Haèng thuaän chuùng sanh
Tuyø hyû coâng ñöùc

tinhdo.edu.vn

PHẬT THUYẾT KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT SỚ SAO DIỄN NGHĨA - TẬP BẢY

PHẬT THUYẾT KINH

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP BẢY
 

Xin mở tới trang ba mươi chín trong Kinh bổn, xem hàng thứ hai, phần nói về cứu cánh tứcCứu cánh Phật giả, đạo cùng Diệu giác, vị cực ư trà. Cố duy Phật dữ Phật nãi năng cứu cánh chư pháp thật tướng, biên tế trí mãn, Chủng giác đốn viên. Vô Thượng Sĩ giả, danh Vô Sở Đoạn.

Vô Thượng Sĩ giả, cánh vô quá giả. Cứu cánh Phật là đạo cùng tột Diệu Giác, địa vị vượt trỗi tột bậc, nên chỉ có Phật và Phật mới có thể hiểu thấu rốt ráo thật tướng của các pháp, trí huệ viên mãn tột cùng bờ mé, mau chóng viên mãn chủng giác. Vô Thượng Sĩ còn gọi là Vô Sở Đoạn không có gì để đoạn.

Vô Thượng Sĩ là không có ai hơn được, đến đây là một đoạn.

Đoạn kế đó là tỷ dụ: Như thập ngũ nhật nguyệt, viên mãn cụ túc, chúng tinh trung vương, tối thượng, tối thắng, oai đức đặc tôn, thị danh cứu cánh Phật nghĩa.

Như trăng rằm, tròn đầy vẹn toàn, là Vua của các ngôi sao, tối thượng, tối thắng, oai đức đặc biệt tôn quý, đó là ý nghĩa của từ ngữ cứu cánh Phật. Cứu cánh Phật là quả vị viên mãn trong Viên giáo, địa vị cao hơn Đẳng giác, đã đoạn sạch bốn mươi mốt phẩm vô minh. Khi đó, chúng ta gọi Ngài là Diệu giác.

Chữ trà trong câu vị cực ư trà chính là chữ trà trong Phạn văn của Ấn Độ. Phạn văn giống như Anh Văn, do từng chữ cái ghép lại tạo thành âm. Có tất cả bốn mươi hai chữ cái, trà, kṣa, là chữ cái cuối cùng.

So với bốn mươi mốt quả vị trước đó, quả vị bốn mươi hai là rốt ráo viên mãn thành Phật, tỷ dụ như vậy. Chữ trà là tiếng Phạn dịch âm, vị cực ư trà tức là bốn mươi hai chữ cái đã đến cuối cùng, sau đó chẳng còn gì nữa, tỷ dụ quả vị đã đạt tới chỗ tột cùng.

Duy Phật dữ Phật: Chỉ có bậc đã chứng cực quả mới có thể hiểu rõ triệt để viên mãn chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Đẳng giác Bồ Tát tuy hiểu rõ, vẫn chưa thể nói là rốt ráo hiểu rõ. Phải đạt đến quả vị Như Lai thì mới thật sự hoàn toàn hiểu rõ, phá sạch vô minh.

Vì thế, nói đến chuyện tu hành. Nói chung, phải đặc biệt chú ý, phương pháp tu hành rất nhiều, thường nói là tám vạn bốn ngàn pháp môn, hoặc vô lượng pháp môn, chúng ta dùng các pháp môn ấy chẳng có hiệu quả, chớ nên không biết điều này.

Thật giống như ngã bệnh phải uống thuốc, sau khi uống thuốc, bệnh trạng có khá hơn hay không?

Tôi tin mỗi người bị bệnh đều biết chuyện này. Nếu uống thuốc vào mà bệnh chẳng chuyển biến khá hơn, nhất định là phải tìm tòi lần nữa, hoặc lại đi khám bệnh lần nữa. Nếu uống thuốc chẳng đúng với chứng bệnh, uống vào không chỉ chẳng khá hơn, mà uống vào bệnh ngày càng nguy ngập hơn, đáng sợ quá.

Phật Pháp giống như thuốc. Hiện thời, mọi người cũng chẳng đi khám bác sĩ, cũng chẳng có kiến thức thông thường về y học, cứ uống thuốc loạn xạ, đáng sợ thay. Tu hành chẳng có thành tựu thì vẫn còn chưa đáng ngại, chứ trong tương lai đoạn mất pháp thân huệ mạng, vấn đề sẽ nghiêm trọng, nhất định phải chú ý điều này. Căn bệnh nặng của chúng ta, nói thật ra, trừ phiền não ra, sẽ là vô minh.

Vô minh là gì?

Tà tri tà kiến. Tà tri tà kiến là vô minh.

Kinh Lăng Nghiêm có nói: Tri kiến lập tri, thị vô minh bổn. Từ trên tri kiến lại lập ra một cái biết nữa, đó là cội gốc của vô minh, trên tri kiến lại lập thêm một cái tri kiến, đó là tà tri tà kiến. 

Cách nghĩ sai lầm, cách nhìn sai lầm, đó là bệnh nặng. Nguyên tắc trị liệu là trước hết dạy chúng ta điều gì cũng đều không nghĩ tới, cách nghĩ và cách nhìn thảy đều ngưng dứt, khiến cho cái tâm khôi phục sự thanh tịnh, điều này được gọi là tu định. Bất luận pháp môn nào, hễ nói đến công phu thật sự đều là tu định.

Đầu tiên là tu tâm thanh tịnh. Tâm chẳng thanh tịnh thì niệm Phật cũng vô dụng, cũng chẳng thể tương ứng. Đẳng giác Bồ Tát vì còn có một phẩm vô minh chưa đoạn, nói cách khác, nếu so với Phật, tâm Đẳng giác Bồ Tát chẳng thanh tịnh. So với chúng ta, tâm Ngài đúng là thanh tịnh tột bậc, nhưng so với Phật thì chẳng bằng.

