúng đi, lão Pháp Sư chẳng cho phép, lão Pháp Sư nói đừng đuổi chúng đi.

Người ta hỏi tại sao?

Lão Hòa Thượng đáp: Đức hạnh của tôi chẳng đủ, có chúng nó ở đây, tốt lắm. Thường thường cảnh tỉnh chính mình, đức hạnh của tôi còn chưa cảm hóa được chúng, chúng đang cảnh tỉnh tôi, cảnh sách tôi.

Lão Pháp Sư chẳng đuổi chúng đi. Nghe nói sau khi Ấn Quang Đại Sư bảy mươi tuổi, những con vật này chẳng còn trong phòng Ngài nữa. Lúc trước trong phòng có muỗi, bọ chét, ruồi, có những con vật này, nhưng khi lão Pháp Sư vào phòng đó ở, những con vật này đều dọn nhà đi khỏi hết.

Từ đây có thể biết tu dưỡng đức hạnh của mình rất quan trọng, có chúng nó nhiễu loạn thì là đạo đức của mình chẳng đủ, chẳng có đạo đức thì chúng nó mới nhiễu loạn.

Chân thật tu hành, dũng mãnh tinh tấn, đạo đức của bạn có thành tựu không?

Hãy coi những con vật nhỏ này còn ở đó không?

Nếu chẳng còn thì chứng minh bạn tu hành có công phu. Nếu vẫn còn những con vật này ở đó nhiễu loạn thì công phu của bạn chưa đủ. Bạn xem người chân chánh tu hành chẳng trách móc ngoại cảnh, hết thảy đều quy về nội tâm, trở về chính mình. Mình bất thiện thì chúng nó dám khuấy nhiễu, xâm phạm là đúng rồi, chẳng đáng phiền trách. Cho nên đây là việc phải nên giới trừ.

Ác nghiệp thứ hai khuyên người khác đánh, tự mình tuy không đánh đập nhưng xúi giục người khác đánh.

Thứ ba tán thán cách đánh, khen ngợi cách đánh những sinh vật của kẻ khác, thí dụ như nói: Hay quá. Đánh hay quá, nhìn người ta đánh mà vui. Trong mười điều này có bốn điều nói về việc đánh đập chúng sanh, chúng ta ai cũng có tập khí này. 

Thứ tư thấy sự đánh đập mà vui mừng, nhìn thấy con nít đập ruồi, hay quá. Đập hay quá, đều khen như vậy. Nào biết được làm vậy sẽ bị quả báo nhiều bệnh tật, tạo nghiệp nhân này phải bị quả báo này.

Thứ năm não loạn cha mẹ, làm cho cha mẹ phiền não, làm cho cha mẹ thân tâm chẳng yên ổn.

Thứ sáu đối với Thánh Hiền, làm người hiền sanh khởi phiền não làm cho họ chẳng yên ổn.

Thứ bảy nhìn thấy kẻ oán bệnh khổ, tâm vui mừng, nhìn thấy người có xích mích với mình, người mình ghét bị bệnh bèn sanh tâm vui mừng.

Thứ tám thấy kẻ oán hết bệnh, sanh tâm chẳng vui, kẻ thù, người mình ghét hết bệnh rồi, trong tâm mình lại không vui. Ở đây chú trọng kẻ oán thù, người mình ghét, mình không ưa thích.

Thứ chín đối với bệnh của kẻ thù, cho thuốc không đúng bệnh, kẻ thù sanh bệnh, bạn đem thuốc cho họ uống, thuốc này không phải là để trị bệnh của người ấy, mà làm cho bệnh của họ nặng thêm. Nói cách khác, bạn hại người ấy, chẳng phải giúp họ chữa lành bệnh, bạn làm sự việc này.

Thứ mười vừa mới ăn xong chưa tiêu, liền ăn thêm nữa, bạn ăn no lắm rồi, còn chưa tiêu hóa, nhìn thấy đồ ăn ngon liền muốn ăn nữa, đây là bệnh từ miệng vào.

