Haèng thuaän chuùng sanh
Tuyø hyû coâng ñöùc

tinhdo.edu.vn

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA - TẬP CHÍN - A

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không

TẬP CHÍN - A
 

Chư vị Pháp Sư, chư vị đồng học, xin ngồi xuống!

Xin hãy xem bản Kinh, trang thứ bảy, dòng thứ sáu từ dưới đếm lên: Hựu khế cơ giả, diệc ngụ phù hợp thời cơ chi nghĩa.

Lại nữa, khế cơ còn ngụ ý phù hợp thời đại và căn cơ.

Cụ Niệm Tổ sau khi giới thiệu sự khế cơ thù thắng độc đáo, mà cũng là chỗ đặc biệt thù thắng của bản Kinh này xong, lại cho chúng ta biết: Bản Kinh này không chỉ là thích hợp khắp ba căn, gồm thâu trọn vẹn lợi căn lẫn độn căn, mà nó còn thích hợp với thời đại.

Chữ thời đại này bao gồm những ý nghĩa: Các thời đại khác nhau, các nơi khác nhau, các bối cảnh văn hóa khác nhau, thảy đều thích hợp. Một bộ Kinh hội tụ các ưu điểm như vậy, đích xác là chẳng dễ gì kiếm được, nhưng Kinh này chính là một bộ Kinh như vậy.

Tiếp đó, cụ viết: Như Lai thùy Từ Đức Như Lai rủ lòng từ, ở đây là nói Thích Ca Mâu Ni Phật, mà cũng là nói A Di Đà Phật vô cùng từ bi. Độc lưu thử Kinh ư chư Kinh diệt tận chi tối hậu bách niên riêng lưu lại Kinh này một trăm năm cuối cùng khi các Kinh khác đều bị diệt mất.

Trong Pháp Diệt Tận Kinh, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói về tình hình Phật Pháp suy diệt trong tương lai: Hết thảy các Kinh đều bị diệt mất, đều chẳng tồn tại, tới cuối cùng, Kinh Vô Lượng Thọ còn được lưu truyền một trăm năm, đó là một trăm năm cuối cùng trong pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật.

Bản nào của Kinh Vô Lượng Thọ sẽ được lưu lại?

Cũng theo các bậc đại đức thuở ấy, họ không sống cùng thời chúng ta, mà thuộc thời đại của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, còn sớm hơn tôi một thế hệ, cùng vai vế với thầy tôi, cùng khẳng định bản hội tập này của Hạ lão cư sĩ sẽ được lưu lại trong một trăm năm cuối khi pháp diệt tận.

Vì sao?

Trong phần trước, tôi đã giới thiệu cùng quý vị, bản này thật sự là bản Kinh tiêu chuẩn bậc nhất trong Tịnh Tông, là bản tổng hợp hoàn chỉnh của năm bản dịch gốc, quả thật là bản tốt nhất của bộ Kinh bậc nhất trong Tịnh Tông.

Chúng ta nghe xong cũng chẳng hoài nghi tí nào. Kinh này thật sự là như thế. Hạ lão cư sĩ xuất hiện trong thời đại này, chúng ta tin Cụ là bậc tái lai để làm chuyện này. lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ xuất thế cũng nhằm chú giải bản này. Họ tới thế gian này với nhiệm vụ đặc thù và đều đã hoàn thành.

Do điều này, có thể biết: Thời mạt pháp hãy còn chín ngàn năm nữa.

Vì thế, chúng ta nói: Đối với các nơi khác nhau, thời gian khác nhau, văn hóa khác nhau, Kinh này đều có thể thích ứng.

Chánh biểu thử Kinh năng khế ư đương tiền cập vị lai chi xã hội dã.

Điều này cho thấy Kinh này có thể khế hợp xã hội trong hiện tại và tương lai: Bất luận nơi nào cần đến, bản Kinh này đều đáp ứng. Đương tiền khoa học phát đạt, nhân loại ưng cụ chi tri thức di quảng. 

Nay nhằm lúc khoa học phát triển, kiến thức cần phải có của nhân loại càng rộng, kiến thức mà chúng ta cần phải có ngày càng nhiều, đó có phải là chuyện tốt đẹp hay không?

Nói thật ra, đây chẳng phải là chuyện tốt, người thật sự tu đạo không cần phải học những thứ ấy.

Tổ Tiên, Cổ Thánh Tiên Hiền đã sớm dạy chúng ta điều này như Đạo Gia đã nóiVị đạo nhật tổn, vị học nhất ích vì đạo ngày càng hao tổn, vì học vấn mà ngày càng tăng thêm, vị học là như ở đây Cụ Hoàng đã nói: Hiện tại khoa học kỹ thuật phát triển, đó là vị học. Mỗi ngày quý vị phải tăng trưởng những thứ ấy kiến thức khoa học, đó là về phương diện tri thức. Nhưng vị đạo vì đạo thì mỗi ngày phải buông xuống, tất thảy đều phải buông xuống thì đạo mới thành tựu.