Do đó, Đẳng giác Bồ Tát vẫn đới nghiệp, nhưng Ngài mang theo nghiệp ít nhất. Vì còn có chút chướng ngại, Ngài vẫn chưa thể rốt ráo triệt để hiểu rõ thật tướng của các pháp.

Chẳng hạn như nói đến y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới và công đức thù thắng do niệm Phật vãng sanh, Đẳng giác Bồ Tát chưa thể hoàn toàn hiểu rõ, Ngài còn có chút chướng ngại như thế.

Do đó, người thật sự tu hành phải luôn biết mình đang tu gì?

Trừ bỏ hết thảy những sai lầm, khôi phục chánh tri chánh kiến, đó là đúng.

Kinh Pháp Hoa nói rất hay: Khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến. Tri kiến của Phật là chánh tri chánh kiến, như vậy thì mới có thể đạt đến cứu cánh Giác. Biên tế trí mãn.

Trí huệ viên mãn tột cùng ngằn mé: Trí huệ viên mãn. Biên tế, bờ mé, là nói thụ cùng tam tế, hoành biến thập phương. Theo chiều dọc trọn khắp ba đời, theo chiều ngang trọn khắp mười phương. Tận hư không khắp pháp giới không gì chẳng biết, trí huệ ấy mới được coi là viên mãn.

Chủng Giác đốn viên: Chủng là nhất thiết chủng trí, khi ấy, đã viên mãn, nên Ngài được gọi là Vô Thượng Sĩ, chẳng có ai cao hơn Ngài được.

Danh Vô Sở ĐoạnGọi là không có gì để đoạnĐẳng giác Bồ Tát còn có cái phải đoạn, tức là còn phải đoạn một phẩm sanh tướng vô minh. Đạt đến địa vị Phật thì Phật chẳng có gì phải đoạn, những gì đáng nên đoạn đều đã đoạn hết, chẳng còn gì để đoạn nữa, nên gọi là Vô Sở Đoạn. Vô Thượng Sĩ giả, cánh vô quá giả.

Vô Thượng Sĩ là không có ai cao hơn được, chẳng còn có ai vượt trỗi Ngài. Trong mười pháp giới, Ngài là chí cao vô thượng. Kế đó là tỷ dụ, giống như vầng trăng rằm, viên mãn trọn đủ. Vầng trăng mười bốn tuy tròn, vẫn còn thiếu khuyết một chút.

Kinh thường sánh ví trăng mười bốn như Đẳng giác Bồ Tát, sánh ví trăng rằm với Phật Quả. Đó là cứu cánh giác. Do Ngài là tối thượng, tối thù thắng, oai đức đặc tôn, oai đức đặc biệt tôn quý, nên gọi là cứu cánh Phật.

Chúng ta xem đoạn kế tiếp: Phật hữu vô lượng đức, ưng hữu vô lượng hiệu. Phật có vô lượng đức, nên phải có vô lượng hiệu, đúng vậy.

Danh hiệu của Phật là vô lượng vô biên, vì sao?

Một Đức Hiệu chẳng thể biểu thị sự vô lượng, chẳng thể hiển thị sự vô lượng. Chẳng cần nói tới Phật, người thế gian chúng ta có lắm kẻ rất thông minh, có trí huệ, rất giỏi giang, lắm tài, nhiều nghề. Mở danh thiếp của họ ra xem, quý vị thấy ghi mười mấy tước hiệu.

Nếu quý vị hỏi kẻ đó, một tước hiệu có được hay không?

Một tước hiệu thì sẽ chẳng thể tiêu biểu thân phận và địa vị của người đó. Đức năng trong chân như bản tánh chẳng thể nói trọn, nên quý vị thấy trong Kinh Phật có một bổn Kinh là Vạn Phật Danh Kinh. Danh hiệu của một vạn vị Phật chính là danh hiệu của một vị Phật, Ngài có danh hiệu nhiều ngần ấy, vẫn chỉ là nói đại lược đó thôi.

Phàm các danh hiệu Phật đều nhằm nói tới tánh đức vốn sẵn trọn đủ trong chân như bản tánh, danh hiệu của Bồ Tát gọi là tu đức. Tánh đức có bao nhiêu thì tu đức cũng nhiều ngần ấy. Phật Pháp tuyệt đối chẳng phải là một loại đa thần giáo, tuyệt đối chẳng phải là phiếm thần giáo.

Kinh Hoa Nghiêm dạy: Một chính là nhiều, nhiều chính là một. Ngài là một người lắm tài, nhiều nghề, nên mới có nhiều danh hiệu dường ấy, tỏ lộ trí huệ và đức năng của Ngài là vô lượng vô biên, mang ý nghĩa này.

Cử nhất tế chư. Nêu ra một thì những điều khác bị khuất lấp. Danh hiệu nhiều là vì chỉ nêu ra một danh hiệu thì chỉ có một tánh đức được tỏ lộ, những điều khác chẳng được hiển lộ. Đó là nguyên nhân vì sao phải có lắm danh hiệu như thế.

Danh hiệu quá nhiều cũng phiền, cũng chẳng rõ ràng. Vì thế, quy nạp vô lượng danh hiệu của Phật thành mười hiệu, các Kinh thường nói tổng quát là Đức Phật có mười hiệu, đó là các danh hiệu chúng ta thường thấy.

Hoa Nghiêm hữu thập vạn hiệu. Kinh Hoa Nghiêm nói Đức Phật có mười vạn hiệu, bản in ở đây bị sót một chữ, quý vị hãy thêm vào, tức là hữu thập vạn hiệu thay vì hữu thập hiệu, Kinh Hoa Nghiêm nói Phật có mười vạn hiệu.

