Haèng thuaän chuùng sanh
Tuyø hyû coâng ñöùc

tinhdo.edu.vn

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA - TẬP BỐN - B

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP BỐN - B
 

Trong sách Hoàn Nguyên Quán có câu: Tự tánh thanh tịnh viên minh thể chính là nói về điều này. Câu nói này của Quốc Sư Hiền Thủ và câu tất cả chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai trong Kinh Hoa Nghiêm là cùng một câu nói, có cùng một ý nghĩa.

Tự tánh, thanh tịnh, viên minh, nói thành ba chuyện, nhưng ba chuyện này là pháp thân, bát nhã và giải thoát. Minh là trí huệ, thanh tịnh là đức hạnh, viên mãn là tướng hảo. Tự tánh thanh tịnh viên minh thể.

Toàn bộ pháp thân, bát nhã, giải thoát được bao gồm trong tánh đức. Tác Di Đà thân độ, làm thân và cõi nước của Di Đà, thân Di Đà được gọi là pháp thân, cõi nước Phật Di Đà ngự được gọi là Tịnh Độ. Pháp giới thể là tự tánh, thân và cõi nước đều do tánh đức tự nhiên lưu lộ.

Kinh Phật dạy: Pháp nhĩ như thị, pháp vốn là như thế. Đó là cử thử thể tác Di Đà danh hiệu. Dùng toàn bộ cái thể này để làm danh hiệu Di Đà. Danh hiệu của cái thể ấy là A Di Đà Phật.

Thị cố, Di Đà danh hiệu tức chúng sanh bổn giác lý tánh. Vì thế, danh hiệu Di Đà là lý tánh bổn giác của chúng sanh. Bổn giác là trí huệ bát nhã sẵn có trong tự tánh. Lý là lý tánh, tác dụng của lý là sự, tác dụng của tánh là tướng. Tánh, tướng, sự, lý sẵn có trong tự tánh của chúng sanh, chẳng phải do bên ngoài mà có.

Đây là nói rõ mối quan hệ giữa danh hiệu A Di Đà Phật và hết thảy chúng sanh: A Di Đà Phật chẳng phải là ai khác, mà thật sự là chính mình, chớ nên hiểu lầm. Chính mình vốn là Phật. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật nói chuyện này bao nhiêu lần. Chính mình vốn là Phật, nay niệm A Di Đà Phật tức là muốn thành Phật.

Quý vị suy nghĩ coi: Có thể nào chẳng thành Phật ư?

Chính mình vốn là Phật, nay lại muốn làm Phật, niệm Phật chính là muốn làm Phật, chúng ta chẳng còn hoài nghi nữa. Đây là hai đoạn trích dẫn từ sách Di Đà Yếu Giải.

Tiếp theo đó, Hoàng Lão Cư Sĩ nói: Khả kiến thử Kinh thật thị Đại Bi Từ Phụ Như Lai Thế Tôn xứng tánh cực đàm.

Có thể thấy Kinh này thật là lời bàn luận xứng tánh đến tột bậc của đức đại bi từ phụ Như Lai Thế Tôn. Kinh này quả thật là như vậy, Đại Từ Bi Phụ là A Di Đà Phật, tức vị Phật trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Như Lai Thế Tôn là nêu đại lược hai thứ trong mười thứ đức hiệu của Phật.

Như Lai có nghĩa là gì?

Kinh Kim Cang giảng rất khéo: Như Lai giả, chư pháp như nghĩa. Như Lai là nghĩa như của các pháp. Câu này giảng khéo lắm. Hết thảy các pháp đều do tự tánh biến, hết thảy các pháp tướng giống như pháp tánh.

Hoặc là chúng ta nói như thế này: Hết thảy pháp tướng đều là tự tánh, quý vị càng dễ hiểu hơn.

Tự tánh của chúng ta ở chỗ nào?

Bất luận pháp nào cũng đều là tự tánh.

Do vậy, đối với người đại triệt đại ngộ trong Tông Môn, Tổ Sư bèn khảo nghiệm, trắc nghiệm kẻ ấy: Tự tánh ở đâu?

Tùy tiện lấy một pháp đều là tự tánh, pháp nào cũng đều như, chẳng có một pháp nào chẳng như. Phàm và Thánh sai khác ở chỗ mê hay ngộ. Người ngộ rồi sẽ được gọi là Phật hay Bồ Tát. Kẻ mê bất giác, chẳng biết hết thảy các pháp đều là tự tánh, cho nên gọi kẻ ấy là phàm phu. Trong pháp môn bất nhị, phàm và Thánh chẳng hai, thật đấy.

Nói thật với quý vị: Sanh Phật bất nhị, nghĩa là chúng sanh và Phật là một, không hai, đều là nói thật, nhưng quý vị chẳng thừa nhận.

Quý vị chẳng dám nhận, đó là gì?

Quý vị mê rồi. Khi nào quý vị giác ngộ, tự tánh vốn ở ngay đây, vấn đề gì cũng đều được giải quyết. Vì thế, Kinh này là Đức Thế Tôn xứng tánh cực đàm. Cực là tột cùng, nay chúng ta gọi là đỉnh cao nhất không có gì cao hơn được, viên mãn đến rốt ráo, không còn gì viên mãn hơn. Bộ Kinh này đúng là như vậy, chẳng giả.