Trong mười điều, chín điều đầu là ác nghiệp của bạn tạo, điều chót này là chuyện ăn uống, chẳng hiểu ăn uống vệ sinh nên chiêu cảm quả báo bệnh tật. Mười điều gây ra quả báo xấu xí, mười điều gây ra quả báo nhiều bệnh, chúng ta nhất định phải biết.

Phương pháp sám hối của Ngài: Đối trước tượng Ngài Địa Tạng, chí tâm chiêm lễ, trong chừng một bữa ăn. Trong chừng một bữa ăn là một thời gian ngắn, thời gian ngắn tạm, thì nghiệp báo này có thể chuyển trở lại. Chí tâm chiêm lễ là phương pháp tu học, mấu chốt quan trọng ở hai chữ chí tâm, chí tâm là chân tâm.

Trong lúc chiêm lễ sửa sai đổi mới, tu học Pháp Môn Địa Tạng. Địa Tạng Bồ Tát trong hết thảy Bồ Tát từ bi cùng cực, tuyệt đối chẳng thua kém Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, phải biết điều này.

Địa Tạng tiêu biểu cho từ bi căn bản, Quán Âm tiêu biểu từ bi phát triển rộng ra. Ở đây nói chí tâm chiêm lễ chẳng phải rất cung kính đến mức nào đó, mỗi ngày lễ bái nghiệp chướng bèn tiêu trừ. Lễ bái đương nhiên là sự tu học trên sự tướng, hình tượng.

Quan trọng nhất là phải học theo Địa Tạng Bồ Tát phát nguyện, học theo cái tâm của Địa Tạng Bồ Tát, học cách làm người của Địa Tạng Bồ Tát, học cách xử sự, đãi người, tiếp vật của Địa Tạng Bồ Tát, đó mới là chân chánh chí tâm chiêm lễ.

Nếu bạn có thể phát tâm nguyện to lớn này, tâm nguyện này thanh tịnh, khẩn thiết, có quyết tâm, có nghị lực để làm, thì bạn sẽ chuyển nghiệp lực rất nhanh.

Người đó trong ngàn muôn kiếp thọ sanh được thân hình tướng mạo viên mãn. Tuy chú giải chẳng nhiều, nhưng hai câu phía trước rất quan trọng đó hiển lộ tạm thời, tạm thời phát tâm công đức của sự chiêm lễ chẳng thể nghĩ bàn.

Sau khi phát tâm tạm thời, có phải cái tâm ấy đã mất đi?

Ở đây có hai tầng ý nghĩa. Tạm thời phát tâm trong ngàn muôn kiếp thọ sanh được thân hình, tướng mạo viên mãn, chúng ta có thể tin tưởng, đích thật trong khoảng chừng một bữa ăn.

Nhưng nghiệp báo hiện tiền chẳng thể thay đổi, quả báo của ác nghiệp hiện tại hết thì quả báo của sự chí tâm chiêm lễ sẽ hiện ra, không biết là đời nào, kiếp nào nữa.

Cũng như Kinh Pháp Hoa nói: Một lần xưng Nam Mô Phật thì đều đã thành Phật đạo, tức là ý nghĩa này.

Đây là chuyện lúc Phật còn tại thế thâu nhận một người xuất gia, những người xuất gia theo Phật đều có đại thiện căn, nếu chẳng có thiện căn làm sao xuất gia được?

Phật thấy người này đến cầu xin xuất gia bèn để Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, các vị A La Hán coi người này có thiện căn hay không?

Những vị này đều có thần thông, thần thông của A La Hán có thể thấy năm trăm đời, thiên nhãn thông, túc mạng thông, những vị này thấy trong năm trăm đời trước người này chẳng có thiện căn, nên thưa với Phật rằng ông này không thể xuất gia, ông làm sao có thể xuất gia được?

Phật nhận cho ông ấy xuất gia, và nói với các đệ tử rằng người này vô lượng kiếp về trước, đương nhiên A La Hán chẳng có khả năng này. 