Hựu Kinh hữu vạn hiệu, tam thế Chư Phật thông hữu thập hiệu.

Lại có Kinh nói Phật có một vạn danh hiệu, ba đời Chư Phật có mười hiệu chung. Mười hiệu ấy là vô lượng vô biên danh hiệu được quy nạp, quy nạp lại giống như cương lãnh, có mười hiệu.

Tịnh Danh tam hiệu, dĩ kiếp thọ thuyết, bất năng linh tận, hà huống chư hiệu da?

Đối với ba hiệu trong Kinh Tịnh Danh, dùng tuổi thọ dài bằng cả kiếp để nói các ý nghĩa được bao hàm trong ấy vẫn chưa thể nói hết, huống là các danh hiệu ư?

Tịnh Danh là Kinh Duy Ma. Ba hiệu được nói trong Kinh Duy Ma, nói thật ra là ba hiệu trong mười hiệu. Câu này nằm trong trang bốn mươi, dòng thứ năm đếm từ dưới lên, quý vị hãy xem trong dòng ấy.

Tịnh Danh Kinh vân, Chánh Biến Tri, Như Lai cập Phật.

Kinh Tịnh Danh nói ba hiệu là Chánh Biến Tri, Như Lai và Phật. Ba hiệu ấy chính là ba hiệu trong mười hiệu. Ba hiệu ấy, thử tam cú nghĩa, Đại Thiên chúng sanh. Đối với ý nghĩa của ba câu ấy, chúng sanh trong cõi Đại Thiên.

Ý nói chúng sanh trong tam thiên đại thiên Thế Giới, giai như A Nan đa văn đệ nhất đều là bậc đa văn hạng nhất như Ngài A Nan, thông minh, có trí huệ giống như Tôn Giả A Nan đa văn bậc nhất. Dĩ kiếp chi thọ.

Dùng tuổi thọ dài bằng cả kiếp, thọ mạng lâu cỡ nào?

Thọ mạng dài đến một đại kiếp, dùng tuổi thọ dài lâu như vậy để giải nói ý nghĩa của ba danh hiệu ấy đều nói chẳng trọn, huống hồ mười danh hiệu. Huống hồ vô lượng danh hiệu. Những ý nghĩa được bao hàm trong mỗi danh hiệu đều là rộng lớn vô biên, chẳng thể nói trọn hết.

Đến chỗ này mới coi như đã giới thiệu xong chữ Phật trong tựa đề Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, giảng xong một chữ. Dưới đây là chữ thứ hai, tức thuyết trong Phật Thuyết.

Thuyết giả, duyệt sở hoài dã. Thuyết là thỏa thích bổn hoài, chúng ta thường thấy cách giải thích này trong chú giải của hết thảy các Kinh.

Tiếp đó, sách viết: Tức thập nhị bộ Kinh. Tức là mười hai thể loại được sử dụng trong Kinh Phật. Thập Nhị Bộ Kinh là toàn thể Kinh Phật. Nếu nói theo cách hiện thời, Kinh Phật có tổng cộng mười hai loại thể tài genre khác nhau. Do đó, nói đến mười hai loại thể tài ấy sẽ bao gồm toàn thể Phật Pháp.

Bát vạn Pháp Tạng. Tám vạn Pháp Tạng, nói tới phương pháp và đường lối tu học.

Lục Độ, Tứ đẳng.

Lục Độ, Tứ Tất Đàn v.v…: Lục Độ là sáu Ba la mật, tức là cương lãnh tu hành của Bồ Tát. Tứ là nói đến Tứ Tất Đàn. Nhất thiết pháp môn, hựu ư nhất pháp trung, tác tứ môn phân biệt. Ư nhất nhất môn, xảo tác Tứ Tất Đàn lợi ích, văn giả hoan hỷ, tán dụng, thọ hành, Thí, Giới, Tấn, Niệm, nhi đắc khai phát.

Tham, khuể, ngu si, hoát nhĩ băng tiêu, cách phàm thành Thánh, nhập pháp lưu thủy, hoặc nhị tam nhất ích.

Nhược đô vô ích, tắc thị mặc nhiên trong mỗi pháp thuộc hết thảy các pháp môn lại phân biệt thành bốn môn. Trong mỗi môn, khéo tạo lợi ích Tứ Tất Đàn. Người nghe hoan hỷ, khen ngợi tác dụng của Phật Pháp, tiếp nhận, hành trì. Thí, giới, tinh tấn, niệm bèn được khai phát. Tham, sân, ngu si bỗng dưng tiêu tan.

Thoát phàm thành Thánh, dự vào dòng pháp, hoặc người nghe sẽ đạt được hai, ba hoặc một điều lợi ích. Nếu những pháp muốn nói ấy đều vô ích cho người nghe, Đức Phật bèn thị hiện im lặng. Đoạn này giải thích chữ thuyết. Không chỉ giải thích chữ thuyết, mà một đoạn lớn sau đó, tức là cả một đoạn lớn từ sau chữ thập nhị bộ trở đi mà chúng ta vừa đọc là nói về những điều do Đức Phật đã giảng.

Trong phần nói về sở thuyết, những pháp đã được nói, đã nêu ra một nguyên tắc: Đức Phật thuyết pháp chắc chắn có lợi ích cho chúng sanh. Lợi ích nhiều hay ít, sâu hay cạn khác nhau. Nếu chẳng có lợi ích, Đức Phật sẽ chẳng nói. Ở đây viết là nhược đô vô ích, tắc thị mặc nhiên. Nếu đều là vô ích, thì Ngài thị hiện im lặng, Đức Phật sẽ chẳng nói. Nhược nhất cơ khấu Thánh, ư nhất môn thí Tứ Ích giả.