Chư Phật bí tạng, chữ bí này chẳng phải là bí mật, quý vị phải hiểu: Trong Phật Pháp không có bí mật. Có bí mật, sẽ chẳng thể nói với người khác, trong Phật Pháp không có điều ấy. Bí trong Phật Pháp là nói đến sự sâu xa, kín nhiệm, sự lẫn lý đều quá sâu, chẳng dễ liễu giải, ẩn kín.

Đây là nói thập phương tam thế hết thảy Chư Phật Như Lai trong không ngằn mé Thế giới, trong mười pháp giới của các Thế Giới Chư Phật, giáo hóa chúng sanh trong lục đạo, giảng Kinh, thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh. Bốn chữ Chư Phật bí tạng có ý nghĩa này.

 Lại nói là hòa bàn thác xuất giãi bày trọn hết chẳng giữ lại. Giống như chúng ta đãi khách, dọn thức ăn đầy mâm, toàn bộ dọn ra hết.

Cái mâm bàn tử ấy chính là bộ Kinh này, trong bộ Kinh này có nội dung gì?

Bí tạng của thập phương tam thế hết thảy Chư Phật đều ở trong đây, tuyệt diệu thay.

Vì thế, Cổ Đại Đức nói: Mọi người tán thán hai bộ Kinh lớn là Hoa Nghiêm và Pháp Hoa khôn cùng, Đại Kinh nhất thừa mà. Cổ Đại Đức bảo hai Kinh ấy đều nhằm dẫn đường cho Kinh Vô Lượng Thọ. Nếu tôi chấp nhận cách nói này, tôi tin tưởng Tịnh Độ. Quý vị thấy thầy Lý khuyên tôi như vậy, nhưng tôi chẳng tiếp nhận.

Tôi tiếp nhận Tịnh Độ là do giảng Kinh Hoa Nghiêm, phải biết cũng là giảng được bảy, tám năm rồi, có một hôm, bỗng nhiên dấy lên ý niệm: Nghĩ coi Văn Thù, Phổ Hiền tu pháp môn gì?

Thiện Tài Đồng Tử tu pháp môn gì?

Giảng Kinh chưa đến phần sau, lật phần sau ra. Giở phần sau ra mới thấy khi Kinh này sắp giảng xong, hình như là trong quyển ba mươi chín, quyển bốn mươi là chấm dứt Kinh.

Trong quyển thứ ba mươi chín, Văn Thù Bồ Tát, trong sách Chú Giải này, Cụ Hoàng cũng trích dẫn, trong phần sau sẽ nói đến, Văn Thù Bồ Tát phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ, Phổ Hiền Bồ Tát cũng phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ.

Lại xem kỹ, năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài Đồng Tử chứng tỏ, giống như người Hoa nói Tiên nhập vi chủ, điều gì tiếp xúc đầu tiên sẽ là chánh yếu, Thiện Tài Đồng Tử tham phỏng vị thiện hữu thứ nhất là Tỳ Kheo Cát Tường Vân, Ngài niệm A Di Đà Phật, tu Ban châu tam muội, chuyên tu niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Ngài giảng cho Thiện Tài hai mươi mốt pháp môn niệm Phật.

Tôi vừa mới nói với quý vị, hai mươi mốt môn này triển khai thành vô lượng vô biên pháp môn, chẳng có một pháp môn nào chẳng phải là pháp môn niệm Phật, tương ứng với Chư Phật bí tạng, hòa bàn thác xuất.

Thả thử niệm Phật pháp môn, diệc tức chúng sanh bổn cụ chi hóa nghi. Hơn nữa, pháp môn niệm Phật này cũng chính là hóa nghi sẵn có của chúng sanh.

Trong phần trước, chúng tôi đã từng nói: Hóa là giáo hóa, nghi là nghi thức.

Đây là phương thức giáo hóa, phương thức này do đâu mà có?

Chúng sanh có sẵn, cho nên nó thuộc về tánh đức. Chúng ta mê mất, Phật, Bồ Tát lấy ra dùng điều này để giáo hóa chúng sanh, nó là cái bản thân chúng ta vốn sẵn có. Nghi thức này giống như cách chúng ta học tập trong các trường học hiện thời, tiểu học, trung học, đại học, nghiên cứu sinh, chúng ta tu học cũng giống như vậy.

Thời gian mê trong lục đạo quá lâu, mê quá sâu, chẳng thể quay lại ngay được, phải làm từ từ. Trước hết là buông xuống phiền não nghiêm trọng nhất, buông xuống chấp trước nghiêm trọng nhất, chẳng hề chấp trước hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian, thưa quý vị, lục đạo sẽ chẳng còn nữa, chúng đều là giả.

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật nói: Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, do quý vị có chấp trước, nên bèn hiện tướng này, đấy là mộng cảnh. Khi tỉnh khỏi chấp trước, tỉnh rồi, lục đạo không còn nữa, quý vị sẽ tìm không ra lục đạo.

Tỉnh lại, sẽ là cảnh giới nào?

Là Tứ Thánh pháp giới, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, cảnh giới này xuất hiện. Cảnh giới này vẫn là một mộng cảnh. Vì thế, lục đạo là mộng trong mộng.

Tứ Thánh do đâu có?