Vô lượng kiếp trước ông là một tiều phu đốn củi, gặp một con cọp trên núi, cọp muốn ăn thịt ông, ông sợ quá, leo lên cây và kêu một câu Nam Mô Phật, nhờ thiện căn này, ngày nay đã chín muồi, nên đến đây được Phật cho ông cạo đầu xuất gia, ý nghĩa cũng giống như câu chuyện ở trên. Một câu xưng niệm Nam Mô Phật, thời gian nói một tiếng Nam Mô Phật rất ngắn.

Khoảng chừng một bữa ăn, thời gian một bữa ăn, chí tâm chiêm lễ Địa Tạng Bồ Tát đương nhiên có thể được quả báo này. Nếu ông ta có thể niệm niệm tương tục, lúc nãy nói noi theo Hạnh Nguyện của Địa Tạng Bồ Tát, thì hiện tại đời này sẽ thay đổi, không cần đến đời sau, đời này liền chuyển, chuyển nhanh vô cùng. Sửa đổi hoàn toàn hai mươi ác hạnh nói trong Kinh, thay đổi triệt để thì sẽ chuyển đổi rất nhanh.

Xem tiếp đoạn kế: Thị xú lậu nữ nhân như bất yếm nữ thân, tức bách thiên vạn ức sanh trung, thường vi vương nữ. Nãi cập vương phi, tể phụ đại tánh, đại trưởng giả nữ, đoan chánh thọ sanh, chư tướng viên mãn.

Người nữ xấu xí đó nếu không nhàm chán thân nữ thì trong trăm ngàn vạn ức đời thường là vương nữ, đến vương phi, con gái dòng dõi, tể phụ, đại quan, đại trưởng giả, đoan chánh thọ sanh, các tướng viên mãn. Đây là nói nếu người ấy chẳng chán thân nữ, thân tướng của người ấy sẽ vô cùng viên mãn.

Vả lại sanh vào nhà tôn quý, tức là như ngày nay chúng ta nói, sanh trong quý tộc, kỳ tộc, được phước báo Nhân Thiên, sau cùng kết luận: Do chí tâm cố chiêm lễ Địa Tạng Bồ Tát hoạch phước như thị. Do chí tâm chiêm lễ Địa Tạng Bồ Tát mà được phước như vậy. Trong chú giải của Pháp Sư Thanh Liên cũng đặc biệt nói với chúng ta hai chữ chí tâm, nghĩa sâu ý nặng, thông suốt trước sau, chớ nên coi thường.

Để chuyển được quả báo của con người, lòng thành chẳng phải là chuyện dễ thực hiện được, chuyển nghiệp báo của mình chẳng phải việc dễ dàng. Nay được phước ấy là do chí tâm, chí tâm là tâm thành đến mức cùng cực vậy, những câu này vô cùng quan trọng.

Lễ Phật cũng phải lý sự viên dung, thì chúng ta mới có thể đạt đến lợi ích chân thật. Mấu chốt quan trọng ở chỗ chí tâm, chí tâm là chân tâm, dùng tâm chân thành để học tập. Do đó cái tâm này triệt tiền triệt hậu, tiền hậu chẳng phải nói đoạn này, cách nói sâu xa quán triệt toàn kinh.

Ở phía trước chúng ta thấy Địa Tạng Bồ Tát lúc còn tu nhân là vị đại trưởng giả, làm cô gái Bà La Môn, làm cô Quang Mục, nhiều đời nhiều kiếp chẳng buông bỏ bổn nguyện. Không những là không xả, thường phát lại cái nguyện ấy, phát nguyện thực sự. Chúng ta cũng đang học theo, đáng tiếc là không hết lòng, mỗi buổi tụng sáng tối hằng ngày đều phát nguyện.

Nguyện đã phát rồi, chỉ phát trong miệng, thực sự thì chẳng thực hiện, sau khi niệm xong liền quên mất, nên nguyện ấy chẳng khởi tác dụng.

Vì nguyên nhân gì?

Chẳng phải chí tâm. Mấu chốt quan trọng ở tại chí tâm, chẳng phải chân tâm phát nguyện, giống như chúng ta lúc bình thường có miệng chẳng có tâm, như vậy không được.