Nếu một căn cơ cảm Thánh tâm, Ngài sẽ ban bố bốn món lợi ích trong một môn. Nhất môn là một loại pháp môn, Tứ Ích Tứ Tất Đàn. Dư tam môn diệc như thị, vị nhất duyên thuyết nhất pháp ký nhĩ, chư duyên chư pháp diệc như thị. Ba môn kia cũng giống như thế, vì một duyên mà thuyết một pháp đã là như thế, thì các duyên, các pháp cũng giống như thế.

Đoạn này có nghĩa là: Hễ có kẻ nào có nghi vấn, hướng về Đức Phật thỉnh giáo, Đức Phật thuyết pháp cho kẻ ấy, chẳng lìa khỏi Tứ Tất Đàn. Nếu là rất nhiều người, Đức Phật thuyết pháp cho đại chúng cũng chẳng lìa khỏi nguyên tắc này. Đây là nói về nguyên tắc thuyết pháp.

Chúng ta xem chú giải, dòng thứ nhất trong phần chú giải, hãy xem từ nửa đoạn sau: Nhược tựu bổn Kinh, tức thị Như Lai cửu tu Cửu Chứng Niệm Phật Tam Muội, uẩn chi tại hoài. Nếu xét theo Kinh này, sẽ là Như Lai tu chứng Niệm Phật Tam Muội đã lâu, ấp ủ trong lòng. Câu này quan trọng, nêu rõ Kinh này nói chẳng khác gì Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Di Đà.

Đức Phật thành Phật như thế nào?

Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích Đại Sư đã nói: Chư Phật do niệm Phật mà thành Phật. Chư Phật đạt được tam muội rất sâu có tên là Niệm Phật Tam Muội. Trong tác phẩm chú giải Kinh Di Đà, Ngẫu Ích Đại Sư đã nói như vậy. Từ Kinh Vô Lượng Thọ, quả thật chúng ta đã thấy điều đó. Vì vậy, tin sâu nhân quả trong Tam Phước của Quán Kinh chính là niệm Phật là nhân, thành Phật là quả.

Đức Phật thấy cơ duyên thành Phật của chúng sanh đã chín muồi. Cơ duyên thành Phật đã chín muồi thì nếu Đức Phật phải giảng pháp Bồ Tát hay nói pháp thành A La Hán cho họ, sẽ có lỗi với họ.

Đức Phật thuyết pháp bèn ứng theo căn cơ mà ban bố giáo pháp. Ngài xét thấy kẻ ấy vẫn chưa có phần thành Phật trong một đời này, chỉ có thể thành Bồ Tát, Đức Phật liền giảng pháp Bồ Tát, chắc chắn chẳng giảng pháp thành Phật cho kẻ ấy.

Vì sao?

Kẻ ấy chẳng có phước báo đó, có giảng thì kẻ ấy cũng trọn chẳng tin tưởng, nói uổng công. Vì lẽ đó, Đức Phật thuyết pháp khế cơ, khế lý.

Thấy cơ duyên thành Phật đã chín muồi, nói cách khác, đem pháp môn thành Phật này nói với kẻ ấy, kẻ ấy có thể tin tưởng, có thể lý giải, có thể nghiêm túc học tập, quyết định thành Phật trong một đời này.

Đó là pháp môn gì?

Pháp Môn Niệm Phật. Ba Kinh Tịnh Độ đều nhằm dạy chúng sanh thành Phật, chẳng phải là nói với những kẻ bình phàm. Pháp môn này, Đức Phật ấp ủ trong lòng đã lâu, tìm chẳng thấy đối tượng, lần này tìm được đối tượng, Ngài hoan hỷ lắm, hoan hỷ hơn khi nói bất cứ pháp môn nào khác.

Độ chúng sanh thì trong một đời, quý vị có thể độ mấy chúng sanh thành Phật?

Lần này gặp được kẻ sẽ nhanh chóng thành Phật, tuyệt diệu quá, chẳng thể bỏ lỡ cơ hội. Vì lẽ đó, Đức Phật nói pháp môn Tịnh Tông, tỏ lộ niềm hoan hỷ khôn sánh, từ Đại Kinh chúng ta thấy được chuyện này.

Kim cơ khấu phát thuyết chi. Nay do căn cơ tương ứng phát khởi, bèn nói pháp môn này. Chữ cơ chỉ phu nhân Vi Đề Hy. 

Đức Phật gặp được vị này, thiện căn, phước đức, nhân duyên của bà ta trong vô lượng kiếp đến nay đã chín muồi, Đức Phật bèn truyền dạy bà ta pháp môn này, bà ta sẽ thành Phật trong hiện thời.

Nãi sướng tích chi sở hoài dã. Bèn thỏa thích nỗi niềm ấp ủ từ trước. Điều ấp ủ trong tâm rất muốn nói, nhưng chẳng tìm thấy đối tượng, lần này đã gặp được. Chúng ta phải chú ý mấy câu này.

Tiếp theo đây, chúng ta lại lật qua trang bốn mươi hai. Trong trang bốn mươi hai có một khuôn mẫu thuyết pháp. Bất luận đồng tu tại gia hay xuất gia, trong tương lai muốn phát tâm thuyết pháp cho kẻ khác, phải nhớ nguyên tắc này. Quý vị không hiểu nguyên tắc này, sẽ không phải là giảng Phật Pháp.

Phải hiểu nguyên tắc này. Trong trang bốn mươi hai, dòng thứ hai, xem từ dòng ấy. Thú cử nhất pháp, nghĩa là tùy tiện chọn lấy một pháp, tu khai tứ môn, cần phải mở ra bốn môn, nghĩa là nhất định phải hiểu Tứ Tất Đàn.