Tứ Thánh do phân biệt và vọng tưởng mà có. Có vọng tưởng, có phân biệt, sẽ có Tứ Thánh pháp giới. Trong Tứ Thánh pháp giới, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát là phân biệt, sau khi đoạn sạch phân biệt bèn thành Phật.

Phật trong Tứ Thánh pháp giới chưa đoạn vọng tưởng, có khởi tâm động niệm, tức là vô minh phiền não chưa đoạn. Nếu đối với pháp thế gian và xuất thế gian chẳng khởi tâm, không động niệm, thật sự tỉnh, mười pháp giới sẽ không có.

Do vậy, thưa với quý vị: Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng, hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, là thật, chẳng giả. Đây là sau khi tỉnh lại, bèn thoát khỏi mười pháp giới, cảnh giới ấy sẽ gọi là nhất chân pháp giới.

Chân là gì?

Chân là vĩnh hằng không thay đổi. Quý vị thấy trong thế gian này, động vật có sanh, lão, bệnh, tử, thực vật có sanh, trụ, dị, diệt, khoáng vật như núi, sông, đại địa, kể cả tinh cầu, có thành, trụ, hoại, không, biến đổi trong từng sát na, vô thường.

Người trong Cõi Thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai đều chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, cho nên thế giới ấy không biến hóa.

Quý vị sanh vào thế giới ấy là hóa sanh, chẳng sanh bằng bào thai, đều là thân Kim Cang bất hoại, thân tướng sẽ không già yếu, sẽ không sanh bệnh, trên thân sạch sẽ, không cần phải tắm táp, rửa ráy, không cần thiết, hóa sanh mà.

Cây cối, hoa cỏ vĩnh viễn như trong mùa Xuân, chẳng biến đổi, không có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông biến hóa. Do vậy, gọi là nhất chân.

Tu gì trong cảnh giới ấy?

Phải đoạn trừ tập khí vô thỉ vô minh.

Đoạn tập khí bằng cách nào?

Không có cách nào hết. Không để ý tới nữa, nó sẽ đoạn, tự nhiên đoạn. Cổ Nhân dùng tỷ dụ bình rượu để nói về tập khí, phương pháp này rất hay.

Bình rượu chứa rượu, đổ sạch sành sanh rượu, chùi sạch bong, quả thật là một giọt cũng chẳng còn, nhưng vẫn ngửi thấy mùi, đó là tập khí, không có cách nào diệt trừ.

Không thể làm gì khác hơn là mở toang nắp bình, bỏ ở đó, để một năm hay nửa năm, ngửi thử sẽ không thấy mùi nữa. Do vậy, sự tu hành của người ấy trong cõi ấy được gọi là vô công dụng đạo, căn bản là không màng tới, mặc cho nó biến mất.

Nhưng ở trong ấy, pháp thân Bồ Tát thần thông quảng đại, chúng sanh trong mười phương thế giới có cảm, Ngài lập tức có ứng, sẽ làm những chuyện ấy. Có cảm bèn có ứng, cảm ứng hết sức rất nhanh. Đấy là như sách Hoàn Nguyên Quán đã nói, một niệm vừa động, bèn trọn khắp pháp giới, bất luận quý vị động niệm nào.

Vì thế, sau khi đọc bộ luận này, chính mình phải hiểu: Chúng ta khởi tâm động niệm, dấy lên thiện niệm, những người tâm địa thanh tịnh trọn khắp pháp giới hư không giới đều thu được, đều nhận được tin tức ấy. Giống như chúng ta đang ở trên màn hình Ti vi, toàn bộ hoạt động của quý vị họ thấy hết.

Quý vị có thể gạt gẫm được người nào hay chăng?

Quý vị khởi lên ác niệm, họ cũng biết hết, chẳng thể giấu diếm mảy may nào. Đừng tưởng người ta không biết, biết toàn bộ. Quý vị chỉ có thể giấu diếm chúng sanh mê hoặc, điên đảo, họ không biết. Chứ không gạt được người giác ngộ. Đây là chân tướng sự thật.

Một niệm trọn khắp pháp giới, một niệm sanh ra vô tận, đó tức là nói: Nó biến huyễn vô cùng, chứa đựng cả không lẫn có.

Trong giáo pháp đại thừa thường nói: Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới, tâm bao trùm hư không, lượng trọn khắp các cõi nhiều như cát, thật đấy. 

Một niệm là như vậy, một hạt vi trần cũng là như vậy, bất luận là hiện tượng vật chất hay tinh thần, toàn bộ đều là như vậy. Hơn nữa, vật chất và tinh thần là một, không hai. Nếu quý vị đã học ba tế tướng của A lại da thức, quý vị sẽ biết.

Trong đại thừa Phật Giáo dùng ba tế tướng của A lại da thức để giải thích duyên khởi của vũ trụ, vũ trụ do đâu mà có?

Vạn vật do đâu mà có?

Sanh mạng do đâu mà có?

Ta từ đâu đến?

Giải thích hết sức rõ ràng.

Vì sao có thể hiểu rõ như thế?

Đó là cảnh giới do chính những người đó giác ngộ, chứng đắc, chẳng phải do nghiên cứu, quan sát, suy đoán như trong khoa học, chẳng phải, mà do họ đích thân thấy. Họ trở về tự tánh, thật sự hiểu rõ toàn bộ tánh, tướng, sự, lý, nhân quả trong tự tánh.