Đạo là gì?

Đạo là thứ mà bản thân quý vị sẵn có. Hiện thời, đạo của quý vị chẳng thể hiện tiền do quý vị có chướng ngại, có phiền não, nhà Phật gọi nó là nghiệp chướng.

Chướng ngại nhiều vô lượng, vô biên, vô tận, vô số, nhưng quy nạp lại, sẽ không ngoài hai loại lớn: Phiền não chướng và sở tri chướng. Hai loại lớn này chướng ngại quý vị kiến tánh, chướng ngại cái tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của quý vị. Thanh tịnh bình đẳng giác là đạo, là tựa đề của bộ Kinh này, chúng ta tu đạo là tu thứ này. Nếu tâm địa mỗi năm một thanh tịnh hơn, tức là đạo nghiệp của quý vị tăng trưởng.

Bất luận tu học pháp môn hay tông phái nào trong mười tông phái của đại thừa Phật Pháp Trung Quốc, trong chữ pháp môn, pháp là phương pháp, môn là môn đạo đường nẻo, môn kính cửa nẻo, đường lối, do vậy, pháp môn là cửa ngõ để trở về tự tánh, trong Kinh nói tám vạn bốn ngàn pháp môn.

Tám vạn bốn ngàn pháp môn nhằm đối trị tám vạn bốn ngàn phiền não. Bồ Tát vô cùng tuyệt vời, có thể triển khai Thập Thiện Nghiệp Đạo thành tám vạn bốn ngàn tế hạnh hạnh vi tế, công đức viên mãn, thành Phật.

Đạt đến thanh tịnh, bình đẳng, giác là cảnh giới như thế nào?

Nửa phần trước của tựa đề Kinh này nói về quả, nửa phần sau là nói tới nhân, tu nhân chứng quả. Quả bậc nhất là đại thừa, đại thừa là trí huệ, tức trí huệ bát nhã vốn sẵn có trong tự tánh hiện tiền.

Trí huệ không do học mà có, tri thức thì học được. Trí huệ chẳng do học được, mà sanh từ cái tâm thanh tịnh Vô Lượng Thọ là đức, trang nghiêm là tướng hảo.

Quý vị thấy đấy chẳng phải là như Kinh Hoa Nghiêm đã nói hay sao?

Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai. Tựa đề Kinh này chính là trí huệ và đức tướng của Như Lai. Đại thừa là trí huệ, Vô Lượng Thọ là đức, Trang Nghiêm là tướng, quý vị đạt được những điều này.

Vào lúc nào?

Trong Cõi Thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai, quý vị tu thành tựu cái tâm thanh tịnh bình đẳng, trở về Cõi Thật báo trang nghiêm. Tựa đề Kinh này hay lắm, nhưng chẳng phải do người hội tập tự lập một đề mục như cư sĩ Vương Long Thư đặt tên cho bản hội tập của mình là Đại A Di Đà Kinh, bản của Ngụy Mặc Thâm có tựa đề là Vô Lượng Thọ Kinh, họ đều tự mình lập ra đề mục.

Chỉ riêng đề mục bản Hội Tập của Cụ Hạ Liên Cư là Hội Tập, thật sự chẳng thêm vào một chữ nào. Đấy mới gọi là bản Hội Tập tiêu chuẩn, ngay cả đề mục cũng là Hội Tập.

Phân nửa trước của đề mục là tựa đề Kinh của bản dịch đời Tống, nửa dưới tức là thanh tịnh, bình đẳng, giác lấy từ bản dịch đời Hán, tên gọi của Kinh do được hội tập từ tên gọi của các bản dịch gốc mà thành, nên ý nghĩa càng rõ ràng.

Tiếp đó, sách viết: Xã hội tiến bộ, mỗi nhân sở kiên chi trách nhiệm bội tăng, cố hàm ưng quảng học đa năng, cúc cung tận tụy, tham gia kiến thiết, tạo phước nhân dân, thực hiện nhân gian Tịnh Độ.

Xã hội tiến bộ, trách nhiệm của mỗi cá nhân tăng lên gấp bội. Vì thế, ai nấy đều nên học rộng, biết nhiều, một lòng tận tụy, tham gia xây dựng xã hội nhằm tạo phước cho nhân dân, thực hiện Cõi Tịnh Độ trong nhân gian.

Chúng ta đọc câu này, phải biết Như Lai, Bồ Tát không đâu chẳng ứng hóa, biến hiện, đúng như Phẩm Phổ Môn đã nói nên hiện thân gì để độ được, bèn hiện thân ấy, nên dùng phương thức nào để có thể giúp đỡ, thành tựu chúng sanh, bèn dùng phương pháp ấy, chẳng có một phương pháp nhất định.