Tất Đàn, Siddhanta, là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là biến thí, có nghĩa là phổ biến dùng Phật Pháp Bố Thí hết thảy chúng sanh. Trong đó bốn loại, nên chúng ta gọi là Tứ Tất Đàn.

Cơ sanh thục cố. Do căn cơ có sống và chín. Cơ là đối tượng để thuyết pháp.

Quý vị nói với kẻ đó, cơ duyên của kẻ đó đã chín muồi hay chưa?

Chín muồi đến mức độ nào?

Mỗi người có mức độ sống chín khác nhau, quý vị thuyết pháp cho họ sẽ khác nhau, Tứ Tất bị chi, mà Tứ Tất Đàn sẽ tương ứng. Dưới đây sẽ giảng rõ.

Vi vị chủng giả, tác thế giới thuyết.

Đối với kẻ chưa gieo thiện căn nơi Phật Pháp, bèn nói pháp theo kiểu Thế Giới Tất Đàn: Đây là điều thứ nhất trong Tứ Tất Đàn, tức Thế Giới Tất Đàn, nói với hạng người nào?

Nói với người chưa gieo thiện căn, cũng là nói với kẻ bình phàm trong xã hội.

Mục tiêu thuyết pháp là đâu?

Nhằm vào mục đích khiến cho họ nhận biết Phật Giáo. Khi nghe Phật Giáo, tâm người ấy hoan hỷ, nhưng vẫn không nhất định tiếp nhận, vẫn chưa muốn học Phật. Chỉ nhằm dạy cho kẻ ấy nhận biết Phật Giáo, đừng nẩy sanh hiểu lầm đối với Phật Giáo, mục đích ở chỗ này. Đó là khiến cho kẻ ấy hoan hỷ. Nói theo thực tế sẽ là linh kỳ nhạo dục, tán dụng, thọ hành.

Khiến cho kẻ ấy ưa thích, khen ngợi hữu dụng, chấp nhận, nhắm đến mục đích này, hy vọng người ấy sẽ hoan hỷ, chẳng đến nỗi hiểu lầm Phật Pháp, tán thán Phật Pháp, biết Phật Pháp còn có chỗ hữu dụng đối với xã hội, chẳng có hại. Kiến lập một quan niệm chánh xác cho người ấy. Đó là một cách nói.

Chúng ta thường gọi chuyện này là tuyên truyền. Hiện thời, người tuyên truyền rất nhiều, nhưng nội dung tôi không biết rõ cho lắm. Tôi thường thấy báo chí, thậm chí truyền hình đều có quảng cáo vị Pháp Sư nào đó giảng Kinh, thuyết pháp ở chỗ nào đó, người nghe đều là mấy ngàn người, mấy vạn người. Chuyện này hơi giống Phật Giáo biểu diễn, diễn trò. Mục tiêu của họ chỉ có thể đạt được trong giai đoạn này.

Loại thứ hai: Vị dĩ chủng giả, dụng trung nhị tất. Vì người đã gieo thiện căn và phước đức, bèn vận dụng hai loại Tất Đàn trong ấy. Đối với người đã có thiện căn, bèn dùng hai loại trong bốn loại Tất Đàn, tức là vị nhân và đối trị, dùng hai loại ấy.

Đã gieo thiện căn, phải xét xem thiện căn của người ấy sâu hay cạn. Thiện căn vị phát giả người thiện căn chưa phát, kẻ ấy có thiện căn, nhưng thiện căn vẫn chưa phát lộ. Đích xác là có thiện căn, nhưng thiện căn vẫn chưa phát lộ.

Vậy thì phải thuyết pháp như thế nào?

Tác vị nhân thuyết. Dùng cách nói vì người khác, cách này có ý nghĩa sâu hơn cách trước. Mục đích của cách thuyết pháp này là linh khởi túc thiện tín, giới, tấn, niệm, nghĩa là khiến cho người ấy có thể phát lộ thiện căn, tín, tấn, niệm, định, huệ từ đời trước.

Người ấy nghe Phật Pháp, bèn có thể sanh khởi những thiện căn ấy. Đó là người đã gieo thiện căn, nhưng thiện căn trọn chẳng rất sâu dầy, bèn khích động cho thiện căn của người ấy phát khởi, nay chúng ta nói là đạo tâm, đạo tâm và thiện căn có ý nghĩa giống nhau. Đấy là kích phát đạo tâm, kích phát thiện căn của kẻ đó.

Loại thứ ba là ác vị phá giả, đối với kẻ chưa phá ác, thiện căn đã có, thiện căn cũng đã phát hiện. Tuy thiện căn đã phát hiện, nhưng tập khí phiền não chưa đoạn. Trong giới Phật Giáo chúng ta, hai loại tình hình này, bất luận tại gia hay xuất gia đều có rất nhiều. Chúng ta chẳng thể nói họ không có thiện căn, nhưng chẳng đoạn tập khí phiền não.

Tập khí phiền não chẳng đoạn thì nói cách khác là tu hành bị chướng ngại, tu hành quyết định chẳng thể thành tựu, vì quý vị có chướng ngại tồn tại, niệm Phật cũng chẳng thể vãng sanh. Để thuyết pháp cho loại người ấy, chúng ta phải dùng cách đối trị.

Đối Trị là linh kỳ tam độc hốt hoát nhĩ băng tiêu. Khiến cho tam độc của người ấy bỗng dưng nhanh chóng tiêu tan. Tam độc là tham, sân, si.

Nói tới tham, sân, si, đương nhiên sẽ là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, bao gồm toàn bộ các phiền não. Đối với kẻ chẳng đoạn các phiền não ấy, bèn vì kẻ ấy thuyết pháp với mục đích giúp cho kẻ ấy đoạn phiền não. Có thể đoạn phiền não, có thể trừ tập khí, công phu sẽ có thể đắc lực, thật sự có thành tựu trong Phật Pháp, pháp hỷ sung mãn.