Vì sao địa cầu ngày nay biến thành tình trạng như vậy?

Vì sao nhiệt độ địa cầu tăng lên?

Vì sao băng ở Nam Cực và Bắc Cực tan chảy?

Vì sao các nơi bị động đất nhiều như thế?

Kinh Phật giảng rõ ràng. Mà cũng có biện pháp để giải quyết vấn đề này ra sao, chỉ cần quý vị tin tưởng, địa cầu sẽ có thể lập tức khôi phục bình thường.

Không chỉ hữu dụng đối với địa cầu, ngay cả các tinh cầu, tinh hệ trong vũ trụ cũng sẽ vận hành theo đúng quỹ đạo bình thường, chẳng đến nỗi rối loạn, chúng ta đều có thể làm được, chứ các khoa học gia chẳng có cách nào.

Vì sao có thể làm được?

Vì hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng, thái dương hệ sanh từ tâm tưởng, ngân hà hệ sanh từ tâm tưởng, chỉ cần quý vị chẳng có quan niệm sai lầm, chúng bèn bình thường. Nếu quý vị muốn thay đổi chúng, chúng sẽ biến thành dị thường.

Các nhà khoa học làm chuyện dị thường, muốn nhân định thắng thiên, muốn sửa đổi hoàn cảnh thiên nhiên, vấn đề sẽ nẩy sanh.

Vì sao có những hiện tượng này?

Vì chúng từ tâm tưởng của quý vị sanh ra. Hiện thời, quý vị có tâm tưởng chẳng bình thường, chúng liền biến thành bất thường, chuyện là như vậy đó.

Vì sao trước kia bình thường như vậy?

Không ai nghĩ đến chuyện thay đổi hoàn cảnh tự nhiên, không ai có ý niệm này, cho nên địa cầu rất bình thường. Hiện tại, các khoa học gia mỗi ngày động niệm, phá hoại môi trường sống và hoàn cảnh tự nhiên, phiền phức dấy lên. Sau khi vấn đề nẩy sanh, bèn bó tay, không có cách nào, đáng thương quá. Sách Hoàn Nguyên Quán đúng là tuyệt diệu.

Thầy Hồ Tiểu Lâm xem từ đầu đến cuối ba lần, gọi điện thoại cho tôi biết, hoan hỷ khôn sánh. Khi xem, thầy quên cả ăn cơm, uống nước, đi vệ sinh, hễ xem là xem mười mấy tiếng.

Ông ta gọi điện thoại, hỏi tôi: Có phải là con đang mê hay không?

Có vấn đề gì hay không?

Tôi bảo ông ta: Ông chẳng có vấn đề gì, bình thường. Pháp hỷ sung mãn đấy mà. Quên ăn cơm, lại chẳng cảm thấy đói, Thiền duyệt làm thức ăn. Tuy ông chưa chứng đắc cảnh giới này, ông đã có chút mon men hưởng thụ.

Lần này ông ta sang đây, vốn định báo cáo chuyện này, sau khi đã tới đây, vẫn cảm thấy chưa đủ, vẫn phải thâm nhập một tầng nữa rồi mới báo cáo, tôi nói được. Bài luận văn này của Quốc Sư Hiền Thủ chẳng dài, nhưng thật là phi phàm.

Toàn bộ những lý luận và phương pháp tu hành trong Kinh Hoa Nghiêm đều được viết ra trong bài văn ngắn ngủi này. 

Chúng ta học Hoa Nghiêm mười năm, dùng hơn bốn ngàn giờ, mà phần sau của Kinh Hoa Nghiêm chưa được giảng còn rất dài, do vậy, đem bài luận văn này của Quốc Sư Hiền Thủ ghép vào học tập giữa chừng, học tập hai lượt. Sau đấy, học tiếp Kinh Hoa Nghiêm sẽ có ý vị khác hẳn, cảnh giới khác hẳn.

Nay chúng ta coi lại Kinh Vô Lượng Thọ, sẽ lại khác hẳn. Lẽ nào ông ta chẳng vui mừng. Pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm vui vẻ. Do vậy, đây là hóa nghi sẵn có trong tự tánh của chúng sanh.

Thử nhất cú Phật hiệu, chánh như Yếu Giải sở thị, ký thị chúng sanh bổn giác lý tánh, cố tri thử giới nhĩ năng niệm chi tâm tức thị Như Lai quả giác.

Một câu Phật hiệu này, đúng như sách Yếu Giải đã chỉ ra, đã là lý tánh bổn giác của chúng sanh, cho nên biết cái tâm niệm Phật nhỏ nhoi này chính là quả giác của Như Lai.

Chúng ta phải chú tâm thấu hiểu: Câu Phật hiệu ấy là sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật như trong sách Yếu Giải của Ngẫu Ích Đại Sư đã giảng, nó chính là lý tánh bổn giác của chúng sanh, lý tánh là tự tánh. Nhằm dạy học thuận tiện, Đức Phật lập ra sáu chữ để đại diện cho muôn sự muôn vật trong vũ trụ.