Do vậy, đối với chuyện Đức Phật giảng Kinh thuyết pháp, chớ nên chấp trước, hễ chấp trước là trật. Nếu quý vị chấp trước, Đức Phật nói Ngài không thuyết pháp, chẳng thừa nhận Ngài thuyết pháp. Trong Kinh Kim Cang có ý nghĩa ấy.

Đức Phật bảo: Nếu quý vị nói Đức Phật thuyết pháp, quý vị đã báng Phật. Quý vị hủy báng Ngài, Đức Phật chẳng thuyết pháp, một chữ cũng không nói.

Chẳng thuyết pháp mà nói suốt bốn mươi chín năm, chúng ta phải hiểu như thế nào đây?

Thanh Lương Đại Sư đã giảng rất hay, lời Phật nói là thật, chẳng giả.

Trong khi giảng tựa đề bộ Kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm, Thanh Lương Đại Sư đã nói một câu như thế này: Hết thảy các pháp do Đức Thế Tôn đã nói trong bốn mươi chín năm toàn là do Cổ Phật đã nói. Đối với Kinh Giáo do Cổ Phật đã nói, Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng thêm vào một chữ nào.

Đức Phật nói còn nghiêm cẩn hơn câu nói của Khổng Lão Phu Tử: Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ thuật lại, chứ không trước tác, tin tưởng, chuộng cổ. Phu Tử chỉ nói thuật lại, chứ không trước tác, còn Đức Phật nói chẳng thêm một chữ nào vào Kinh Điển do Cổ Phật đã nói, tuyệt vời lắm.

Vì sao người ta có thể thành Phật, thành Bồ Tát?

Mấu chốt ở ngay chỗ này.

Con người hiện thời tâm ý bộp chộp, hời hợt, do nguyên nhân nào?

Nguyên nhân là nếu học thì phải sáng tạo, phải phát minh, chính mình phải có thứ gì đó, chẳng phục cổ nhân. Cổ nhân quả thật khác với chúng ta. Cổ nhân bội phục, ngưỡng mộ, học theo cổ nhân, chưa từng có ý nghĩ sáng chế cái mới, đi ngược với lối tư duy khoa học hiện thời.

Cách nghĩ này của cổ nhân là đúng, hay cách nghĩ của người hiện thời là đúng?

Nếu chúng ta học thấu triệt bộ Hoàn Nguyên Quán, sẽ biết thái độ của cổ nhân là đúng, còn quan niệm của khoa học hiện thời là sai lầm.

Vì sao?

Cổ Nhân chứng đắc viên mãn, chứng đắc giống như một khối cầu. Trên khối cầu, quý vị chẳng thể thêm vào một điểm. Thêm vào một điểm nó sẽ chẳng tròn đều nữa, mà cũng chẳng thể thiếu một điểm, thiếu một điểm cũng chẳng tròn.

Viên mãn, bất tăng, bất giảm. Cổ Phật chứng điều này, mà kim Phật cũng chứng đúng điều này. Do vậy, Kim Phật như Cổ Phật chi tái lai.

Phật hiện tại giống như Cổ Phật trở lại, chúng ta hiểu rõ: Hết thảy các pháp do Đức Phật hiện thời nói ra giống hệt như Cổ Phật đã nói, bất tăng, bất giảm. Người hiện thời có thể hiểu ý nghĩa và chân tướng sự thật này không nhiều. Vì thế, tôi cũng thường nói thái độ tu học của các bậc Đại Thánh thế gian và xuất thế gian là tấm gương tốt nhất cho hàng hậu học chúng ta.

Sở dĩ, chúng tôi đặc biệt chọn bản chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ để học tập lần này, quý vị hãy đọc kỹ bản Chú Giải của Cụ Hoàng, có đúng là thuật nhi bất tác hay chăng?

Mỗi khi cụ giải thích một đoạn Kinh Văn hay một câu Kinh Văn, đều dẫn Kinh Điển làm chứng. Nếu không, lại dẫn lời giải thích của các vị cổ đại đức. Cổ đại đức cũng căn cứ trên Kinh Điển, chính mình chẳng phát minh hay sáng tạo nghĩa lý nào, chúng ta phải hiểu điều này.

Chúng ta phiền não tập khí nặng nề như thế, phân biệt, chấp trước nặng như thế, phải biết mình là hạng phàm phu chính cống, làm thế nào để có thể chuyển phàm thành Thánh?

Hãy học tập Thánh Nhân, thật thà, ngoan ngoãn học, thật sự nghe lời.

Đối với những giáo huấn trong Kinh Giáo, chúng ta có làm được hay không?

Có thể giảng Kinh hay chăng?

Chẳng có điều kiện này thì trí huệ và đức năng đều chẳng phù hợp. Xưa kia, tôi đến Đài Trung thân cận thầy Lý, theo Ngài học Phật, nhằm đúng lúc cụ mở khóa Kinh học để bồi dưỡng môn đệ học cách giảng Kinh.