Xưa kia, chưa đoạn tập khí phiền não, chắc chắn là chẳng thể rời khỏi thiện tri thức. Kẻ ấy theo học với một vị thiện tri thức nào đó, chẳng thể rời khỏi vì chưa có năng lực lìa khỏi thầy.

Giống như đứa trẻ rất bé, chưa thể tự mình độc lập, chẳng thể rời khỏi cha mẹ, phải thường được cha mẹ chăm sóc thì mới được an toàn. Chưa đoạn tập khí phiền não, nếu lìa khỏi thiện hữu, muốn đi ra ngoài, nguy hiểm to lắm.

Kể từ xưa kia, chẳng phải là nói trong hiện thời, vào thời cổ đã có những gương như vậy. Khi chưa đi ra ngoài, tu hành trong Tự Viện của chính mình thì tốt đẹp lắm.

Thật sự có đạo tâm, đáng cho người khác tôn kính. Nhưng vừa ra ngoài giảng Kinh, thuyết pháp, lại tìm một Tự Viện để làm trụ trì lãnh chúng, tín đồ quy y cũng đông, tiền bạc cũng lắm, thì cũng phách lối lắm, trở nên kiêu căng, ngã mạn, phiền não đều dấy lên hiện hành.

Vì sao?

Rớt trong tiếng tăm, lợi dưỡng, đọa lạc trong ngũ dục, lục trần, quả báo trong tương lai là sanh trong ba ác đạo. Nếu quý vị đọc bộ Trúc Song Tùy Bút của Liên Trì Đại Sư, chẳng nhớ trong trang nào, Liên Trì Đại Sư từng phê bình một vị đại đức.

Vị Đại Đức ấy trước kia ở trong núi, cũng rất có tiếng tăm, mọi người hết sức bội phục đạo đức, học thức, và sự hàm dưỡng của Sư, vô cùng tôn trọng. Sau này, Sư làm Trụ Trì một ngôi Chùa tại đô thị, đạo tâm thảy đều mất sạch.

Tổ đến bái phỏng, nói: Trước đây có một người nọ, tu hành trên núi tốt đẹp cỡ nào, tôi bội phục lắm. Về sau, vị ấy đọa lạc.

Vị Pháp Sư ấy hỏi: Ai vậy?

Tổ đáp: Chính là lão huynh chứ ai nữa. Coi như vẫn còn khá, vì Sư còn có thể gặp Liên Trì Đại Sư chỉ điểm, cảnh tỉnh thẳng thừng. Con người hiện thời khi bị đọa lạc, dẫu có cảnh tỉnh cũng chẳng tỉnh, vẫn ngỡ chính mình là đúng.

Người hiện thời tu hành khó khăn hơn thuở xưa. Con người xưa kia tâm địa hồn hậu, tôn sư trọng đạo, có thể nghe lời thầy, chứ người hiện thời chẳng nghe.

Thấy người khác nổi tiếng lừng lẫy, cũng nghĩ trọn đủ mọi phương pháp hòng đạp đổ tiếng tăm của người khác, chỉ sợ chính mình ở sau kẻ khác. Thấy người ta phước báo to hơn mình, trong tâm kẻ ấy rất khó chịu, cũng nghĩ trọn hết mọi phương pháp sao cho phước báo của chính mình vượt hơn người ta.

Tâm đặt nơi đâu?

Tâm chuyên môn cầu tiếng tăm lợi dưỡng, cầu ngũ dục, lục trần. Chẳng biết tu hành là tu tâm thanh tịnh, chẳng biết tu hành là phải đoạn sạch tập khí phiền não.

Các vị Tổ Sư Đại Đức từ xưa tới nay, ngay cả tại gia cư sĩ, hoằng pháp lợi sanh cũng đều là do kẻ khác thỉnh pháp, há có ai tự tìm chỗ để thuyết pháp?

Chẳng có đạo lý ấy.

Người ta đến thỉnh, chính mình vẫn rất khiêm hư: Chỉ sợ tôi không được, tôi nói chẳng khế cơ.

Há có chuyện chính mình tìm đủ mọi phương pháp để kiếm chốn giảng Kinh?

Chẳng có đạo lý ấy. Trong quá khứ, khi chúng tôi học giáo ở Đài Trung, luyện tập giảng Kinh là một môn học vô cùng quan trọng.

Đến chỗ nào để giảng?

Đến nhà các đồng tu: Xin quý vị từ bi, tôi giảng cho quý vị nghe. Quý vị hãy sửa sai cho tôi.

Đó là đến thỉnh giáo: Tôi giảng quý vị nghe có vừa ý hay chăng?

Có nghi vấn hay chăng?

Hãy cho tôi biết để tôi sửa cho tốt đẹp hơn. Người nghe là dăm ba người, mỗi tuần một ngày đến giảng tại nhà đồng tu.

Đó là gì?

Cầu được chỉ dạy. Người giảng là tôi chính là học trò, người nghe là thầy, là giám học của tôi. Chúng tôi học như vậy. Khi chúng tôi học Phật tại Đài Trung, mỗi tối đều có Pháp Hội giảng Kinh, hôm nay ở nhà vị cư sĩ này, ngày mai tại nhà vị cư sĩ nọ, vì đồng học đông đảo.

Hôm nay vị đồng học này giảng, chúng tôi đều là bạn học cùng học giảng Kinh, nhất định phải đến tham gia, vì sửa sai cho người ấy cũng là sửa sai cho chính mình.