Tánh Tướng: Tánh có thể sanh, có thể hiện. Tướng là cái được sanh, cái được hiện. Đây là tầng cao nhất, tức duyên khởi của vũ trụ. Tầng thứ hai là lý, sự. Lý sự là A lại da thức, lý là chủ thể có thể biến, sự là cái được biến sở biến, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là cái được biến.

Trong cái có thể biến năng biến có nhân và quả. Trong sở biến cũng có nhân và quả.

Quý vị thấy: Dùng sáu chữ tánh, tướng, lý, sự, nhân, quả bao quát trọn hết toàn bộ.

Ở đây, quan trọng nhất là phải biết: Tự tánh có thể sanh, có thể hiện, nhưng chẳng biến. Cõi Thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai là cảnh giới này.

Do vậy, nó được gọi là nhất chân pháp giới. Đến tầng lý sự, năng biến biến thành A lại da thức, hiện tướng vô lượng vô biên ở trong ấy, chẳng phải là bất biến, mà là biến hóa khôn lường, biến đổi trong từng sát na.

Khi chúng ta học những điều này, cũng không có cách nào để diễn tả, nói không được. Do vậy, tôi đã nghĩ tới thuở nhỏ, chơi ống kính vạn hoa, đơn giản như vậy đó. Quý vị thấy kết cấu của ống kính vạn hoa là ba mảnh gương, ở giữa bỏ mấy mảnh giấy màu khác nhau. Quý vị xoay nó, sẽ thấy những thứ biến hóa bên trong.

Quý vị xoay cách nào cũng chẳng tìm được một mô thức pattern giống nhau. Có cùng một đạo lý như vậy, A lại da thức khởi tác dụng, biến thành y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới giống như ống kính vạn hoa, kính vạn hoa chuyển động không ngừng. Niệm này khởi lên, niệm kia diệt mất, tiền niệm diệt, hậu niệm khởi.

Vì thế, chúng ta thấy tướng được hiện là hiện tượng gì?

Là một thứ gần như là tướng liên tục, chẳng phải là hai tướng giống nhau, chẳng có. Về căn bản, chẳng giống hệt nhau mà là tương tự.

Giống như chúng ta coi phim, dùng dụng cụ sau đây: Cuộn phim, tức là phim điện ảnh. Quý vị thấy phim bỏ vào máy chiếu phim, một giây chiếu được hai mươi bốn tấm, ống kính đóng hay mở, tức là đối với tấm phim dùng để rọi, hễ ống kính mở, tấm phim ấy bèn được chiếu lên màn bạc, ống kính đóng lại, đổi sang tấm kế tiếp. Tốc độ quá nhanh, trong một giây là hai mươi bốn tấm, chúng ta thấy dường như hình ảnh cử động trên màn bạc.

Thật ra, chúng bất động, đâu có động. Từng tấm khác nhau. Do vậy, quý vị biết, sau khi lật ngửa con bài, mới biết thế giới này là tướng liên tục tương tự.

Quý vị thấy: Trong điện ảnh, hai mươi bốn tấm phim trong một giây đã gạt được mắt ta, chúng ta ngỡ là thật.

Đức Phật nói hiện thời sự tướng biến hóa trong thế gian theo tốc độ nào?

Trong một giây là một ngàn hai trăm tám mươi triệu tấm, tốc độ chuyển động như vậy, làm sao chúng ta biết nổi. Hai mươi bốn tấm đã gạt chúng ta được rồi.

Nay tôi cho quý vị biết, trong một giây có bao nhiêu tấm?

Một ngàn hai trăm tám mươi triệu. Nói với chúng ta chân tướng sự thật này.

Vì thế, có những thứ ấy tồn tại hay không?

Không có, vạn pháp đều là không.

Chúng ta thường nói nhân quả chẳng không, nhân quả chẳng không là so với gì để nói?

So với tương tục mà nói, nói đối với tướng tương tự liên tục, trong ấy có nhân quả, bảo quý vị phải dè chừng, cẩn thận.

Lên cao hơn nữa thì sao?

Lên cao hơn nữa thì nhân quả cũng không.

Tới Thường tịch quang, nhân quả chẳng có, hoàn toàn trở về tự tánh, nhân quả do đâu mà còn nữa?

Trong Thường tịch quang, ngay cả hiện tượng vật chất lẫn hiện tượng tinh thần đều không có, nhưng có kiến văn giác tri, bởi lẽ, kiến văn giác tri là tánh đức. Biến thành A lại da thức là khi nhất niệm vọng động, bèn biến thành A lại da thức, kiến văn giác tri trong A lại da biến thành thọ, tưởng, hành, thức.

Khi mê sẽ là thọ, tưởng, hành, thức. Giống như tiến sĩ Giang Bổn Thắng dùng nước làm thí nghiệm. Nước có thể thấy, nghe, đó là thọ, tưởng, hành, thức.

Cội nguồn của thọ, tưởng, hành, thức là gì?

Cội nguồn là kiến văn giác tri. Kiến văn giác tri trong tự tánh là trí huệ và đức năng sẵn có trong tự tánh. Đức Phật nói rõ ràng như thế, nói minh bạch như thế, các nhà khoa học chẳng nói đến. Chánh báo như tóc, lông của chúng ta, y báo như vi trần, đều là tướng được hiện.