Cụ muốn tôi tham gia, tôi tự xét mình: Thiếu trí huệ, thiếu năng lực.

Tôi chẳng dám, tôi nói: Con nghe Kinh, nghe Lão nhân gia giảng Kinh để học tập, con nghĩ con chẳng có năng lực giảng Kinh. Thầy cho tôi đến xem lớp học ấy, đến xem thì đương nhiên là được rồi.

Hãy đến xem thử một lần, thầy dùng phương pháp thiện xảo phương tiện ấy để dẫn tôi nhập môn. Tôi thưa với thầy là chúng tôi chẳng thể giảng, kết quả là nhận thấy phương pháp dạy giảng Kinh của thầy vốn là giảng chú giải của cổ nhân.

Đọc chú giải của cổ nhân không hiểu thì giảng chú giải của người hiện thời, xem chú giải bằng văn bạch thoại, cách giảng như vậy đó.

Tôi hỏi thầy: Vì sao học theo cách ấy?

Thầy trả lời: Không còn cách nào, bất đắc dĩ phải chọn lấy cái kém hơn.

Hiện thời không có ai giảng Kinh, chúng ta chẳng phát tâm thì làm thế nào đây?

Ai sẽ ra tay?

Không có ai cả. Kinh giảng sai, sai một chữ là không được rồi. Cổ đại đức đã nói về chuyện giảng sai một chữ.

Đây vốn là một công án trong Thiền Tông: Thác hạ nhất cá tự chuyển ngữ, đọa ngũ bách thế dã hồ thân. Hạ lầm một chữ chuyển ngữ, đọa làm thân chồn hoang năm trăm đời. Quý vị phải gánh trách nhiệm. Quý vị giảng bậy một chữ, sẽ đọa làm thân súc sanh năm trăm đời, đáng sợ quá.

Thầy bảo tôi: Chúng ta chẳng có tư cách giảng thì hãy giảng chú giải, giảng chú giải của cổ nhân. Chú giải của cổ nhân viết bằng văn chương văn ngôn, nay chúng ta dịch sang văn bạch thoại, dùng biện pháp này.

Hễ sai thì là lỗi của tác giả, chứ ta không sai. Nếu Văn chương viết bằng Văn Ngôn đọc không hiểu, chúng ta hãy xem văn bạch thoại hiện thời, chiếu theo đó để giảng.

Bỏ sót cũng chẳng sao, chớ nên tự thêm những thứ gì của mình vào, hãy để cổ nhân chịu trách nhiệm. Chúng tôi bắt đầu học giảng Kinh từ chỗ này.

Đến khi nào quý vị có thể tự mình giảng?

Khai ngộ. Chưa khai ngộ thì hãy giảng lời chú giải của người khác. Phật khai ngộ, trong các vị Tổ Sư đại đức, có rất nhiều vị khai ngộ. Tuy khai ngộ, họ vẫn chẳng rời khỏi Phật, Bồ Tát, hoàn toàn dựa theo di giáo của Phật, Bồ Tát, chẳng có một tí ý nghĩa mới mẻ nào. Tín nhi hiếu cổ, thuật nhi bất tác là thái độ chúng ta nên học theo, hãy nên sốt sắng học tập.

Học tập có thể thành tựu hay không?

Tùy thuộc vào tâm thái học tập của quý vị.

Tâm thái như thế nào mới có thể học thành công?

Ấn Quang Đại Sư nói rất hay: Thành kính.

Ngài dạy: Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích.

Thành là gì?

Tôi rất thành kính, tôi mười hai phần thành kính. Đó là tiêu chuẩn của chính kẻ ấy, chẳng phải là tiêu chuẩn của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền.

Theo tiêu chuẩn của Phật, Bồ Tát và Thánh Hiền, thành là gì?

Trong Độc Thư Bút Ký, bút ký đọc sách, tiên sinh Tăng Quốc Phiên đã định nghĩa chữ thành, ông ta giải thích như thế nào?

Nhất niệm bất sanh thị vị thành. Một niệm chẳng sanh được gọi là thành.

Người ta có học vấn, có đức hạnh, giảng tuyệt lắm, niệm trong câu nói của Tăng Quốc Phiên là gì?

Vọng niệm đấy. Hễ quý vị còn có vọng niệm sẽ chẳng thành. Nói theo Phật Pháp, quý vị vẫn khởi tâm động niệm.

Khởi tâm động niệm là vô minh phiền não, thành ở chỗ nào?

Phân biệt, chấp trước chính là gió to, sóng cả, phiền não nghiêm trọng.

Do vậy, Đức Phật dạy chúng ta: Quý vị có thể chẳng chấp trước hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, mà quý vị chắc chắn chẳng chấp trước, thì xin chúc mừng quý vị, quý vị đã chứng quả A La Hán, đã vượt thoát lục đạo luân hồi. Nếu lại tiến thêm một bước nữa, lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, phân biệt cũng buông xuống, chẳng còn phân biệt nữa.