Tự mình chúng ta phải phản tỉnh, phải sửa đổi, giúp đỡ người khác giảng lý sự này rõ ràng, minh bạch, nhắc nhở họ. Họ có thể quay đầu thì họ được phước, Họ chẳng quay đầu, trong A lại da thức cũng đã trồng thiện căn.

Chúng ta tự mình phát nguyện tiếp nối huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh, đời này chúng ta chọn nghề nghiệp này, nhất định phải làm tròn bổn phận, công việc của mình, đó tức là niệm niệm chẳng xả chúng sanh, niệm niệm giúp đỡ hết thảy chúng sanh có được chánh tín, chánh giải, chánh hạnh, được vậy khi chúng ta chọn nghề này thì mới chẳng cô phụ Đức Phật.

Hạnh nghiệp này là sự nghiệp của Phật, gia nghiệp của Như Lai, chúng ta chọn ngành này, trong hết thảy thế gian và xuất thế gian, hạnh nghiệp này thù thắng vô cùng.

Nếu chẳng dùng chí tâm thì làm sao có thể làm được?

Chúng ta có thể tin tưởng quả đức nói trong Kinh, tại sao?

Nhân thù thắng, thì sẽ chẳng hoài nghi quả báo này.

Đoạn thứ tư tiếp theo là kỹ nhạc tán cúng phước, xin xem Kinh Văn: Phục thứ Phổ Quảng, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, năng đối Bồ Tát tượng tiền, tác chư kỹ nhạc, cập ca vịnh tán thán, hương hoa cúng dường, nãi chí khuyến ư nhất nhân, đa nhân. Như thị đẳng bối, hiện tại thế trung. Cập vị lai thế, thường đắc bách thiên quỷ thần nhật dạ vệ hộ, bất lịnh ác sự triếp văn kỳ nhĩ, hà huống thân thọ chư hoạnh.

Lại nữa này Phổ Quảng, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân có thể đối trước tượng Bồ Tát mà trổi các thứ kỹ nhạc, cùng ca vịnh, tán thán, cúng dường hương hoa, cho đến khuyên được một người hay nhiều người.

Những người đó trong đời hiện tại cùng vị lai thường được trăm ngàn quỷ thần ngày đêm hộ vệ, không để những việc ác đến tai, huống chi đích thân chịu các tai vạ bất ngờ.

Đoạn này trong chú giải nói: Văn chia thành hai tiết, trước hết nói về người năng cúng, sau đó mới nói phước báo người ấy được.

Cúng dường này là gì?

Là kỹ nhạc, ca vũ. Trong Phật Pháp chúng ta biết trong pháp đại thừa có, còn tiểu thừa thì không có. Phật nói pháp đại thừa, Chư Thiên cúng dường, thiên nữ rải hoa, Thiên Nhân ca vũ, âm nhạc cúng dường.

Đặc biệt rõ ràng như trên những bích họa tranh vẽ trên tường tại động Đôn Hoàng hay động Vân Cương, những biến tướng đồ này, Thế Tôn Giảng Kinh thuyết pháp có những thứ cúng dường như vậy.

Trong dân gian diễn biến thành cái gì?

Diễn biến thành ca kịch cúng dường Phật, Bồ Tát, ở trước Chùa Miếu Phật, Bồ Tát. Rất nhiều Chùa trước đại điện cúng Phật, Bồ Tát có sân khấu, đó là chuyên để cho một số người phát tâm, làm các kỹ nhạc, ca vũ, tán thán cúng dường Phật, Bồ Tát, hoặc là diễn kịch, nói thật ra đây là hiểu sai ý tứ.

Diễn kịch chẳng cần phải diễn cho Phật, Bồ Tát coi, diễn kịch là diễn cho đại chúng coi, chẳng cần phải diễn trước Phật, Bồ Tát.

Nói thật ra trong Đạo tràng có thể dùng phương pháp này để tiếp dẫn hết thảy chúng sanh. Nhưng hiện nay có những hý kịch, ca vũ không thể cúng dường Phật, Bồ Tát, cúng dường như vậy là có tội.