Chúng ta thường nói sanh diệt trong từng sát na, thật sự quý vị không có cách nào hiểu được khái niệm này, hiểu lời Di Lặc Bồ Tát nói.

Trong một cái khảy ngón tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, từ đây chúng ta mới có khái niệm. Bất luận là đầu lông hay vi trần, đều thuộc về vật chất, trong hiện tượng vật chất có kiến văn giác tri.

Nay chúng ta đã mê, nói cách khác, có thọ, tưởng, hành, thức, trong một đầu lông đều có, hết thảy các sợi lông, hết thảy các vi trần thảy đều có.

Trong Phật Pháp nói vi trần, các nhà khoa học hiện thời dùng danh từ nguyên tử, điện tử, hạt căn bản, khoa khắc quark, đều gọi là vi trần, là hiện tượng vật chất, có tinh thần hay không?

Có! Có thọ, tưởng, hành, thức.

Trong hạt cơ bản có thọ, tưởng, hành, thức, nó biến hóa, nghe theo ai chỉ huy?

Ai đang biến hóa nó?

Ý niệm. Chúng ta khởi tâm động niệm, nó bèn thuận theo ý niệm của chúng ta mà biến hóa. Ý niệm của chúng ta là thiện, sẽ chẳng có thứ gì bất thiện. Ý niệm của chúng ta là bất thiện, sẽ chẳng có gì là thiện.

Nếu chúng ta đều là thiện niệm, cho nên Đức Phật mong chúng ta, mong các đệ tử Phật nêu gương tốt cho hết thảy chúng sanh, thực hiện từ nơi đâu?

Thực hiện từ Lục hòa kính. Vì thế, đoàn thể trong Phật Môn được gọi là Tăng đoàn.

Quý vị thấy khi chúng tôi thuyết Tam quy y: Quy y Tăng, chúng trung tôn, chúng là đoàn thể. Trong Phật Pháp, chúng là nói từ bốn người trở lên, ở cùng một chỗ chung sống, tu hành chung với nhau, một đoàn thể như vậy tu lục hòa kính.

Kiến hòa đồng giải: Cách nhìn, cách nghĩ của ta và cách nhìn của mọi người như nhau, gọi là kiến hòa đồng giải. Giới hòa đồng tu, mọi người ở cùng một chỗ tuân thủ quy củ. Chẳng tuân thủ quy củ sẽ loạn. Giới luật là quy củ. Sau đấy là thân đồng trụ, khẩu vô tránh, ý đồng duyệt, thân cùng ở, miệng chẳng tranh cãi, cùng vui vẻ chia sẻ ý kiến, đó là vui vẻ ở cùng một chỗ.

Lợi đồng quân: Đây là nói bình đẳng hưởng thụ hết thảy các thứ cúng dường, không có đặc quyền. Đấy là lục hòa kính. Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, mọi người khất thực, tôi đi khất thực, khất thực được cúng dường kha khá, cơm và thức ăn ngon lành, người kia khất thực, nhà người ta nghèo khổ, cúng thí khác hẳn.

Ngày hôm nay chúng ta được món lợi này thì làm sao?

Chẳng phải là xin xong bèn ăn ngay, không thể. Khất thực xong, quay về, trở về Tăng đoàn, đem cơm xin được trộn lẫn với nhau, rồi lại phân chia, ăn theo cách như vậy, cho nên nói nhất bát thiên gia phạn, một bát, cơm ngàn nhà. Đúng vậy, chẳng giả.

Tăng Đoàn một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, ra bên ngoài khất thực, chẳng phải là cơm ngàn nhà hay sao?

Trộn lẫn lại để ăn, quý vị thấy đó: Lợi hòa đồng quân, chia sẻ lợi lạc bình đẳng. Quý vị ra ngoài khất thực, khất thực chẳng được, không sao cả. Biết về nhà sẽ được ăn, được mọi người chia phần, lợi hòa đồng quân.

Trong đây, quan trọng nhất là kiến hòa đồng giải, chúng ta làm sao để có thể có cách nghĩ và cách nhìn chung?

Khi chúng ta mê, bất giác, chưa đại triệt đại ngộ, chúng ta phải nương theo Phật, nương tựa thầy, nương theo Kinh Giáo của thầy. Lấy những thứ ấy làm căn cứ cho tư tưởng, kiến giải, tương ứng với Kinh Giáo là chánh tri chánh kiến. Trái phạm Kinh Giáo là tà tri tà kiến. Chúng ta phải chuyển tà thành chánh.

Chánh tà có rất nhiều tiêu chuẩn, mỗi Kinh Điển khác nhau. Vì vậy, các tông, các phái đều khác nhau, nhưng là đại đồng tiểu dị, đều là chánh tri chánh kiến.

Thậm chí nay chúng ta mở rộng tầm mắt, thấy trên Thế giới này có nhiều Tôn giáo khác nhau, chỉ cần chính phủ công nhận Tôn giáo ấy là Tôn giáo chính đáng, chúng ta cũng tôn trọng và thừa nhận kiến giải của họ cũng là chánh tri chánh kiến.

Như vậy thì chúng ta mới có thể chung sống hòa thuận, mới có thể đối đãi bình đẳng, mới mang lại hòa bình, yên ổn cho thế giới. Đó là trong nhân gian và trong lục đạo. Nếu là trong hàng Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát, cảnh giới ấy được nâng cao hơn, tiêu chuẩn khác hẳn.