Thưa quý vị, buông chấp trước xuống, đạt được tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh sanh ra trí huệ. Buông phân biệt xuống, đạt được tâm bình đẳng. Tâm thanh tịnh là tâm Bồ Tát, tâm bình đẳng là tâm Phật. Cuối cùng là khởi tâm động niệm, tức là vọng niệm cũng buông xuống, chẳng sanh ý niệm, chúc mừng quý vị, quý vị đã thành Phật.

Vì Đạo ngày càng tổn giảm, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều phải buông xuống. Mỗi năm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước một nhẹ hơn thì đạo nghiệp của quý vị đang tiến bộ.

Nếu mỗi năm một nghiêm trọng hơn, quý vị đã hoàn toàn tương phản, quý vị đang học đạo, nhưng đạo ấy chẳng phải là Phật đạo, mà là đạo gì?

Phải biết đấy là lục đạo, quý vị đang tu luân hồi trong lục đạo. Tu luân hồi trong lục đạo có thiện, có ác. Nếu là thiện, sẽ là ba thiện đạo. Nếu bất thiện thì quý vị đang tu ba ác đạo, đều là tu đạo, đều gọi là đạo, chớ nên không biết điều này.

Chúng ta phải thấu hiểu cẩn thận vì sao Bồ Tát ứng hóa trên thế gian, hãy khéo học tập, nâng cao cảnh giới của chính mình. Thật đấy.

Đức Phật đã nói hai câu mà ai cũng đọc được, nhưng quý vị chưa làm được: Cần tu giới, định, huệ, tức diệt tham, sân, si siêng tu giới, định, huệ, dứt diệt tham, sân, si, đó là công phu thật sự.

Nay chúng ta phải nghiêm túc tự hỏi chính mình: Tịnh nghiệp tam phước không chỉ là nguyên tắc chỉ đạo tối cao trong Tịnh Tông, mà còn là nguyên tắc chỉ đạo của toàn thể Phật Pháp.

Điều thứ nhất là: Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự Sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp.

Chúng ta có làm được hay không?

Đó là gì?

Là điều kiện cơ bản để học Phật. Nếu chúng ta không trọn đủ, sẽ chẳng có tư cách tiến nhập Phật Môn.

Tiến nhập Phật Môn đòi hỏi điều kiện, hạng người nào vậy?

Thiện nam tử, thiện nữ nhân. Thiện là bốn câu trên đây, bốn câu này là ba món căn bản của Nho, Thích, Đạo. Hiếu thân tôn sư, hiếu thuận cha mẹ, tôn trọng thầy ở trong Đệ Tử Quy, từ tâm chẳng giết trong Cảm Ứng Thiên.

Do vậy, quý vị có thể thật sự thực hiện Đệ Tử quy, Cảm Ứng Thiên, và Thập Thiện Nghiệp, thật sự làm được, sẽ hội đủ tiêu chuẩn thiện nam tử, thiện nữ nhân. Có điều kiện này mới có thể tiến nhập Phật Môn, thọ Tam quy, Ngũ giới.

Phước thứ hai chính là đệ tử Phật Môn chân chánh: Thọ trì Tam quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi, chẳng đủ điều kiện trên đây sẽ chẳng có tư cách thọ lãnh giới pháp.

Nhưng nay thì sao?

Nay chúng ta không đủ điều kiện mà vẫn thọ.

Chương Gia Đại Sư bảo tôi: Thọ giới để làm gì?

Thọ để học. Ngàn vạn phần chớ nên nghĩ mình đã thọ giới, đã đắc giới, không thể nói như vậy.

Nói như vậy chính là gì?

Đại vọng ngữ. Đại vọng ngữ vì quý vị chưa đạt được mà tưởng đã đạt được. Người nói câu này sớm nhất chính là Ngẫu Ích Đại Sư. Ngẫu Ích Đại Sư sống vào cuối đời Minh, Minh mạt Thanh sơ cuối đời Minh, đầu đời Thanh, tuy là Tổ Sư Tịnh Độ Tông, tức Tổ Sư đời thứ chín, nhưng Ngài có công phu rất sâu nơi giới luật.

Giống như Hoằng Nhất Đại Sư trong thời cận đại, mọi người đều biết Hoằng Nhất Đại Sư nghiên cứu giới luật. Vào thời ấy, Ngẫu Ích Đại Sư nghiên cứu giới luật, Ngài cũng trước tác về giới luật rất nhiều.

Ngài bảo: Tại Trung Quốc, từ Triều Đại Nam Tống trở đi không có Tỳ Kheo. Tỳ Kheo là Tỳ Kheo trên danh tự, hữu danh vô thực. Không giữ được giới Tỳ Kheo, nên chẳng có Tỳ Kheo.