Cho đến khi thầy nghe xong, gật đầu đồng ý, chẳng có sai lầm gì thì mới có thể lên tòa giảng cho công chúng. Lên bục giảng vẫn là luyện tập. Điều khó có của Đài Trung là có hai giảng đài để luyện tập giảng Kinh, một ở tại Liên Xã, hai là ở Chùa Linh Sơn.

Liên Xã, tức Đài Trung Liên Xã, là chỗ để nữ chúng luyện tập giảng Kinh, Chùa Linh Sơn dành cho nam chúng. Đến nghe Kinh ủng hộ có bảy, tám mươi người, đương nhiên các vị thính giả ấy đều rất khách sáo. Quý vị hướng về họ thỉnh giáo, họ sẽ chẳng phê bình. Nhưng chúng tôi luyện tập giảng Kinh, thầy Lý nhất định phải đến. Thầy Lý ngồi ở hàng cuối cùng, ngồi trong góc.

Vì sao?

Chúng tôi giảng Kinh chẳng có máy phóng thanh, ắt phải giảng sao cho thầy nghe rõ ràng. Nếu thầy nghe không rõ ràng thì không được, âm lượng của quý vị chẳng đủ.

Sau khi giảng xong, thầy tập hợp các bạn học lại, tiến hành phê bình nghiêm ngặt, chỗ nào phải sửa lại. Lần giảng kế tiếp phải sửa đổi. Trải qua huấn luyện nghiêm ngặt như vậy chẳng phải là chuyện dễ dàng.

Hiện thời, ở Mỹ, Đạo tràng của chúng tôi là một Đạo tràng nhỏ, có mấy vị đồng tu. Tuy số người ít ỏi, năm sáu người, cũng là một lớp học nhỏ. Đối với phương pháp học tập, tôi kể cho họ biết cách tôi học ở Đài Trung trước kia, nương theo phương pháp của thầy để học, học ba năm. Vì họ có trình độ cao, hoàn cảnh thù thắng, chẳng bị quấy nhiễu, nên ba năm nhất định sẽ có thành tựu.

Đó là đối với người đã sanh khởi thiện căn, phải giúp họ thật sự tu tập, thật sự đoạn phiền não. Trong các đồng tu chúng ta, có người thuộc về giai đoạn trước, tức là thiện căn đã phát hiện, nhưng tập khí phiền não chưa đoạn. Hiện thời, phải bắt đầu nghiêm túc đoạn, chẳng đoạn sẽ không được, vấn đề sẽ to lớn, nhất định phải đoạn phiền não.

Loại cuối cùng vị dĩ thục giả.

Vì người đã thuần thục, dĩ thục là gì?

Dĩ thục là nói cơ duyên thành Phật đã đến, đó mới gọi là thục. Trong một đời này, người ấy vẫn chưa thể thành Phật, tức là cơ duyên của kẻ ấy vẫn chưa chín muồi. Cơ duyên thành Phật đã đến, vô cùng hiếm có, Đức Phật phải dạy họ phương pháp thành Phật, cũng có nghĩa là dạy họ phương pháp niệm Phật. Nay chúng ta có được pháp môn này, chúng tôi cũng hoằng dương pháp môn này ở nhiều nơi.

Tuy vậy, bất luận giảng Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà hay Quán Kinh, cho đến Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm, chúng tôi giảng theo cách nào?

Thưa cùng quý vị, làm theo cách giảng thứ nhất và thứ hai.

Vì sao không thực hiện cách giảng thứ ba và thứ tư?

Đối với cách thứ ba và thứ tư, tôi thấy cơ duyên vẫn chưa chín muồi. Nếu nay tôi đặc biệt nhấn mạnh mọi người phải đoạn phiền não, hôm sau họ sẽ không đến nghe nữa. Vì lẽ đó, trong hiện tại phải nói lời ngọt ngào với mọi người, khiến cho họ nghe rất hoan hỷ, ngày mai họ còn tới.

Nếu tôi nói phải đoạn phiền não, mà cũng chẳng dùng lời lẽ ngọt ngào, họ nghe sẽ cảm thấy rất khó chịu: Vị Pháp Sư này chửi tôi, ngày mai tôi không tới cho ông ta chửi bới nữa, chẳng đến nữa. Khi nói, tuy là cùng một bộ Kinh, nhưng phương pháp giảng khác nhau, mục tiêu mà chúng tôi hy vọng đạt tới cũng khác nhau.

Đó là nói tới bốn loại lớn, tức bốn loại phương pháp lớn, trong mỗi loại còn có nhiều phương tiện thiện xảo. Cùng một bộ Kinh, có thể giảng sâu hay cạn, có thể giảng dài hay ngắn. Hôm qua, bên Tân Gia Ba có gởi cho chúng tôi một bản fax, mời tôi năm tới sang đó giảng Di Đà Kinh Sớ Sao.

Di Đà Kinh Sớ Sao to ngần ấy, họ thỉnh tôi sang đó ở một tháng để giảng xong bộ Di Đà Kinh Sớ Sao. Thật ra thì có thể giảng, giảng nông cạn, giảng ngắn gọn, bất quá Kinh Văn Sớ Sao vẫn quá dài, đọc một biến còn phải tốn một khoảng thời gian khá dài. Chuyện đó để sang năm rồi mới nói, tôi vẫn chưa trả lời thư của họ.

Tiếp đó nói vị dĩ thục giả là nói tới người thiện căn đã chín muồi. Người ấy phước báo rất lớn, sắp thành Phật. Đức Phật có thần thông có thể quan sát căn cơ, người này thiện căn đã chín muồi.

Thiện căn chính là thiện căn do vô lượng kiếp tu thành, thiện căn ấy đã chín muồi. Sau khi đã chín muồi, nhất định phải dạy cho người ấy phương pháp thành Phật.