Đến địa vị Bồ Tát, tiêu chuẩn là tự tánh: Tương ứng với tánh đức thì là chánh tri chánh kiến. Trái nghịch tánh đức của tự tánh sẽ là tà tri tà kiến, khác hẳn nhân gian và lục đạo. Do vậy, tiêu chuẩn rốt ráo, tiêu chuẩn tuyệt đối là tự tánh. Khi quý vị minh tâm kiến tánh, quý vị sẽ chứng đắc.

Khi chưa chứng đắc, quý vị học tập những người đã chứng đắc, người chứng đắc cho chúng ta biết: Đó là tánh đức.

Đó là gì?

Thưa quý vị, Thập Thiện Nghiệp Đạo là tánh đức, Tam quy Ngũ giới là tánh đức, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Đạo Gia là tánh đức, Âm Chất Văn của Văn Xương Đế Quân cũng là tánh đức, Đệ Tử Quy của Nho Gia cũng là tánh đức, giảng ngũ luân, ngũ thường, tứ duy, bát đức là tánh đức, là chứng đắc của Chư Phật, Bồ Tát.

Chúng ta chưa chứng đắc, phải nương theo giáo huấn của các Ngài để hành, tùy thuận tánh đức, kiến lập chánh tri chánh kiến và kiến hòa đồng giải.

Tu Lục hòa kính như thế nào?

Thực hiện ba thứ căn bản của Nho, Thích, Đạo là thật sự tu Lục hòa kính, Lục hòa kính sẽ được thực hiện. Thật sự làm.

Bắt đầu làm từ đâu?

Làm từ chính mình, đừng đòi hỏi người khác, quý vị sẽ là đệ tử thật sự của Đức Phật. Chỉ đòi hỏi chính mình, đừng đòi hỏi ai khác, kiến lập hòa hợp Tăng đoàn như thế đó. Tuyệt đối chớ nên đem ni tấc của chính mình xét đoán người khác, đến mọi nơi phê bình người ta.

Làm như vậy quý vị sẽ phạm lỗi to lớn quá đỗi. Phải hiểu đạo lý này. Chính quý vị làm được thì sẽ thành tựu. Quý vị thành tựu, chắc chắn sẽ cảm hóa người khác. Một người chịu làm, có thể cảm hóa cả nhà. Một nhà đều làm, chắc chắn cảm hóa xóm giềng, cảm hóa thân thích, bằng hữu.

Vì thế, sách Đệ Tử Quy có nói: Thế phục nhân, dùng uy thế khuất phục người khác, chưa chắc người ta đã tiếp nhận, lý phục nhân, dùng lý khuất phục người khác, người ta tự nhiên bị cảm hóa. Phải làm từ chính bản thân mình mới là đúng.

Đã là lý tánh trong bổn giác của chúng sanh thì là chính mình, chính mình là chúng sanh. Hai chữ chúng sanh có nghĩa là các duyên hòa hợp sanh ra hiện tượng thì gọi là chúng sanh. Con người chúng ta, thân thể này do các duyên hòa hợp.

Cái thân vật chất là tứ đại, đất, nước, lửa, gió, tứ đại, tứ đại là gì?

Nói theo danh từ khoa học hiện thời, tứ đại là nguyên tử hay điện tử.

Các nhà khoa học cho biết: Một nguyên tử, một điện tử, hoặc một hạt cơ bản đều có bốn đặc tánh. Thứ nhất là vật chất, nhìn bằng kính hiển vi cao cấp, quý vị có thể thấy được, nó là vật thể quá nhỏ, quý vị chẳng thể đụng tới, nhưng có thể thấy nó.

Nhà Phật gọi tánh chất này là địa đại, địa tượng trưng cho vật chất. Một vật thể bé như thế có mang điện tích, chứa âm điện hay dương điện.

Dương điện được gọi là hỏa đại, âm điện là thủy đại. Nó có độ ẩm và nhiệt độ, độ ẩm là thủy đại, nhiệt độ là hỏa đại. Nó chuyển động, chứ không tĩnh lặng, chuyển động với tốc độ rất nhanh, sự chuyển động ấy gọi là phong, dùng phong để tượng trưng, nên gọi là phong đại. Địa, thủy, hỏa, phong là nói về vật chất cơ bản hay hạt căn bản.

Di Lặc Bồ Tát dạy chúng ta: Niệm niệm thành hình, thì hình là tứ đại, chúng có bốn hiện tượng này. Hình giai hữu thức, hình đều có thức, câu này quan trọng.

Thức là gì?

Thức là thọ, tưởng, hành, thức. Chỉ cần là vật chất, chắc chắn có thọ, tưởng, hành, thức. Nước là vật chất, tiến sĩ Giang Bổn Thắng đã làm thí nghiệm với nước, chứng minh vật chất có thọ, tưởng, hành, thức.

Tôi bốn lần sang Nhật Bản tham dự hội nghị quốc tế, có hai lần đi phỏng vấn, tôi sang Nhật Bản sáu lần. Trong sáu lần này, tôi đã hai lần tới thăm phòng thí nghiệm của tiến sĩ Giang Bổn Thắng, tôi tới thăm, ông ta đã giảng giải cặn kẽ. Ông ta làm thí nghiệm mấy chục vạn lần, chứng minh nước thật sự có kiến văn giác tri.