Muốn truyền giới xuất gia, tức là truyền xuất gia Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni giới, tối thiểu phải có năm vị Tỳ Kheo mới có thể truyền. Do chẳng có năm Tỳ Kheo truyền giới, nên người thọ giới chẳng thể đắc giới. Ngài nói từ Triều Đại Nam Tống về sau chẳng có Tỳ Kheo, danh tự Tỳ Kheo chẳng phải là thật sự có.

Do vậy, khuyên mọi người: Quý vị có thể đến thọ giới, nhưng biết đó là hình thức, thọ rồi phải học. Thật sự học một điều sẽ đắc một điều vì quý vị làm được.

Người thọ ngũ giới rất nhiều, rất phổ biến, người thọ tại gia Bồ Tát giới cũng không ít, nhưng ngũ giới có giữ được hay chăng?

Đừng nói chi khác.

Chẳng nói dối có làm được hay chăng?

Thường nói những câu nhảm nhí, dù hữu ý hay vô ý, tức là chẳng giữ giới bất vọng ngữ.

Không sát sanh, không trộm cắp, chẳng tà dâm, quý vị hãy suy nghĩ đã làm được điều nào hay chưa?

Vẫn cứ nói tôi thọ mãn phần ngũ giới, thọ đủ năm giới, mãn phần Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. ngũ giới làm không được, Bồ Tát Giới càng khỏi cần phải nói nữa. Do vậy, hữu danh vô thực, chúng ta phải biết điều này.

Kiếm đủ mọi cách lừa gạt Chư Phật, Bồ Tát, mà vẫn ra rả: Tôi chuyện gì xấu cũng đều chẳng làm. Quý vị thọ giới mà làm không được, tội ấy rất nặng.

Cách kết tội ra sao?

Đã phạm tội gì?

Phá hoại hình Tượng Phật Giáo, quý vị có thừa nhận hay chăng?

Người ta nhìn vào Phật Giáo, quý vị thấy Phật Giáo đồ giống như vậy, người ta đâu có chửi quý vị, mà chửi toàn bộ Phật Giáo, ngay cả Chư Phật, Bồ Tát đều bị chửi lây, phải hiểu điều này.

Tín đồ tại gia không giữ được thập thiện. Thập thiện, Tam quy, Ngũ giới đều làm không được. Các đệ tử xuất gia không giữ được Sa Di Luật Nghi. Không chỉ Sa Di Luật Nghi, mà Tam quy, ngũ giới, thập thiện cũng làm không được.

Quý vị nói xem: Phật Giáo lẽ nào chẳng suy?

Phật Giáo suy ở chỗ nào?

Chẳng có giới luật. Quý vị thấy Phật Pháp là tín, giải, hành, chứng. Quý vị có tín, có giải, nhưng chẳng có hành, khoan bàn tới chứng.

Không có hành, làm sao có chứng?

Chỉ có tín giải, tín giải biến thành học thuật, biến thành Phật Học. Có hành và có chứng mới biến thành học Phật. Học Phật và Phật Học khác nhau. Phật Học là có thể nói, nhưng chẳng thể hành. Học Phật là có thể nói và có thể hành.

Vì thế, trong thời đại hiện tại, tìm một thiện tri thức phải đến nơi đâu để tìm?

Tìm không ra. Vì thế, thầy mới dạy tôi, thuở thầy Lý tại thế, Lão nhân gia hết sức khiêm hư, tôi Bái Sư, hành lễ Bái Sư để xin học với Ngài.

Lão nhân gia bảo tôi: Tôi chỉ có thể dạy anh năm năm.

Sau năm năm sẽ làm như thế nào?

Cụ giới thiệu một vị thầy, thầy của Ngài là Ấn Quang Đại Sư. Ấn Quang Đại Sư đã khuất, Văn Sao vẫn còn. Hằng ngày, quý vị đọc Văn Sao là thân cận Ấn Quang Đại Sư.

Ghi nhớ giáo huấn của Ấn Quang Đại Sư, sốt sắng nỗ lực thực hiện thì quý vị sẽ là học trò của Pháp Sư Ấn Quang. Mở ra một cửa, vì hiện thời tìm không được một vị thiện tri thức chân chánh, nhưng cổ nhân thì có, hãy làm tư thục đệ tử của cổ nhân.

Thầy giới thiệu tôi làm tư thục đệ tử của Ấn Quang Đại Sư. Tôi giảng Kinh, dạy học tại các nơi ở hải ngoại nhiều năm như thế, chẳng dám tự nhận mình là thầy, chưa đủ tư cách, tôi cũng học theo phương pháp của thầy, giới thiệu một vị thầy cho mọi người.

Tôi giới thiệu ai vậy?

Thích Ca Mâu Ni Phật và A Di Đà Phật là hai vị thầy tốt đẹp, theo các Ngài chắc chắn tốt đẹp lắm.

Thầy ở nơi đâu?