Tác đệ nhất nghĩa thuyết, linh đắc khế chân, cách phàm thành Thánh.

Vì người ấy nói đệ nhất nghĩa, khiến cho người ấy khế nhập lẽ chân, vượt phàm, thành Thánh. Cách phàm thành Thánh là siêu phàm nhập Thánh. Siêu phàm nhập Thánh, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển thì chỉ có một con đường là niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ.

Pháp Môn này thật sự là siêu phàm nhập Thánh, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển, thành Phật trong một đời. Gặp được người ấy, nếu Đức Phật chẳng nói, sẽ có lỗi với người ấy. Nói thật ra, tại Đài Loan trong giai đoạn này, chúng sanh căn cơ chín muồi rất nhiều.

Chúng ta biết trong bốn mươi năm qua, cho đến hiện thời, dân số Đài Loan mới là hai ngàn vạn, trước kia chẳng nhiều như vậy. Bốn mươi năm trước chỉ có sáu trăm vạn người. Đối với người niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, chúng ta chẳng thống kê tỉ mỉ, nhưng ước đoán dè dặt nhất phải là từ bốn trăm đến năm trăm người, tuyệt diệu thay. Nhiều người ngần ấy thành Phật, lỗi lạc thay.

Nơi này được gọi là đảo báu, danh phù hợp thật, có nơi nào trên Thế giới này trong vòng bốn mươi năm có nhiều người ngần ấy thành Phật?

Chẳng dễ dàng. Người niệm Phật rất đông, có tới mấy chục vạn, mấy trăm vạn, nhưng thật sự vãng sanh, trong bốn mươi năm có bốn, năm trăm người, khá quá.

Chúng ta hãy nghĩ lại, chúng ta có thuộc trong số đó hay không?

Nếu thật sự mong mỏi chính mình thuộc trong danh sách ấy thì phải thật tu. Có thể nói là nhân duyên không thiếu, tại Đài Loan chẳng thiếu duyên. Nếu thiếu là do thiện căn và phước đức của chính mình vẫn chưa đủ, pháp môn này cần nhiều thiện căn, nhiều phước đức.

Thiện căn nhiều và ít là sao?

Trong vài lần trước, khi giảng Di Đà Sớ Sao, chúng tôi đã thưa trình tỉ mỉ cùng quý vị. Phật trí giám cơ, thuyết chi tất trúng, tri bất nhập lý, linh đắc tam ích. Phật trí soi xét căn cơ, hễ nói ắt trúng, biết người nghe chưa thể nhập lý, bèn khiến cho họ đạt được ba món lợi ích.

Tam ích là ba thứ lợi ích đầu tiên, vì sao?

Trong một đời này, người ấy vẫn chưa thể thành Phật, vẫn chưa thể vãng sanh, nên đạt được ba lợi ích trước đó, thế giới, vị nhân và đối trị.

Tri bất phá ác, linh đắc nhị ích.

Biết kẻ ấy chưa thể phá ác, nên khiến cho kẻ ấy đạt được hai món lợi ích: Biết người ấy chẳng thể sửa đổi tập khí phiền não, nên giảng Kinh, thuyết pháp khiến cho người ấy đạt được hai món lợi ích đầu, thế giới và vị nhân. Đoạn phiền não, sửa đổi tập khí thì chính mình phải phát tâm nghiêm túc thực hiện, người khác chẳng thể ép uổng được.

Vô thiện khả phát, tác thế giới thuyết đản sanh hoan hỷ. Nhược toàn vô ích, Phật tắc bất thuyết. Chẳng thể phát khởi điều thiện, bèn thuyết pháp theo kiểu Thế Giới Tất Đàn khiến cho kẻ ấy sanh tâm hoan hỷ. Nếu hoàn toàn vô ích, Phật sẽ chẳng nói.

Quý vị giảng cho kẻ ấy, kẻ ấy có nghe cũng như chẳng nghe, cũng chẳng tin tưởng, thậm chí phản đối, bài bác, nên chẳng nói.

Cố vân mặc nhiên. Nên nói là lặng thinh. Đức Phật sẽ không nói. Chúng ta phải ghi nhớ những nguyên tắc và khuôn phép này. Thuyết pháp xác thực là như thế. Cùng một bộ Kinh, người biết thuyết phải hiểu nguyên tắc này, thấy người như thế nào bèn thuyết pháp như thế ấy, thiên biến vạn hóa, chẳng có gì nói nhất định.

Bởi lẽ đó, chẳng có pháp nhất định để có thể nói, pháp là sống động, hoạt bát.

Trên giảng đài, phải có năng lực quán cơ, tức là nhìn thính chúng dưới đài, nhìn gương mặt và vẻ biểu lộ của họ, liền biết họ thuộc trình độ nào, ta phải biết nên thuyết pháp như thế nào?

Chẳng phải là lên giảng đài, đem những thứ bài giảng ta đã soạn sẵn đọc cho mọi người nghe.

Đó chẳng phải là thuyết pháp, mà là giống như thầy thuốc chữa bệnh: Trước hết, kê toa xong xuôi rồi mới chữa bệnh cho quý vị. Khám bệnh xong, đem toa thuốc ấy cho quý vị uống.

Uống xong chết ngắc, bèn bào chữa: Chẳng phải là toa thuốc của tôi không đúng, mà là quý vị chẳng mắc đúng bệnh, chẳng bị bệnh đúng với toa thuốc của tôi. Đó là sai lầm.

Do vậy có thể biết: Giảng Kinh khó hơn giảng bất cứ điều gì khác, đây là chuyện rất khó khăn. Vì thế, đồng tu học giảng Kinh phải trống lòng, phải thời thời khắc khắc hướng về thính chúng thỉnh giáo thì mới có thể đạt được lợi ích.

A Di Đà Phật!

***