Tôi bảo ông ta: Vẫn chẳng phải chỉ có hiện tượng này, nay quý vị đã thấy nó có thọ, tưởng, hành, thức. Đối với những thí nghiệm này, nước bộc lộ sắc tướng cho quý vị thấy, nhưng trong Kinh Phật nói sắc, thanh, hương, vị, có bốn loại hiện tượng, quý vị chỉ mới thấy sắc, vẫn chưa phát hiện thanh, hương, vị.

Tôi nói: Quý vị phải tiếp tục nỗ lực, tôi mong quý vị dùng phương pháp khoa học, nước có âm thanh, có hương, vị, quý vị có thể làm thí nghiệm để xem xét, công đức vô lượng.

Đấy là như Kinh Phật đã nói: Bất luận vật chất gì cũng đều có thọ, tưởng, hành, thức, đều có sắc, thanh, hương, vị. Hãy dùng một phương pháp trắc nghiệm khác, chẳng dùng nước nữa.

Quý vị thấy hôm qua, mấy người bọn họ báo cáo ở nơi đây: Họ dùng cơm, lấy ba chén cơm. Một nồi cơm nấu xong, xới ra ba chén, để hai mươi ngày. Một chén thì mỗi ngày tán thán, ca ngợi nó. Chén khác, chán ghét, oán hận nó. Còn một chén nữa, về căn bản là mặc kệ, không màng tới.

Hai mươi ngày sau, chén được tán thán mỗi ngày, cơm biến thành màu vàng, có mùi thơm, chén bị oán hận trở nên hết sức khó ngửi, biến thành đen thui. Chén không được để ý cũng bị hư, nó thật sự hiểu được ý nghĩ của con người.

Đó là gì?

Đó là thị hiện có sắc, hương, vị, còn âm thanh chưa có cách để làm thí nghiệm. Đối với lời Đức Phật dạy, hoàn toàn làm thí nghiệm sẽ thấy hết thảy vật chất đều có sắc, thanh, hương, vị, đều có bốn hiện tượng này xuất hiện. Phật Pháp kỳ diệu khiến cho các nhà khoa học phải gắng công chứng thực.

Vì thế, ý niệm của chúng ta có mối quan hệ với tướng mạo. Muốn đẹp đẽ, ngàn muôn phần đừng tới thẩm mỹ viện. Theo như họ đã tường trình trong ngày hôm qua, thẩm mỹ viện khổ lắm. Tốn cả đống tiền để đày đọa bản thân, chịu bao nhiêu đày đọa, gần như mất mạng, lầm lạc quá. Chỉ cần quý vị có tâm tốt, tướng mạo sẽ đẹp đẽ, tướng chuyển theo tâm.

Vì sao quý vị không tin chuyện này?

Tâm tốt, tướng sẽ tốt đẹp. Tâm tánh tốt, thân sẽ khỏe khoắn, thân lẫn tâm khỏe mạnh. Đừng bị kẻ khác lừa gạt. Phật, Bồ Tát chẳng lừa ai, luôn nói lời chân thật, mà quý vị chẳng nghe.

Quý vị nghe lời chuyên viên thẩm mỹ, chẳng phải là tự chuốc khổ đó sao?

Chúng ta muốn thân lẫn tâm khỏe mạnh, phải tin vào chính mình, tâm niệm Phải lành, tư tưởng phải lành.

Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Đức Phật bảo Long Vương: Bồ Tát hữu nhất pháp, năng ly nhất thiết thế gian khổ.

Bồ Tát có một pháp có thể lìa hết thảy nỗi khổ trong thế gian, pháp gì vậy?

Là thiện pháp, tức là Thập thiện nghiệp đạo. Tư tưởng của quý vị tương ứng với thập thiện nghiệp, kiến giải của quý vị tương ứng với thập thiện nghiệp, ngôn ngữ, hành vi của quý vị tương ứng với thập thiện nghiệp, chẳng có điều gì bất thiện, thân và tâm khỏe mạnh, hạnh phúc mỹ mãn sẽ thật sự đạt được. Do vậy, đừng nên cầu bên ngoài.

Tiếp theo đó, sách viết: Cố tri thử giới nhĩ năng niệm chi tâm tức thị Như Lai quả giác. Cho nên biết cái tâm năng niệm nhỏ nhoi chính là quả giác của Như Lai. Như Lai quả giác là tự tánh, quả giác nơi tự tánh. Chữ giới nhĩ thường thấy trong Kinh Phật, nhằm hình dung một niệm vô cùng vi tế.

Nói thật ra, vi tế đến cùng cực là như Di Lặc Bồ Tát đã nói: Trong một cái khảy ngón tay, có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, đó là giới nhĩ, tức một niệm tâm, chúng ta không có cách nào phát hiện điều này. Nay chúng ta chỉ nhận biết một cái khảy ngón tay là một phần tư giây.

Chúng ta có thể cảm nhận được, đó là nhất niệm của bọn phàm phu chúng ta. Còn một niệm tâm ở đây thuộc về quả giác của Như Lai, là tánh đức, là tự tánh giác.

Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng ta học tới chỗ này. Cảm ơn mọi người.

A Di Đà Phật!

***