Trong Vô Lượng Thọ Kinh và A Di Đà Kinh. Thâm nhập một môn, trường thời huân tu. Xem Kinh không hiểu thì hãy tìm trợ giáo tutor, tìm người giúp đỡ.

Trợ giáo là ai?

Người chú giải Kinh là trợ giáo. Xem Kinh Hoa Nghiêm không hiểu, hãy tìm Thanh Lương Đại Sư, tìm Lý trưởng giả, chú giải của các Ngài giúp chúng ta học tập.

Xem Di Đà không hiểu, tìm Liên Trì Đại Sư, Ngài có bộ Sớ Sao, Ngẫu Ích Đại Sư có bộ Yếu Giải, U Khê Đại Sư có Viên Trung Sao. Trước khi bản hội tập này ra đời, thông thường người học Kinh Vô Lượng Thọ đều học theo bản dịch của Khang Tăng Khải.

So trong năm bản dịch gốc, bản của Ngài Khang Tăng Khải hay nhất, lưu thông cũng rất rộng. Đời Tùy, Huệ Viễn Đại Sư có chú giải. Sư có pháp danh hoàn toàn giống với Sơ Tổ Tịnh Độ Tông. Lô Sơn Huệ Viễn Đại Sư là Tổ Sư đời thứ nhất của Tịnh Độ Tông Trung Quốc. Do Huệ Viễn Đại Sư đời Tùy trùng tên, trong Phật Môn gọi Ngài là Tiểu Huệ Viễn.

Nghe nói Tiểu Huệ Viễn liền biết ngay là Huệ Viễn Đại Sư đời Tùy, hãy đọc bản Chú Giải của Ngài. Khi chúng tôi học Kinh Vô Lượng Thọ tại Đài Trung, nhằm lúc bản này vẫn chưa truyền đến Đài Trung, thầy Lý giảng Vô Lượng Thọ Kinh bằng bản Chú Giải của Ngài Tiểu Huệ Viễn. Chú sớ của cổ nhân giúp đỡ các đồng học.

Hiện thời có nhiều công cụ hơn, dùng máy thâu âm hay máy thâu hình để giảng giải nhằm giúp đỡ người đời sau, quá sức thuận tiện.

Chúng ta thành lập một Đạo tràng, quý vị phải ghi nhớ, Ấn Quang Đại Sư là một vị nhất đại Tổ Sư có đức hạnh, có trí huệ, Lão nhân gia dạy chúng ta: Trong tình hình xã hội hiện thời, kiến lập Đạo tràng hãy trọng phẩm chất, đừng coi trọng số lượng, tức là trọng thực chất, đừng coi trọng hình thức. Đạo tràng chớ nên to lớn. Thảo am nhỏ là lý tưởng nhất. Chúng thường trụ không nên hơn hai mươi người, dễ duy trì.

Các đồng học chí đồng đạo hợp ở cùng một chỗ cộng tu, một phương hướng, một mục tiêu, quyết định cầu sanh Tịnh Độ. Thảo am nhỏ ở được hai mươi người, người trong ấy tâm đều thanh tịnh. Nếu dựng một ngôi Chùa lớn, giàu có, lộng lẫy, nguy nga, có bao nhiêu người sẽ dòm ngó, nghĩ cách tranh đoạt.

Thích Ca Mâu Ni Phật thấy rõ ràng, cho nên, thuở Phật tại thế, Ngài giảng Kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm, chẳng dựng một Đạo tràng nào, ngay cả thảo am nhỏ cũng chưa hề dựng.

Vì sao?

Nay chúng ta hiểu rõ: Lập Đạo tràng sẽ có kẻ khởi ý niệm ác.

Cái gì cũng đều chẳng có, ba y một bát, trưa ăn một bữa, đêm nghỉ dưới cội cây, quý vị còn tranh đoạt gì nữa?

Vì thế, mỗi cá nhân đều thanh tịnh, chẳng tranh chấp. Thị hiện hay quá. Thị hiện từ bi đến cùng cực, Ngài thật sự chịu khổ thay cho chúng sanh.

Vì sao làm như vậy?

Nêu gương cho người đời sau xem. Nói thật ra, thân thể chúng ta trong hiện thời chẳng thể sánh với thân Phật, ngay cả đệ tử Phật, chúng ta cũng chẳng thể sánh bằng. Người ta là năm này qua tháng khác, đêm ngồi dưới cội cây, chẳng ngán gió táp, mưa tạt. Kinh bảo là Kim Cang bất hoại thân, người ta có đức hạnh.

Nay chúng ta không làm được, nay chúng ta nghỉ một đêm dưới gốc cây, nói chung là ngày hôm sau phải nằm phòng cấp cứu, chẳng có đức hạnh như người ta. Tướng chuyển theo tâm, tâm người ta thanh tịnh, chúng ta chưa đạt đến mức độ thanh tịnh ấy. Vì vậy, chớ nên không biết điều này.