Trong những vở kịch hồi xưa có một số có thể cúng dường Phật, Bồ Tát, tại sao?

Ca kịch hồi xưa ở Trung Quốc đều là dạy người, nội dung là bốn chữ trung, hiếu, tiết, nghĩa, đều là khuyên chúng sanh.

Thời cổ giáo dục chẳng phổ cập, dùng phương pháp gì để giáo hóa xã hội đại chúng?

Dùng ca kịch. Thời trước là xã hội nông nghiệp, sau khi bận rộn công việc trồng trọt xong, thời gian rảnh rỗi rất nhiều, dùng những phương thức biểu diễn nghệ thuật này để khuyên người trung, hiếu, tiết, nghĩa, biểu diễn toàn là nhân duyên quả báo.

Người thiện sau cùng được quả báo thiện, người ác nhất định bị ác báo, biểu diễn những thứ này. Cho nên quảng đại quần chúng chẳng từng đọc sách, chẳng được thọ nhận giáo dục tốt đẹp, nhưng họ hiểu được những nguyên lý, nguyên tắc làm người, làm việc.

Họ học từ đâu?

Hơn phân nửa là nghe người ta đọc sách, coi hát, học từ chỗ này. Do đó lúc trước, những trò giải trí ca kịch là giáo dục, chẳng đơn thuần chỉ là giải trí, trọng điểm ở tại giáo dục.

Trong Phật Pháp cũng dùng phương thức này, đạt đến mục tiêu giáo dục của Đức Phật, cho nên trong Phật Pháp chú trọng sự tiêu biểu pháp của nghệ thuật. Hiện nay Phật Pháp suy thoái, chẳng phải là không có nguyên nhân.

Lúc trước Phật Pháp hưng thịnh, nói thật ra, nhân tài hạng nhất trong thế gian đều ở trong Phật Pháp, đều xuất gia, làm Pháp Sư. Pháp Sư là nhân tài hạng nhất trong thế gian, cho nên người xuất gia làm thầy của Vua, không phải là ai cũng có thể xuất gia.

Thời nhà Tùy, Đường người xuất gia phải trải qua các kỳ thi cử, hạng mục thi cử là thi về thế gian pháp trước, tiêu chuẩn của thế gian pháp tương đương với tiến sĩ. Nói cách khác, học vấn thế gian bạn phải đạt đến tiêu chuẩn này,

Đồ là hình vẽ về những trạng thái thay đổi của chân tướng. Thường gặp nhất là địa ngục Biến Tướng Đồ, Đâu Suất Thiên Di Lặc Tịnh Độ, Liên Trì Hải Hội Biến Tướng Đồ v.v… theo Từ Điển Phật Quang Sơn. Sau đó mới thi về Phật Pháp. Thi đậu xong Hoàng đế mới phát chứng chỉ cho bạn, chứng chỉ đó gọi là Độ điệp.

Bạn lấy được chứng chỉ này, bạn đi tìm Đạo tràng có duyên, Pháp Sư có duyên với bạn để xuất gia. Nếu không có chứng chỉ ấy, họ chấp thuận cho bạn xuất gia thì họ phạm pháp. Muốn được họ nhận, bạn nhất định phải có độ điệp do Hoàng đế cấp.

Độ điệp của Hoàng đế cấp là thừa nhận bạn có học vấn, đức hạnh, trong pháp thế gian và xuất thế gian có thể làm thầy cho Vua, bạn nói thân phận của người xuất gia cao biết mấy?

Một khi họ cạo đầu xuất gia, quan viên địa phương phải đặc biệt cung kính họ, vì họ là thầy của Vua. Cho nên nội dung của sự giáo hóa vô cùng sôi nổi, hấp dẫn. Bạn coi những văn tự, kệ tụng này hay đẹp biết mấy, chẳng phải người thường có thể làm được.

Hôm nay đã hết giờ, chúng tôi giảng đến đây.

A Di Đà Phật!

***