Trong xã hội hiện thời, chúng ta càng chẳng thể rời khỏi xã hội, mỗi ngày nghiêm túc học tập trong tiểu Đạo tràng, đem công đức học tập hồi hướng cho xã hội, hồi hướng cho hết thảy chúng sanh khổ nạn, tiêu tai miễn nạn, chuyện này có thật hay không?

Thật đấy.

Trong Kinh, Đức Phật đã nói rất tuyệt: Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng. Có một nhóm người như thế, dùng cái tâm thanh tịnh hằng ngày cầu nguyện, chân thành cầu nguyện sẽ sanh ra hiệu quả. Đấy là đối với xã hội.

Trong xã hội có kẻ không tin, xưa nay, trong ngoài nước có rất nhiều sự tích linh nghiệm, hiện tại có hay không?

Hiện tại vẫn có. Dần dần khoa học cũng chậm chạp ấn chứng cho chúng ta, chứng tỏ cảnh chuyển theo tâm, chứng minh tướng do tâm sanh, kẻ thật sự có đức hạnh sẽ thật sự có cảm ứng.

Chẳng có đức hạnh thì sao?

Chẳng có đức hạnh thì cũng phải tham dự các sự nghiệp phước lợi xã hội. Các Tôn giáo ngoại quốc rất coi trọng việc này, họ lập viện dưỡng lão, cô nhi viện, dục ấu viện preschool, bệnh viện, làm rất nhiều, tôi cũng thấy rất nhiều, họ nhiệt tâm thực hiện các sự nghiệp từ thiện phước lợi xã hội.

Trong Phật Môn, những chuyện này là làm kèm thêm, chuyện thật sự phải làm là tự nâng cao cảnh giới của chính mình, thành tựu đạo đức và trí huệ, quý vị mới có thể thật sự giúp chúng sanh khổ nạn, thật sự có năng lực hóa giải tai nạn.

Vãn cận, Thái Hư Pháp Sư đề xướng nhân gian Tịnh Độ gần đây, Pháp Sư Thái Hư đề xướng nhân gian Tịnh Độ, vị này cũng là người sống trước chúng tôi một thế hệ, có khá nhiều cống hiến đối với Phật Giáo Trung Quốc, cũng có không ít trước tác.

Tằng tường dẫn Vô Lượng Thọ Kinh Văn cú từng trích dẫn cặn kẽ nhiều câu trong Kinh Vô Lượng Thọ. Trong khi diễn giảng, Sư trích dẫn Kinh Văn từ Kinh Vô Lượng Thọ rất nhiều.

Cái dĩ thử Kinh song chiếu thế xuất thế gian ấy là vì Kinh này soi rọi cả thế gian lẫn xuất thế gian, trong bộ Kinh này, Đức Phật giảng về pháp thế gian không ít, mà giảng pháp xuất thế gian cũng rất nhiều. 

Tường thị Chân tục nhị đế. Chỉ bày cặn kẽ chân đế và tục đế, Đức Phật nương theo Nhị Đế để thuyết pháp, đó là một tổng nguyên tắc của giảng Kinh, giáo học.

Đế là gì?

Nói theo cách phổ thông hiện thời, Đế là chân lý, chân thật, thực tại.

Có hai thứ chân lý: Một là tục đế, hai là chân đế. Tục đế là pháp thế gian, chân đế là Phật Pháp, thế gian và xuất thế gian đều quan tâm. chân đế là sau khi minh tâm kiến tánh, quý vị đã thấy được thật tướng của các pháp, những người tầm thường trong thế gian chúng ta rất khó lý giải điều này.

Thật tướng là thật, nhưng chúng ta chưa tu học đến trình độ ấy, nên Đức Phật chẳng nói chuyện này. Ngài giảng về pháp thế gian, cũng có nghĩa là Đức Phật rất thông hiểu những kiến thức thông thường.

Đức Phật nói về những kiến thức thông thường của người thế gian, chúng ta rất dễ tiếp nhận, rất dễ hiểu. Ngài dạy cha nhân từ, con hiếu thảo, anh nhường, em kính, chúng ta nghe rất vui vẻ. Đó là thế tục đế, chẳng phải là chân đế.

Chân đế giảng vạn pháp đều không, chúng ta sẽ không hiểu, chúng ta thấy rõ hết thảy các pháp hiện tiền, cớ sao là không?

Lẽ nào Phật là không?

Tôi không hiểu điều này. Đó là chân đế, thuộc về triết học cao cấp, người bình thường chẳng thể hiểu. Đức Phật nhìn vào căn tánh của chúng sanh, thấy quý vị thuộc trình độ nào bèn thuyết pháp đến mức đó. Vì thế, trong toàn bộ Phật Pháp, tiểu thừa toàn giảng về tục đế, chân đế cũng nói, nhưng rất ít.

***